Monday, April 22, 2024

Ông Trump ‘xuất sắc trong vai’ tổng thống Mỹ

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Thất bại của AHCA (American Health Care Act), dự luật y tế mới thay thế ACA (Obamacare), vì không thể đưa ra bỏ phiếu tại Hạ Viện, là sự kiện chính trị đáng chú ý nhất cuối tuần trước. AHCA do đảng Cộng Hòa soạn thảo và do Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan đưa ra, chưa thể gọi là Ryancare được vì cuối cùng bị ông quyết định rút lại, chẳng đi đến đâu.

Cũng không là Trumpcare vì dường như Tổng Thống Donald Trump không tham gia đóng góp ý kiến gì mà chỉ có một mục tiêu duy nhất: Thay thế Obamacare cho bằng được. Mặc dầu tuyên bố ủng hộ ngay sau khi dự luật được công bố ngày 6 Tháng Ba, nhưng theo những nguồn tin từ trong Tòa Bạch Ốc, ông Trump nhiều lần hỏi đi hỏi lại các cố vấn là AHCA có thật sự tốt không, chứng tỏ chính ông cũng chưa hiểu rõ đầy đủ nội dung và ảnh hưởng của dự luật này.

Tuy vậy, đừng nên chê trách ông Trump vì cá nhân vị tổng thống không hẳn phải có khả năng nắm vững tất cả mọi việc đến từng chi tiết. Bây giờ và mai sau, người ta sẽ không bao giờ chấm dứt tranh luận rằng Obamacare đúng hay sai, tốt hay xấu. Những người chỉ trích hay bênh vực đều vì thiên kiến hay lý do này khác mà tỏ bày sự nhận định cực đoan thiếu khách quan để giúp cho hầu hết người dân hiểu cái lợi hại.

Hình thành một đạo luật chăm sóc sức khỏe cho dân chúng là mối trăn trở của nhiều đời tổng thống. Gần đây nhất trong nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Bill Clinton, Đệ Nhất Phu Nhân Hillary Clinton được giao cho nhiệm vụ này nhưng không làm được. Tổng Thống Barack Obama có quyền tự hào về thành tích ban hành đạo luật bảo hiểm y tế hợp khả năng tham gia cho mọi người, ACA 2010. Nhưng chính ông cũng nhìn nhận là ACA không thể tuyệt đối hoàn hảo và sẽ cần nhiều điều chỉnh sau này.

Một phần lý do thất bại về đạo luật y tế của bà Hillary Clinton năm 1992 có lẽ vì chủ quan và quá vội vã. Đúng 25 năm sau, với lý do tương tự, nhưng trong hoàn cảnh và điều kiện khác, Tổng Thống Donald Trump không có nhu cầu chính đáng, tự vướng mắc vào thất bại ấy.

Điều đáng chú ý mà người ta có thể thấy là ông Trump, với sở trường nghề nghiệp, luôn luôn tìm được cách trình diễn, mô tả thất bại như là sự tự nhiên bình thường, và vẫn hấp dẫn như trong một bộ phim truyền hình thực tế (Reality TV).

Truyền hình thực tế là một thể loại phim truyện xuất hiện từ 70 năm trước và phổ thông trong những năm 2000, với nội dung là những chuyện xảy ra trong đời thường và người thủ vai có thể không là diễn viên chuyên nghiệp (người thật – việc thật). Trên lý thuyết, những sự việc như thế không hư cấu, nhưng trong thực tế, sẽ không thể nào hấp dẫn khán giả nếu không định trước kịch bản. Ông Trump là nhà sản xuất, đạo diễn và diễn viên bộ phim truyền hình thực tế “The Apprentice” khá thành công từ năm 2004.

Có những người, như Tổng Thống Obama, phê bình truyền hình thực tế không phải là thực tế, và không áp dụng cho việc đương đầu với các sự kiện phức tạp. Ông Trump lại sử dụng được tính cách này có kết quả trong quá trình tranh cử. Ông có thể phát biểu khác hẳn mọi người, viện ra những sự kiện nhiều khi vô căn cứ, giống như chuyện truyền hình thực tế, không chú trọng vào giải thích lý luận. Điều ấy đáp ứng được mong đợi của một khối công chúng, tin tưởng là ông Trump nói thẳng về mọi sự thật như thế. Do đó, không có gì lạ nếu ông Trump có thể nói thế này rồi thế khác, rút lại lời hoặc không cần đính chính gì hết, mà các người ủng hộ ông vẫn dễ dàng nghe và hoàn toàn không hoài nghi hoặc thắc mắc.

Nhìn lại, có thể thấy ông Trump sử dụng chiến thuật lúc ẩn lúc hiện này qua tiến trình đánh phá Obamacare, khi thành công thì là ông, không thành công là ở người khác, không phải trách nhiệm của ông. Người ta chỉ thấy ông vẫn thủ vai tổng thống một cách xuất sắc, không bao giờ mất sự hấp dẫn – yếu tố quan trọng nhất của chương trình truyền hình thực tế.

Suốt thời gian tranh cử, ít nhất 20 lần trong những chuyến đi vận động, ứng cử viên Donald Trump đả phá Obamacare. Ông không bao giờ phân tích và trình bày đạo luật này sai ở những điểm nào. Có lẽ ông giống như mọi người dân Mỹ khác, ít ai đọc hết đạo luật dài 2,700 trang và hàng chục ngàn trang giải thích và phân tích các quy định một cách chi tiết. Nhưng ông Trump luôn luôn nói, hoặc viết trong Twitter, rằng Obamacare là một thảm họa cho nước Mỹ. Mục tiêu sự đả kích Obamacare của ông Trump nằm trong chiến thuật chứng tỏ mình là người Cộng Hòa vì thật ra rất nhiều người Cộng Hòa không tin tưởng sự gắn bó của ông với đảng.

Một tuần lễ trước ngày bầu cử, nói chuyện tại Valley Forge, Pennsyvania, ông Trump cam kết: “Nếu chúng ta thắng cuộc bầu cử ngày 8 Tháng Mười Một và có một Quốc Hội Cộng Hòa được bầu lên, chúng ta có thể ngay lập tức thu hồi và thay thế Obamcare.”

Sau khi thắng cử, cố vấn đặc biệt của ông, bà Kellyanne Conway, cho biết thu hồi đạo luật này là ưu tiên số một khi ông Trump vào Tòa Bạch Ốc.

Sắc lệnh đầu tiên, số 13765, Tổng Thống Donald Trump ký ngày 20 Tháng Giêng khi vừa vào Tòa Bạch Ốc là thể hiện hành động đó, tuy nhiên, sắc lệnh này chỉ hoàn toàn mang tính cách tượng trưng và trình diễn, với nội dung là đề ra giải pháp chuẩn bị để thay thế Obamacare bằng cách giảm nhẹ một số quy định trong việc thực thi đạo luật.

Nói cách khác, sắc lệnh này không nói gì một cách cụ thể.

Đến ngày 24 Tháng Ba vừa qua, khi Chủ Tịch Hạ Viện Paul Ryan cho rút lại AHCA không đưa ra Hạ viện biểu quyết vì không đủ phiếu ủng hộ, Tổng Thống Donald Trump tuyên bố xanh rờn ở Tòa Bạch Ốc: “Tôi chưa bao giờ nói là sẽ thu hồi và thay thế Obamacare trong vòng 64 ngày (đây là tổng số ngày từ ngày nhậm chức 20 Tháng Giêng đến ngày 24 Tháng Ba). Thời gian còn dài.”

Thực ra, trong lúc vận động và ngay cả sau khi đắc cử, ông thường nói rằng ông sẽ thu hồi và thay thế Obamacare “ngay lập tức.” Khi nói chữ “ngay lập tức,” ông thường nhấn mạnh, có thể là để gởi một thông điệp khẩn cấp đến cử tri.

Sau ngày “thất bại” đó một ngày, ông nói thêm là “Obamacare sẽ tự nổ tung và chúng ta sẽ cùng nhau tạo một chương trình bảo hiểm y tế cho người dân Mỹ.”

Trong giai đoạn chuyển quyền, sau khi được Tổng Thống Barack Obama mời vào Tòa Bạch Ốc, ông Trump tỏ ra cảm kích về thái độ thẳng thắn của ông Obama và có lúc tuyên bố: “Tôi đã nghe ý kiến đề nghị của Tổng Thống Obama và có thể cho giữ lại một số điểm trong Obamacare.”

Nhưng đến ngày 4 Tháng Ba, Tổng Thống Trump bất ngờ đánh đi một tweet gây chấn động dư luận là Tổng Thống Obama đã cho nghe lén điện thoại ở Trump Tower trong thời gian quyết định nhất của cuộc tranh cử. Không có bằng chứng nào được phía ông Trump nêu ra, điều tra của các cơ quan tình báo và hai viện Quốc Hội cũng cho biết hoàn toàn không có hành động do thám trái pháp luật này. Bộ Tư Pháp của chính quyền Trump đề nghị hoãn một tuần lễ để tìm bằng chứng, rồi khi đã hết hạn kỳ, không nói thêm gì nữa và Tòa Bạch Ốc cho chìm xuồng luôn không nhắc nhở gì về cáo giác vô căn cứ đó.

Tổng thống Trump cân nhắc liệu có dự APEC tại Đà Nẵng

Không rõ vì lý do gì Tổng Thống Trump đột nhiên đổi thái độ với cựu Tổng Thống Obama và bỏ qua lời hứa hẹn tôn trọng ý kiến của ông. Nhưng đó là lúc Hạ Viện đưa ra AHCA, và ông Trump chụp ngay lấy cơ hội này để chuyển hướng sự chú ý và tiếp tục tạo không khí hào hứng trong dư luận bằng việc tuyên bố hoàn toàn ủng hộ dự luật y tế mới, rồi đích thân can thiệp vận động một số dân biểu bất đồng ý kiến.

Sự thất bại đáng ngạc nhiên của Tổng Thống Donald Trump được nói đến nhiều qua những tin tức và bình luận trong mấy ngày qua. Điểm quan trọng nhất trong thất bại của ông Trump ở chỗ đã không thuyết phục được ngay chính những nhà lập pháp trong cùng đảng với mình. Sự kiện ấy chứng tỏ ông không có uy tín chính trị để thuyết phục như ông vẫn tự hào là nhà thương thuyết đầy khả năng trong thương trường, và ông tự phơi bầy sự yếu kém trong vai trò lãnh đạo.

Tổng thống nước Mỹ không phải chỉ là người diễn xuất đầy đủ và linh hoạt vai trò của mình mà cần viễn kiến cùng khả năng lãnh đạo. Không có gì ngạc nhiên khi các lãnh tụ đảng Dân Chủ bày tỏ sự vui mừng trước thất bại của Tổng Thống Donald Trump trong việc thay đổi Obamacare. Đó là phản ứng tự nhiên, tuy nhiên nặng tính phe đảng, và thiếu tinh thần xây dựng nếu hy vọng rằng ít nhất trong bốn năm nữa nhà lãnh đạo này chẳng làm được việc gì xứng đáng cho Hiệp Chúng Quốc.

MỚI CẬP NHẬT