Thursday, April 25, 2024

Phải vớt vát quãng đời còn lại

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

 

Thưa cô Nguyệt Nga, trong thời gian gần đây, không biết bao nhiêu lần, em muốn tức khắc đến gặp luật sư để thực hiện thủ tục ly dị đấng ông chồng. Em cũng lên online nhiều lần để tìm hiểu vụ này, và biết được là với trường hợp vợ chồng có chung của cải, có chung con cái như vợ chồng tụi em, sẽ rất phức tạp, nhiêu khê…

Biết vậy mà vẫn không ngăn được ý muốn ly dị của em.

Chồng em đi làm, yêu em, không hề trai gái bồ bịch. Cuộc hôn nhân đối với em ví như một đôi giày đẹp, vừa vặn, sang trọng mà em đang mang. Nhưng em đi lại khó khăn quá, vì trong đôi giày có những hạt cát nhỏ, sắc… nó cứa vào da em.

Nói không có gì ngượng miệng, em là một người phụ nữ rất giỏi, việc sở, việc nhà em đều giỏi. Ngoài việc đi làm, em còn lo hết hồ sơ liên quan đến nhà cửa, các loại bill, thuế má, giải quyết những việc bất thình lình xảy ra… còn cơm nước, việc nhà, con cái… Nói chung là chồng em chỉ biết đi làm mang lương về (em cũng đi làm và Job của em lương lớn hơn, vững vàng hơn) còn ngoài ra không làm bất cứ một việc gì. Hằng ngày em phải nghe những câu như:

-Con nó viết chữ xấu quá, sao em không bắt nó tập thêm.

-Lúc nào rãnh, em gọi cho animal control, hàng xóm mới than phiền chó nhà mình.

-Lúc nào rãnh, em check lại coi, hình như tuần rồi không cắt cỏ.

-Em thấy cái phone anh để đâu không?

-Lúc nào rãnh, em khâu lại dùm anh cái áo đứt nút.

-Lúc nào rãnh, em gọi ông Mễ đến rửa xe, xe tụi mình dơ quá!

Mỗi ngày em nghe 1 triệu câu “sai bảo” lịch sự và dễ thương như thế. Bản tính em nhẫn nhịn, nhưng lắm lúc em cũng muốn hét to: “Em không rảnh” (em chưa hét như thế bao giờ).

Em đuối quá thưa cô Nguyệt Nga. Có hôm chồng em đi chợ cùng, thấy có cô kia, đẩy cái xe có bao gạo rớt xuống, chồng em chạy ngay đến giúp cô ta khiêng lên. Em rủa thầm “Đồ khôn nhà dại chợ”, em thì chưa làm đổ bao giờ. Cái mà em không sure là nếu em ở trong trường hợp ấy thì không biết chồng em giữ cái xe cho em khiêng bao gạo lên hay khiêng dùm em. Em nói không ngoa chứ việc chồng em giữ cái xe cho em khiêng bao gạo là hết 99%.

Em đi làm, nhìn quanh, cô nào cũng khoe “anh ấy” gánh vác tất cả công việc, mà hàng năm còn dung dăng dung dẻ vacation với chồng. Chỉ có mình em lấy chồng 15 năm nay chưa từng biết một ngày đi nghỉ mát.

Em có nên bỏ quách cho rồi, phải vớt vát quãng đời còn lại, chứ nếu em cứ bám lấy ông chồng này, thì rồi liệu cho đến ngày răng long đầu bạc cũng chẳng có được một ngày nằm dài cho chồng hầu mình. Em đòi li dị thì mẹ em nói: “Thôi con ơi! Con bỏ thằng này lấy thằng khác cũng thế thôi, con chỉ có một cung phu, hễ thằng nào thành ‘phu’ của con rồi thì sẽ ra như vậy, dù trước đó nó có thế nào.”

Trong nhà, thường mẹ em nói gì cũng đúng, không biết kỳ này có nên nghe mẹ mà chịu cát nó cứa chân hàng ngày không? Cô Nguyệt Nga ơi! cô khuyên em nên như thế nào đây?

Ty lùn

Góp ý của độc giả:

*CKN:

Thường thì phép lịch sự, không ai dám đùa với tên cúng cơm của cha mẹ đặt cho. Tuy nhiên, khi thấy tên của cô, tôi không thể ngưng lại, tên và người, chữ và nghĩa, sao mà thâm thúy thế…

Tôi không nghĩ cô… lùn tí nào cả, mà cô cao tay quá. Khi đọc bài này, tôi lại mong được cùng nàng “cắt cỏ, rửa xe” “nâng khăn, sửa túi”. Hay là tôi với cao quá, cô Ty?

Tôi đang ghen với “đấng ông chồng” của cô. Khi cô vẫn gọi chồng cô là “đấng ông chồng”, vẫn đi làm, không bồ bịch lăng nhăng, và vẫn… yêu em, thì tình yêu của vợ chồng cô, theo tôi, vẫn còn thắm thiết lắm.

Có khác là nàng đang muốn “nhõng nhẽo” mà chàng thì chẳng biết gì cả.

Có khác là những “gánh vác” của vợ chồng cô có hơi ngược nhau, nhưng người đời vẫn nói, khắng khít bởi sự khác biệt.

Có khác là có người mong được 1 triệu câu “sai bảo” lịch sự và dễ thương, mà có được gì đâu.

Chồng cô là người gallant, lịch sự; điển hình là đã giúp “khôn” cô đánh rơi bao gạo, nhưng đã “dại” làm việc đó trước mặt cô.

Khi các cô nói chuyện với nhau, “anh ấy” của cô nào cũng là nhất, đẹp trai và cao ráo cả, cô Ty (lùn)… nhớ cho điều này nhé.

Cuối cùng, câu trả lời của cô Nguyệt Nga, hay tôi, đã nằm trong bài viết: Cô cần phải chống nạnh, đỏ mặt, tía tai, phùng mang, trợn má, xỉa xói mà phán rằng “Em không rảnh”. Tất cả sẽ đâu vào đấy cả thôi.

Rồi cô cũng sẽ được dịp quẳng đôi giầy đẹp, đi “chân không” trên thảm cát tuyệt vời. Ở đó, cát trắng, biển xanh và “anh ấy” là cả một khung trời hạnh phúc.

*VanNguyen:

Theo tôi nghĩ, cô đang bực bội vì chồng cô không chủ động san sẻ việc nhà, chứ không phải vì gánh nặng của những công việc đó. Cô có thể trao đổi với chồng cô, giao bớt việc cho anh ấy làm, bắt đầu từng việc một. Mặc dù sẽ hơi khó vì tất cả đã trở thành thói quen, mà thói quen thì cần thời gian để thay đổi, nhưng không phải vì vậy mà không thực hiện được.

Nếu như sau khi nói chuyện với chồng cô và giao việc mà anh ấy vẫn không chịu làm thì… chịu thôi! Hình như đâu có ai bỏ chồng vì lý do không phụ việc nhà, cô giận nên nói vậy chứ không dễ dàng như vậy đâu.

Hôm nào cô giả bịnh thử vài ngày xem sao, coi anh ấy có phụ được gì không.

Chúc cô vui vẻ!

*Dan Heaven

Thưa cô Ty,

Có phải vì cô quá hoàn hảo?

Mẹ của cô lần này “lại đúng nữa” vì cô quá tài giỏi và quán xuyến tất cả mọi công việc trong nhà ngoài ngõ.

Tôi có lời chúc mừng cô vì cô đã nhìn thấy những hạt cát nhỏ đang cứa gót chân mình.

Thưa cô vợ chồng nào cũng thế chẳng bao giờ được hoàn hảo. Thay vì chỉ cho con tập viết chữ đẹp sao cô không nhờ ông chồng giúp dậy cho con, hay “lúc nào rảnh, em làm” sao cô không nhờ chồng làm cho? Có phải vì cô đã tự cho mình quá hoàn hảo và chồng của cô chẳng bao giờ làm điều gì vừa ý của cô đúng không? Tôi được đọc đâu đó trong một trang sách ” người phụ nữ giỏi là người có thể xô ngã cả một ngọn núi trước mặt mình nhưng đi chợ về trước mặt chồng một túi hàng nhỏ cũng cần chồng giúp đỡ mang vào bếp”.

Tôi chúc cô luôn tìm được hạnh phúc trong gia đình và vợ chồng thêm đầm ấm. Thân ái.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, em lấy chồng là con một. Vợ chồng em hiếm muộn, đi bác sĩ nhiều nơi nhưng làm như có cái huông. Tụi em cũng chỉ có được một con trai. Đứa cháu đích tôn duy nhất được ông bà nội cưng như cưng trứng.

Vợ chồng em đang ở với ông bà nội. Cuối tuần thường cho cháu về bên ngoại thăm. Nhà ngoại thì con cháu đầy đàn, cuối tuần nào cũng tụ tập bao nhiêu là trẻ con nên đứa con trai của em vui lắm, cứ mong cuối tuần để về ngoại.

Có một điều làm em bực mình, là mỗi khi từ nhà ngoại về, bà nội thường ôm cháu nựng nịu: “Sao con, con qua đó có ai đánh con không? Bà ngoại có cho con ăn không? Có anh chị nào giành đồ chơi của con không?”. Em biết bà nội nhớ cháu, dù chỉ xa có mấy tiếng đồng hồ, chỉ ưa ôm ấp nựng nịu chứ không có ý gì. Nhưng thằng nhỏ thấy bà nội hỏi bằng một giọng quan tâm, tràn đầy thương yêu, cưng quý thì bắt đầu mếu, mắt đỏ lên… bà nội sốt ruột, tưởng thiệt tới tấp hỏi tiếp: “Biết ngay mà! con có sao không, nói cho nội biết, tại sao khóc, nói đi…” Rồi thì xem lưng, tay, chân, khắp thân mình để tìm dấu vết. Còn thằng bé thì cứ ôm lấy nội ấm ức, khóc không ra khóc mà nín cũng không ra nín. Bực mình! Có hôm bà nội còn tuyên bố: “Để nội đánh nó cho con nghe” Em chẳng biết “nó” là ai.

Những lúc như thế gan em lộn lên đầu, chỉ muốn nện cho thằng bé một trận. Nó lèo nhèo, ẻo lả… suốt ngày bám chân bà nội.

Em nói với chồng thì anh ấy bảo: Mẹ già rồi, mẹ chỉ có mỗi thằng cu là cháu, nên thôi, em cứ phiên phiến cho qua đi. Thì em cũng cho qua, nhưng sốt ruột vì thấy con hư. Sau này em còn khám phá ra, vì bà nội “ép cung” nên thằng bé bắt đầu bịa chuyện để kể. Nó kể con thích mà bà ngoại không cho con ăn. Thế là bà nội cứ luôn miệng: “Tội cháu tôi chưa! Cháu tôi đã da bọc xương mà còn ốm đói nữa”.

Trời ơi là trời! Em không cho nó qua ngoại nữa để cho yên chuyện.

Tưởng thế là ổn, thì bên ngoại lại trách cứ: “Biết ngay mà, bà nội úm thằng nhỏ, sợ ra ngoài vi trùng nó ăn.”

Ôi Trời!

Hồng

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT