Friday, April 26, 2024

Tâm An

Bùi Bích Hà

Mùa Đông năm nay ở Orange County mưa nhiều và gió lạnh. Trời đất ảm đạm. Hoa cỏ ủ ê. Con đường chạy qua trước sân nhà tôi quanh năm ngập lá vàng nay như một dòng sông nhỏ màu chì. Những xác lá vàng hươm rụng từng đợt như mưa, nằm chết mục ven hai bờ lề đen đủi, đặc quánh một thứ bùn nhão nhoẹt.

Với tôi, thời gian cuối năm ở quê người là những ngày buồn nhớ xa xôi. Nhớ nhà. Nhớ quê. Nhớ cha. Nhớ mẹ. Nhớ tuổi thơ, trường lớp. Nhớ thầy/cô giáo. Nhớ bạn bè. Nhớ con đường đi về học dài quá so với bàn chân nhỏ, thăm thẳm hai mùa mưa nắng cùng ướt át những giọt mưa đông hay mồ hôi lửa hạ.

Tối giao thừa Dương Lịch, 31 Tháng Mười Hai, trước giờ phát thanh, Tường bỗng ngậm ngùi dặn dò tôi: “Chị ơi, lát nữa xong chương trình, chị với em nán lại coi pháo bông ở Disneyland nhé!” Từ bao lơn khu cao ốc nơi chúng tôi thuê một gian nhỏ ở lầu hai làm trụ sở đài, mỗi tối Thứ Bảy lúc 9 giờ rưỡi tối, hai chị em thường có ít phút đứng ngoài bao lơn xem pháo bông ở Disneyland thi nhau bắn mình lên không trung, rực rỡ, tung tóe những chùm thủy tinh ngũ sắc phía chân trời đêm trước mặt. Tuy nhiên, giao thừa năm nay, giờ phút tiễn đưa năm cũ trên tờ lịch mỏng, cũng ngắm nhìn từ bao lơn này, những ngọn pháo bông trông đẹp hơn, đầy đặn hơn, cháy lâu hơn nhưng sao lòng tôi dường như bỗng nghe trống trải và lạnh lẽo khôn cùng, hệt như bãi đậu xe phía dưới đêm nay vắng vẻ khác ngày thường, rét mướt trân mình dưới những bụi mưa xuân. Không là khách lãng du song vẫn chưa quên mây câu thơ của Thế Lữ : “Rũ áo phong sương trên gác trọ, lặng nhìn thiên hạ đón Xuân sang.” May quá, pháo bông thì xa, lại không nổ đì đùng, chợ hoa chưa họp, phố Bolsa đón giao thừa dương lịch chỉ thấy những chiếc xe hơi chạy vèo vèo trên đường nhựa, nam thanh nữ tú rút vào các tụ điểm count down có âm nhạc, có dạ vũ, có thức ăn, có bạn bè, vé tham dự rao bán hết sạch cả tháng trước trên các phương tiện truyền thông. Vậy đấy nhưng vẫn mơ hồ trong hồi tưởng hình ảnh một người tình si ngây ngô, lãng mạn nửa thế kỷ trước, trong lời một bản nhạc của Vũ Thành An: “Đêm 30, anh nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em.” Kẻ tình si do bài hát vẽ ra nhưng người phu quét đường Sài Gòn thuở đó thường là một phụ nữ nón lá tùm hụp, miệng đeo khẩu trang, chân quấn xà cạp, cán chổi cao hơn người, lui cui quanh cái xe bò bằng gỗ, quét rác và lá cây rụng ven đường. Xa xôi quá rồi, không biết bây giờ chị về đâu? Còn hay đã mất theo những vòng bánh xe lăn lạch cạch, những dấu chân nhạt nhòa chị từng qua lại trên nhiều ngả đường xưa ấy?

Đang vẩn vơ thì nhà thơ/nhà văn TMT gửi cho đọc bài viết mới của chị tựa đề Tâm An, bàn luận về cái “tĩnh” và cái “động” của lòng người. Sực nhớ sáng nay, mồng một Tháng Giêng năm 2017, anh TD gọi chúc Tết. Đáp lễ anh, tôi chúc anh mấy câu theo khuôn phép, thấy anh yên lặng một lúc mới khẽ khàng lên tiếng: “Từ sớm mai tới giờ, chưa nghe ai chúc bình an như cô cả! Ờ, bình an rất cần chớ mà răng không nhớ hè?” Nói xong, anh ậm ừ thêm một lúc như để thấm ngấm cái quên vừa bất ngờ được nghe nhắc lại, xem ra anh có vẻ tâm đắc.

Thường thì trước mỗi chuyến đi xa, người ta hay tiễn biệt nhau bằng lời chúc bình an, ngụ ý xe cộ, máy bay, tàu bè song suốt, không mắc nạn tai. Cuộc đời là những chuyến đi mỗi ngày, thậm chí mỗi giờ khắc với may rủi đợi chờ trước mặt, càng nên chúc nhau bình an mỗi khi nghĩ về nhau bởi vì nạn tai đâu chỉ xe cộ, máy bay hay tàu bè? Một sự bất như ý gây lo âu, phiền não, sợ sệt, hoảng hốt hay thất vọng đều làm tổn thương thân tâm như bất kỳ một tổn thương đến từ đâu dù hình thức và mức độ nặng nhẹ có khác nhau. Một công việc làm ăn trắc trở. Một mất mát tình cảm hay tài sản. Một đứa con ốm đau hay ngỗ nghịch. Một lời nói nặng có hay không có lý do. Tất cả đều là nguyên cớ khiến cho cuộc hành trình đời người không suôn sẻ, xảy ra đó đây với ai đó, đưa tới thân tâm bất an. Như vậy, lời chúc bình an dù thực sự hàm chứa nguyện cầu của kẻ thốt ra, có mang theo nó sức mạnh của một câu kinh huyền diệu đủ ân phước giúp hóa giải tai ương và khổ đau của con người không?

Có tín ngưỡng nhưng tôi không tin vào phép lạ mà tin vào hiện tượng “chúng khẩu đồng từ” trong ý nghĩa tích cực của nó. Nhiều người cùng nghĩ lành và cùng nói lành cho một người/một sự việc, có thể tạo ra một từ trường có năng lượng chuyển hóa. Điều này hiển thị khi chúng ta quan sát một người già/người bệnh được sống với gia đình hay sống trong một viện dưỡng lão. Đây cũng là ý nghĩa khó cảm nhận ở người bàng quan nhưng được tuyệt đối tin theo bởi các tín đồ qua hình thức xin lễ nhà thờ hay dâng sớ cầu an tại chùa. Tất nhiên năng lượng chuyển hóa mạnh hay yếu còn tùy nhiệt tâm/lòng thành của những người làm công việc này và tùy duyên mà họ tới.

Nhắc đến hai chữ “tùy duyên,” tôi thực sự nhớ ơn người đã tình cờ cho tôi bài học khai tâm, thâm sâu mà giản dị, giúp tôi sống bình an qua bao nhiêu khốn khó và phong ba trong đời. Bây giờ ngồi ôn lại duyên may ấy, tôi không cách nào nhớ rõ ân sư là ai, gặp gỡ đến cho tôi trong hoàn cảnh nào, chỉ biết lời thầy như một đóa hoa thơm, bừng nở phút giây nhưng hương thanh khiết quấn quyện tâm linh tôi từng ngày qua.

Thầy nói, đại ý: “Đạo là con đường, phải nhận biết phương hướng mà đi bằng hai chân của mình, không phải là quỳ lạy, đảnh lễ để xin ơn. Phẩm kinh mà tôi thuộc lòng và sống theo chỉ gồm có 8 chữ: “Đối Sân, Thuận Nghiệp, Bích Quán, Tâm Như.” Hãy chống lại cái sân, là cái ngã mù quáng, dễ ghét bên trong mình, chớ để nó khuynh loát, gây đại họa. Thứ đến, hãy biết cái nghiệp của mình khi gặp khó, chớ cưỡng lại. Nghiệp là chủ nợ đáo hạn, tìm con nợ để đòi. Thanh thỏa sòng phẳng nợ nần cũng là giải thoát chính mình rồi yên lòng quên nó đi. Sau nữa, “bích” là bức tường, đặc, kín, ù lì. Hiểu được, quán triệt được cái gì bên trong bức tường mắt thường không cho thấy mà phải thấy bằng cái tâm thì cái tâm chừng đó như tấm gương trong, sẽ sáng không một hạt bụi.

“Cái tâm như tấm gương trong, sẽ sáng không một hạt bụi” là hình ảnh tuyệt đẹp của con đường tu tập. Tấm gương trong phản chiếu đầy đủ ngoại cảnh, không thiếu, không sai một chi tiết lớn/nhỏ, đẹp/xấu nào, linh động, thay đổi theo nó nhưng không giữ lại gì. Bao lâu lòng người như tấm gương trong được lau chùi mỗi ngày nên không vẩn bụi, buồn vui lấy vào/ bỏ ra tùy duyên, không tham sân, vật nài, níu kéo, ngày ấy cái tâm được an.

Cái tâm an không từ khước đời sống, chỉ là tha thiết mà không ôm giữ. Cái tâm an không lãng phí thời gian mà chỉ là tận hưởng mỗi phút giây trong cảnh giới hòa bình. Cái tâm an cũng chất chứa đam mê khi người họa sĩ vẽ bức tranh tĩnh vật mà màu xanh của trái ổi làm nghe được tiếng cắn vào nó ròn tan. Cái tâm an cũng đua chen với đời khi người tỷ phú sau một ngày làm việc, tắm gội thơm tho, quần áo nhẹ nhàng, ngả lưng xuống giường hai tay không, hài lòng với hạnh phúc mình có rồi nhắm mắt cho một giấc ngủ không băn khoăn chuyện gì xảy ra ngày hôm sau. Cái tâm an cũng có khi đi casino để vui chơi thù tạc bạn bè, hưởng chút hồi hộp của lá bài mong đợi, hò hét thỏa thích vì thua được trong canh bạc rồi đứng dậy ra về, bỏ lại sau lưng những gì không thuộc về mình, có chăng chỉ giữ lại tiếng cười, tình bạn. Cái tâm an trong tuổi già nhìn thấy ở cụ Tam Nguyên Yên Đổ trong bài Thu Điếu:

“Ao thu lạnh lẽo nước trong veo
Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo
Sóng biếc theo làn hơi gợn tí
Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo
Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo
Tựa gối ôm cần lâu chẳng được
Cá đâu đớp động dưới chân bèo.”

Bức tranh rõ ràng có tác giả ở trong nhưng cũng ở ngoài, không thấy. Chiếc thuyền chở nhà thơ bé tẻo teo, không biết cụ “bé” cỡ nào? Tuổi già như chiếc lá vàng gió đưa vèo, trong chớp mắt, cũng tự nhiên và nhẹ nhàng thôi nhưng đôi mắt già còn thu được cảnh đẹp thì cứ ngắm nhìn “Từng mây lơ lửng trời xanh ngắt.” Bạn bè thưa thớt chẳng qua cũng y như “Ngõ trúc quanh co khách vắng teo,” không than thở sự cô quạnh của mình. Đi câu để tiêu khiển, hưởng thú nhàn tản và đợi chờ, lâu mau có làm gì nên khi dây câu mấp máy, cá động, thì được cá hay không cũng vậy thôi, không quan trọng.

Tín hữu Phật Giáo thường chúc nhau “Thân tâm thường an lạc,” nghĩa là thân và tâm song hành, tuy hai mà một. Tâm vui thì thân an. Tâm sầu khổ hay loạn động thì thân bất an. Vòng sinh, lão, bệnh, tử, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mô tả là “Đường chạy vòng quanh, một vòng tiều tụy,” nhân quần không ai tránh khỏi nhưng bệnh do tâm mà ra. Người ta bảo nhau đi tìm thuốc để phòng bệnh, trị bệnh, nhưng lại quên nuôi dưỡng cái tâm để thân được bình an.

MỚI CẬP NHẬT