Thursday, April 18, 2024

Kẹo đục, đèn chai

Tạ Phong Tần

Kẹo đục và đèn chai, hai thứ này bình thường thì chẳng ăn nhập gì với nhau, thậm chí chỏi nhau. Bây giờ ít người biết chúng là cái giống gì, nhưng cách đây ba mươi năm chúng là một phần (hơi bị lớn) của đời sống trẻ con nông thôn miền Nam, gắn liền với những mảnh đời cơ cực và nhiều kỷ niệm buồn. Kẹo đục là thứ kẹo làm thủ công đơn sơ bằng đường chảy, còn đèn chai là cái đèn dầu lửa (dầu hỏa) làm từ cái chai thủy tinh cắt ngang ở trên phần đầu.

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, cuộc sống người dân miền Nam đang từ sung túc bỗng dưng “rơi tự do” xuống cái vũng đói khổ và thiếu thốn trăm bề. Mỗi tháng, tôi có nhiệm vụ cầm quyển sổ đến hợp tác xã mua hàng. Tôi xếp hàng sau dòng người dài dằng dặc trước cái cửa sổ được người ta lấy lưới sắt che lại, chừa ra một lỗ nhỏ vuông vuông cỡ quyển tập học sinh. Ðằng sau cái lỗ vuông là “bộ mặt hình sự” lầm lầm lì lì của cô mậu dịch viên, thỉnh thoảng lại cất giọng chua như giấm kêu tên chủ hộ (ghi trên sổ mua hàng). Người nhà đang đứng trong hàng người đợi đến lượt mừng quýnh, vội vàng la thiệt lớn một tiếng “có,” sợ rằng mình la nhỏ, cô bán hàng không nghe thì cô bỏ qua, kêu người khác. Phải đợi quay lại lần nữa thì cổ dài hơn cổ cò vẫn chưa tới lượt mình. Quan trọng hơn, sợ hơn nữa là phải nghe hai chữ “hết hàng” từ miệng cô ta.

Cô mậu dịch viên lấy kéo cắt từng ô giấy trong sổ, cộng cộng trừ trừ, ngẩng đầu lên nói to số tiền. Tôi vội vàng dúi tiền qua cái lỗ vuông, nhận một miếng giấy nhỏ có ghi vài chữ (xấu đến mức đọc không ra) rồi tất tả chui ngược ra khỏi dòng người. Rồi tiếp tục sang chen lấn bên kho hàng, chìa miếng giấy nhỏ đó cho cô thủ kho để cô xuất hàng. Mỗi lần như vậy, tôi đem về nhà được 1 gói đường cát vàng chừng nửa ký lô, 1 gói bột ngọt mịn như bột chừng 50 gram, 1 gói thuốc lá đen không đầu lọc hiệu Ðà Lạt, 1 gói trà màu nâu đen cũng mịn như bột chớ không thấy lá trà đâu hết, 1 cục xà bông màu đất sét vuông cỡ nắm tay người lớn cứng như đá mà thời đó kêu là “xà bông đá.” Có khi thêm được cái lưỡi lam đen… Ðó là những thứ mà mỗi gia đình được hợp tác xã “phân phối” để ăn, để mặc, để giặt, để giữ vệ sinh trong suốt một tháng trời.

Cho nên, ngoài chuyện thiếu ăn làm cho suy dinh dưỡng, thiếu sức đề kháng bệnh tật, thì chuyện thiếu xà bông tắm giặt dẫn đến ở dơ cũng làm cho nhà nào nhà nấy đầy rệp trong giường chiếu, còn thân thể thì sinh ghẻ lở từ trên xuống dưới. Lúc đó, trong nhà tôi có cái khạp da lươn lớn chừng hơn một đôi nước (40 lít). Cha tôi chứa tro bếp trong đó, đổ nước vô ngâm lóng lấy nước trong để gội đầu, giặt quần áo. Còn cục xà bông đá duy nhất đó để dành tắm cho đỡ ghẻ.

Ðường bán theo phân phối, không đủ làm gia vị nấu ăn hằng ngày, nên kẹo bánh là thứ xa xỉ thời bấy giờ. Thậm chí quanh năm suốt tháng con nít không hề biết mặt mũi cục kẹo, cái bánh ngọt nó ra làm sao. Bà Kiểm già đối diện nhà tôi, không biết bằng cách nào, thường mua được đường chảy để làm kẹo bán. Ðường chảy là đường thô mới nấu đợt đầu tiên từ nước mía, nó có màu nâu vàng hoặc nâu đỏ, giống như đất sét nhão, đựng trong thùng thiếc hay hũ sành. Trong thùng thiếc, người ta lót một lớp lá buông khô trước khi đựng đường vô cho đường không làm lủng thùng.

