Friday, April 26, 2024

Súng đạn, bạo động, chủng tộc trong xã hội Mỹ

Việt Nguyên

Bạo động bùng phát vào trung tuần tháng 7 trong nước Mỹ cùng với bạo động ở Pháp sau cuộc động đất Brexit ở Anh. Hoa Kỳ như sắp bước vào một thời kỳ đen tối trong giai đoạn chính trị tranh tối tranh sáng của một quốc gia với hai đảng chính trị không đoàn kết và đảng Cộng Hòa chia rẽ.

Bạo động bùng phát vào trước ngày khai mạc đại hội đảng Cộng Hòa. Trong một tuần, 4 vụ thảm sát cùng với khủng bố ở Nice trong ngày độc lập Pháp. Từ Baton Rouge, Louisiana, cảnh sát bắn chết Alton Sherling thanh niên da đen 37 tuổi trước tiệm tạp hóa lên đến St Paul, Minesota, qua Dallas với thanh niên da đen Micah Xavier Johnson phục kích bắn chết 5 cảnh sát giận dữ với dân da trắng, trở lại Baton Rouge với hung thủ Gavin Long từ Kansas City xuống phục thù cảnh sát.

Trong một tuần, khung cảnh chính trị có một bộ mặt thay đổi, đoàn kết, đối thoại với TNS Ted Cruz bay trên chiếc Air Force One với TT Obama đến Dallas. TNS John Cornyn đối thoại với TT Obama về luật cho phép mang vũ khí giấu kín, luật tiểu bang Texas cho phép mang vũ khí công khai với giấy phép, chủ tịch đại học Texas lên tiếng chống luật cho sinh viên mang vũ khí vào trường.

Một thị trưởng (Dallas), một thượng nghị sĩ, Phó Tổng Thống Biden, một cựu tổng thống (George W. Bush) một tổng thống (Obama) đứng cạnh cầm tay để đánh dấu đoàn kết và đối thoại giữa hai đảng. Trong cảnh nguy hiểm không còn Cộng Hòa hay Dân Chủ giống như ngày khủng bố 9/11. Một kẻ dám bắn cảnh sát thì kẻ ấy là kẻ thù có thể bắn bất cứ người nào. Nhưng cảnh đoàn kết chỉ kéo dài được một ngày. Hết “sinh mạng người da đen là trọng” đến “sinh mạng người mặc áo xanh.”

Bạo động trong xã hội Hoa Kỳ là một đe dọa không có gì mới. Người Mỹ da đen chiếm 13% dân số lại là nạn nhân đáng kể, 40% dân da đen, là nạn nhân những vụ giết người. 76% người Mỹ da đen tin là xã hội họ đang sống có vấn đề với nhân viên công lực, so với 30% dân da trắng thấy vấn đề.

Ðảng nào sẽ đem lại an ninh cho nước Mỹ và người Mỹ? Câu hỏi được đặt ra trong mùa bầu cử sau một tuần bạo động trong nước và 84 người bị bắn chết ở Nice, Pháp, trong đó có hai công dân Mỹ.

Việt Nam có chuyện Trọng Thủy Mỵ Châu, kẻ ngoại thù không nguy hiểm bằng kẻ nội thù. Năm 1838, người trẻ tuổi Abraham Lincoln 29 tuổi, trước khi làm tổng thống, đã nói là hiểm họa đe dọa nước Mỹ không phải là nạn ngoại xâm, “mối đe dọa an ninh trực tiếp nổi lên giữa chúng ta, không đến từ bên ngoài,” hiểm họa xảy ra khi người Mỹ mất lòng tin lẫn nhau.

Kiểm soát súng, khủng bố, cho đến nay vẫn là đề tài chia rẽ và đánh phá giữa hai đảng, giữa Tổng Thống Obama và Quốc Hội dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Hòa. Mỗi lần tranh cãi là mỗi lần có cuộc thảm sát mới và hai bên vẫn giữ quan điểm, không đồng ý với một quan điểm dung hòa. Ðảng Dân Chủ kêu gọi kiểm tra lý lịch những người mua súng, ngăn những lỗ hổng người mua súng trên mạng và tại các nơi triển lãm súng, không để vũ khí rơi vào tay khủng bố và bạo động. Ðảng Cộng Hòa vẫn bất đồng, đề nghị của đảng Dân Chủ không có bằng chứng chắc chắn. Cho đến giờ phút này quan điểm Cộng Hòa thắng.

Ðóng cửa biên giới, kiểm soát di dân, giới hạn con đường vào Hoa Kỳ, bảo vệ quyền mang súng của công dân Mỹ không giải quyết nạn bạo hành trong nước.

