Sunday, May 5, 2024

Anh và trật tự Liên Âu

Hùng Tâm/Người Việt

Ý nghĩa lâu dài của chuyện Brexit

Ngày 23 này, người dân Anh Quốc Thống Nhất United Kingdom sẽ quyết định về việc có còn là thành viên của Liên hiệp Âu Châu, hay muốn ly khai, được gọi tắt là “Brexit.” Hồ sơ Người Việt đã liên tục trình bày nhiều khía cạnh của biến cố này. Bài hôm nay là một tổng kết tạm thời.

Cận ngày trưng cầu dân ý tại Anh, người ta để ý đến hai biến chuyển. Thứ nhất là các cuộc khảo sát ý kiến cho thấy chiều hướng Brexit gia tăng đột ngột. Biến chuyển đáng ngại ấy làm thị trường trái phiếu Âu Châu và thị trường cổ phiếu toàn cầu mất giá. Phân lời trái phiếu Âu Châu (yield) sụt mạnh và tại Đức thì rơi vào số âm: giới tiết kiệm mà cho vay thì còn mất tiền! Nếu Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Âu thì đây là một biến cố đầu tiên của cả tập thể và là một tiền lệ tai hại.

Tai hại đến mức nào, cho những ai?

Dự báo, phân vân và đánh lừa

Ngoại trừ một số chuyên gia và các thị trường chuyên biệt, người dân Hoa Kỳ và nhiều xứ khác không mấy quan tâm đến cuộc tranh luận Brexit, là Đi hay Ở. Bên trong Liên Âu thì người ta đã lo ngại và tìm cách dự báo. Nhưng kết quả dự báo lại thiếu thống nhất, có quá nhiều khác biệt vì kỹ thuật và vì mục đích chìm hay nổi của việc khảo sát và thẩm định.

Đầu tiên là trong cuộc tranh luận, mỗi phe lại dựa trên một số dữ kiện và giả thuyết hay kịch bản cơ sở để tiên đoán hậu quả, cho nên kết quả dự báo mới có khác biệt. Vì vậy, dù sử dụng nhiều phương trình kinh toán học tinh vi, người ta vẫn có thể rút tỉa nhiều kết luận trái ngược.

Thí dụ là phe bảo vệ hiện trạng, là Ở hơn Đi, như một công trình nghiên cứu của Bộ Tài Chánh Anh Quốc, thì kết luận rằng kinh tế Anh sẽ bị thiệt hại nặng, sản lượng có thể mất 7.5% trong 15 năm tới. Trái lại, doanh nghiệp quốc tế và độc lập là PricewaterhouseCoopers thì cho rằng tổng sản lượng Anh vào năm 2030 chỉ mất có 3.5% mà thôi. Hoặc như một nhóm xưng danh “Các Kinh tế gia ủng hộ Brexit” thì tính rằng kinh tế Anh vào năm 2030 sẽ giàu hơn 4% nếu Anh ra khỏi Liên Âu và không thương thuyết các thỏa ước đặc miễn với khối này. Lý do là nhờ vậy mà Anh Quốc sẽ tiết kiệm được 0.8% của sản lượng kinh tế vì khỏi tài trợ cho ngân sách Âu Châu và sẽ giảm thuế tương đương cho người dân Anh. Nước Anh là một trong 10 thành viên Liên Âu đã chi tiền cho ngân sách chung, chứ không được ngân sách đó tài trợ.

Kết luận ở đây là không ai biết trước tương lai nên chỉ có thể dự đoán, nhưng khi dự đoán thì người ta lại dùng nhiều số liệu hay giả thuyết thiên lệch, và nếu căn cứ vào đó mà quyết định thì có khi lại lầm. Nghĩa là khi chọn tin để loan báo, truyền thông có thể cũng thiên lệch mà không biết, hoặc dù có biết thì vẫn cố tình. Như vậy, độc giả hay khán thính giả có thể bị đánh lừa mà không hay!

Quy luật của nền dân chủ là “người dân mà muốn làm chủ thì phải biết.”

Ma trận Brexit và mê hồn trận chính trị

Nhân chuyện “Brexit,” hồ sơ Người Việt tìm hiểu tiếp tại sao lại có những dự báo rất chuyên môn và khoa học mà lại chẳng đáng tin.

