Friday, April 26, 2024

Ở chốn nhân gian không thể hiểu

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

 

Thưa cô Nguyệt Nga, vừa qua gia đình em gặp một chuyện khiến mọi người đau xót và ngỡ ngàng.

Ba em là một sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH. Ngoài là sĩ quan cao cấp, ông còn là chỉ huy trưởng. Do đấy hàng ngày ông phải quyết định bao nhiêu việc. Từ trung ương đến địa phương, ông đều phải suy nghĩ, cân nhắc… trước khi quyết định. Nếu quyết định đúng thì không nói gì, nhưng nếu quyết định sai, đôi khi kéo theo việc hy sinh bao nhiêu mạng người.

Trong gia đình, mẹ em quá hiền lành, nên mọi quyết định cũng lại do ba em. Tất cả mọi việc, từ việc lớn đến việc nhỏ, từ con cái, nhà cửa… cho đến khi các con khôn lớn, ông cũng lại là người hướng dẫn chuyện chọn trường cho con, chọn ngành cho con, cưới hỏi… Nói chung, ba em là người quyết định mọi thứ.

Khi định cư tại Mỹ, mặc dù lớn tuổi nhưng do uy tín và khả năng cùng sức khỏe tốt, ba lại được một hãng cũng khá lớn mời làm manager. Ba lại lao vào công việc với rất nhiều stress hàng ngày. Làm việc ở đây mấy năm ba em làm đơn xin nghỉ hưu.

Hôm kia là sinh nhật của ông, cũng là ngày ông chính thức nghỉ hưu. Chị em tụ tập về và quyết định tổ chức một sinh nhật lớn cho ba. Ông vui lắm, cười từ sáng sớm khi con cái thông báo. Ông vui thấy rõ, nói cười nhiều hơn, mặt tươi, rạng rỡ.

Chiều đến giờ cùng ra nhà hàng. Lúc mọi người xuống xe vào một center có nhiều nhà hàng. Người chị lớn thay mặt mọi người hỏi ba: Bây giờ ba muốn ăn nhà hàng nào?

Thật là bất ngờ, lập tức ba tôi chửi thề (điều mà từ trước đến giờ ba tôi không hề làm) sau đó vừa nói vừa nức nở khóc lớn: Đến giờ phút này mà các con còn bắt ba phải quyết định sao, ba mệt mỏi quá! Và rồi ba em rủ xuống như một tàu lá.

Thật lạ lùng, cả mẹ và mấy chị em ngẩn ngơ, bối rối, không hiểu ba như thế nào. Chúng tôi hỏi ý vì muốn chìu ba, sao ba lại thô lỗ như vậy. Chúng tôi hoàn toàn không hiểu ba, ba có điên không?

Mọi việc xảy ra còn mới tinh khôi. Cả nhà đều đau buồn, ngày sinh nhật của ba chưa bao giờ buồn như thế. Gia đình không ai hiểu nổi, tôi viết thư này cầu cứu cô Nguyệt Nga cùng quí vị giải thích hộ.

Góp ý của độc giả:

*Kim:

Theo tôi, ba cô chẳng điên chút nào. Đó là dấu hiệu của depressed, cái gọi là: “Người quyết định mọi thứ”. Ở Việt Nam, đa số là người chồng quyết định mọi thứ. Ông có cái trách nhiệm của người chồng, người cha, một cái đầu tàu cho một đoàn tàu. Rồi sang đến Mỹ, ông có trách nhiệm của một manager. Đây là điểm then chốt.

Ở Việt Nam, quyết định của ba cô sẽ được mọi người răm rắp nghe theo, sẽ tạo cho ông cảm giác là người tối thượng, một ông Trùm. Cho dù có phải làm bù đầu, xác thân ông mệt mỏi. Nhưng ngủ một giấc là ông hồi phục cả tinh thần lẫn thể xác.

Sang Mỹ, với nhiệm vụ một manager, mọi sự không dễ dàng như xưa kia. Làm manager, trên đe, dưới búa. Như cô đã nói, có nhiều stress khiến ông làm đơn nghỉ hưu sau vài năm.

