Friday, April 26, 2024

Hiệu ứng Donald Trump và Âu Châu

Hùng Tâm/Người Việt

Vì sao nhiều lực lượng Âu Châu chào mừng chiến thắng của Donald Trump?

Lãnh đạo các nước Âu Châu không che giấu được nỗi bàng hoàng về việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ. Sau khi bị bất ngờ, truyền thông thuộc chính mạch của Mỹ ồn ào tường thuật sự thất vọng ấy nên tiếp tục khỏa lấp một chuyển động chung và lớn lao ở hai bờ Đại Tây Dương: việc ông Trump đắc cử chỉ là một nối tiếp của sự thất vọng của quần chúng ở dưới về giới lãnh đạo kinh tế, tài chánh và chính trị trên thượng tầng và sẽ củng cố niềm tin của các lực lượng đang muốn thay đổi trật tự cũ của Âu Châu.

Hồ sơ Người Việt sẽ đào sâu chuyện này cho quý độc giả thấy ra nhiều hậu quả sắp tới.

Davoshomoticus lâm nguy

Từ mấy chục năm nay, mỗi đầu năm, giới lãnh đạo kinh tế tài chánh và chính trị các nước thường tham dự Diễn Đàn Kinh Tế Toàn Cầu, World Economic Forum, tại đỉnh tuyết Davos của Thụy Sĩ để mấy ngàn nhân vật quan trọng nhất thế giới họp hành về chiều hướng phát triển của tương lai. Đây là nơi mà giới thượng lưu có tiền, có quyền và có ảnh hưởng cùng tiếp xúc và mặc nhiên củng cố sức mạnh của tư bản chủ nghĩa cho nhau.

Quan trọng là chữ “cho nhau,” một tóm gọn của “chủ nghĩa tư bản thân tộc” crony capitalism.

Những ai tin vào “thuyết âm mưu” thì nghĩ rằng thành phần quyền thế ấy nắm trong tay trật tự thế giới. Truyền thông chuyên đề còn có thể tường thuật một số ý kiến được trình bày qua các bài tham luận kinh tế hay diễn văn chính trị, chứ báo chí bình thường thì chỉ cho biết sơ lược về một thứ “Quang Minh Đỉnh” hàng năm giữa các kinh tế gia và chính trị gia trên đỉnh tuyết.

Khởi sự từ năm 1971, thượng đỉnh Davos đã có ảnh hưởng quốc tế vượt bậc khi Liên Xô tan rã và Chiến Tranh Lạnh kết thúc, với sự tham gia sau đó của lãnh đạo Bắc Kinh và Moscow.

Thật ra, đây là cơ hội trao đổi ý kiến và mở rộng quan hệ nhằm tạo ra mạng lưới của quyền lợi kinh tế và quyền lực chính trị giữa một thiểu số ưu tú với nhau. Giới thượng lưu ấy được gọi là “Davos Homoticus,” “Người Davos,” là bậc siêu nhân có thể quyết định về nhiều vấn đề hệ trọng cho nhân loại. Trong cõi siêu phàm ấy, người ta thấp thóang thấy bóng dáng của lãnh đạo các nước, giới điều hành các định chế tài chánh quốc tế và quốc gia, giới tài phiệt cầm đầu các doanh nghiệp toàn cầu và các chuyên gia kinh tế thượng thặng. Họ bàn luận chuyện thiên đình quanh yến tiệc linh đình, ở bên ngoài sự hiểu biết của dân chúng bình thường.

Nhưng từ mấy năm nay, họ chẳng thấy ra nỗi lầm than của quần chúng bình thường đó ở nhiều nơi trên thế giới, gần nhất là ở chính Âu Châu, dưới chân đỉnh tuyết Davos của rặng núi Alps.

Quần chúng lầm than đó không chấp nhận trật tự quốc tế, do lãnh đạo kinh tế là doanh gia toàn cầu và các thống đốc ngân hàng trung ương, hay các cơ chế siêu quốc gia, như Hội Đồng Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, cùng thiết lập để phát huy tinh thần hợp tác toàn cầu cho nền hòa bình và thịnh vượng chung. Họ không được hưởng sự thịnh vượng mà phải chấp hành những lý luận hay quyết định xa xôi trên đỉnh Davos hay tại thủ đô Bruxelles của Liên Âu.

Quần chúng lầm than đó đã bất mãn mà ở trên không biết. Hậu quả là “người Davos” bị ngạc nhiên, y hệt như người ta ngạc nhiên về chiến thắng của Donald Trump. Vì lý do kinh tế, quần chúng bất mãn đã làm một cuộc cách mạng chính trị.

Nếu còn sống, Đức Giáo Hoàng John Paull II đã có thể nhắc nhở điều Ngài phát biểu từ gần 40 năm trước: “Tự do cả nhân chỉ thể hiện nhờ nền dân chủ, trong một quốc gia có chủ quyền.” Là người gốc Ba Lan, Ngài không thể quên rằng khi ấy quê hương mình chưa có chủ quyền và đồng bào của ngài chưa có dân chủ. Khi thượng đỉnh Davos phát huy ảnh hưởng toàn cầu sau năm 1992 thì Ba Lan đã thu hồi lại chủ quyền và người dân thực thi quyền dân chủ.

Mời độc giả xem video: Trump và Pence cải tổ ủy ban đặc trách chuyển giao chính phủ

Ngày nay, nhiều người Âu Châu nhân danh nền dân chủ mà đòi quốc gia giành lại chủ quyền từ tay các định chế siêu quốc gia, từ giới công chức quốc tế trong cơ chế Liên Âu. Phong trào ly khai khỏi Liên Âu – điển hình là quyết định “Brexit” đầy bất ngờ của dân Anh – là hậu quả không bất ngờ khi người ta thấy các chính đảng lớn đã từng chia nhau cai trị Âu Châu theo hướng trung tả hay trung hữu đều mất dần uy tín và ảnh hưởng trước sự vùng dậy của các lực lượng cực đoan hơn từ cả hai cánh tả và hữu.

Chiến thắng của Donald Trump trong nội bộ đảng Cộng Hòa ở vòng sơ bộ rồi trong cuộc bầu cử toàn quốc vào tuần qua tại Hoa Kỳ là một nối tiếp không đáng ngạc nhiên của cuộc nổi dậy đã khởi sự tại Âu Châu từ năm 2010 trở về sau. Giới lãnh đạo Âu Châu sở dĩ ngả về phía Dân Chủ và Hillary Clinton không vì chủ trương hay tư cách của cá nhân Donald Trump mà vì hệ thống chính trị của họ đã bị rung chuyển. Họ muốn bảo vệ trật tự cũ, ở nhà.

Cùng với “người Davos,” họ e ngại thiên đình sẽ bị lật!

Hiệu ứng Donald Trump tại Âu Châu

Sau khi ông Donald Trump đắc cử, lãnh tụ của phong trào nổi dậy tại Âu Châu đã ăn mừng, mà truyền thông dòng chính chẳng mấy tường thuật. Họ không biết, không thèm biết hay chẳng dám viết ra?

Thí dụ như đảng Mặt Trận Quốc Gia của Pháp, Phong Trào Năm Sao của Ý, đảng Tự Do của Hòa Lan, hay đảng Độc Lập Anh Quốc lập tức đánh điện chúc mừng người đã cả thắng hệ thống chính trị và truyền thông của giới ưu tú Âu Mỹ. Chiến thắng của ông Trump cũng là chiến thắng của phong trào ly khai tại Âu Châu và sẽ ảnh hưởng tới các cuộc tranh cử hay trưng cầu dân ý sắp tới, với cao điểm là năm 2017.

Từ nay, khi đọc báo – hay làm báo – ta nên chú ý tới hơn một chục thời điểm sau đây vì các biến cố này tác động vào nhau trong thế liên hoàn, với ảnh hưởng đáng kể của “hiệu ứng Donald Trump” bên Mỹ.

Ngày 20 này, phong trào trung hữu và đảng Cộng Hòa tại Pháp có vòng sơ bộ, không để thắng đảng Xã Hội đang cầm quyền với Tổng Thống Francois Hollande về nào cũng đang nằm ngang tầm cỏ, mà để chặn đà Mặt Trận Quốc Gia dưới sự lãnh đạo của Marine Le Pen. Hiện nay, đảng Front National chiếm 30% số phiếu và sẽ dễ dàng bước vào vòng hai, với ai sẽ là đối thủ? Ngày 4 Tháng Mười Hai (vài tuần nữa thôi), Ý Đại Lợi sẽ có trưng cầu dân ý về tu chỉnh hiến pháp và kết quả có thể gây chấn động chính trị từ Ý lan ra toàn cõi Liên Âu. Cùng hôm đó, nước Áo có bầu cử tổng thống và khuynh hướng chống Liên Âu sẽ thắng bại ra sao? Đến cuối năm, việc chấn chỉnh và thanh toán món nợ của Hy Lạp sẽ lại gây tranh luận về Grexit và về tương lai của khối Euro.

Qua năm 2017, từ 22 tới 29 Tháng Giêng, tới lượt đảng Xã Hội Pháp sẽ vào vòng sơ bộ cho cuộc bầu cử tổng thống vào hai ngày 23 Tháng Tư và mùng bảy Tháng Năm và cuộc tổng tuyển cử Pháp vào hai ngày 11 và 18 Tháng Sáu. Ngày 15 Tháng Ba, Hòa Lan có tổng tuyển cử, vài tuần trước với việc thương thuyết về Brexit giữa Vương Quốc Anh với Liên Âu vào cuối Tháng Ba và cuộc bầu cử tại tiểu bang Saarland của Đức. Suốt mấy tháng, các cuộc bầu cử địa phương tại Đức sẽ lên tới đỉnh là tổng tuyển cử vào Tháng Mười, khiến Thủ Tướng Angela Merkeo có khi thất cử! Trước đó, nước Ý có tổng tuyển cử vào Tháng Năm và đất Catalonia sẽ có trưng cầu dân ý về việc ly khai khỏi Tây Ban Nha!

Donald Trump chẳng gây ra những biến động này, nhưng chiến thắng của ông khiến các nước Âu Châu không thể yên tâm.

Khác biệt Âu-Mỹ

Sau khi thấy ra sự hợp lý không bất ngờ của “hiệu ứng Donald Trump,” chúng ta còn cần tìm hiểu đặc tính dân chủ và thể thức bầu cử của nhiều nước Âu Châu. Nó có khác Hoa Kỳ và dẫn tới nhiều kết quả khác.

Thí dụ như nước Pháp thiên về tổng thống chế – hơi gần với Hoa Kỳ – và áp dụng thể thức phổ thông đầu phiếu chứ không theo thể thức gián tiếp là lá phiếu cử tri đoàn như nước Mỹ. Dân chúng trực tiếp bầu tổng thống Pháp và người đắc cử phải đạt đa số trên 50%. Nếu không đủ thì hai tuần sau, hai ứng cử viên dẫn đầu sẽ vào vòng hai. Với đảng Mặt Trận Dân Tộc đang được khoảng 30% cử tri ủng hộ – và dẫn đầu – hai đảng trung tả và trung hữu phải tranh đua hoặc liên kết với nhau để Marine Le Pen không đắc cử tổng thống và đưa nước Pháp ra khỏi Liên Âu! Hai đảng này hết hồn về chiến thắng của Donald Trump!

Ngược lại, Đức và Hòa Lan lại theo Đại nghị chế, là Lập pháp bầu lên người lãnh đạo Hành pháp sau tổng tuyển cử: phe chiếm đa số trong quốc hội sẽ đề cử người lên làm thủ tướng. Khi ấy, các đảng chủ trương ly khai như đảng “Giải pháp khác cho Đức” hay đảng Tự Do của Hòa Lan vẫn chiếm đa số chưa thể cầm quyền, nhưng thừa khả năng chi phối các chính đảng lớn trong liên minh cầm quyền và từ đó chi phối cả quyết định của cơ chế Liên Âu.

Cũng vậy, các chính đảng truyền thống bị suy yếu tại nước Áo và Phần Lan đã chấp nhận cho phe nghi ngờ Âu Châu được vào liên minh cầm quyền. Chiến thắng của ông Trump khiến liên minh cầm quyền đó suy yếu hơn và phải nhượng bộ các lực lượng Euroskeptic. Tại Ý, tình hình còn rắc rối hơn nữa vì có luật lệ bầu cử mới làm đảo lộn chiến lược tranh cử và liên kết giữa các chính đảng. Hiệu ứng Donald Trump là cơ hội mới cho Phong Trào Năm Sao mà là ác mộng cho các chính đảng trung tả và trung hữu.

Nếu các nước sáng lập ra Liên Âu, như Pháp, Ý, Đức hay Hòa Lan mà bị chấn động vì “hiệu ứng Donald Trump, thì tương lai Liên Âu sẽ thành vấn đề.

Kết luận ở đây là gì?

Trật tự thế giới thành hình sau Thế Chiến II đang lung lay vì nhiều chuyển động kinh tế xã hội trong các nước Tây phương. Donald Trump chỉ là hậu quả hay triệu chứng của những chuyển động ấy, nhưng sẽ khuếch đại trào lưu thách đố trật tự cũ tại Âu Châu.

MỚI CẬP NHẬT