Lý do thứ nhất là tính chất quá phức tạp của hồ sơ vì hiệu ứng Brexit trên kinh tế Anh – nếu ta chỉ chú ý đến hậu quả kinh tế – tùy thuộc vào quyết định sau đó 1/ của Chính quyền Anh, 2/ của 27 thành viên Liên Âu, và 3/ của khoảng 50 quốc gia đang có hiệp định kinh tế với Liên Âu. Việc thương thuyết lại điều kiện làm ăn giữa các nền kinh tế này có thể mất nhiều năm chứ không dễ dàng.

Lý do thứ hai là cơ chế Liên Âu chưa từng có tiền lệ là một thành viên đòi xé chiếu ngồi riêng.

Nền tảng pháp lý của của Liên Âu có Hiệp Ước Lisbon và Điều 50 liên quan tới việc một quốc gia thành viên muốn ra khỏi tập thể. Chính quyền Anh của Thủ Tướng David Cameron viện dẫn Điều 50 chưa từng được áp dụng để chứng minh rằng thủ tục ly khai sẽ chẳng mất hai năm mà còn kéo dài cả chục năm đầy những bất trắc. Chưa ai có thể biết thời hạn chuyển tiếp sẽ là hai năm hay mười năm.

Từ những căn bản mơ hồ đó, ai muốn kết luận thế nào cũng được. Ma trận kỹ thuật của Brexit mở ra một Mê hồn trận về chính trị. Chỉ có các thị trường tài chánh là phân vân không tin và chửa biết có Brexit hay không, Liên Âu lại chìm sâu hơn trong khủng hoảng.

Sau khi nhắc sơ về vài chi tiết rắc rối, hồ sơ Người Việt xin ngó vào tương lai.

Tương lai Liên Âu là bất định

Khi một cường quốc Âu Châu như Anh lại đòi rũ áo ra khỏi Liên Âu thì chúng ta phải thấy rằng tập thể này có vấn đề. Sau đó mới là sự lợi/hại của quyết định Đi/Ở của dân Anh.

Tự thân, Liên Âu là một tập hợp lý tưởng và lý thuyết gồm có nhiều thành viên đã tạm nhường cho cơ chế lãnh đạo tại thủ đô Bruxelles một số quyền hạn. Nhưng sau đó, nhiều thành viên như Pháp, Hung, hay Hy Lạp, đã đòi các điều kiện đặc miễn để thỏa mãn yêu cầu của cử tri ở nhà. Yêu cầu đó chính là lý tưởng của nền dân chủ, tức là chính đáng. Nếu không được chế độ đặc biệt thì có quốc gia đã tự nhiên phủ nhận yêu cầu của Bruxelles.

Trong khung cảnh hội nhập rời rạc như vậy, nhiều nước nhỏ hay nghèo – trường hợp Hy Lạp – đã có thể gây ra bế tắc, hoặc gạt qua một bên áp lực của các nước giàu, với khẩu hiệu hấp dẫn là chống lại chuyện “cá lớn nuốt cá bé.” Được lợi nhiều nhất nhờ hệ thống tiền tệ thống nhất là khối Euro, cường quốc cột trụ của Liên Âu là Cộng Hòa Liên Bang Đức bị mắc kẹt. Sự lỏng lẻo của cơ chế mở ra trận đánh chống chủ nghĩa tư bản hay tài phiệt Âu Châu, là các chủ nợ!

Nhồi trong vụ khủng hoảng tài chánh của khối Euro trong cơ chế Liên Âu là làn sóng di dân và một vụ khủng hoảng khác là nạn dân từ miền Nam muốn tràn vào Âu Châu. Sau đó là phong trào khủng bố. Ba vụ khủng hoảng tài chánh, di dân và khủng bố đang gieo họa cho một cơ chế thống nhất, dựa trên một lý tưởng về trật tự Âu Châu hình thành từ 70 năm trước.

Vì vậy, tương lai Liên Âu và thậm chí tương lai của cả Âu Châu là sự bất định. Vì vậy, Anh Quốc mới đắn đo suy nghĩ và dợm bước ra đi.

Nỗi niềm nước Anh

Quốc gia nào cũng phải đắn đo chọn lựa giữa những gì phải làm và những gì không thể làm nổi để bảo vệ quyền lợi của mình. Hơn nửa thế kỷ sau khi sa sút từ vị trí Đế quốc toàn cầu, nước Anh đang phân vân về tương lai của mình tại Âu Châu. Vì Liên Âu bị suy yếu, Anh Quốc có thể nhân đó yêu cầu thêm điều kiện đặc miễn có lợi cho mình, tức là vẫn ở trong tập thể mà đòi phân hơn. Nhưng nếu Liên Âu lại sa sút và phân hóa thì cái gọi là “phần hơn” ấy có đáng không?

Hay là nên đi tìm một tương lai khác?

Xưa nay, Anh có vị trí địa dư đặc biệt (xin xem lại Hồ Sơ Người-Việt của hai tuần qua) nên phải canh chừng các nước trong lục địa Âu Châu (gọi là Âu-Lục) để không cường quốc nào có thể đe dọa an ninh và quyền lợi của mình, như Pháp, Đức, và cả Liên bang Xô viết hay Liên bang Nga. Trong hiện tại, chẳng cường quốc nào tại Liên Âu có thể gây ra mối nguy đó, kể cả nước Đức. Nhưng nếu Liên Âu bị phân hóa, biết đâu chừng cột trụ này của Âu Châu, là nước Đức, sẽ phải củng cố vai trò và ảnh hưởng của mình?

Dù chuyện mâu thuẫn Anh-Đức còn xa vời thì từ một góc khác của Âu Châu, Liên Bang Nga có thể là bài toán mới cho nước Anh, nhất là sau khi Nga đã khống chế Georgia và đang khuynh đảo Ukraine và muốn tìm lại thế mạnh trên vùng biển Baltic ở sát lãnh hải của Anh. Hy vọng hợp tác Nga-Đức là một vấn đề mà Anh Quốc nên đối phó ở bên trong hay bên ngoài Liên Âu?

Cho nên, trong đà phân hóa và có thể tan rã của Liên Âu, vị trí của Đức và Nga là vấn đề cho Anh.

Giải pháp ứng phó có thể là Minh Ước Bắc Đại Tây Dương NATO và đồng minh truyền thống của Anh Quốc là Hoa Kỳ, là một thị trường lớn và một thế lực bảo vệ đáng kể nhất. Vì vậy, chuyện Brexit không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế của Anh và chẳng thu hẹp vào bang giao vắt qua biển Bắc, nó liên quan tới một cục diện rộng lớn hơn.

Ngược lại, nếu Anh có cần thị trường Âu Châu thì các nước Âu Châu cũng cần đến đầu cầu kinh tế của nước Anh. Vì vậy mà kịch bản Brexit mới làm các thị trường tài chánh Âu Châu náo động trong mấy ngày qua.

Kết luận ở đây là những gì?

Trật tự quốc tế xây dựng từ sau Thế Chiến 2 đang tới hồi tan rã, trước hết là tại Âu Châu. Cơ chế Liên Âu không thể cứu vãn được trật tự đó và ngoài Anh hay sau Anh, nhiều xứ khác cũng có thể đòi chia tay. Chuyện Brexit là cuộc khủng hoảng thứ tư của Liên Âu sau khủng hoảng tài chánh, di dân và khủng bố.

Sau khi lụn bại, trong nhiều thập niên Anh muốn đánh bạc trên hai cửa là củng cố quan hệ an ninh và kinh tế với Hoa Kỳ và thứ hai là tìm vai trò trọng yếu ngang tầm của mình trong cơ chế Liên Âu.

Khi Liên Âu suy yếu thì nước Anh có thể muốn phát triển quan hệ nhiều hơn với bên ngoài, kể cả khấu đầu hợp tác với Trung Quốc, nhưng vẫn không thể từ bỏ ảnh hưởng kinh tế và an ninh chiến lược với Âu Châu. Giải pháp Brexit là sự từ bỏ, làm Liên Âu càng suy yếu hơn, nhưng chưa chắc đã có lợi cho Anh.

Người dân nước Anh có hiểu như vậy không, chúng ta chưa biết.

MỚI CẬP NHẬT