“Ðem an toàn trở lại cho nước Mỹ” (Make American safe again) khẩu hiệu của đảng Cộng Hòa trong ngày đại hội đảng không phải là khẩu hiệu của chương trình an ninh quốc gia, một tự hào của đảng Cộng Hòa và niềm tin của dân Mỹ vào đảng, nhưng là một khẩu hiệu tuyên truyền gây sợ hãi.

13 tháng sau từ khi Donald Trump ra tranh cử tổng thống, định nghĩa kẻ thù của nước Mỹ được nới rộng, kẻ thù từ Hồi Giáo, dân Mễ nhập cảnh bất hợp pháp gây ra vấn nạn phạm pháp từ hiếp dâm đến sát nhân, kẻ thù là người da đen qua phong trào “sinh mạng người da đen là quí,” những hình ảnh ở Lybia, Benghazi gây thêm hận thù đúng như giọng của Donald Trump, mở miệng là thù hận da màu, kỳ thị thiểu số, phát xít Hitler.

Cảnh sát trưởng David Clark, Milwaulkee phát biểu trong ngày đại hội “một nửa dân Mỹ lo lắng về tội ác bạo động” sự thật là trong 25 năm qua thống kê cho thấy tội ác ở nước Mỹ giảm 50% nhất là ở những thành phố nổi tiếng về tội ác như Chicago và Nữu Ước. Trong vòng 8 năm qua tội ác giảm 10%, gây lo lắng vì mục đích tranh cử đảng Cộng Hòa không tôn trọng sự thật. Chính sách của bà Hillary Clinton là chính sách của TT Obama, không giải quyết được vấn đề chủng tộc chia rẽ Hoa Kỳ. Thống kê mới cho thấy, vấn đề chủng tộc gần đây càng ngày càng trầm trọng, ông tổng thống da đen trong tòa Bạch Ốc 8 năm qua không thay đổi được quan hệ chủng tộc, quan hệ da màu đen trắng. Chính trị trong mùa bầu cử che mờ quan hệ chủng tộc. “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Donald Trump đưa nước Mỹ trở lại thời da trắng đa số, không giải quyết được vấn đề chủng tộc. Không phải tất cả những người da trắng đổ tội cho TT Obama làm tổng thống trong 8 năm qua làm vấn đề da màu thêm trầm trọng là đảng viên Cộng Hòa, cũng như không phải những người ủng hộ ông Trump đều là những kẻ kỳ thị chủng tộc.

Những tên tuổi da đen nổi tiếng trong thời Tổng Thống Obama từ Trayvon Martin bị cảnh sát theo dõi vì màu da đen giáo sư đại học Havard Henry Louis Gates Jr bị cảnh sát còng tay ngay ở trước nhà đã cho người Mỹ da đen thấy hình ảnh da đen của TT Obama đã tạo một ấn tượng giả tạo về xã hội Mỹ.

Alton Sherling, Philando Castile không phải là những người da đen đầu tiên bị cảnh sát bắn chết mà không mang vũ khí. Những cái chết của những người da đen trong những tháng cuối của nhiệm kỳ Tổng Thống Obama gần như đưa nước Mỹ trở lại 50 năm trước.

Năm 1968, màu da và an ninh cảnh sát là trung tâm của những cuộc tranh luận giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Năm nay, 2016, ứng cử viên Donald Trump kêu gọi “luật pháp và trật tự,” khi nạn xung đột giữa cảnh sát và người da đen xảy ra, mang âm hưởng khẩu hiệu ứng cử viên Cộng Hòa Nixon năm 1968. Vào thời đó chính quyền Lyndon Johnson, đảng Dân Chủ, đã dùng luật pháp chống lại hỗn loạn nhưng vấn đề kỳ thị chủng tộc không được đề cập đến. Hệ thống tư pháp cứng nhắc, hình luật phạt nặng những kẻ phạm pháp đa số là dân da đen về những tội tiểu hình, hệ thống cảnh sát được cải tổ lại như quân đội. Dân da đen và da trắng đụng độ mỗi ngày gây ra những cuộc bạo động không tránh khỏi. Tháng 7 năm 1967 (cũng tháng 7!) những cuộc bạo động vì màu da nổi lên ở Detroit tiểu bang Michigan, ở Newark tiểu bang New Jersey, cảnh sát dùng bạo lực quá đáng đối với người da đen. TT Lyndon Johnson thành lập ủy ban cố vấn quốc gia về vấn đề bất ổn dân sự. Ủy ban Kenner ra đời trong thời chiến tranh Việt Nam, TT Johnson bị trói tay, mặt ngoài đối đầu với chiến tranh ở Việt Nam, trong nước rối loạn với những phong trào tranh đấu dân quyền của người da đen. Thời 1967-1968 là “sức mạnh của người da đen” (Black Power) thời 2016 là “Sinh mạng của người da đen” (Black Lives matter).

Bản tường trình Kenner dày 176 trang ngày 22 tháng 11, năm 1967 đã kết luận, “Nước Mỹ kỳ thị chủng tộc, Hoa Kỳ đi hai đường không bình đẳng, cấu trúc xã hội Hoa Kỳ đã có khuyết điểm với vấn đề chủng tộc ăn sâu vào gốc rễ.” Cũng giống như TT Obama năm nay tự hào với Obama care, năm 1968, Tổng Thống Johnson chỉ chú trọng đến thành quả Medicare và chương trình “Ðại Xã Hội” không chú tâm đến những hệ quả của những cuộc bạo động ở Newark và Detroit, những cuộc bạo động bộc phát không tổ chức không do âm mưu toa rập nhằm lật đổ chính quyền. Những người da đen tham gia bạo động là những người có giáo dục, nghề nghiệp, nổi giận vì bị kỳ thị hàng ngày trong công việc và ở nơi cư ngụ. Những người da đen phẫn nộ vì cảnh sát đối xử tàn bạo với họ trong những xóm da đen. Cảnh sát thời 1960 là cảnh sát với 3 đặc điểm “sức mạnh da trắng, da trắng kỳ thị và da trắng đàn áp“

Ủy ban Kenner đưa đề nghị, “Cảnh sát ở các thành phố ngưng võ trang súng liên thanh và vũ khí tác chiến” thay vào đó là dùng nhiều cảnh sát da đen và chú trọng vào giáo dục. TT Johnson không nghe lời khuyên của ủy ban trong khi công chúng đồng ý với bản tường trình từ đài truyền hình ABC qua đến báo NY Times và bản tường trình Kenner đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm.

Năm 1968, TT Nixon thắng cử với khẩu hiệu “luật pháp và trật tự.” Năm 2016, TT Obama là con vịt què ngồi nhìn Quốc Hội Cộng Hòa với một ứng cử viên nhái khẩu hiệu của Nixon.

Luật pháp và trật tự phải đi đôi với kiểm soát súng đạn? Câu hỏi phức tạp. Cấm vũ khí tác chiến có thể cứu một số nhỏ sinh mạng nhưng không đưa đến kết quả khác biệt rộng lớn. Bạo động ở nước Mỹ không do những vụ thảm sát bắn vào đám đông. Mỗi năm có khoảng 100,000 người Mỹ bị giết hay bị thương do súng cầm tay, cách tốt nhất là nhắm vào những cá nhân nguy hiểm cho chính họ và cho cộng đồng. Chương trình kiểm tra quá trình cá nhân có kết quả nhưng những chương trình khác trong quá khứ thành công đã không được tiếp tuc chú trọng như chương trình “ngưng chiến ở Boston” năm 1996 nhắm vào băng đảng qua cảnh sát, biện lý và cộng đồng đã giảm 63% bạo động trong vòng một tháng. Các chương trình tương tự ở Oakland, New Orleans v.v… đã làm giảm số bạo động, giảm con số nạn nhân vào các phòng cấp cứu ở các bệnh viện chấn thương lớn.

Kiểm soát súng giảm bạo động trong gia đình. Mỗi năm có 760 người Mỹ bị giết vì vợ, chồng, chồng cũ, vợ cũ v.v… nạn nhân đa số là phụ nữ. Mỗi năm có hơn 30,000 người chết vì tự tử do súng. Những con số này cao hơn con số người chết vì những cuộc thảm sát gây ồn ào.

Hội súng NRA là cản trở lớn của luật kiểm soát súng đạn. Luật cấm vũ khí tác chiến đã có từ năm 1994 đến 2004, luật liên bang chấm dứt năm 2004 không được tái chuẩn. Trong 10 năm với luật này, bạo động không bớt so với những năm trước đó!

Nạn nhân bạo động do súng đạn đi đôi với màu da. Người Mỹ da đen là nạn nhân 6 lần nhiều hơn Mỹ trắng. Hung thủ da đen 7-8 lần nhiều hơn hung thủ da trắng. Bạo động xảy ra ở vùng thủ đô nhiều dân da đen. Con số 24% dân da đen ủng hộ quyền mang súng ngược với 57% dân da trắng phản ảnh các thống kê về tội ác và màu da. Những người ủng hộ luật mang súng thường lý luận “súng không giết người chỉ có người giết người.” Nhưng lòng người khó lường hay như trong truyện “BFG” người khổng lồ dễ thương của Roald Dahl vừa thành phim, người khổng lồ có lòng yêu người cứu cô bé Sophie không bị những người khổng lồ khác ăn thịt đã phê bình: “Trong các loài vật chỉ có người thích giết đồng loại.”

