Friday, April 26, 2024

Cò ăn cò lớn, cò dò lên cây

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected].

***

Thưa cô Nguyệt Nga, tôi có đem chuyện mình kể cho bạn nghe, và hỏi ý bạn. Bạn tôi nói, thôi vợ chồng chín bỏ làm mười, bỏ qua đi mà sống.

Nghe lời bạn, tôi cũng muốn bỏ qua, nhưng suy đi nghĩ lại, nó không phải là “chín bỏ làm mười” mà là mới có “năm” mà biểu tôi nghĩ đó là “mười” thì làm sao được!

Nói rõ ra là, tôi đang nuôi bịnh chồng tôi. Anh ấy bị stroke và tiểu đường nặng, đang phải nằm nhà thương, và đã nằm hơn tháng nay. Những người nằm chung phòng, tôi chú ý, thân nhân của họ cũng chỉ vào vài tiếng trong ngày rồi về, có khi hai ngày mới vào một lần, mọi việc phó mặc cho y tá bác sĩ.

Chỉ có anh là được tôi ở lại ngày đêm chăm sóc. Tôi tự tay tập cho anh đi lại, vì nếu phó mặc cho những chuyên viên vật lý trị liệu thì ngày chỉ được tập một lần. Tôi muốn giúp anh nhiều hơn để mau chóng trở lại đi đứng bình thường. Cả tháng nay tôi ăn ở trong bệnh viện, không hề rời anh nửa bước. Tôi cứ sợ, lỡ khi tôi đi đâu đó mà ảnh cần giúp gì thì sao. Bởi thế, ngày thì tôi ngồi đồng nơi cái ghế kê cạnh giường, đêm lại thì tôi kê hai cái ghế sát nhau rồi gà gật trên hai chiếc ghế đó. Mà tôi có trẻ mỏ xuân thì gì cho cam, cũng quá nửa đời người. Tôi xơ xác đến độ, người bác sĩ chăm sóc chồng tôi phải khuyên, cô nên về nhà đi, cô ở đây không chừng từ người lành thành người bệnh đó.

Trong thời gian anh bệnh, tôi tự tay lau mình cho anh, không để y tá làm, ngay cả chăn màn chiếu gối tôi cũng tự tay thay hàng ngày, bao giờ áo quần anh cũng tinh tươm, sạch sẽ. Thì làm gì cho hết ngày, nên tôi luôn tay lau dọn mọi thứ.

Thời gian nuôi bịnh không những sức khỏe tôi xuống dốc mà tinh thần tôi cũng kiệt quệ, bởi những lần mê sãng, anh toàn gọi tên một người nào đó. Ban đầu tôi không chú ý, nhưng sau đó ngoài việc gọi tên, anh còn nói chuyện. Câu chuyện ngắt quãng, nhưng lõm bõm tôi cũng đoán ra được là đang nói với một người phụ nữ. Dần dà, tìm hiểu quanh quẩn, tôi khám phá ra người mà anh đang nói chuyện là một phụ nữ làm chung sở. Cái hay là nếu trong lúc anh ấy mê sảng mà tôi giả dạng trả lời thì câu chuyện vẫn tiếp tục. Dĩ nhiên dần dà, nhiều lần, tôi đã đưa đẩy câu chuyện đến chỗ mình biết được những điều mình cần biết, và tôi đã biết chắc trăm phần trăm mối liên hệ này là bất chính.

Chao ơi! Đúng như câu ca dao, mà tuần trước tôi đã được đọc, cũng trên mục này:

“Công em bắt tép nuôi cò,
Cò ăn cò lớn, cò dò lên cây.”

Tôi không “nuôi cò” nữa, từ hai hôm nay, tôi về nhà tắm rửa, dọn dẹp cái nhà như đống rác vì bỏ bê suốt một tháng trường. Xong việc, nằm dài trên giường. Cái giường mà tôi đã từng nằm với “cò” suốt mấy chục năm. Cái nhà mà tôi với “cò” đã có chung bốn đứa con nay đã khôn lớn. Cái bếp mà tôi đã hầu “cò” ngày ba bữa… Kỳ này tôi cho “cò” ở trên nhà thương mút mùa, đừng hòng “bay” về đây. Cứ ở trên đó với “cái vạc” “cái nông”, cứ chờ chúng bay đến múa, coi thử có lành bệnh không.

Thấy tôi về, con gái hỏi, tôi kể cho con nghe. Nó nói: Vấn đề là từ hai hôm nay trông mẹ xơ xác hơn trước, mẹ không ngủ và đã lục đục trong bếp cả đêm, làm con cũng mất ngủ theo. Mẹ lên với bố đi, bố khỏe rồi mình tính.

Dạ thưa, con gái tôi nói đúng không? Tôi mong được nghe lời khuyên.

Tr.

* Góp ý của độc giả:

– Kimchi Nguyen:

Người ta nói, nếu thương ai thì nên thương 80% còn 20% để dành riêng cho mình. Tôi thấy chị nên buông, không ghen và cũng không hy sinh quá nhiều. Chị nên ở nhà để ông xã chị hiểu được sự hy sinh của chị.

Enjoy your life and take care your health to make sure you’re healthy and in good shape. No one love you as much as you love yourself. Chị đừng bận tâm chuyện “cái vạc” “cái nông” làm gì. Ông xã chị có phước lắm mới có được người vợ như chị. Chị hãy đi fitness, đi Chùa, hay Nhà Thờ, những nơi làm tâm chị an vui, không lụy phiền. Chị để y tá, bác sĩ chăm sóc. Ông xã của chị không xứng đáng được hưởng những chăm sóc ngày đêm của chị.

Love yourself and enjoy your life as much as you can.

– Thị Ghèn:

Chị Tr,
Tui khoái câu nầy của chị: “Kỳ này tôi cho “cò” ở trên nhà thương mút mùa, đừng hòng “bay” về đây. Cứ ở trên đó với “cái vạc” “cái nông”, cứ chờ chúng bay đến múa, coi thử có lành bệnh không”.
Con gái chị nói đúng cho nó, chứ nó có hiểu cái nỗi khổ tâm của “vợ cò” đâu! Biểu nó vô nhà thương ở với ba nó vài bữa thôi là nó hiểu liền.

“Chín bỏ làm mười” mà là mới có “năm” mà biểu tôi nghĩ đó là “mười” thì làm sao được!”.
Chị còn được năm, chứ tui thì chắc được một. Tui ở nhà luôn cho không chướng tai gai cả mắt nữa. Thà là tui không vô với ổng nữa, chứ còn vô đó, chắc có ngày có án mạng trong nhà thương…

– N.B:
Đọc thư chị, tôi thấy mình đồng cảm với tâm trạng hờn ghen của chị khi đột nhiên phát hiện ra bí mật con tim của chồng mình. Thật là shock khi nghe từ chính miệng chồng mình trong cơn mê sảng đã nói ra. Rồi cay đắng, suy sụp, muốn lồng lên phá bỏ tất cả. Phải thế không hả chị? Và chị đã quyết định trừng phạt bằng cách từ bỏ, không thèm quan tâm săn sóc anh ấy nữa, chị bỏ về nhà tìm sự bình yên cho mình.

Đồng thời tôi cũng nhận thấy chị là một phụ nữ thật dễ thương. Chị đã yêu thương, chăm sóc chồng con mình hết lòng. Chị cũng đã yêu quý, gắn bó với căn nhà, nơi mà mấy chục năm nay chị đã cùng chồng mình xây đắp nên một tổ ấm gia đình ổn định. Bởi vậy vì giận dỗi, hờn ghen chị đã mạnh miệng tuyên bố:”… không nuôi cò nữa,… cho cò ở trên nhà thương mút mùa, đừng hòng bay về đây. Cứ chờ cái vạc, cái nông bay đến múa…”.

Nói thì như vậy, nhưng về nhà được hai ngày, thay vì thấy lòng mình hả hê, thoải mái vì trả được thù, chị lại thấy mình băn khoăn không ngủ được, đã lục đục cả đêm trong bếp. Không mạnh mẽ, tự tin với những suy nghĩ và hành động của mình, chị đã cầu viện hỏi ý kiến của bạn bè, của con gái, của độc giả. Chị có thấy là mình còn yêu chồng nhiều lắm không?

Chị ơi, trong chúng ta (nam và nữ), có ai dám đoan chắc rằng trong suốt cuộc đời mình, mình chưa từng xao xuyến, rung động trước một người không phải là chồng hay vợ của mình không? Chắc là không, bởi vì trên đường đi chúng ta sẽ gặp nhiều người hấp dẫn, thích hợp để mở lòng yêu. Thế nhưng khi ở vào tình thế đó, mỗi người sẽ có cách ứng xử khác nhau. Người thì chiều theo cảm xúc con tim mình sẵn sàng từ bỏ mọi thứ, lao đi nắm bắt niềm đam mê mới mẻ đó. Người khác lý trí mạnh mẽ hơn, không muốn hy sinh gia đình ổn định của mình, họ cố gắng dấu kín tâm trạng yếu đuối đó, cất giữ vào một góc nhỏ trong trái tim mình, gọi là sống để dạ chết mang theo.

Anh nhà đã như thế, dù thấy lòng mình xao xuyến bâng khuâng, thầm yêu trộm nhớ người phụ nữ khác, nhưng lại không muốn mất đi cái gia đình yêu thương, gắn bó, ổn định của mình. Anh đã đè nén, dấu kín niềm xao động đó. Chỉ riêng mình anh biết, gia đình vẫn bình yên vô sự. Vợ chồng, con cái vẫn hạnh phúc,vui vẻ bên nhau.

Danh ngôn có câu: “Gia đình là nơi, không ai bỏ rơi ai, và yêu những ai đó vô điều kiện.” Vì tình yêu với gia đình, để giữ cho gia đình được ổn định, con cái yêu thương, kính trọng cha mẹ; vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, chị hãy tha thứ. Cứ vờ như chưa từng nghe những lời thú tội trong vô thức của anh ấy, vẫn cứ săn sóc với tất cả con tim trong lúc anh ấy đau yếu bịnh hoạn, chị sẽ nắm giữ được trái tim của chồng mình. Anh ấy sẽ nhận ra không nên đánh đổi sự bình yên của gia đình mình với một sự rung động nhất thời. Anh ấy sẽ tỉnh táo quay lại. Chị sẽ lấy lại được sự cân bằng, thoải mái trong tâm hồn mình.

Hãy luôn nhớ rằng:
“Vợ chồng nghĩa nặng tình sâu,
Thương nhau đến lúc bạc đầu còn thương.”

Hãy luôn mỉm cười và ở cạnh chồng mình, chị sẽ khiến anh ấy phải ân hận tự trách sao mình lại có thể vô tâm, yếu lòng đến thế, suýt nữa là đánh mất bà vợ giá trị ngàn vàng rồi.

Chúc chị nhiều sức khỏe để có thể săn sóc chồng tốt cho đến khi anh ấy bình phục. Chúc chị có đủ bản lĩnh để lấp đầy ngôi nhà của mình bằng tình yêu thương, bằng những tiếng cười của tất cả mọi người trong gia đình.

– Tran:
Tâm sự của chị buồn quá, tôi đã trải qua rồi. Khi mình hết lòng với chồng mà bị phản bội rất hận và đau. Chị hãy vào thăm chồng đi, ngày 1, 2 tiếng thôi. Đưa điện thoại cho chồng nói gọi cô kia vào thăm đi, đừng cứ gọi mãi trong mơ như vậy. Chị nói nếu cô kia muốn sống với anh ta thì chị nhường. Còn chị hãy kiếm việc gì làm để không nghĩ tới nữa, ra tiệm vải mua mấy mẫu đan áo hay tất chân, vì phải đếm bao nhiêu mũi đan chị sẽ không nghĩ lung tung, hay vào YouTube nghe thuyết pháp như giải trừ niềm hận, nói con gái chị search cho. Buổi tối đừng lục đục làm việc ồn ào, đan áo nếu không ngủ được. Ép mình không nghĩ tới chuyện đó, khi làm gì phải tập trung, từ từ chị sẽ bớt hận, bớt nghĩ tới. Tôi dám cá cô kia chạy mất dép. Ngoại trừ vợ chồng tình nghĩa lâu năm chứ không ai muốn chăm sóc người đàn ông bịnh suốt đời đâu.

* Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, ngày xưa mỗi khi đánh tôi, Mẹ tôi hay nói: “Tụi bây chết đi cho khỏe tao”. Thường thì tôi chạy ra ôm ngoại vừa khóc vừa nói: “Đẻ đánh con, rồi đẻ đánh em Huy, rồi đẻ nói: Chết đi cho khỏe Đẻ”. Lúc đó tôi còn nhỏ lắm, chỉ mới 4, 5 tuổi, vậy mà không biết sao nhớ như in trong đầu. Đến khi lớn có chồng có con, câu đó vẫn thế, vẫn bám trong đầu tôi. Tôi không biết những lằn roi mẹ đánh khiến tôi đau hay chính lời mẹ nói khiến tôi đau. Tôi hứa với lòng, không bao giờ nói với con câu này, không bao giờ!

Tôi yêu con, hy sinh cho con như bao bà mẹ khác. Để đền bù tôi có cái may mắn là được sống chung với con một nhà, dù là cháu đã ra trường, đã đi làm mấy năm nay. Thật sự lòng tôi có hồi hộp, lo rằng không biết khi lập gia đình, con tôi có ra riêng mà bỏ tôi đơn chiếc, như ba nó đã bỏ tôi mà ra đi vĩnh viễn không.

Hai mẹ con tôi sống hạnh phúc bên nhau. Cháu đi làm cả ngày, chiều về đã có cơm nóng canh sốt chờ con. Ai nhìn vào cũng thấy tôi quá may mắn, và chính tôi cũng hằng ngày cám ơn trời Phật đã ban sự bình yên đến cho tôi.

Dĩ nhiên chưa bao giờ và sẽ không bao giờ tôi “rủa” con tôi như đã từng bị mẹ tôi “rủa” tôi ngày xưa.

Nhưng có bình yên nào không xót xa! Hôm rồi tự nhiên con gái tôi nói về chuyện mua bảo hiểm nhân thọ. Không biết điều gì khiến ý nghĩ này xuất hiện. Mà trước đó chính bạn nó kể cho tôi nghe, cứ mỗi lần ra lấy thư mà nó thấy những thư quảng cáo bảo hiểm nhân thọ, quảng cáo của những nhà quàn, hay quảng cáo những gì liên quan đến chết chóc là con tôi thủ tiêu trước, nó không muốn tôi đọc, sợ tôi buồn và lo khi tuổi già kéo đến. Nghe bạn nó kể mà tôi ứa nước mắt, lòng ấm áp khi nghĩ đến tình thương của con dành cho mình. Vậy mà nay nó đề nghị tôi ký giấy để nó lãnh tiền bảo hiểm nhân thọ khi tôi mất đi. Nó còn nói: Mẹ không phải lo gì hết, con sẽ đóng tiền hàng tháng cho mẹ.

Tôi nghe mà đắng cả lòng. Vậy hóa ra con tôi muốn bỏ vốn “đầu tư” vào cái chết của tôi. Nó đang chụp nắm thời cơ cho kịp! Nó đang lo sợ nếu tôi chết thình lình mà không có bảo hiểm nhân thọ, thì nó không lãnh được một số tiền lớn!? Ôi chao, vậy thì những lời bạn nó kể cho tôi nghe về việc nó dấu những thư quảng cáo bán hòm, bán đất… là đúng hay sai vậy?

Đời người ai cũng một lần chết, nhưng nếu con mình “trù” mình chết để có tiền thì đau đớn quá!.

Thưa cô Nguyệt Nga, điều gì tôi nên nghĩ đến, để biện mình cho việc suy nghĩ của tôi về con gái là sai? Tôi muốn nghe để mình đở khổ. Xin cám ơn cô Nguyệt Nga và quí độc giả

Mỹ Nguyễn

  • Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Ba, ngày 11 tháng 4 năm 2017

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT