Friday, April 26, 2024

Năm mới, nhìn về liên hệ Mỹ Hoa

Cổ Lũy

Năm mới, cột báo “Từ Nam California” hân hoan trở lại với bạn đọc sau khi vắng bóng một thời gian. Cột báo tiếp tục trình bày lối nhìn hướng về công bằng, bao dung đặc thù của miền Tây Thái Bình Dương.

***

Tựa cột báo với chữ “nhìn về” cũng gợi ý nhìn qua bên kia Thái Bình Dương. “Nhìn về phương Ðông mù mịt,” may mắn thay được nhìn thấy ánh sáng qua những nghiên cứu, khám phá mới mẻ của giáo sư chính trị học và bang giao quốc tế Mark Beeson, thuộc Viện Ðại Học Western Australia, Úc Châu.

Năm 2016 vừa qua ông đã đưa ra bốn công trình nghiên cứu về chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Ông cũng đi nhiều nơi để khảo sát, trao đổi và nhận giải thưởng về công trình của mình theo truyền thống nghiên cứu đại học.

Công trình thứ sáu vào cuối năm đặt nhiều câu hỏi về bang giao Mỹ-Hoa và cố gắng đưa ra một số trả lời. Liên hệ giữa hai siêu cường thượng đỉnh (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa tràn ngập) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới; riêng trường hợp Việt Nam hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài.

Người viết xin trình bày những ý chính của tác giả, kèm thêm những giải thích cần thiết và góp ý.

Yếu tố ảnh hưởng đến ngoại giao

Cách đây vài năm Ðông Á (bao gồm Việt Nam) đã phát triển kinh tế vô cùng ngoạn mục. Nhiều giới quan sát tin rằng trọng tâm kinh tế đã xoay chuyển về phương Ðông, dẫn đường vào một “Kỷ nguyên Á Châu.” Nhưng ngày nay mức phát triển kinh tế Ðông Á lại không mấy “màu hồng” đi kèm với những “ bất ổn và nguy hiểm chiến lược,” thay vì hòa bình và tiến bộ.

Ðây có thể bị xem như hơi quá quắt và “la hoảng/alarmist;” tuy nhiên, nhiều dấu hiệu đáng ngại cũng dễ nhận ra nếu người ta để ý tình trạng kinh tế đi xuống kéo dài ở Trung Quốc song song với những phát triển quân sự cùng va chạm trong vùng biển Hoàng Hải, và Biển Ðông.

Cải tổ kinh tế từ thập niên 1980 bắt đầu khi Chủ Tịch Ðặng Tiểu Bình (“thực tiễn” và nổi tiếng với câu “Mèo trắng hay đen cũng tốt miễn bắt được chuột”) đưa vào Trung Quốc những nguyên tắc kinh tế thị trường Âu-Mỹ. Với thay đổi luật lệ, mở rộng thêm tư hữu hóa và thị trường toàn cầu thập niên 1990 Tổng Sản Lượng Nội Ðịa/GDP gia tăng, mức phát triển kinh tế hàng năm lên trên dưới mười phần trăm.

Một phần tư thế kỷ sau, Bắc Kinh đã đạt được những thành quả lớn lao: giảm thiểu nghèo đói, gia tăng lợi tức và mức sống nói chung. Nhưng nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa vẫn nắm giữ một số kinh tế then chốt và triệt để cấm đoán các tự do chính trị (tự do truyền thông, tôn giáo, hội đoàn,…). Ðường lối “đi hàng hai” này (tha hồ làm ăn, triệt để hạn chế tự do) dễ gây bất mãn trong giới trung lưu có học vì nó đi ngược lại mơ ước “thành quả kinh tế dẫn tới tự do dân chủ.” Rồi lại thêm yếu tố chênh lệch giai cấp ghê gớm do kinh tế tham nhũng kiểu “phe đảng, quen biết móc nối” đè nặng nặng lên nhiều giai cấp thấp.

Gần đây, khi kinh tế đi xuống thúc đẩy người có tiền của chuyển của cải và tài sản ra nước ngoài, tình trạng băng hoại càng tệ hơn, dấu hiệu mầm nội loạn không kiểm soát nổi đã lấp ló trong nước với gần một tỷ rưỡi người.

Một cách đối phó cổ điển là “quạt” ngọn lửa tự ái quốc gia hướng dân tới tranh chấp với những “kẻ thù” quanh vùng lẫn từ xa. Hoa Kỳ là đối tượng này dù từng và vẫn đóng vai trò lớn thúc đẩy kinh tế Hoa: “khách sộp” tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ Hoa đưa đến mức thâm thủng ngoại thương Mỹ hàng trăm tỷ. Nhưng ông Beeson lại để ý đến khía cạnh khác.

Ði tìm vai trò ‘Con Trời/Trời Con?’

Theo Beeson, giống như nhiều nước Ðông Á, Trung Quốc mang rất nhiều tự ái dân tộc. Cùng với “năm nghìn năm văn hiến” trung tâm vũ trụ, nước này phải trải qua “thế kỷ nhục nhã” dưới áp chế từ người phương Tây, từ Chiến Tranh Thuốc Phiện Ðầu (1839) cho tới lúc Cộng Hòa Nhân Dân thành hình (1949).

Cũng dễ hiểu nếu sau “nhục nhã” giới lãnh đạo Bắc Kinh và dân chúng đều muốn lấy lại vai trò tối thượng trong vùng, nếu không nói là toàn cầu. Tây phương phải công nhận địa vị hàng đầu của Trung Quốc là “mục tiêu chính trong chính sách ngoại giao” của Bắc Kinh. Bắc Kinh “vẫn bị ám ảnh bởi quyền bá chủ thế giới” nằm trong tay Hoa Kỳ dù Washington đã đóng vai trò không nhỏ trong việc “tạo dựng bối cảnh quốc tế” giúp Trung Quốc “lại đi lên như một cường quốc đáng kể.”

Nếu giới làm chính sách và trí thức, học giả Mỹ xem Hoa Kỳ như một nước “vô cùng cần thiết” trong việc duy trì hòa bình và thịnh vượng ở Ðông Á, qua lăng kính giới học giả, trí thức Hoa, Washington lại giống như “người gây hấn và kẻ lạ” với nhiều đồng minh và liên minh làm Bắc Kinh khó chịu. Ðây như một “sỉ nhục” rằng Bắc Kinh thật sự không nắm mấy liên minh, đồng minh. Bắc Kinh vẫn không muốn công nhận sự thật rằng phát triển kinh tế ngoạn mục ở Ðông Á khó thể thành hình nếu Hoa Kỳ đứng ngoài vai trò lịch sử như “một thị trường, nguồn viện trợ, và bảo trợ đích thực trật tự kinh tế cởi mở.”

Ông Beeson tạm kết luận: những câu hỏi quan trọng bây giờ là Washington có “sẵn sàng và khả năng tiếp tục đóng vai trò trên,” và Bắc Kinh có “sẵn sàng chấp nhận” điều này chăng? Những câu trả lời sẽ quyết định tương lai vùng Ðông Á và có thể là toàn cầu.

MỚI CẬP NHẬT