Friday, April 19, 2024

10 ngày trước bầu cử: Bà Clinton gặp khó

Nguyễn Văn Khanh

“Bất kể vấn đề sẽ được giải quyết như thế nào, bất kể bà Hillary Clinton liên quan trực tiếp, gián tiếp hoặc ngay cả trường hợp không liên quan gì đến chồng email cơ quan FBI đang xem xét, uy thế chính trị của bà cũng vẫn bị sứt mẻ thêm, nếu đắc cử thì cũng khó làm việc.”

Người đưa ra nhận xét nêu trên là một nhân vật từng có thời làm việc trong chính phủ Dân Chủ Bill Clinton, từng tham gia cuộc vận động giúp bà Clinton đắc cử chức vụ thượng nghị sĩ, đại diện cho tiểu bang New York, cũng từng góp mặt trong dàn tham mưu khi bà Clinton ra tranh cử tổng thống lần đầu hồi 2008. Không ngần ngại đưa ra nhận xét ngay sau khi nghe được tin FBI sẽ mở lại hồ sơ để xem bà Clinton có phạm lỗi hình sự khi sử dụng máy chủ cá nhân để gửi và nhận email lúc còn giữ vai trò ngoại trưởng, nhân vật không muốn nêu tên này kể thêm “ngay từ lúc đầu, anh em (hiện đang làm việc với Ủy Ban Vận Động Clinton 2016) đã nói với tôi là họ nghĩ chuyện email sẽ trở thành vấn đề lớn, giải quyết ổn thỏa chẳng phải là dễ. Từ năm ngoái, có người bảo với tôi rằng dù tin tưởng bà Clinton sẽ đắc cử, nhưng e ngại ngay trong thời gian làm tổng thống, bà Clinton vẫn tiếp tục bị FBI điều tra.”

“E ngại” đó đã đến. Trưa Thứ Sáu vừa qua, ông James Comey, giám đốc FBI gửi thư cho các vị chủ tịch ủy ban của Quốc Hội Liên Bang, cho biết sau khi được nhân viên dưới quyền báo cáo “có những chi tiết mới có vẻ liên hệ đến cuộc điều tra (bà Clinton trước đây),” ông đồng ý nhân viên điều tra “nên có hành động thích đáng, xem xét những email (mới tìm thấy) rồi quyết định xem (những email này) có chứa đựng tin tức mật hay không.” Trong thư gửi những vị dân cử đang giữ vai trò quan trọng của Quốc Hội, ông giám đốc FBI cũng viết rằng hiện giờ FBI “chưa đánh giá các chi tiết (được ghi trong những email mới tìm thấy) có quan trọng hay không,” và không chắc “phải mất bao lâu cuộc điều tra này mới hoàn tất.” Dựa vào điều đó, nhiều nhà quan sát chính trị tin rằng có thể cuộc điều tra sẽ kéo dài cho tới sau ngày bầu cử mới kết thúc, tức dù bà Clinton đắc cử hay không đắc cử “lúc nào cũng phải sống trong cảnh phập phồng, không biết chuyện rồi sẽ đi tới đâu,” theo lời bà Martha O’Brien, một quan sát viên độc lập đang làm việc tại Colorado Springs, Colorado.

Theo bà O’Brien, “chuyện càng kéo dài bao nhiêu lâu, càng thuận lợi cho những người ủng hộ ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump và những người không ưa, không muốn thấy ba Clinton làm chủ Tòa Bạch Ốc,” đặc biệt “trái bom chính trị này lại bùng nổ vào lúc còn không đầy 2 tuần lễ nữa cử tri Hoa Kỳ đến phòng phiếu chọn người kế nhiệm ông Barack Obama.” Bà nhìn nhận “từng có lúc tôi nghĩ lực lượng cử tri trẻ, khối cử tri độc lập và khối cử tri ủng hộ ông Bernie Sanders sẽ nghiêng về phía bà Clinton, nhưng sau khi vụ này xảy ra, tôi không suy nghĩ như trước nữa.” Tại sao? “Tối hôm qua, tôi nói chuyện với một số cử tri đi bầu sớm, họ bảo nếu biết như thế này họ không bỏ phiếu cho bà Clinton. Tôi không xem câu chuyện họ kể như kết quả một cuộc thăm dò có tiêu chuẩn khoa học, nhưng những gì tôi nghe cho thấy sự tin tưởng cử tri dành cho bà Clinton sẽ giảm sút.”

Ngay sau khi nội dung lá thư ông giám đốc FBI gửi cho các vị dân cử đang lãnh đạo Quốc Hội được phổ biến, ông Donald Trump nói với những người ủng hộ ở Manchester, New Hampshire hãnh diện nhắc lại từ khi ra tranh cử đến giờ, “tôi nhiều lần nói với các bạn rằng Hillary là một người đàn bà gian xảo, chúng ta không để và không chấp nhận một người như bà ta điều hành đất nước,” nhấn mạnh “chúng ta không thể để bà ta tiếp tục âm mưu phạm pháp ngay trong Tòa Bạch Ốc.” Ông Trump cũng ca ngợi quyết định của ông giám đốc FBI, gọi đó là một hành động “can đảm,” nhưng cũng không quên nói với đại ý cho rằng chính ông cũng có công trong vụ này, khi tạo áp lực chính trị buộc FBI phải làm sáng tỏ điều ông gọi là “vụ này còn lớn hơn cả vụ (nghe lén) Watergate (khiến Tổng Thống Cộng Hòa Richard Nixon phải từ chức hồi 1974).”

Bên phía bà Clinton, trong cuộc họp báo tổ chức tại Des Moines, Iowa, ứng cử viên đại diện cho đảng Dân Chủ cho rằng chính ông giám đốc FBI James Comey nói “ông không biết các email mới tìm được có quan trọng hay không,” nhưng “bất kể những email này là gì” bà tin tưởng “vẫn không thay đổi quyết định FBI hồi Tháng Bảy,” khi cuộc điều tra kết luận bà không phạm lỗi để bị truy tố hình sự (lúc đó, ông Giám Đốc FBI có nói rằng bà Clinton “vô cùng bất cẩn” khi sử dụng email cá nhân vào việc công, có thể lộ tin tức bí mật quốc gia). Bà Clinton lớn tiếng đòi hỏi “FBI nên sớm giải thích chuyện này, không nên trì hoãn,” tức muốn FBI phổ biến những email đang có trong tay.

Tất cả những gì ông Trump hay bà Clinton nói với cử tri “đều là những điều ai đoán biết trước,” theo nhận xét của phân tích gia Bill Twinning. “ông Trump không bỏ lỡ cơ hội để tấn công đối thủ vì đây là chiếc phao cứu nguy từ trời rơi xuống đúng lúc ông cần phải có để chiến thắng, bà Clinton cũng cần phải lớn tiếng chỉ trích FBI để chứng tỏ mình không có lỗi, để những người ủng hộ bà an tâm.”

Trả lời câu hỏi “trái bom chính trị email” này sẽ ảnh hưởng thế nào đến cuộc bầu cử, ông Twinning trả lời “tôi chưa biết ông Trump sẽ được lợi tới mức nào, nhưng điều gần như chắc chắn là tỉ lệ cử tri ủng hộ bà Clinton sẽ giảm, giúp ông Trump cân bằng cán cân thắng bại.”

MỚI CẬP NHẬT