Friday, April 26, 2024

‘Báo chí và chiến trường’ miền Nam: Tấm gương soi nhiều bài học?

Du Tử Lê

(Tiếp theo kỳ trước)

Ðọc lại hồi ký của hai phóng viên chiến trường Dương Phục/Vũ Thanh Thủy: “Tình Yêu – Ngục Tù & Vượt Biển” tuy vẫn còn bị lôi cuốn bởi những dữ kiện phong phú, dữ dội, mà chưa một hồi ký nào đề cập – – Nhưng cũng nhờ cường độ xúc động giảm bớt mà, tôi thấy dường như với bất cứ phân đoạn hay tiết mục nào của cuốn hồi ký này, cũng đều khiến tôi thấy chúng không chỉ như tấm gương, hay bảng chỉ đường về nghề nghiệp, phong cách của hai phóng viên chiến trường ngoại khổ kia mà, với tôi, chúng còn là những bài học rất đáng suy gẫm.

Thí dụ, khi Vũ Thanh Thủy viết về hai nữ ký giả chiến trường nổi tiếng thế giới là Marie Joannidis và Oriana Fallaci, từng có thời kỳ đến Saigon, để theo dõi cuộc chiến miền Nam – – Cả hai đã mau chóng trở thành hai người bạn lớn của Vũ Thanh Thủy. Rồi, từ kinh nghiệm chiến trường, phong cách sống với nghề nghiệp của họ, đã mang lại cho Vũ Thanh Thủy nhiều chỉ dẫn, nhiều bài học hữu ích…

Ðặc biệt, Marie Joannidis đã tiên báo cho Vũ Thanh Thủy biết, chắc chắn Thủy sẽ gặp lại Dương Phục, ngay sau buổi đầu gặp mặt, trong hoàn cảnh Dương Phục bị từ chối, khi xin quá giang một chuyến trực thăng ra khỏi trận địa. Và, Oriana Fallaci, thần tượng của họ Vũ… đã để lại cho Vũ Thanh Thủy một câu nói ruột, gan, chân tình mà họ Vũ vẫn nhớ, tới hôm nay.

Câu chuyện được chính Vũ Thanh Thủy thuật lại như sau:

“…Ðột nhiên, một tiếng nổ thật lớn làm chiếc máy ghi âm văng khỏi tay tôi. Người tôi bật ra phía sau vì sức ép của tiếng nổ. Tôi nhìn sang bên phải. Chiếc chiến xa đi cạnh xe chúng tôi đang bốc cháy. Những người lính ngồi chung quanh thành xe, mới vài phút trước đó còn giơ tay cười vẫy chúng tôi, bây giờ không còn nữa. Liên tiếp theo đó là những tiếng nổ rền vang khắp nơi quanh tôi…” (TYNT&VB, trang 273)

Và trong hốt hoảng, Vũ Thanh Thủy cũng bàng hoàng khi nhớ ra, bên cạnh chị, không còn thần tượng không Oriana Fallaci. Chị gào, kêu tên bạn nhiều lần… Cho tới khi Oriana Fallaci từ trong lòng chiến xa, nhô đầu lên, lay chân họ Vũ, lúc đó vẫn còn ngồi vắt vẻo trên thành chiến xa… Oriana xác nhận bà vẫn còn sống… Buổi chiều đó, khi đã ngồi trên trực thăng trở về hậu cứ Tây Ninh, cô phóng viên chiến trường nhỏ tí, vẫn ngồi vắt vẻo trên thành chiến xa, khi bom đạn nở rần bốn chung quanh, kiêu hãnh hỏi “đàn chị” Oriana Fallaci rằng:

“Em không nghĩ là chị sợ, vậy tại sao chị phải núp dưới lòng xe thiết giáp vậy?“Oriana nhìn tôi. Trong ánh hoàng hôn đã bắt đầu nhạt nhòa, ánh mắt sáng long lanh của chị làm tôi bối rối, và tôi chợt nhận ra sự ngông cuồng và trẻ con của mình.

“Rồi chị trả lời bằng tiếng Pháp:

“Attends jusqu’à tu es plus âgée! – Hãy chờ đến khi em lớn tuổi hơn (sẽ hiểu)

“Câu nói đó tôi không quên.

“Mỗi lần thấy sự ngông-cuồng-tuổi-trẻ nổi lên trong lòng, rất thường xuyên, tôi nhớ lại ánh mắt và câu trả lời của chị. Và, rồi tôi khiêm tốn nhủ thầm “HÃY CHỜ ÐẾN KHI LỚN TUỔI HƠN!” (TYNT &VB, trang 274)

Nhưng khi đọc lại những trang Vũ Thanh Thủy viết về tâm cảnh thật của người lính vào sinh ra tử nơi trận tuyến, tôi càng thêm nảy sinh lòng cảm khái, những gì chị đã viết xuống…

Những ghi nhận của chị về người lính, gần như chưa có một nhà văn hay một phóng viên nào, lại viết thẳng thắn đến lạnh lùng như vậy. Khiến người đọc có thể bị ngỡ ngàng… Dù, đó là sự thật.

Sự thật chung quanh sự kiện Sống/Chết của người lính nơi chiến trường mà, nhiều phần do họ Vũ được người lính tin cậy, chia sẻ những cảm thức sâu kín, trong tương quan giữa người với người.

Ở phần này, Vũ Thanh Thủy ghi nhận, phân tích khá rõ khía cạnh tâm lý phức tạp của người lính miền Nam. Mặt nào khác, nó cũng cho thấy tinh thần hay xu hướng tự do của miền Nam trước đây khi: Từ học đường tới xã hội, thanh niên, học sinh miền Nam không bị nhồi sọ chủ trương hận thù, tinh thần hy sinh mù quáng vì đảng hoặc vì lãnh tụ.

Vũ Thanh Thủy viết:

“…Không chiến binh nào sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình, vì muốn làm anh hùng. Họ lao vào sinh tử một cách bình thản vì đó là điều họ được huấn luyện để hành xử ngoài mặt trận. Ðó là hành động phải làm của một chiến binh có lòng tự trọng và tình đồng đội.

“Tôi nhận ra, chiến đấu ngoài trận tuyến không phải vì sống chết, mà vì lòng tự trọng. Ðã đặt chân ra tuyến đầu mặt trận, người chiến binh không còn quan tâm tới những ngôn từ to lớn, vĩ đại như lòng ái quốc, hay bảo vệ tổ quốc hoặc gìn giữ hòa bình cho đồng bào nữa… Họ chỉ quan tâm tới chuyện bảo vệ nhau và sống chết theo lòng trung tín với nhau tới độ mà người dân thường, trong cảnh sống bình an, khó thể nào hiểu nổi. Tôi thấy ngay cả tình vợ chồng, tình cha con cũng không khốc liệt và cấp thời như tình đồng đội của các chiến binh với nhau ngoài trận địa. Ðó là bổn phận hàng đầu của họ. Chiến đấu ngoài mặt trận đã trở thành tỏ bày nhân cách, giữ gìn công lý và bảo vệ tình người. Các chiến binh cũng dành cho tôi cùng một thứ tình chăm sóc và quan tâm như họ đã đối xử với nhau…” (TYNT&VB, trang 277 & 278)

Vẫn ở phần thứ IV, tựa đề “Vũ Thanh Thủy và Mặt Trận,” chương 7, tiểu tựa “Báo chí và chiến trường” Vũ Thanh Thủy cũng dành nhiều trang sách viết về danh tướng Ðỗ Cao Trí, một thiên tài quân sự của miền Nam, nhưng đồng thời cũng là người phải nhận chịu nhiều tin đồn xấu xa, tồi tệ nhất…

Tên tuổi của Tướng Trí không chỉ chói sáng trên chiến trường miền Nam mà, nói chung, dư luận thế giới cũng đã nhìn ông với con mắt ngưỡng phục. Rất tiếc, ông chết khi mới chỉ 42 tuổi. Cái chết của ông cũng dấy lên nhiều nghi vấn.

Phải chăng, nhờ sắp xếp tình cờ của những định mệnh lớn, cuối cùng rồi cũng gặp nhau; khiến người nữ phóng viên chiến trường gần như duy nhất của miền Nam Vũ Thanh Thủy, đã có nhiều cơ hội tháp tùng hành quân với Trung Tướng Trí trong những ngày tháng cuối đời ông?

Nhờ vậy, người đọc, như chúng ta được biết một số sự thật ít người biết về một danh tướng của chiến trường miền Nam nhiều chục năm trước đây.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017

Sau khi ghi nhận và phân tích về tinh thần đồng đội của người lính miền Nam, phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy đã chuyển ngay tới trường hợp của Trung Tướng Ðỗ Cao Trí, khi chị viết:

“Tướng Ðỗ Cao Trí đặc biệt thể hiện tinh thần đồng đội chiến binh này. Mỗi lần thấy binh sĩ gặp khó khăn, dù là chiến xa bị sa lầy, hay một đơn vị bị bao vây, ông đều tận tình ở phía bên tiếp tay giải quyết. Tôi chứng kiến biết bao lần ông ra lệnh trực thăng đáp ngay xuống mặt trận hay nhảy lên chiến xa xông ra tuyến đầu, mặc lời ngăn cản của bộ tham mưu hay sĩ quan tùy viên.

“Một lần trên chuyến trực thăng bay từ mặt trận về Biên Hòa, tôi hỏi Tướng Trí tại sao ông không bao giờ lên tiếng trả lời hay cải chính những tin đồn đãi không đúng về ông. Ông nhún vai:

“Tôi không phải chính trị gia. Tôi là tướng. Binh sĩ hiểu tôi là đủ. Lính của tôi không đủ thì giờ đánh giặc ngoài mặt trận, tại sao tôi phải uổng thì giờ o bế dư luận trong thành phố?

“Tôi làm gan hỏi tới:

“-Mà tại sao người ta cứ tung nhiều tin xấu về trung tướng quá vậy?

“Ông có vẻ giận:

“-Cô hỏi đám đồng nghiệp báo chí của cô đó. Mấy ai chịu đi ngoài mặt trận để xem tụi tôi chiến đấu sống chết làm sao, mà chỉ lo tung tin đồn giật gân để bán báo thôi. Nên tôi không cần để tâm…” (TYNT&VB, trang 279 & 280)

(Kỳ sau tiếp)

MỚI CẬP NHẬT