Thêm nữa, khi lớn tuổi, sức chịu đựng của con người giảm đi. Nên, cũng là một việc, nhưng khi còn trẻ, mình thấy không sao, nhưng khi lớn tuổi, đó lại là một problem. Ông nghĩ, ông nghỉ hưu, thì từ nay mọi việc ông sẽ phủi tay, không còn trách nhiệm, không còn quyết định cho bất cứ việc gì. Ngày sinh nhật ông, ông happy vì ông nghĩ rằng tụi nó làm cho mình, nó lôi mình đi đâu thì mình đi đó. Khỏi quyết định, khỏi, suy nghĩ. Nên khi chị cô hỏi: “Ba muốn ăn ở đâu?” cái pressure tiềm ẩn, khi ông làm manager trong ông bừng dậy. Cái ấm ức lại phải quyết định khiến ông buông lời thô tục. Ông không chủ đích chửi chị cô, mà đó là câu chửi tục đầu môi khi tức giận. Tôi nghĩ chính ông không kềm được vì cơn tức quá bất ngờ. Sau đó ông khóc vì ấm ức, và cũng có thể vì đã không dằn được cơn tức giận.

Chị em cô ngỡ ngàng vì phản ứng của ông, nhưng hãy hiểu, ông đang cần release all stresses. Tạm thời coi ông như một toa nhỏ trong đoàn tàu. Đừng hỏi ý ông nhiều để ông có cảm giác sung sướng của một người nghỉ hưu. Hoàn toàn được buông bỏ và enjoyed.

*CKN:

Tôi không phải là nhà chuyên môn hay bác sĩ, nhưng tôi cũng đã có dịp nhìn thấy bố tôi với những triệu chứng như vậy.
Đây là dấu hiệu bắt đầu của bịnh Alzheimer.

*Chiến Thuật:

Trong binh pháp có nói rất nhiều về trường hợp Tao Ngộ Chiến. Tóm tắt là cách giải quyết những vấn đề không lường trước được.

Vậy thì trong trường hợp của ba em, em phải nói như sau:

“Hay quá! Đúng quá! Ba ơi, con nghĩ rằng thế nào ba cũng nói như vậy”

Rồi dẫn ba đến một nhà hàng mà em nghĩ là ba thích.

Nếu ba em là một sĩ quan cao cấp trong quân đội VNCH và chỉ huy trưởng, em cho em xem câu trả lời này, tôi nghĩ ông sẽ hết buồn và vui trở lại.

Mong lắm thay.

*Mann:

Tôi không mấy ngạc nhiên về hành động bất ngờ của ba cô. Cứ đặt bản thân mình vô ba của cô thì cô sẽ có câu trả lời – đó là ba của cô vẫn còn cảm thấy bị stress.

Đối với các con và người vợ của ông, nhìn vào, 1 câu hỏi đó “Bây giờ Ba muốn ăn nhà hàng nào ?” có gì mà Ba phải overreact như vậy? 1 câu hỏi đơn giản chỉ cần 1 câu trả lời đơn giản thôi mà. Nhưng về phía ba của cô, từ tận đáy lòng của ông, ông đã cảm thấy quá mệt mỏi từ bao năm nay vì phải tự biên tự diễn mọi thứ trong gia đình mà ông đã chôn kín không 1 lời than thở.

Đến khi được báo tin là được con cái tổ chức cho mình cái sinh nhật thì cảm giác ông thật sung sướng, có thể ông đã nghĩ “Tụi nó bây giờ đã trưởng thành thật sự rồi. Cũng biết nghĩ tới bố mẹ và còn dự định 1 bữa sinh nhật như vậy nữa… bây giờ mình không còn phải lo lắng hay suy nghĩ, quyết định chuyện gì cho chúng.”

Nhưng tới khi bị hỏi câu hỏi đó thì ông ta cảm thấy như bị tạt 1 gáo nước lạnh “Tại sao 1 việc đơn giản như vậy là chọn 1 nhà hàng thôi mà nó lại hỏi mình? Chả lẽ mình vẫn phải quyết định cả đời hay sao?” Vì thế mà 1 đống tâm sự của ông nhờ cơ hội đó mà tuôn ra hết

Theo tôi, các chị em cô nên thông cảm cho ông và họp nhau lại ngồi xuống an ủi ông đi. Nói như thế nào để cho ba của cô cảm thấy các cô rất biết ơn mọi thứ ba đã làm và lo lắng cho các con, bây giờ các cô đã lớn, có thể tự lo lấy cho bản thân mình, khuyên ông không cần phải lo lắng gì nữa cả, từ giờ trở đi là lúc mà các cô sẽ bắt đầu lo lại cho bố mẹ, trả hiếu cho bố mẹ. Ngoài ra các cô xin lỗi ông vì đã không cân nhắc về chuyện nhà hàng, tuy nhiên câu hỏi đó cũng chỉ vì cả gia đình muốn chọn ăn ở nơi mà ông thích chứ không phải là vì muốn 1 lần nữa ông phải quyết định mọi thứ đâu, hy vọng ông đừng hiểu lầm.

Tôi hy vọng gia đình cô lấy lại được nụ cười trên gương mặt của ba cô. Tôi chúc các cô mọi sự may mắn

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, em là người có tội, em đã ngoại tình với một người đàn bà khác, em ngoại tình trong lúc vợ em đang thập tử nhất sinh. Em biết em đã làm điều sai, nếu không muốn nói là vô nhân đạo.

Nhưng em không thể khác hơn. Suốt hai tuần nay, 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày, em bên vợ, không hở một phút giây nào. Bố mẹ hai bên ở xa, bà con thân thuộc không có, chỉ có hai vợ chồng với nhau. Vì thế, em đã ở suốt trong bệnh viện, em không về nhà tắm rửa nữa. Em gần như không ngủ vì lo sợ vợ em có thể ra đi vào đúng cái lúc em chợp mắt.

Vậy mà em đã ngoại tình!

Ngay trong lúc em thất vọng, không muốn sống nữa, thì cô bạn cũ, nhắn tin. Cô ấy chỉ là bạn cùng lớp, không biết sao lại biết hoàn cảnh bi đát của em hiện tại. Cô ấy chỉ nhắn một câu ngắn: ráng lên, nghe! Mọi chuyện sẽ qua đi. Suốt thời gian ở trong bệnh viện, em không cầm đến cái điện thoại. Vậy mà không biết ma đưa lối quỷ đưa đường thế nào, mà khi vừa có tin nhắn của cô bạn là em bắt ngay điện thoại. Em như trở lại với thế giới “loài người” em nhắn tin hình một cái sticker ôm mặt khóc, và cô ấy cũng gửi lại cái hình một người ôm người kia vào lòng. Tự nhiên em cảm động chảy nước mắt. Em không biết sao nữa.

Sáng hôm sau khi vợ em vào phòng mổ, em bay đi tìm cô bạn, và em đã ngoại tình.

Vợ em đã qua cơn nguy biến, đã trở dần lại bình thường. Nhưng em thì lại bơi trong cơn nguy biến.

Em không cưỡng được cô Nguyệt Nga ơi!

Giúp cho em thoát khỏi cái vòng vây này với. Em không bao giờ bỏ vợ, em chắc chắn điều đó, em rất yêu vợ em. Vợ em xinh đẹp, thông minh, giỏi giang gấp trăm lần cô bạn cũ của em. Chúng em là 3 đứa học chung từ thời trung học. Trước sau thì vợ em cũng biết, em rất sợ điều này, mà làm như có ma dẫn đường, em vẫn tiếp tục hẹn hò, điện thoại, nhắn tin.

Em tồi bại quá! Vậy mà mấy hôm tưởng vợ chết đã nghĩ rằng nếu vợ chết sẽ tự tử chết theo. Em đã lên internet seach coi cách nào tự tử nhanh nhất.

Em thật tồi bại.

K.

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT