Friday, April 26, 2024

Lại chuyện cưới vợ ở Việt Nam

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

Tôi mới cưới vợ chừng 4 năm nay, vì một lý do riêng tôi không về Việt Nam để làm đám hỏi hay giấy tờ mà phải qua Thái Lan vài ba lần để làm hồ sơ, gặp gỡ, chụp ảnh ý trung nhân.

Sau khi cô ấy qua Mỹ được 2 năm, theo thủ tục thì phải nộp đơn xin “removal of conditions”, nôm na là xin thẻ xanh 10 năm.

Điều kiện của Sở Di Trú rất nhiều, ngoài vấn đề tài chánh, còn đứng chung tài sản, nhất là phải có chung một đứa con để chứng minh cho mối liên hệ vợ chồng.

Và vì chúng tôi khó có con nên đã nhờ một cơ quan y khoa giúp cho bằng phương pháp IVF (In Vitro Fertilization), chương trình tiến triển khá tốt, nhưng khi đến giai đoạn cuối là đưa vào người cô ta thì cô ta không chịu. Câu chuyện khá phức tạp không kể hết chi tiết được, cô viện lí do là tôi tán tỉnh người khác… Nhưng tình thực cô chỉ muốn ở lại Mỹ lâu hơn là 2-3 năm và khi nào có đủ tiền, hay hưởng tiền hưu khi tôi chết thì cô trở về Việt Nam sống với anh chị và gia đình mấy người cháu.

Câu chuyện của gia đình tôi khiến tôi khó giải quyết nên viết thư này nhờ cô Nguyệt Nga và quí độc giả cho ý kiến. Hiện tại cô ta vẫn liên lạc thường xuyên với anh chị và nhiều người cháu ở Việt Nam chẳng để ý gì lắm đời sống ở Mỹ.

Thiện Tài

Góp ý của độc giả:

– Thuận Lý:
Chuyện về Việt Nam lấy vợ sao nghe hoài, cứ về lấy vợ rồi gặp cô vợ sao đó rồi tức tối, rồi ân hận… Tôi không biết tại sao lại xảy ra hoài vậy. Bộ những người đó không đọc báo, nghe đài, nghe chung quanh để biết rằng việc mình làm là có nguy cơ dẫn đến sự phiền toái hay sao.

Cách nay không lâu trên mục này cũng đăng thư của một người cưới vợ Việt Nam, rồi cô vợ ẵm con ra đường trời lạnh, hỗn hào, đến nhà bank làm những điều chướng tai gai mắt. Vậy mà nay lại có thêm một thư với đề tài gần tương tự.

Tôi không hiểu sao mấy ông Mỹ khoái về Việt Nam lấy vợ thế, hay mấy ông ham trẻ? Ham lạ?

Trường hợp của anh, tôi thấy tại sao anh vẫn còn chịu đựng, đuổi quách cô ấy về nước, vẫn còn kịp mà. Cô ta chỉ mới có thẻ xanh 2 năm, còn rất nhiều điều kiện gian khó để có cái thẻ xanh 10 năm. Nếu cô ta không thích Mỹ thì cứ tự động về xứ, xong!

– NB

Bức thư hỏi ý kiến của anh quá đơn giản, sơ sài. Vì vậy độc giả sẽ khó góp ý cho anh được chính xác, đầy đủ. Dựa vào cảm quan có được, tôi xin góp vài ý kiến sau:

Đây là một cuộc hôn nhân gượng ép, anh cần một cô vợ, cô gái ấy cần được định cư hợp pháp ở Mỹ. Thế là chẳng cần phải gặp mặt tiếp xúc, tìm hiểu làm gì cho rắc rối mất thời gian.
Chỉ sau vài ba lần sang Thái Lan chụp hình, làm thủ tục cũng đủ cho cô ấy sang Mỹ hợp pháp (theo diện fiance?)

Ở Mỹ với thẻ xanh hai năm, cô ấy bắt buộc phải làm thủ tục xin thẻ xanh mười năm mới được ở lại hợp pháp. Bây giờ rắc rối mới xảy ra, để có được thẻ xanh mười năm hai người phải chứng minh mình là vợ chồng thực thụ. Nghĩa là anh phải có tài chánh đủ để bảo trợ cho cô ấy, hai người phải có account ngân hàng chung, và có con chung với nhau.

Anh nói là cuộc hôn nhân này đã được gần bốn năm, vậy sau khi thẻ xanh hai năm hết hạn, từ đó đến nay cô ấy đã xin được thẻ xanh mười năm chưa? Nếu đã được rồi thì xin chúc mừng cô ấy đã được định cư ở Mỹ hợp pháp và không còn cần bàn cãi gì về vấn đề di trú của cô ấy nữa. Nếu chưa thì thật đáng tiếc, hai người phải chung tay tìm hiểu vì lý do gì mình chưa đủ điều kiện. Vì chưa có con chung?…

Anh có bao giờ nghĩ là cô gái này không thực sự muốn gắn bó vợ chồng suốt đời với anh không? Vì tình trạng tài chánh của anh không khả quan? Hay vì chính bản thân anh có điều gì khiếm khuyết? Sang Mỹ thì được rồi đó nhưng gắn bó lâu dài với anh thì cô thấy mình phải suy nghĩ lại. Cô e dè, băn khoăn không biết mình có nên tin tưởng giao phó cuộc đời mình cho người đàn ông này không? Có lẽ vì thấy mình chưa đủ tin tưởng nên cô ấy đã từ chối có con với anh (dù đây là yếu tố quyết định).

Anh hãy suy nghĩ lý giải thật kỹ về mối liên hệ này. Anh có thật sự muốn nên nghĩa vợ chồng với cô gái này không? Nếu có, anh hãy cố gắng chứng tỏ thiện chí anh muốn được sống đời với cô ấy, cải thiện bản thân anh sao cho cô ấy có thể tin tưởng. Đồng thời anh cũng phải giải thích cho cô ấy hiểu đứa con chung là điều kiện quyết định chứng minh liên hệ vợ chồng giữa hai người. Chỉ khi là vợ của anh cô ấy mới có được thẻ xanh mười năm, được ở lại Mỹ hợp pháp, được thi lấy quốc tịch, được hưởng những quyền lợi khi sống ở Mỹ và kể cả những quyền lợi có từ cuộc hôn nhân này.

Nếu thấy khó khăn quá để thuyết phục cô ấy đồng hành cùng với anh, tốt nhất hãy trả tự do cho cô ấy. Hãy để tùy cô ấy quyết định sẽ làm gì, trở về Việt Nam nếu cô muốn hoặc ở lại Mỹ nhưng kiếm người đàn ông khác (người cô có thể tin tưởng) bảo trợ giúp cô ở lại.

Hôn nhân gia đình là để kiếm tìm sự ổn định, hạnh phúc cho mình. Anh đừng để cuộc sống đồng sàng dị mộng này làm mình phải mệt mỏi, bế tắc.

Chúc anh may mắn, sáng suốt tìm được hướng giải quyết chuyện đời mình.

– Chuyên

Câu chuyện gia đình của anh sẽ như thế nào là tùy vào anh. Anh là người quyết định mọi thứ, kể cả số phận của người vợ anh.

Tôi có cảm tưởng anh không yêu cô ấy đủ, và ngược lại. Do đấy nếu vợ chồng sống với nhau mà “thủ” nhiều quá thì rất mệt. Gia đình, mái nhà là nơi để mình sống “xả” và bình an, bình an ở đây là mình an tâm, tin tưởng, không nghi ngại, dè chừng. Nếu anh thấy cô vợ không thật lòng với anh, chỉ coi cuộc sống ở Mỹ là tạm bợ và luôn mơ về Việt Nam, theo tôi thì anh nên để cho cô ấy toại nguyện. Anh giữ làm gì, khi mà chính bản thân anh cũng nghi ngại đủ thứ về người đồng sàng kia.

Mong anh có bình an sớm trong cuộc sống.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi lấy chồng đã 20 năm, anh ấy xuất thân từ miền quê Nam Bộ, tính tình hiền lành, chân chất. Anh chân chất đến độ quê mùa, ruộng lúa, và điều này đôi khi làm tôi khó chịu và xấu hổ.

Cho đến nay, năm 2017, khi mà ở nhà quê Việt Nam cũng khó tìm ra một chiếc giường trải chiếu, vậy mà nhà tôi, ở Mỹ, giường ngủ của hai vợ chồng tôi, hiên ngang trải một chiếc chiếu… cạp điều, đặt mua từ Việt Nam!

Anh không nằm nệm được, nói là không thẳng lưng nên nhức mỏi khi ngủ dậy. Tôi chìu chồng nên từ ngày làm vợ anh, không còn tơ hào gì đến chiếc nệm êm ấm. Nằm riết cũng quen lưng, và cũng đỡ tốn tiền mua drap. Mặc dù sống ở Mỹ, nhưng anh vẫn giữ thói quen ở quê nhà. Trong nhà, mùa nóng anh “đánh” một chiếc quần xà lỏn đi ra đi vào, phòng khách, nhà bếp. Tôi nói hoài không được, riết cũng mệt mà thôi. Đi chợ, tôi chẳng bao giờ dám mua cá kèo, vì nếu đem về thì anh sẽ quần tà lỏn ra ngoài sân sau, đổ ụp cá xuống nền đất và lấy tay chà xát cho đến khi hết nhớt. Trong khi tôi thì mắt dẹp mắt tròn coi chừng có hàng xóm Mỹ nào nhìn sang.

Tôi thương anh, anh lành, tốt bụng, nhưng lại không chịu được cái tính nhà quê của chồng. Thật ra nó cũng chẳng gì là ghê gớm nếu chỉ hai vợ chồng sống với nhau, cùng con cái trong nhà. Nhưng nay tôi sắp có rể, rể lại sẽ ở chung nhà nên tôi cũng âu lo, nghĩ suy phải làm sao thay đổi cái “ông già Ba Tri” này. Than thở với ông điều này thì ông trả lời ngang chằng: Hắn ở nhà mình thì phải vào nếp nhà mình, bao giờ mình ở nhà hắn bà mới lo. Xong phim! Không nói được, đã gọi là ông già Ba Tri thì chịu. Ngày xưa nghe nói, Ông già Ba Tri dám đi bộ từ Bến Tre ra đến triều đình Huế để kiện cáo gì đó, thì nay con cháu ổng, giòng máu của ổng, care gì đến chuyện ngủ trên chiếc chiếu cạp điều hay trên nệm, mặc quần tà lỏn trong phòng hay ra phòng khách, phòng nào cũng là phòng mà!

Các con tôi cũng rầu lắm nhưng tôi còn khuyên can không được huống gì đến các con. Ông già Ba Tri sẽ phán tướng lên rằng: Tụi bây biết gì, mười nấc thang, tao đã bước đến nấc cuối, tụi bây con nít mới nức mắt biết gì mà bàn. Xong phim luôn!

Thời đại nào cũng có một “Ông Già Ba Tri”, làm sao để biến ổng thành “Ông Già Bà Trị” thì đời phụ nữ chúng ta mới lên ngôi được.

Bà Trị

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT