Thursday, April 18, 2024

Việt Nam chuẩn bị đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai

HÀ NỘI (NV) – Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam đang “Xây dựng lộ trình đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam,” theo một bản tin của bộ này hôm Thứ Năm, 11 Tháng Tám.

Bộ này nói đó là “nội dung đáng chú ý trong chín nhiệm vụ chủ yếu của ngành giáo dục từ năm học 2016-2017” mà bộ vừa đưa ra đầu Tháng Tám.

Để có thể thực hiện được, bản tin của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo nói “sẽ tiếp tục bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm với giáo dục phổ thông và triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ tăng cường với tất cả các cơ sở nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học.”

Hồi đầu tuần, ngày 8 Tháng Tám, bộ này có tổ chức một phiên họp “triển khai các nhiệm vụ của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 và những công việc có liên quan tới tổ chức và hoạt động của ban quản lý đề án.”

Không thấy bản tin của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo công bố bất cứ chi tiết nào về nội dung của đề án, đặc biệt là chủ trương “Sẽ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai ở Việt Nam” như báo điện tử Vietnamnet đưa tin.

Người ta chỉ biết ông Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, phát biểu tại hội thảo “Định hướng chiến lược dạy và học ngoại ngữ giai đoạn 2016-2020” diễn ra tại Hà Nội ngày 11 Tháng Sáu là “Không làm vội, làm ẩu dạy và học ngoại ngữ.”

Khi đưa tin về kết quả cuộc thi trung học phổ thông hồi Tháng Bảy, ngày 21 Tháng Bảy, báo điện tử VietNamNet nói “Gần 90% thí sinh đạt điểm dưới trung bình” về môn tiếng Anh.

“Trong số 634,200 thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia 2016, có gần 12% thí sinh đạt điểm trên trung bình (từ 5 trở lên). Điểm trung bình bài thi của môn tiếng Anh là 3.22 điểm. Tổng số thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh năm nay lên tới 559,784 thí sinh, chiếm 88.27%,” VietNamNet kể lại.

Đủ mọi thứ khuyết tật trong hệ thống giáo dục tại Việt Nam đã từng được đề cập rất nhiều trong bao nhiêu năm qua. Từ sách giáo khoa, cách giảng dạy, trường lớp đến các khoản “đóng góp tự nguyện” mà nếu không đóng sẽ không xong.

Theo bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 16 Tháng Chín, 2005, “Năm học 2004-2005 có hơn 22 triệu học sinh, sinh viên theo học trong hơn 37,000 cơ sở giáo dục – đào tạo” trên cả nước. Thời điểm này, Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam nói dân số trên cả nước là 84.2 triệu người.

Đến giữa năm ngoái, Tổng Cục Thống Kê đưa ra bản phúc trình “Tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm 2015,” trong đó, riêng về lãnh vực giáo dục, đào tạo, tổng số học sinh sinh viên từ mẫu giáo lên đại học là 21.3 triệu. Con số sĩ số thụt lùi này làm người ta khó hiểu khi dân số tăng ít nhất 9.2 triệu người trong khoảng thời gian đó như Tổng Cục Thống Kê nêu ra.

Vậy càng ngày càng có thêm nhiều trẻ em thất học dù lợi tức trung bình đầu người tại Việt Nam từ từ nhích lên qua sự khoe khoang thành tích của nhà nước? Con em của đại đa số dân chúng cùng khổ trong xã hội Việt Nam được lợi lộc gì trong đề án của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo? (TN)

MỚI CẬP NHẬT