Hội súng NRA là một người khổng lồ ngăn cản các đạo luật cấm bán súng tự động mà hầu hết các súng bán hiện nay là súng bán tự động. Hội NRA tự hào với châm ngôn phổ thông mang trên áo thun của hội viên: “Xã hội có vũ khí là xã hội lễ phép,” câu châm ngôn từ truyện tiểu thuyết khoa học giả tưởng của Robert Heinlein. Hội có trên 5 triệu hội viên đóng nguyệt liễm. Hội được xem là tổ chức tư nhân mạnh nhất ở Hoa Kỳ với ngân quỹ 300 triệu Mỹ Kim. Hội mạnh là nhờ hiểu biết về trò chơi dân chủ và tổ chức hành pháp lập pháp Hoa Kỳ. Mỗi năm hội theo dõi các ứng cử viên từ thành phố cho đến Hạ Viện, Thượng Viện và tổng thống để phán đoán và cho điểm các ứng cử viên. Hội có biện pháp trừng phạt các ứng cử viên đi ngược với đường lối của hội, kêu gọi hội viên không đóng tiền ủng hộ hay đóng tiền ủng hộ các ứng cử viên đồng ý với họ. Với con số trung bình 100,000 hội viên mỗi tiểu bang, hội NRA có lợi thế địa phương, trên chân các hội và các tổ chức vận động chống súng đạn.

Hội NRA bắt đầu từ năm 1857 qua Winchester người làm ra khẩu súng trường nổi tiếng. Winchester với đầu óc thương mại, làm súng bán súng với khách hàng là chính quyền Mỹ cần súng trong thời kỳ chiến tranh đến thời bình. Winchester bán súng cho các chính quyền ngoại quốc để giữ an ninh trong thời bình và cần súng trong thời chiến, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Úc, Pháp, Thái Lan, Ðức là những khách hàng trung thành của Winchester. Các hãng buôn vũ khí bắt nguồn từ con buôn Winchester. Vũ khí là một trong những món hàng xuất khẩu đầu tiên của Mỹ từ thế kỷ 19. Khi kinh tế Hoa Kỳ thay đổi từ nông nghiệp qua kỹ nghệ, súng trở thành món hàng xa xỉ phẩm hơn là món hàng thực dụng.

Người Mỹ đã yêu súng là vì nhờ súng họ đã chinh phục được miền Tây và dân da đỏ. Từ đó, huyền thoại cao bồi viễn tây với phim truyện cao bồi đã tăng lòng yêu phiêu lưu và yêu súng đạn. Hãng chế súng đã thành công nhờ đánh vào lòng yêu nước, bảo vệ biên cương, phiêu lưu, anh hùng tính của đàn ông và trách nhiệm bảo vệ gia đình. Người Mỹ cảm thấy cần súng nhất là ở vùng quê hẻo lánh cây súng cần thiết cho an ninh gia đình.

Tối Cao Pháp Viện cho công dân Mỹ quyền mang súng, bảo vệ quyền qua Tu chính án số hai. Hiến Pháp 50 tiểu bang cũng công nhận quyền mang súng nhưng trên thực tế hội NRA là cơ quan bảo vệ quyền mang súng. Cơ quan đã thành công ngăn chận các đạo luật như luật kiểm tra quá trình cá nhân nhắm vào buôn bán súng trên mạng lưới và triển lãm súng. Chỉ có một tiếng nói can đảm đi ngược lại hội NRA. Ông Fermin DeBradander đã phá huyền thoại từ nhiều năm qua “mang súng là nền tảng của tự do,” ông quan niệm rằng súng đã khiến con người thiếu tự do và chính súng đã khiến dân Mỹ sống sợ hãi và cảm thấy thiếu an ninh chứ súng đạn không đem lại an ninh: “Súng không giải thoát chúng ta ra khỏi sự sợ hãi, nó là dấu hiệu của sợ hãi, nỗi sợ hãi ấy đã thống trị xã hội.” Hội NRA đã thành công qua các phương pháp đấu tranh dân chủ tranh luân đối thoại, vận động ở Quốc Hội. Sức mạnh của hội không nằm trong vũ khí mà nằm trong đồng tiền, qua lá phiếu. Các hội chủ trương kiểm soát súng hiện nay chưa đối đầu được với kỹ nghệ làm súng bán súng.

Hoa Kỳ năm 2016 giống như Hoa Kỳ 50 năm về trước, bên trong là bất ổn về màu da với những cuộc bạo động, bên ngoài là cuộc chiến tranh ý thức hệ và chính quyền Hoa Kỳ dường như không đổi, cùng một chiến thuật “tử tế với kẻ thù, phản bội đồng minh” qua cuộc đảo chính hụt ở Thổ Nhĩ Kỳ giống như đã đối xử với đồng minh VNCH trong thời chiến tranh Việt Nam.

MỚI CẬP NHẬT