Ngày đó, tôi thường sang nhà bà Kiểm buổi trưa để coi bà làm kẹo đục. Bà Kiểm đổ đường chảy vào nồi nấu sôi lên. Bà lấy cái vá cán dài bằng cây quậy đường cho đều đến khi thấy đường nổi bọt cua. Không biết bà cho thêm vào đường cái gì (có lẽ bột thì phải) mà đường quến lại thành một cục hơi nhão màu vàng vàng. Xong bà lấy nồi xuống, xúc hết mớ đường bỏ lên cái mâm nhôm. Trong mâm có sẵn bột nếp (hoặc bột mì) rang chín xay mịn, lăn qua lăn lại vài lần cho khỏi dính rồi bà nắm cục đường lên, kéo ra. Bà cầm cục đường quất lên cây cột lớn trong nhà. Trên cây cột có đóng sẵn một cái đinh lớn. Cục đường quăng lên dính vào cái đinh, bà kéo nó dài ra, giật xuống, xếp đôi lại rồi quăng lên kéo xuống tiếp tục. Bà cứ quăng kéo một lúc chừng 30 phút thì ngưng lại, kéo dài cục đường ra cho đến khi thấy nó có bề tròn bằng ngón tay cái. Bà dùng cái kéo lớn cắt cho cục đường rớt lịch bịch xuống mâm bột rang, thành từng cục kẹo bằng một nửa lóng ngón tay. Bà lấy tay trộn đều cho cục kẹo nào cũng được bao phủ bên ngoài một lớp bột rang trắng phếu, rồi bà xúc tất cả kẹo lẫn bột đổ vô cái keo thủy tinh đậy kín lại. Mỗi lần, bà Kiểm làm chừng một keo kẹo đục khoảng một ký lô để bán cho con nít trong xóm, thường thì 2-3 ngày bán hết một keo bà mới làm tiếp keo kẹo khác. Cục kẹo cứng như đá, có mùi hăng hắc của đường chảy, cắn gãy răng chớ không bể nên chỉ ngậm trong miệng cho nó tan chất ngọt ra từ từ. Bà bán 50 xu hai cục kẹo. Con nít tụi tôi lúc đó, đồ ăn ngọt duy nhất là những viên kẹo đục mua từ bà Kiểm.

Sau ngày 30 tháng 4, các loại đèn măng-sông, đèn dầu lớn có ống khói bằng thủy tinh cao hơn một gang tay từ từ “đi vào dĩ vãng” bởi lẽ đồ cũ xài lâu tất phải bị hư, bể, còn đồ mới thì không sản xuất được nữa. Chỉ còn lại những cái đèn bầu đựng dầu bằng thủy tinh nhỏ xíu, lùn xủn, trên cắm cái ống khói hột vịt (ống khói đèn bằng thủy tinh tròn nhỏ như cái trứng vịt). Thủy tinh thì màu xanh xanh đầy những bọt nên ánh đèn bị tù mù. Mà cũng không dễ mua được cái đèn dầu hột vịt để xài. Nông thôn điện đóm trong nhà không có, điện đường càng không. Ống khói đèn hột vịt nhỏ quá, mỗi lần bưng đèn đi tới đi lui gió thổi đèn dễ tắt lắm. Người dân xứ tôi nghĩ ra cách làm cái đèn chai đốt bằng dầu lửa, vừa khỏi phải mua đèn, vừa tránh bị gió thổi tắt khi bưng đi ra ngoài.

Người ta lựa những cái chai thủy tinh màu trắng trong suốt trước kia chứa rượu, giấm, nước ngọt… để cắt ra làm cái đèn. Trước hết, dùng lá chuối khô nhét miệng chai cho kín. Lấy một đoạn dây tước từ sợi dệt bao bố tời ra se nhỏ lại, cột chặt quanh thân chai chỗ muốn cắt. Chấm dầu lửa vô sợi dây thật khéo sao cho dầu thấm ướt hết sợi dây bố nhưng không lan ra chỗ khác, rồi đốt sợi dây bố. Lửa cháy phừng lên một lúc, cháy hết sợi dây thì lấy nước tưới vào chai. Chỗ cột dây bố đốt gặp nước kêu răng rắc rồi nứt ra theo lằn sợi dây. Lúc đó chỉ việc lấy lưỡi dao mỏng gõ nhẹ nhẹ theo lằn nứt là cái chai đã được cắt rời khỏi cổ chai. Thường thì người ta cắt bỏ một phần ba chiều cao tính từ miệng chai xuống đít chai. Người nào khéo tay thì uốn cọng dây kẽm vừa sít với thân chai chỗ muốn cắt, đốt cọng kẽm cháy đỏ rồi tròng vào chai để đó chừng hai phút, rưới nước vào là chai nứt theo cọng kẽm. Với cọng kẽm đường cắt thường đẹp hơn, không nứt bậy như khi đốt sợi dây bố. Cắt xong, lấy đá mài dao mài miệng chai cho trơn phẳng, uốn một ống kim loại nhỏ bằng đầu nhỏ chiếc đũa, quấn sợi kẽm lớn một chút quanh ống nhôm, chừa sợi kẽm dài hai đầu bẻ cong làm cái móc, móc lên miệng chai vừa cắt, sao cho sợi kẽm thòng ống nhôm xuống nằm ở khoảng chính giữa thân chai mới cắt là được. Lấy sợi vải quần áo cũ se lại xỏ vô ống kim loại làm tim đèn, đổ dầu lửa vô, lên chừng hai ba phân dưới đáy chai, vậy là có cái đèn chai. Ði đường buổi tối, người ta bưng cây đèn chai theo giống như thời “sung túc” đi chơi ban đêm giắt theo cây đèn ba cục pin trong lưng quần vậy.

Bây giờ, không ai làm, không ai bán kẹo đục nữa. Cứ tưởng sau mấy chục năm, kẹo đục, đèn chai đã đi vào dĩ vãng. Cách đây bảy tám năm, tôi ngồi xuồng đi dọc bờ sông ở miền Tây, vào những xóm nghèo heo hút ven sông, thật bất ngờ khi thỉnh thoảng lại thấy trước những căn nhà lá rách nát chơ vơ, cạnh chiếc xuồng đang neo đậu trước bến là tấm lưới cũ phơi trước nhà và cái đèn chai treo lủng lẳng trước hàng ba. Cái đói, cái nghèo vẫn đeo đẳng người nông dân vùng đất nổi tiếng ruộng đồng trù phú.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT