Thursday, April 25, 2024

Hiểm họa của phong trào da trắng thượng đẳng

Việt Nguyên

Tháng Mười Một, 2019, tháng bầu cử giữa nhiệm kỳ với  nhiều tin tức trái ngược. Ngày 8 Tháng Mười Một, băng đảng Mễ, mafia El Chapo, đã phục kích giết chín người Mễ gốc Mỹ cộng đồng đạo Mormon ở vùng biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ. Tin tức chấn động với cái chết của bà mẹ và bốn con đã che mờ tin tức một tên khủng bố thuộc thành phần da trắng thượng đẳng đem bom đến đền thờ Do Thái Emanuel ở Pueblo, Colorado, bom không nổ chỉ để dọa giáo dân trong nhà thờ vì thù hận. Cùng thời gian này bà Liliana Segre 89 tuổi người Do Thái sống sót qua thảm sát Holocaust thời Đức Quốc Xã đã bị bọn chống dân Do Thái (Antisemitic) đe dọa giết 200 lần trong một ngày ở Ý.

Bộ Ngoại Giao Mỹ đồng thời cảnh báo phong trào da trắng thượng đẳng ở Mỹ và Âu Châu đang lên nguy hiểm cho cả dân Mỹ và thế giới. Bản tin xác nhận không có khủng bố đến từ biên giới phía Nam nước Mỹ.

Người Việt ở Houston, Texas, không thể quên được khủng bố KKK nhắm vào dân đánh cá người Việt ở Port Arthur, Seadrift và vùng vịnh Galveston trong thập niên 1970-1980. Nước Mỹ được xem là nước của di dân, dân các nước trên thế giới đều có giấc mơ đi Mỹ, một thiên đàng trong đó các sắc dân sống hòa hợp nhưng trong đó vẫn có một thiểu số vẫn kỳ thị di dân một phần vì ghen tị lúc đầu, ghét di dân nghèo vì chính quyền cho ăn tiền trợ cấp trong khi đó họ phải làm việc đổ mồ hôi, về sau thì họ lại ghen với những thành công của di dân.

Ngày 25 Tháng Mười Một, 1979 (40 năm trước) KKK đến làng đánh cá Việt Nam ở Seadrift bảo họ phải đi ra khỏi nhà và về nước. Vùng Pasadena, Texas, lúc ấy bị KKK gọi đến lúc 2 giờ sáng hăm dọa đốt nhà. Đêm đi đến vùng này, xe hết xăng dân Việt Nam không dám ngừng lại đổ xăng. Dân Việt vùng này từ từ dọn về vùng South Belt gần đó và vùng Bellaire Đông Nam Houston.

Từ năm 1979 đến năm 1981, nhiều thuyền đánh cá Việt Nam bị bắn và bị đốt cháy trên vịnh Galveston. Tổng Thống Jimmy Carter đã giúp dân tị nạn Việt Nam, nhận dân Việt từ các trại tị nạn Đông Nam Á vào Mỹ, đã bổ nhiệm bà chánh án Gabrielle Kirk McDonald người da đen đầu tiên làm chánh án xử vụ KKK đe dọa người Việt. Cầm đầu KKK, Grand Dragon, Texas Knight là Louis Beam. Anh hùng của người Việt thời ấy là cựu Trung Tá Nguyễn Văn Nam, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Houston và Vùng Phụ Cận. Ngày ấy cộng đồng có khoảng 130,000 người.

Ngày 14 Tháng Hai, 1981, Louis Beam đứng duyệt quân KKK ở Santa Fe trước khi tấn công dân đánh cá Việt Nam. Cuộc nội chiến Hoa Kỳ từ 1861 đã chấm dứt vào năm 1865, phong trào nhân quyền từ thập niên 1950 đến 1960 thành công nhưng không dẹp hẳn phong trào da trắng thượng đẳng cũng như 30 năm sau bức tường Bá Linh bị đập sập Cộng Sản vẫn chưa bị diệt hẳn.

Những cựu chiến binh Hoa Kỳ đã đóng góp vào công cuộc gìn giữ hòa bình tự do ở Việt Nam. Người Việt tị nạn không bao giờ quên công của họ, nhưng trong thành phần cựu chiến binh Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng có nhiều người mang mặc cảm cay đắng thua trận ở Việt Nam đi theo phong trào da trắng thượng đẳng, xem cộng đồng tị nạn Việt có Việt Cộng xâm nhập.

Louis Beam thủ lãnh KKK, nguyên là xạ thủ trực thăng trong thời chiến tranh Việt Nam, về Texas năm 1968 cho rằng chính quyền Hoa Kỳ đã bỏ rơi tù binh Mỹ ở Đông Nam Á nên lập ra trại huấn luyện tuyển lựa cựu chiến binh Mỹ thành quân KKK chống lại người Việt tị nạn và dân Latino. Thập niên 1970, Louis Beam tách rời ra khỏi KKK để lập đoàn quân độc lập da trắng thượng đẳng kết nối với David Duke lãnh tụ KKK ở Louisiana và phong trào Aryan Nation vùng Tây Hoa Kỳ. Phong trào được mệnh danh là ORDER, trật tự cho Mỹ Quốc bằng chiến lược “phản kháng không cần lãnh đạo.”

Trong lịch sử cận đại phong trào khủng bố da trắng thượng đẳng đã bùng lên với những vụ khủng bố nổi tiếng. Năm 1993, giáo phái Davidian do David Koresh cầm đầu, với bộ tư lệnh ở trang trại Mount Carmel trong vùng Axtell, Texas, 13 dặm Đông Bắc Waco. Nghi ngờ nhóm quá khích có chứa vũ khí, cơ quan ATF với lệnh tòa đến trại bắt ông đạo Koresh. Năm mươi mốt ngày cố thủ của David Koresh cuối cùng kết thúc ngày 19 Tháng Tư, 1993, với 76 người chết khi trang trại bị đốt cháy.

Vụ Waco dẫn đến vụ Timothy McVeigh và Terry Nichols đặt bom tòa nhà liên bang Alfred Murrah ở Oklahoma City đúng hai năm sau ngày 19 Tháng Tư, 1995, giết 168 người cho đến khi khủng bố 911 năm 2001 vụ đặt bom ở Oklahoma City là khủng bố nội địa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cơ quan an ninh đã thấy nhờ thông tin mạng lưới mà tin tức được loan truyền kín đáo và nhanh. Timothy McVeigh khai là không có đồng lõa nhưng nhờ tinh thần da trắng thượng đẳng đã nuôi dưỡng tinh thần tranh đấu trong cả thập niên.

Từ Oklahoma đến năm sau, 1996 một cuộc đặt bom tương tự ở Vacaville, California, đã xảy ra (mới đây từ Tháng Giêng đến Tháng Mười Hai, 2018, thành phố này đã bị dọa đặt bom nhiều lần). Eric Rudoph đặt bom ở Thế Vận Hội Mùa Hè Atlanta năm 1996 giết 117 người, hai năm sau đặt bom ở hai Clinic phá thai và bar đồng tính luyến ái.

Trang nhất báo Tribune-Star ở Terre Haute, tiểu bang Indiana, ngày 12 Tháng Sáu, 2001, chạy dòng tựa lớn về vụ đặt bom ở Oklahoma City, khủng bố nội địa lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, do Timothy McVeigh gây ra. (Hình: Tim Boyle/Getty Images)

Cho đến đầu năm 2000 chính quyền Hoa Kỳ đã tự cho là ngăn chận được tất cả khủng bố nội địa. Biến cố 911 năm 2001 ở New York đã che mờ nguy hiểm của khủng bố nội địa của phong trào da trắng thượng đẳng. Tất cả quan tâm về khủng bố từ Mỹ qua Âu Châu đều tập trung vào khủng bố Al Qaeda và cuộc Thánh Chiến Hồi Giáo. Năm 2005, Bộ Nội An chỉ có một chuyên viên phân tích làm việc về khủng bố không liên hệ đến Al Qaeda.

Ngay sau khi ông Barack Obama đắc cử tổng thống, khủng bố cực hữu đã bùng lên. Mạng lưới Stormfront lập ra năm 1995, mạng lưới phổ thông nhất cho hận thù của da trắng quốc gia quá khích đã tăng hội viên ngay sau ngày bầu cử 5 Tháng Mười Một, 2008. Khi tìm trên Google, ba chữ thông dụng nhất là Obama, KKK và Niggers.

Năm 2009, Bộ Nội An đã cảnh báo phong trào cực hữu cực đoan tăng lên nhưng thiếu người và tài chính. Những vụ đặt bom nhắm vào Boston Marathon của khủng bố Hồi Giáo quá khích lại làm che mờ phong trào da trắng thượng đẳng.

Cũng giống như KKK Louis Beam ở Texas thập niên 1970, trung tâm Soufan ở New York do cựu nhân viên FBI điều hành cho biết các cựu chiến binh Hoa Kỳ lại được tuyển mộ vào các nhóm da trắng thượng đẳng như “Atom Wafen” và “the Rise above.”

Anh hùng da trắng thượng đẳng là Brenton Tarrant, người tấn công vào Christchurch ở Tân Tây Lan vào Tháng Ba vừa qua với 51 người chết. Tarrant đã viết bản tuyên ngôn 74 trang dựa vào các lời viết trên mạng của Dylann Roof hung thủ vụ giết chín người Mỹ da đen ở nhà thờ Charleston, tiểu bang South Carolina. Tarrant ca ngợi phát xít và xem Tổng Thống Donald Trump là “biểu tượng và mục tiêu chung” của phong trào.

Phong trào da trắng thượng đẳng ngày trước chống chính quyền liên bang nhưng những năm sau này ủng hộ chính quyền hiện tại vì họ xem chính quyền đang thông cảm với mục tiêu của họ. Phong trào đồng ý với nhận định căn bản: “Dân da trắng sẽ bị đồng hóa vì hôn nhân khác màu da, di dân làm dân số Hoa Kỳ thay đổi bất lợi cho dân da trắng, chỉ có một biện pháp có thể thay đổi tình trạng này là bạo động bằng vũ khí”.

Tổng Thống Trump không là thủ lãnh của phong trào da trắng thượng đẳng nhưng những hành động và lời nói của ông vô tình hay cố ý, hay có tính cách pha trò khôi hài hay bị giới truyền thông thiên tả cố ý xuyên tạc đã là ngọn lửa châm thêm cho phong trào bùng cháy.

Ngày 29 Tháng Chín, 2019, qua Twitter ông đã ví luận tội của đảng Dân Chủ như là cuộc đảo chánh sẽ dẫn đến nội chiến. Nhóm cực hữu dân quân vũ trang Oath Keepers (giữ lời thề) đã xem những lời nói này là dấu hiệu cho biết “chúng ta đang tiến đến bên lề nội chiến nóng.”

Năm 2018 trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, Cesar Sayoc Jr. kẻ cuồng tín ủng hộ Tổng Thống Trump đã gửi bom đến 13 đảng viên Dân Chủ nổi tiếng trong đó có cựu Tổng Thống Obama, bà cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, tỷ phú George Soros, tài tử Robert De Niro, những người chỉ trích Tổng Thống Trump và đài CNN. Bị tù 20 năm nhưng cái gương của Soyoc không làm các thành phần Tân Quốc Xã chùn bước.

Robert Bowers thuộc thành phần quá khích chống di dân bắn chết 11 người Do Thái làm lễ ở đền thờ Do Thái Pittsburgh, cuộc tấn công chống Do Thái lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Khủng bố giáo dân Do Thái hơi lạ vì Tổng Thống Trump hoàn toàn ủng hộ quốc gia Do Thái ở Trung Đông. Tháng Tám, 2019, Patrick Crusius, da trắng quá khích, giết 22 người ở tiệm Walmart trong khu Mễ ở El Paso, Texas.

Vài ngày sau Eric Lin, Tân Quốc Xã, đe dọa một bà gốc Mễ trên Facebook vì Tổng Thống Trump sẽ bắt đầu “cuộc viễn chinh và chiến tranh sắc tộc.” Thành phần Tân Quốc Xã đã hành động như vậy vì Tổng Thống Trump đã gọi di dân từ biên giới phía Nam là quân xâm lăng, di dân Hispanics gây tội ác nhiều hơn là dân Mỹ và quân thánh chiến Hồi Giáo trà trộn vào Mỹ từ biên giới Mễ (khác với bản tin mới nhất của Bộ Ngoại Giao).

Patrick Crusius đã ra bản tuyên cáo trên mạng “cuộc tấn công ở Walmart đáp ứng lại sự xâm lăng của dân Hispanic vào Texas.” Ký giả William Saletan viết tóm tắt trên tờ Slate: “Khi dân Hồi Giáo gây tội ác Trump đổ tội cho các tu sĩ và tư tưởng Hồi Giáo, khi da trắng quá khích gây tội ác Trump nói tuyên truyền kỳ thị da màu không đóng vai trò gì.”

Bạo động do phái cực hữu quá khích gia tăng từ ngày Tổng Thống Trump lên cầm quyền như là một phản ứng sau tám năm cầm quyền của ông Obama – tổng thống da đen đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ.

Theo cơ quan FBI, tội ác về kỳ thị màu da và chủng tộc tăng 17% trong năm 2017, tội ác chống dân Do Thái tăng 37%. Thống kê của trung tâm Anti-Defamation League cho thấy 387 trường hợp sát nhân từ năm 2008 đến năm 2017 gây ra do các nhóm khủng bố quá khích nội địa, 71% do đám cực hữu, 26% do Hồi Giáo quá khích chỉ có 3% do đám quá khích cực tả. Theo bằng chứng công bố từ Quốc Hội vào Tháng Sáu, 2019, năm 2018 có 50 vụ giết người do cực hữu cuồng tín, 78% là da trắng thượng đẳng. Thống kê cho thấy như vậy, chứng minh rõ ràng nhưng chính quyền Trump vẫn chỉ chú trọng đến khủng bố Hồi Giáo quá khích. Tổng Thống Trump đã “tweet” ngược lại với tất cả thống kê và tường trình: ba trong bốn kẻ tội phạm bị kết án liên quan đến khủng bố là dân sinh ở nước ngoài.

Khủng bố cực hữu lan khắp thế giới tạo ra mạng lưới khủng bố như Bộ Ngoại Giao Mỹ cảnh báo. Mạng lưới học theo mạng lưới Hồi Giáo Thánh Chiến Jihad đặt ổ ở Ukraine. Nhóm cực hữu quá khích ở Ukraine có tên Right Sector. Jarrett William Smith, lính Mỹ Fort Riley Quilts bị bắt hồi Tháng Chín được trung tâm này huấn luyện, có âm mưu giết ứng cử viên tổng thống Dân Chủ Beto O’Rourke và đặt bom đài CNN.

Các lãnh tụ quốc gia cực đoan như Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte và Tổng Thống Brazil Jair Bolsonaro ủng hộ các phe quá khích. Nazi và Phát Xít sau Thế Chiến Thứ Hai vẫn không bị diệt hoàn toàn nhất là từ 1960 đến 1980 các cuộc khủng bố ở Âu Châu từ Pháp, Đức, Ý, Scandinavia, Anh, Hungary và Ba Lan phần lớn do nhóm Tân Quốc Xã, Ordine Nuovo ở Ý, National Action ở Anh, Old School Society ở Đức chống cả Do Thái và Hồi Giáo. Mục tiêu hàng đầu của khủng bố cực hữu ở Âu Châu tương tự như ở Hoa Kỳ.

Nguy hiểm cho Tổng Thống Trump vào mùa bầu cử là khủng bố cực hữu da trắng thượng đẳng đang xem ông Trump là mô hình lãnh đạo qua lời tuyên bố của đại sứ Hoa Kỳ ở Đức, người trung thành với ông Trump, hồi Tháng Sáu, 2018, “Tôi muốn tăng sức mạnh cho phe cực hữu ở Âu Châu.” Bộ Tư Pháp Mỹ mới đây phải thừa nhận là chính quyền đã lơ là về khủng bố nội địa và tội ác vì thù hận màu da, thiếu chuẩn bị đối phó với khủng bố cực hữu, cả chính quyền liên bang và địa phương đều báo cáo thiếu sót về các tội ác này.

Tường trình trước Quốc Hội hồi Tháng Sáu, bà Elizabeth Neumann, phụ tá thứ trưởng về chính sách an ninh và phòng ngừa khủng bố của Bộ Nội An, đã công nhận: “Chúng tôi chưa làm đủ và chính quyền chưa ký lại trợ cấp (Grant) 10 triệu, ngược lại đã giảm ngân sách của văn phòng từ 21 triệu xuống còn 3 triệu.”

Vào Tháng Chín, Bộ Nội An đã công bố chiến lược chống khủng bố đồng ý chú trọng khủng bố nội địa ngang với khủng bố Hồi Giáo quá khích mặc dù chưa thành luật.

Ngăn chận khủng bố là nhiệm vụ của mọi người từ tổng thống đến thường dân, mọi người phải có hiểu biết, trong nước dân chủ không thể có những hình thức tranh đấu bạo động như chiến thuật của Cộng Sản. Các công ty tư đã bắt đầu có ý thức. Ngay sau thảm sát ở El Paso, công ty Cloudfare đã đóng mạng 8chan. Các công ty khác như Facebook và Twitter cũng có những dự định tương tự.

Timothy McVeigh, Louis Beam và Pierce các lý thuyết gia của phong trào da trắng thượng đẳng đã ra những bản tuyên ngôn như Marx, hành động bạo lực tự phát không cần lãnh đạo để tạo nên những cuộc khủng bố vô biên giới.

Mùa Lễ Tạ Ơn đến, chỉ mong Tổng Thống Donald Trump nhớ đến tinh thần của những người Anh Giáo đến Mỹ trên chiếc thuyền Mayflower, những người tị nạn đã được thổ dân da đỏ ân cần đón tiếp giúp đỡ trong những bước đầu lập nghiệp trên đất mới. (Việt Nguyên)

MỚI CẬP NHẬT