Friday, April 26, 2024

Người muôn năm cũ

Bùi Bích Hà

Đã hơn 41 năm trôi qua mà cảm giác đau xót, tê dại vẫn mới như trong buổi trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, khi binh đoàn Bắc Việt Nam tràn vào thành phố mang theo những đôi dép cao su của họ cơn thủy tai bùn đất sạt lở lạ thường trên mọi ngả đường Sài Gòn và các vùng phụ cận.

Tôi đi ngơ ngẩn quanh mấy gian phòng hẹp trong ngôi nhà bên hông chợ Bà Chiểu. Bên ngoài, cả Sài Gòn thân yêu của tôi thở rốc trong cơn hấp hối. Bên trong nhà, chiếc điện thoại màu đỏ nằm vô dụng ở một góc cái tủ nhỏ đựng quần áo của trẻ con, đã thôi những hồi chuông thỉnh thoảng rung từ một đầu dây đoán được sự hốt hoảng của người bên kia, hỏi thăm hoặc gửi lại một lời chào vội vã. Mấy đứa bé tuổi từ lên 3 đến lên 10, chưa thực sự biết gì, rụt rè như gà bị cáo trong không khí gia đình đột nhiên nghiêm trọng một cách khó hiểu. Khó khăn lắm tôi mới nói được với mẹ già năm đó đã gần tám mươi: “Con xuống nhà bác Đ. sáng nay nhưng cả nhà đi rồi.”

Trong trí tôi, hình ảnh đôi dép ngủ rất sạch của anh tôi để ngay ngắn dưới gầm chiếc ghế ở bàn ăn, không biết vì sao cứ mãi mãi hiện ra như thế trong ký ức tôi mỗi khi nhớ về cuộc di tản của gia đình anh. Hình như nó cho tôi hình dung ra một cử chỉ tôi thường thấy những lần anh thay đôi giầy quân đội xong, bao giờ cũng cẩn thận cúi xuống, đẩy đôi dép ngủ vào gầm ghế rồi mới đứng dậy, phủi mấy ngón tay vào quần như một thói quen và cất bước. Tôi đã không chứng kiến lần cuối cử chỉ này của anh và vụt thấy thoáng nhanh qua đầu ý nghĩ từ nay là thôi, sẽ không còn một lần nào nữa giữa hai anh em. Tôi hiểu ra hình ảnh đôi dép ngủ của anh xếp ngay ngắn bên nhau là hình ảnh anh đã đi rồi. Của biệt ly.

Hơn mười năm lang thang, lây lất, vất vưởng giữa một Sài Gòn tan hoang, khô héo, tàn tạ, mấy mẹ con bà cháu bữa cháo bữa cơm, trẻ con không có tuổi thơ, mẹ già không có tuổi hưu, cuộc sống của những người kẹt lại miền Nam mò mẫm trôi đi trong hy vọng mà không biết hy vọng gì.

Ngày leo lên chiếc taxi thuê bao để ra phi trường Tân Sơn Nhất đi đoàn tụ với anh tôi sau 11 năm dài lê thê không nhìn thấy nhau, chuyến đi cũng hoang đường không kém ngày Sài Gòn thất thủ. Ở sân bay, công an và hải quan khu xuất cảnh khám xét kỹ hành lý của người đi. Tôi đứng tim khi một anh công an trẻ tìm thấy cuốn băng tiếng hát Khánh Ly nhà tôi bỏ quên trong cái máy cassette cũ mang theo, chưa kịp nghĩ cách phản ứng thì bất ngờ nghe anh ta nói nhỏ: “Chị cho em cuốn băng này nhé!” và không đợi tôi trả lời, cậu đã nhanh tay gạt cuốn băng xuống chân ghế, tiếp tục khám xét những thứ khác. Thế nhưng trước đó, vì quá sợ bị truy xét lý lịch gia thế làm trở ngại chuyến đi, tôi đã phải nuốt nước mắt đem gửi bà chị dâu con nhà bác tấm ảnh duy nhất còn giữ được cho tới ngày hôm đó, chụp bố tôi mặc phẩm phục Nam Triều, mũ cánh chuồn, lưng mang đai hốt. Tôi thấm ngấm hai chữ vô sản của chế độ. Người dân không chỉ trắng tay của cải mà trắng tay cả quá khứ của dòng họ.

Dẫu sao, điều gì đã ghi khắc vào tâm can, thậm chí vào thân thế một người, cứ vẫn còn tồn tại mãi ở chỗ của nó cho dù có một ngày người đó sẽ ra đi nhưng dấu chân để lại.

Đã hơn bốn thập niên mất tăm vào hư không. Cùng với trí nhớ tôi ít nhiều mòn mỏi, nói như nhạc sĩ Lê Uyên Phương, “dù gương xưa không được lau,” nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, “bạn bè rồi xa, dấu chân xưa cũng bụi mờ,” thế nhưng dường như ngọn bấc đèn trong đĩa dầu cạn luôn cháy lên những khoảnh khắc rực rỡ, dòng lệ ngậm ngùi nhỏ xuống từ đôi mắt người già như cơn mưa tắm gội sáng choang một thời đã qua. Đôi khi thấy trên truyền hình, nhiều khi thấy lại trong riêng tư một mình, hình ảnh những cuộc diễn binh hào hùng của quân đội miền nam Việt Nam trước 1975, trên đại lộ Thống Nhất thênh thang của Sài Gòn tự do. Những thanh niên/thiếu nữ trẻ đầy nhiệt huyết và sức sống, quân phục thẳng nếp, đi đều tắp bên nhau, lưng thẳng, ngược ưỡn về phía trước, đầu ngẩng cao, “súng ngửi trời,” gươm chỉ đất, cuộc sống trận mạc tính từng ngày nhưng không một ngày tránh né, bây giờ họ đâu rồi sau cơn cuồng phong của lịch sử? Họ còn sống hay đã chết hay còn sống mà như đã chết? Họ nghĩ gì về họ, về bạn bè họ những tháng ngày sa trường oanh liệt ấy? Cùng với họ là những ông cha, những bà mẹ, những máu mủ thâm tình, những gia đình mưa nắng chắt chiu chăm bón mùa màng để chờ đợi hiến dâng. Ôi, những người muôn năm ấy, hồn ở đâu bây giờ?

Buổi sáng Chủ Nhật đầu tháng mười, nắng chứa chan sân trước, vườn sau, trên những tàu cau xanh mướt bên hàng xóm. Điện thoại reo. Tiếng người nghệ sĩ/học trò cũ ở phía kia: “Cô có bận gì không? 12 giờ trưa nay có mấy người cựu quân nhân Hoa Kỳ ở xa về đặt vòng hoa tưởng niệm tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, có đề tài cho cô viết bài đấy, mời cô ra nhé!” Méo mó nghề nghiệp, tôi vội vàng hỏi lại: “Có cần báo chí, phát thanh hay truyền hình đưa tin không?” “Không đâu cô, nếu cô thấy hay hay thì viết, không thì thôi. Đơn giản chỉ là họ bỗng nhớ nhau thì đánh đường đi thăm nhau, chẳng có gì để rềnh ràng, to tát cả.”

Họ là một nhóm 5 người cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam, nay chắc vào độ tuổi ngoài 60, xấp xỉ 70, râu tóc bạc. Họ mặc thường phục, một người mặc cái gilet màu đen có in huy hiệu các binh chủng hai bên ngực áo. Người xa nhất về từ Georgia, từ Texas. Người gần nhất về từ Fresno. Ông này tự tay kết một vòng hoa bằng những đóa cúc vàng trong vườn nhà, với hai lá cờ Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa xòe như đôi cánh chim, với hai dải lụa nhỏ gọi những người ông đến thăm trưa hôm nay là chiến hữu ngoài trận địa, là anh em trong quân chủng. Hôm ấy tình cờ đúng vào lễ thượng kỳ hàng tháng của tập thể chiến sĩ Nam California tại tượng đài nên những người chiến binh một thời cùng chiến tuyến có dịp gặp gỡ, bắt tay, chuyện trò.

Những cựu binh Việt Nam còn giữ nguyên quân phục, huy hiệu binh chủng và giây biểu chương, tái tạo bằng ký ức toàn vẹn, không mờ nhạt của họ, rất đẹp, là những kỷ niệm thiết thân họ mang theo trên bước đường lưu lạc, có lẽ cho đến giây phút cuối cùng, khi bước xuống sân ga cuối cùng trong cuộc hành trình với bao nguyện ước dở dang. Tôi hình dung những bộ quân phục ấy được giặt hấp sạch sẽ, được treo cất ở một nơi trịnh trọng nhất trong ngôi nhà đầy ắp quá khứ, là những dòng di cảo bất thành văn, minh chứng có một thời con dân nhà Nam đã không tiếc máu xương, đem thân mình bảo vệ giang sơn gấm vóc tổ tiên để lại, đâu ngờ rồi có một ngày, hy sinh ấy sẽ trở thành niềm uất hận khôn nguôi?

Phần tôi, bất giác biết ra đây đó, dưới gầm trời bao la này, ở những ngôi nhà cách xa nhau nhiều ngàn dặm, vẫn có những con người còn tưởng tiếc nghĩ về quê hương tôi, còn nhớ nhung những buồn vui đã trải qua ở đó, còn gửi lại mảnh đất hẩm hiu ấy một phần ký ức thanh xuân của họ với nỗi tiếc thương… Tôi tự hỏi điều gì đã khiến 5 người cựu chiến binh Việt Nam kia khăn gói hẹn nhau về Little Saigon để đến khu tượng đài chiến sĩ, nói với các đồng ngũ của họ trên tầng mây xanh biếc là các bạn không đi vào quên lãng? Họ có thể đã phải thu xếp những ngày nghỉ, cả số tiền chi phí cho chuyến đi không biết phải dành dụm bao lâu? Họ chắc chắn phải điện thoại/điện thư cho nhau nhiều lần để bàn bạc kế hoạch gặp gỡ, cùng nhau count down giây phút bồi hồi này. Còn nữa. Họ có 5 người, mỗi người chỉ cần góp $20 mỹ kim là đủ để mua một vòng hoa và bảo tiệm hoa giao tới tận nơi nhưng họ không chọn giải pháp này dễ dàng này. Người cựu chiến binh ở Fresno đã bao nhiêu sáng chiều ngắm nhìn những luống hoa vàng trong vườn, nâng niu ý nghĩ tự tay kết một vòng hoa nặng tình đồng đội cho người đã nằm xuống. Có chút gì trong cử chỉ ân cần này làm tôi nhớ một câu thơ của nhà thơ Du Tử Lê đã được phổ nhạc và hát lên cho một tình yêu nhìn lại với nhiều trăn trở : “Thương em kim chỉ khíu tình.” Ôi, những rách nát tang thương của bản dư đồ đất nước tôi sau tháng 4,1975 chẳng kim chỉ nào may vá lại được nhưng tôi thành thực biết ơn món quà phúng viếng đặc biệt của “người lính già” Hoa Kỳ trong buổi sáng chủ nhật đầu tháng mười vừa qua, tại khu tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ thành phố Westminster, từ nay, sẽ giúp tôi xua đuổi nỗi buồn mỗi khi nhìn thấy đâu đó hình ảnh cuộc duyệt binh hào hùng của quân đội VNCH năm xưa trên đại lộ Thống Nhất, cho tôi câu trả lời cứ mãi khắc khoải trong lòng tôi “Những người muôn năm cũ, hồn ở đâu bây giờ?” Trên mặt đất này, trong cuộc đời này, hóa ra vẫn có những người thực sự còn nhớ họ, còn vui lòng sống thay họ dưới nhiều hình thức, trong nhiều hoàn cảnh, những mơ ước bị vùi chôn trong cuộc chiến nửa chừng tro bụi.

Họ an nghỉ trong những nghĩa trang lưu động, êm ả, trang trọng, ít ai ngờ tới nhất, được xây cất với lòng ngưỡng mộ và thương yêu. Họ là sương khói, là mây bay ngàn năm trên đỉnh ngọn đồi cao của rặng Rocky Mountains, đẹp, hùng vĩ và cô quạnh, là chính cuộc đời họ đã sống như một huyền thoại.

MỚI CẬP NHẬT