Thursday, April 25, 2024

Muối. Muối. Muối – Bùi Bích Hà

Bùi Bích Hà

Tai nạn và bệnh hoạn đến trong cuộc đời một người thường bất ngờ như một làn gió độc, không có dấu hiệu cảnh báo nào cho người lãnh nhận để có sự chuẩn bị.

Tôi đang ở vài ngày cuối của một cơn cảm lạnh xoàng sau buổi tối đi ăn nhẹ với vài nguời bạn quý ngay giữa Little Saigon. Cũng có chút mệt mỏi rơi rớt nhưng tôi vẫn làm việc bình thường. Hai đôi vợ chồng học trò cũ Nguyễn Trãi thấy tôi vắng mặt trong buổi sinh hoạt quan trọng của trường nên trên đường về, họ ghé thăm tôi, mang nhiều thức ăn và cả lá xông cảm. Họ làm tôi xúc động vì tấm chân tình thầy trò nên tôi vui vẻ nghe theo lời khuyên tin chắc là nhiều kinh nghiệm trải qua của Q. và L. Nhìn cả đôi hậm hịch bắc cái nồi to tướng lên bếp, đổ lá xông vào, tôi ngoan ngoãn đi lấy cái chăn mỏng cho họ trùm kín tôi ngồi với nồi nước xông giữa phòng khách.

Mười lăm phút trôi qua, mồ hôi toát ra như tắm. Tôi cẩn thận lau khô người, thay quần áo sạch, ngồi chuyện trò với các em một lúc rồi chia tay. Thủ tục được xem chữa dứt cảm này tái diễn trong ba ngày. Hôm sau, tôi bắt đầu cảm thấy mất sức và mệt một cách khác thường nhưng cả nhà đều nghĩ đấy là dư chấn của những cơn cảm cúm thôi. Chỉ riêng tôi tự biết mình đang chịu đựng một cái gì ghê gớm hơn. Quả nhiên, tôi không sai. Tình trạng mệt đuối này sa sút rất nhanh thành kiệt quệ. Bốn giờ sáng Chủ Nhật, 16 Tháng Hai, tôi vào cấp cứu bệnh viện Garden Grove gần nơi tôi ở nhất. Đến nơi, cảm giác ghi nhận cuối cùng còn rõ ràng của tôi là trước tôi có một nữ bệnh nhân đang làm giấy tờ rồi dường như tôi thiếp vào giấc ngủ, không còn biết gì nữa.

Tôi tỉnh dậy khoảng sau 7 giờ sáng. Con gái ngồi bên cạnh cho biết tôi bị muối thấp (Sodium level low), Phòng Cấp Cứu Garden Grove chỉ giúp tôi sự chữa trị khẩn cấp và họ sẽ chuyển tôi về bệnh viện Kaiser ở Irvine vì chỉ ở đây mới đầy đủ bác sĩ chuyên khoa và phương tiện y tế để điều trị.

Tôi ngơ ngác, để thần trí phất phơ trong trong căn phòng nhỏ, trắng toát, thỉnh thoảng nhìn hai cây kim trên mặt chiếc đồng hồ treo trên khoảng tường trống trước mắt, chẳng còn chút ý thức nào về chính thân thể tôi đang bồng bềnh có điều bất ổn.

Đúng 9 giờ sáng Chủ Nhật, nhân viên Paramedic rộn rịp giấy tờ thủ tục rồi họ đẩy nguyên cái giường bệnh tôi đang nằm ra sân dưới nắng ban mai chiếu chang chang hòa lên cảnh vật xung quanh. Họ chuyển tôi sang băng ca và đưa vào trong khoang xe cứu cấp. Con gái tôi an ủi mẹ: “Con không được theo xe. Con lái xe theo sau. Mẹ yên tâm nhé!” Nhân viên bệnh viện còn trao đổi râm ran một lúc những điều cần thiết trước khi xe lăn bánh. Một nữ điều dưỡng khuôn mặt tươi tắn nhìn tôi cười thân thiện, dặn tôi cần gì cho họ biết.

Hai nơi cách nhau chừng gần 20 dặm xa lộ. Đôi mắt mỏi mệt của tôi loáng thoáng nhận ra vài khoảng trời cây xanh và dây điện rồi xe rẽ vào Kaiser Hospital tọa lạc trên đường Alton. Bệnh viện chưa có phòng trống. Tôi phải nằm ở phòng tạm cho đến gần ba giờ chiều mới được check in. Cơ sở này tương đối mới nên mọi thiết bị y cụ đều cập nhật với tiện nghi tối đa.

Tôi nằm ở đây năm ngày, mỗi hai tiếng đồng hồ bất luận ngày đêm, y tá lấy máu một lần để theo dõi lượng muối nạp vào cơ thể tôi. Chốc chốc máy đo áp huyết tự động gắn sẵn ở cánh tay lại xì xì chạy, cho kết quả trên cái màn hình ở đầu giường. Bác sĩ, y tá, y công, mọi người làm việc chăm chỉ, tận tụy và mau chóng. Nhà bếp ngày 3 lần vào hỏi tôi muốn ăn gì? Chỉ phải tội thức ăn nhà thương quá dở, món gì cũng dở, chưa kể ông nói gà bà nói vịt. Tôi hỏi họ có trứng tươi không? Cho tôi một trứng ốp la và hai lát French bread nướng để được thấy họ bưng vào một cục bột trứng gà đặc sệt và một miếng bánh họ gọi là French bread nhưng với tôi, nó là một miếng cake trái cây ngọt lờ lợ! Chỉ có apple juice và orange juice là y chang thôi! Được cái họ rất có thiện chí lấy lòng bệnh nhân nên khi thấy cái khay thức ăn vào ra còn nguyên, biết tôi không vui, họ tìm cách gửi những thực tập sinh nói tiếng Anh giỏi hơn tôi vào lấy thực đơn. Vài ngày cuối, tôi có trứng gà tươi đủ kiểu, sun rise hay over easy, thậm chí trứng luộc ăn với muối tiêu.

Ăn sáng xong, tôi phải đi bộ ba vòng quanh nursing station chiếm một diện tích khá rộng với hành lang chạy vòng qua các phòng bệnh nhân. Hôm nào các con vào được sớm, hai mẹ con tôi đi dung dăng dung dẻ. Hôm nào không có ai, y tá túm lấy cái thắt lưng buộc ngang bụng tôi để cùng đi. Bữa nào tôi đang được truyền dịch, họ giúp tôi đẩy theo cả cái cây lủng lẳng bịch formula. Tôi phải đoan chắc với họ là tôi đi được một mình, chỉ cần có họ bên cạnh vì lý do an toàn của luật lệ bệnh viện thôi. Mỗi ngày tôi phải đi như vậy, sáng, trưa, chiều, tổng cộng chín lần. Bệnh viện khuyến khích bệnh nhân di chuyển (họ dùng chữ “ambulating”), khi có thể để hồi phục dễ dàng và tránh nguy cơ bị máu đông (blood clot).

Chiều Thứ Năm, ngày đẹp nhất thiên niên kỷ, 20 Tháng Hai, 2020, tôi được cho về nhà vì muối đã lên gần với mức tối thiểu 135 rồi. Bác sĩ nói: “Bà về nhà, nghỉ ngơi, ăn ngủ, từ từ sẽ có đủ muối.”

Về nhà an dưỡng trong tình trạng còn nhiều hậu chấn từ vụ khủng hoảng muối, thật không phải là một hành trình dễ dàng. (Hình: nutritionreview.org)

Tuy vậy, về nhà an dưỡng trong tình trạng còn nhiều hậu chấn từ vụ khủng hoảng muối, thật không phải là một hành trình dễ dàng. Áp huyết tôi có khi nhảy vọt tới 205, có điều lạ là số bên dưới không bao giờ quá 80. Tập trung điều hòa áp huyết vừa tạm ổn, tôi phải đương đầu ngay với acid uric (vốn dưới trung bình của tôi) bỗng dưng làm tôi bị gout. Ngón chân cái sưng vù, to và đỏ lói như quả cà chua chín. Cả bàn chân tôi như cái mu rùa, khô căng, nứt nẻ, khiến tôi phải cố lết đi mỗi khi cần di chuyển dù chỉ một khoảng ngắn trong nhà. Đau. Nhức. Nặng nhọc. Tràn nước mắt. Tôi nhớ Huy Tường. Ngày còn sống, cứ một năm cậu bị gout hành vài ba lần, tôi thấy Tường đi lại không thoải mái nhưng không biết thực sự gout nó làm đau như chính tôi lúc này đang cảm nhận. Tôi gượng cười, nói một mình: “Chị xin lỗi em. Đúng là đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”

Chữa gout tạm yên với những viên thuốc phải uống lúc 2 giờ sáng, tôi vẫn đang cẩn thận kiêng kỵ mà bỗng dưng bị tiêu chảy liên tục hai ngày. Chút sức lực ít ỏi vừa phục hồi coi bộ lại tiêu tan ra sông, ra biển. Biết không thể cưỡng được hoàn cảnh, tôi nhủ lòng cúi đầu tuân phục, kiên nhẫn chịu đựng từng ngày mưa chưa ngừng đổ hạt xuống thân phận mình.

Nhà có khu vườn sau. Tôi bị ốm cả tháng trời, cỏ dại nương theo mùa Xuân mọc tứ tung, phô bày cảnh hoang tàn đến mủi lòng. Cảm ơn vợ chồng con gái lớn đã thông cảm, cùng nhau bỏ một ngày Thứ Bảy lên dọn dẹp. Nhặt cỏ. Tỉa cắt cành. Cây nhãn, cây chanh cho thấy cái gốc vững vàng và thân hình chắc nịch của chúng qua thời gian cành um tùm che phủ so với ngày cách đây bốn năm, tôi cắm chúng xuống đất chỉ là mấy cái cành con èo uột lôi ra từ cái chậu nhựa đem ở vườn cây về.

Bụi hoa hồng Brigitte ở một góc sân, có thói quen khi nở là nở cả 50, 60, bông. Những đóa hồng cánh mượt, to như những cái tô loại vừa, tỏa hương dịu dàng trong buổi sớm mai đầu tiên tôi có thời giờ nhàn rỗi ra đây ngồi ngắm chúng. Khu vườn vừa cỏ dại hớn hở, xanh nghít, vừa thơm hoa chanh sát tường bên trái, hương hoa hồng sát tường bên phải, khiến tôi hân hoan muốn cố hít những hơi dài vào phổi, chợt nhớ thơ Đinh Hùng: “Buổi em về xác thịt tẩm huong hoa.”

Cả khu vườn như một thiếu nữ đang Xuân, tươi mát, chan hòa sức sống, thơm tho, khỏe mạnh. Những con chim nhỏ, nhanh như cắt, bay ngang dọc trong không gian bao la, dưới khoảng trời khảm những mảnh xà cừ đọng nắng óng ánh, để rơi sau chúng tiếng hót chiêm chiếp rộn ràng. Buổi mai gió thoảng đưa, rất nhẹ. Những ngọn cây xanh bên hàng xóm chi chít những chùm cam hay chanh vàng lũng lĩu, đứng lặng yên. Thế nhưng tôi chợt để ý một đỉnh cây lá đang lay động và tôi nhận ra một con chim mình đen tuyền, đang vui chơi lấy nó, len lỏi chuyền mình giữa hai khe lá rậm và hẹp. Tôi nhớ ơn Bác Sĩ James Trương đã giúp tôi giữ được thị lực tốt mà không cần phải mang kiếng để thưởng thức thiên nhiên quanh tôi trong buổi sáng lẽ ra buồn bã vì chưa nguôi ám ảnh về sức khỏe.

Pho tượng người đàn bà vác bình nước nặng trên vai, bằng thạch cao, mà con gái tôi có nhã ý đặt giữa khu vườn, từng được chị TD bạn tôi khi ghé chơi, phê bình nhà điêu khắc non tay nên pho tượng không có cân đối hợp lý về mặt cấu trúc. Người đàn bà vừa liêu xiêu với bình nước đậy bằng cái đĩa lớn có một con chim nhỏ đậu lôi thôi trên mép đĩa, vừa lúng túng với dải lụa vắt ngang hông, bị bà khép hai chân quấn chặt, quả thật không phải là một công trình điêu khắc hoàn hảo. Nghĩ cho cùng, người phụ nữ nghệ sĩ này có thể không được đào tạo chính thống nhưng bà đã thể hiện một cách hồn nhiên cái cảnh suốt đời mang vác liêu xiêu, suốt đời gắng gượng trên đôi chân chỉ chực ngã của nữ giới nói chung.

Đám gia cầm bằng đất nung hay bằng kim loại tôi bày rải rác trong vườn, tuy bất động nhưng những con mắt nhựa đen lánh, bóng loáng của chúng phản chiếu mặt trời sớm mai, nhìn tôi long lanh. Có cả một chú ễnh ương lười biếng nằm gối tay dưới gáy, phơi bụng trên cái khúc cây ngắn, trông phè phỡn, đại lãn, một cách bệ rạc, làm tôi tức cười, tự hỏi tôi nghĩ gì khi trả tiền đem chú về khu vườn này vậy? Hay có lúc tôi cũng mang tâm trạng của chú trong vô thức mà không tự biết?

Trên đầu tôi, những chuyến bay cất cánh hay quay về phi trường John Wayne, thưa thớt hơn trong mùa dịch COVID-19 song vẫn đều đặn, ì ầm qua lại, cho thấy nhu cầu di chuyển của con người trong một xã hội năng động như nước Mỹ không thể ngừng được trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Có lẽ chỉ trừ tôi đang ngồi đây, chân tay tự do nhưng thật sự bị trói, để khóc lặng lẽ nhớ người anh ruột thương yêu của tôi cũng một mình ở phương trời khác, cũng bị trói bằng một thứ dây như tôi, sức người có khi phải khiêm nhượng chào thua và chấp nhận, không thể tháo gỡ. Năm ngoái, anh còn về thăm tôi một tháng. Năm nay, anh bảo: “Anh không đi được xa nữa vì chân rất yếu. Anh chúc lành cho cô và sẽ điện thoại thăm cô.” Ngay cả điện thoại với anh tôi cũng là sự khó nhọc vì anh có vấn đề ở thanh quản mà anh đang cố gắng khắc phục bằng điều trị y khoa. Con người sinh ra là bắt đầu cuộc chiến sống còn. Cuộc chiến cuối cùng, gay go nhất, ít phần thắng về mình, là với tuổi già.

Cảm ơn kinh nghiệm cơn bệnh trọng bất ngờ, cho tôi nhìn lại mình, thương thân hơn. Tôi đã có can đảm mở nút chai Maggi ngon mà cô con gái nuôi TN về Đức thăm gia đình, khi trở lại Mỹ, đã làm quà cho tôi. Tôi đã có sự dứt khoát lôi cái chăn bằng nhung màu tím, điểm xuyết những sợi mây trắng uốn lượn mà con gái thứ hai tặng tôi trong dịp Giáng Sinh ba năm trước, đắp nó lên tận vai để thưởng thức cái êm mát, mượt mà của nó lẫn với tình mẹ con ấp ủ trong thớ nhung mềm. Đời vẫn đẹp bên ngoài các khung cửa hẹp của căn nhà nhỏ. Vườn trước, vườn sau hoa hồng, hoa mẫu đơn, hoa bìm bịp vẫn tưng bừng nở. Thiên nhiên quảng đại không ngừng bảo dưỡng con người trong khốn khó, bình an và hạnh phúc, chỉ cần mỗi chúng ta thỉnh thoảng chậm chân nhìn ra Thiên Nhiên xung quanh, học bài học yêu thương vô điều kiện và lòng đại lượng của Đất Trời để địa cầu này trở thành nơi an trú cho con người.

Xin cảm tạ mọi rủi may trong đời cho tôi những bài học mới, khám phá thêm những con người mới, tình bạn mới, cả phương pháp chữa bệnh đầy năng lực từ những tấm ảnh thiên nhiên tuyệt đẹp mà DH ân cần gửi cho tôi hằng ngày như những thông điệp an vui mang lại năng lượng lành từ cuộc sống không bao giờ ngừng tươi mới.

Xin cảm tạ tất cả bằng nguyên vẹn hồn xác tôi trong giờ phút hồi sinh tuyệt diệu này. (Bùi Bích Hà)

MỚI CẬP NHẬT