Monday, April 29, 2024

Aline Dolinh, nhà thơ học sinh

Trần Doãn Nho

Aline Dolinh là một học sinh gốc Việt, đang theo học tại trường Oakton High School, tiểu bang Virginia, nơi cô đảm nhiệm vị trí chủ biên cho tờ tạp chí văn chương mang tên OPUS.

Có năng khiếu về thơ và thích làm thơ, cô tập tành viết lách từ lúc còn học tiểu học. Năm nay, 2016, Dolinh nhận huy chương vàng cho hai tác phẩm của mình, “Asterisk Dearest và Romance Disguised as Portent of Doom” do “Scholastic Art and Writing Awards,” một chương trình do “Alliance for Young Artists and Writers” giới thiệu. Chương trình này được lập ra để vinh danh học sinh từ lớp 7 đến 12 có tinh thần sáng tạo, có kỹ năng và nêu bật được giọng điệu và viễn kiến trong tác phẩm của mình.

Ðây không phải lần đầu tiên nữ sinh gốc Việt này được nhận giải. Từ khi còn học lớp 9, cô nhận được “Huy Chương Vàng Quốc Gia” (National Gold Medal). Năm sau, 2013, cô là một trong 5 học sinh được chọn làm Thi Sĩ Học Sinh Quốc Gia (2013 National Student Poets) do một ban giám khảo về thơ Hoa Kỳ, trong đó có các nhà thơ Richard Blanco, Kimiko Hahn, và Terrance Hayes là thành viên.

Thơ của cô được công bố trong tập san “American Visions and Voices 2014.” Tháng Tư 2014, Tháng Thi Ca Quốc Gia và suốt Tháng Chín cùng năm, sau khi được Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama bổ nhiệm, năm nhà thơ học sinh trở thành những thi sứ, du hành toàn quốc để đọc thơ, hướng dẫn các buổi hội thảo, tham dự các cuộc thảo luận, ký tặng sách và phát triển những dự án cộng đồng liên hệ đến thi ca.

Cái gì khiến cô thích làm thơ? Trả lời cho câu hỏi này của Peter Laberge, người thành lập tập san văn học “The Adroit Journal,” trong một cuộc trò chuyện về thơ ngày 18 Tháng Mười Một 2015, Aline cho biết, “Khi còn là học sinh tiểu học, tôi cố gắng viết văn xuôi, nhưng không thành công. Trái lại, trong thơ, tôi tìm thấy đôi điều na ná như tôi – thứ thơ mà tôi chạm trán hàng ngày thì khao khát hơn, sắc bén hơn và thúc giục hơn. Là loại người hết sức tỉ mỉ, tôi thích tính cách kỹ lưỡng của thơ.”

Về chuyện cảm hứng, cô cho rằng, đó là cái gì rất thất thường, “Có khi suốt nhiều ngày, tôi chẳng viết ra được cái gì mới mẻ, bỗng nhiên chữ dồn dập trào ra vào lúc ba giờ sáng như có tia lửa nào hết sức bất ngờ lóe lên – chẳng hạn như một giấc mơ hoang tưởng hay một chữ nào đó thình lình vọt ra trong đầu.”

Cô cho hay, những ý thơ hay nhất thường đến vào lúc thật khuya khoắt, lúc đó, có một cái gì khá kỳ quặc, không kiểm soát được, tự nó đưa đến cảm hứng.

Chịu ảnh hưởng của thi ca Hoa Kỳ hiện đại, thơ của cô thuộc loại thơ xuôi, giọng thơ của cô vừa trẻ trung vừa tự do vừa mới. Cô quan tâm đến nhịp điệu hơn là vần điệu. Cô quan tâm đến chi tiết và sự kiện hơn là sử dụng hình thức ẩn dụ tu từ. Lời thơ và ý thơ được chọn lọc từ ngôn ngữ sử dụng bình thường hàng ngày. Bài thơ có khi chỉ là một câu chuyện kể đơn giản, nhưng các chi tiết được chọn lựa rất kỹ, để có thể gói ghém nhiều điều trong một ít điều, để diễn đạt những gì vượt ra ngoài ý tưởng biểu kiến của chúng. Mới đọc, trông chúng đơn giản nhưng đầy dụng công.

Trong bài thơ viết về bà nội của mình, tựa đề “Ðàng sau những vết nhăn của bà nội” (After Grandmother’s Wrinkles), cô viết:

I see centuries in the dent of her skin,
a history book written in wrinkles.

Tôi thấy những thế kỷ trong tì vết của làn da,
Kinh sử trong những nếp nhăn.
(Lưu Diệu Vân chuyển ngữ)

Sau khi mô tả chân dung bà nội, bài thơ kết thúc:

(…) The painted girl
is a perfect stranger,
but I think we would have been friends
if we had met
in another time.

Cô gái trong tranh
người tôi chưa quen biết
nhưng mong sẽ thành bạn
nếu tôi gặp
trong một thời đại khác
(Lưu Diệu Vân chuyển ngữ)

Thật là một ý tưởng bất ngờ và lạ.
Trong bài “Di Dân” (Immigrant), cô mô tả tính nhị nguyên của một đứa trẻ gia đình di dân bằng những chi tiết khác thường:

Our bloodlines are still dragging,
those threads tangled vaguely in that space between east and west,
assigned identities not quite fitting.

Tình máu mủ vẫn lê lết kéo
những sợi chỉ rối mù giữa khoảng không Ðông và Tây
những vai tuồng chưa khao khít
(Ðinh Từ Bích Thúy chuyển ngữ)

Và một kết thúc bất ngờ không kém: sự dằn vặt giữa Ðông và Tây, giữa mới và cũ, giữa quá khứ và hiện tại:

I know they said the war is over,
but I still want to fight.

Người ta bảo chiến tranh đã qua rồi
nhưng tôi còn muốn đánh
(Ðinh Từ Bích Thúy chuyển ngữ)

Rõ ràng là đề tài không có gì mới lạ, nhưng ngôn ngữ đã làm cho ta có cái cảm giác rất lạ, rất mới.
Trong một bài thơ khác,”Saigon Summer,” Aline sử dụng một cách diễn đạt khác:

Saigon Summer

When the air was thick with heat, we had mangoes. My mother
could cut them perfectly – not like me, who tore a gash in my thumb
the first time I tried. They were made for eating outside,
in the lush sunlit languor of summertime.

The skin was earliest to go. It unsheathed at her slightest touch,
the rind peeling out in curling bands of red and green. She employed the knife
with a surgical precision, and I watched, mesmerized,
as it sliced through the soft golden fruit, blade slick with juice.

Ðinh Từ Bích Thúy chuyển ngữ như sau:

Hè Sài Gòn

Lúc trời hực nóng là lúc được ăn xoài. Mẹ tôi
biết cách cắt xoài đẹp – không như tôi đứt ngón tay cái
lần đầu muốn thử. Xoài là trái thường ăn ngoài hiên nhà
trong cơn say nắng đậm đặc hè
Ðầu tiên là vỏ xoài – tước từ cử động nhẹ
những xoắn vỏ đỏ, xanh. Mẹ dùng dao
chính xác như phẫu thuật, tôi cứ nhìn chằm chằm
lưỡi dao lướt luồn xoài, bóng nhẫy
Răng kim khí xớt ngọt, xoài lìa hột, khuyết trăng vàng
cong rơi như đô-mi-nô trên thớt. Tôi nhớ mình đưa xoài lên miệng
như dâng của, cười cười khi nước xoài rin rít chảy dài cằm.

Lời thơ vừa cụ thể, vừa đời thường lại rất hồn nhiên. Nhưng đọc kỹ, ta sẽ thấy những chi tiết và cách dùng chữ được chọn lọc kỹ. Nó cho ta cái cảm giác tươi tắn, bỡ ngỡ, mới mẻ. Mùa Hè ở Sài Gòn cũng là mùa xoài. “Xoài là trái thường ăn ngoài hiên nhà/trong cơn say nắng đậm đặc hè.” Có lẽ vì vậy, dưới con mắt của một cô gái về thăm quê, xoài mang tính cách Hè. Thay vì mô tả cái nắng, cái nóng, rồi gió, mồ hồi, sự bứt rứt, nỗi mệt nhọc, vân vân, nhà thơ trẻ tập trung chỉ ở sự kiện gọt xoài và ăn xoài, biến chúng thành thơ. Vì theo cô, trong bài phỏng vấn nói trên, mọi sự trong thế giới chung quanh đều có thể biến thành thơ, nếu mình biết “ngâm” chúng vào (soak everything in). Tức là biết chắt lọc chi tiết, chắt lọc ngôn ngữ.

Ðọc bài thơ này khiến tôi nhớ đến một nhận định của nhà thơ Chân Phương về xu hướng làm thơ hiện nay, “Ðiều này đi cùng xu thế chung của thơ thế giới, ở Pháp người ta gọi đó là oralité, nghĩa là khẩu ngữ. Mỗi nhà thơ, nhà văn đều cố gắng khai phá vùng đất riêng ấy của mình vì khẩu ngữ của từng người là điều đặc thù không lầm lẫn được. Dùng tiếng nói hàng ngày vừa thô sượng vừa gân guốc ấy khiến cho đề tài của thơ cũng đa dạng hơn. Những chuyện linh tinh của cuộc sống, người Pháp gọi là faits divers, ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong thơ.” (Phỏng vấn Chân Phương của Radio France Internationale, tháng 9.2008)

Tham khảo:
-Trang mạng Oakton Outlook High School
-Trang mạng Da Màu
-News and Trends
-Staff Spotlight: Aline Dolinh, Poetry Reader/November 18, 2015 by Peter Laberge

MỚI CẬP NHẬT