Friday, April 26, 2024

Cô quạnh sinh nhật thứ sáu mươi

Việt Bách Thu

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Trời bắt đầu vào Thu. Những trường học trong vùng đã nhộn nhịp chuẩn bị lễ tựu trường. Hàng cây bên đường đã khoác những mảnh áo vàng chen lẫn với màu xanh. Tiếng ve râm ran ngày nào, bây giờ đã ít đi. Những đám mây trắng như bông gòn cũng dần dần tản mác mãi đâu.

Hôm nay cái nóng của mùa Hè đã trở lại. Bà Bảy mở cửa sổ trông ra sau vườn cho gió nhẹ thổi vào, mặc dù máy lạnh vẫn đang chạy. Bà muốn không khí tràn vào bên trong, cho dù khí nóng cũng ùa vào theo. Sau một lúc, bà đóng cửa lại để khỏi nghe thấy những tiếng trẻ con nô đùa và những tiếng động ồn ào vọng đến từ hồ bơi. Hồ bơi của chung cư nằm ngay sau phía nhà bà. Hầu hết mỗi ngày Hè, sau khi đi làm về, bà hay đợi đến giờ bơi dành cho người lớn để xuống tắm. Bà cũng không để cửa mở lâu hơn nữa, vì muốn giữ độ lạnh trong nhà cho hoa được tươi lâu. Sáng hôm nay, con gái bà đem đến tặng mẹ một bình hoa để làm quà sinh nhật. Ngày sinh nhật là một trong ba ngày trong năm mà bà Bảy biết chắc chắn con sẽ đến thăm và mang quà cho mẹ. Hai ngày kia là ngày Lễ Mẹ, và ngày Giáng sinh.

Bà Bảy mở tập ảnh cũ ra xem, ngón tay bà ngừng lại ở một tấm hình. Trong hình con trai út của bà còn ẵm ngửa, và cô chị đứng cạnh em bé. Bà còn nhớ ngày Giáng Sinh năm xưa, khi con bé nằn nì xin ông già Noel cho nó một đứa em trai. Thời gian trôi thật nhanh, cứ tưởng như mới đây thôi. Con gái lớn của bà đã ra ở riêng, rồi lập gia đình, và sanh con trai đầu lòng. Nhà cô gái chỉ cách nhà bà hai mươi phút lái xe. Khi chưa có chồng, có khi cả tháng trời cô không liên lạc với mẹ, trừ phi bà muốn gặp cô. Bây giờ cô đến nhà bà thường xuyên hơn để nhờ giữ cháu; khi hai vợ chồng đi dự tiệc, hay khi bận việc. Bà Bảy thầm nhủ, cũng tốt thôi, vì bà luôn nhớ con.

Bà Bảy ở nhà với con trai. Bà ở một mình nuôi dạy hai đứa con từ ngày cha chúng qua đời vì tai nạn hơn hai mươi năm qua. Con trai bà chỉ muốn ra riêng khi đến mười tám như những bạn đồng tuổi của nó. Hai năm đầu đại học, cậu cùng vài người bạn theo học đại học ở tiểu bang khác và chỉ về nhà vào lúc nghỉ Hè hay những dịp lễ lớn. Sau cậu chuyển trường về gần nhà, và ở với mẹ cho đỡ tốn tiền ở nội trú. Gì thì gì, bà Bảy rất mừng khi con về nhà ở với mình. Con bà lại làm thêm ban đêm nên tuy ở chung một nhà, nhưng hai mẹ con ít có dịp gặp nhau. Bà Bảy thức sớm để đi lễ, khi bà đi làm thì con trai bà vẫn còn ngủ. Ban đêm khi cậu làm việc về nhà, lại đến phiên bà đã ngủ say. Muốn nghe tiếng con, từ trong sở làm bà phải gọi về. Cuối tuần là ngày bà Bảy nghỉ ở nhà, là lúc cậu con hầu như không có ở nhà. Cậu không làm thêm thì cũng đến nhà bạn chơi đến khuya. Cứ như thế, ngày tháng trôi qua trong ngôi nhà vắng lặng.

Bà Bảy đứng thứ bảy trong gia đình nên mọi người gọi là bà Bảy, lâu ngày thành tên của bà. Tuy hai người con sanh ra ở Hoa Kỳ, ngoài tên Mỹ ra bà cũng đặt tên Việt Nam cho chúng, và còn xem gia phả để khỏi trùng tuổi với ông bà, tổ tiên; cũng như cha của bà đã làm khi ông cụ còn sinh tiền. Cả ba mẹ con đều mang tên Ngọc. Tên cúng cơm của bà Bảy là Bội Ngọc, nên bà đặt tên con gái là Mỹ Ngọc, và con trai là Thế Ngọc. Khi đến trường, bạn bè gọi chúng là Melanie và Marty. Hai đứa thích tên Mỹ hơn. Có lần, thằng Thế còn nói:

– Cám ơn mẹ đã đặt tên Mỹ cho con (bằng tiếng Anh). Bạn của con chỉ có tên Việt Nam, vừa khó gọi mà nó còn bị chọc quê nữa!

Suốt thời gian các con học tiểu học, bà đưa chúng đi học lớp Việt ngữ cuối tuần ở nhà thờ. Vào mỗi mùa Hè, bà lại gửi các con sang bà ngoại và các dì ở tiểu bang Virginia. Cũng nhờ “luyện chưởng” và xem phim Việt Nam với bà ngoại, tiếng Việt của chúng tiến bộ thấy rõ, nhất là thằng bé vì nó gặp ngoại thường hơn chị. Bà ngoại không nói được tiếng Anh, nên chúng không còn đường chọn lựa. Sau khi lên trung học, cả hai con của bà đều lười nói tiếng Việt. Bà nói với con bằng tiếng Việt, chúng trả lời lại bằng tiếng Anh, tuy chúng vẫn hiểu được mẹ nói gì với mình.

-I am sorry, mẹ! Bên tai bà vẫn còn nghe, câu trả lời của con trai, khi bà hỏi liệu cậu sẽ ở với mẹ, lúc bà về già.

Con của bà vẫn gần gũi với đất nước này hơn quê hương mẹ. Nhà bà Bảy tuy không xa nơi có nhiều người đồng hương; nhưng bà cũng ít khi đi lại; vả lại ai cũng bận việc của mình. Nhiều khi bà nhìn các gia đình khác mà không khỏi so sánh; khi thấy gia đình người ta đoàn tụ vui vẻ, và lối sống của họ vẫn giống như khi chưa đến nước ngoài. Tuy nhiên bà cảm thấy an ủi phần nào, vì bà biết những gia đình không hơn gì tình cảnh của bà; mặc dù họ có đủ cả gia đình và bên nội, bên ngoại. Ông bà, cha mẹ đều nói tiếng Việt; nhưng giới trẻ vẫn không nói được. Các con bà cũng ngoan, và chúng còn nói, còn hiểu tiếng Việt là bà đã cảm thấy vui.

Bà Bảy đón nhận sinh nhật 60 tuổi với một thái độ hờ hững. Có ai muốn già thêm một tuổi nữa đâu chứ! Nhất là ở trong giai đoạn này của người đàn bà. Cũng như đối với cha mẹ của bà, ngày giỗ quan trọng hơn ngày sinh nhật. Mẹ bà Bảy có chín người con, bà cụ không nhớ sinh nhật của đứa con nào; nhưng bà nhớ rõ ngày giỗ kỵ của ông bà tổ tiên, nội ngoại. Đối với các con của bà Bảy, sinh nhật là lúc phải có quà và phải mở tiệc ăn mừng. Tháng trước bà vừa liên lạc được với Minh, cô bạn học Gia Long, bây giờ đang sống ở Úc. Minh gửi tặng bà ảnh chụp ngày sinh nhật cùng với đại gia đình. Cô ta còn hồn nhiên nói:

-Bây giờ mà tụi mình có theo ông bà thì cũng gọi là ‘hưởng thọ’, chứ không phải ‘hưởng dương’ đâu nghe!

Hai cô nữ sinh áo trắng ngây thơ ngày nào, bây giờ đã là “bà lão” lục tuần rồi sao? Bạn thời trung học của bà ở Sài Gòn ai cũng đã làm bà ngoại, bà nội. Họ được về hưu từ lúc 55 tuổi. Nhưng ở Hoa Kỳ này bà còn phải đi làm dài dài. Bà phải chuẩn bị tinh thần, và dành dụm cho những ngày sau. Mặc dù biết là lao nhọc cả đời rồi sẽ chẳng mang theo được gì, bà cũng phải lo trước. Con bà còn khuyến khích mẹ sắp đặt sẵn chỗ an nghỉ ngàn thu để chúng khỏi phải lo.

Khi còn trẻ, con bà không muốn mẹ lìa xa chúng. Khi lớn khôn, chúng lại muốn mẹ ra ngoài nhiều hơn, để khỏi gần gũi quản thúc tự do của chúng. Chúng còn nói là bà sống như người già vì bà chỉ giao thiệp với toàn là người già! Bà Bảy nhủ thầm, rồi đường nào cũng đến La Mã mà thôi. Bà biết nhiều người thích níu kéo tuổi xuân; nhưng bà không quan tâm mấy đến việc này.

Tiếng ồn ào của lũ trẻ đang đùa trong nước đem bà Bảy trở về với thực tại. Bà đặt bình hoa vào chỗ ít nắng hơn cho khỏi héo. Bà nhớ lại một ngày Lễ Mẹ năm nào; khi con trai bà kéo vĩ cầm bản nhạc “Ơn nghĩa sinh thành” và bài “Lòng Mẹ” để tặng các bà mẹ trong nhà thờ. Lúc ấy cậu chơi đàn theo nốt nhạc, nhưng không biết cậu có hiểu được ý nghĩa của lời nhạc hay không? “Uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu, ai ơi hãy nhớ năm xưa, những ngày còn thơ, công ai nuôi dưỡng?…” Hơn lúc nào hết, bà Bảy rất thấm thía bốn chữ “nước mắt chảy xuôi.” Bà không trông đợi gì được báo đền. Bà tin sẽ có ngày nào đó, con bà sẽ hiểu được nỗi lòng của mẹ.

Bà Bảy lẩm nhẩm hát, “Em ơi có bao nhiêu 60 năm cuộc đời…”

Nghĩ đến các bạn thời trung học ở khắp nơi, ở Mỹ, Âu Châu, Việt Nam và ở Úc; bà Bảy rất muốn gặp lại họ. Tự dưng bà cảm thấy bâng khuâng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT