Thursday, April 25, 2024

Đứng Thẳng Làm Người (Kỳ 105)

1,474 ngày trong nhà tù Cộng Sản Việt Nam

Tạ Phong Tần

-Không cần. -Tôi nói. -Giữa tôi với Nguyễn Thị Mỹ Nghệ là quan hệ dân sự, không liên quan gì đến vụ án của tôi và cơ quan điều tra.

-Tôi muốn chị kể rõ chính xác tất cả số tài sản, giấy tờ thôi mà. Chị nhớ chứ? -Ông Cống lại hỏi, chung quy chỉ muốn kéo lại vấn đề viết biên bản.

-Tất nhiên là tôi nhớ, nhớ chính xác từng chi tiết nữa, tôi là nạn nhân của vụ cướp mà, tài sản của tôi do tôi phải lao động cật lực mà có được, tôi không được ai đưa tiền đút lót, hối lộ, làm sao mà không nhớ. Anh về nói lại với cái bọn an ninh đó rằng chúng nó cướp cái gì của tôi là phải trả cho đủ, tự mang đến đây mà trả, không cần phải lập biên bản gì đó, còn muốn cái gì khác thì nằm mơ đi. -Tôi nói.

-Chị viết cái đơn xin lại tài sản đưa cho tôi, tôi về báo lại lãnh đạo giải quyết trả cho chị. -Ông Cống nói.

-Ha ha! Anh nói nghe lạ nhỉ! Tại sao tôi phải viết đơn xin thằng ăn cướp trả lại tài sản cho tôi? Chuyện ngược đời quá vậy? Số tài sản của tôi cộng lại tính ra tiền cũng khoảng trên dưới một trăm triệu đồng thôi. Ví dụ: Nếu tôi cho anh một trăm triệu đồng rồi tôi đi đâu, gặp ai, bất cứ lúc, tôi đều chỉ vào mặt anh mà la lên: Mày là thằng ăn cướp. Tôi biết chắc chắn anh không đồng ý nhận tiền. Tôi cũng vậy. Tôi tuy là không có nhiều tiền nhưng với tôi một trăm triệu không là cái gì hết. Tôi sẵn sàng thí bỏ một trăm triệu đó cho bọn nhà nước cộng sản, chúng thích cướp cứ việc cướp. Còn không từ đây về sau tôi đi đâu, gặp ai, bất cứ lúc nào, tôi cũng đều tố cáo nhà nước cộng sản cướp tài sản của công dân Tạ Phong Tần. Danh dự, uy tín, bộ mặt của một nhà cầm quyền chỉ đáng có một trăm triệu thì cái giá đó quá rẻ, tôi vẫn còn lời chán. Ngoài tài sản ra còn giấy tờ, bằng cấp của tôi nữa đó. Biết khôn thì mang đến trả cho tôi. -Tôi nói.

-Vậy là chị nhất định không viết đơn? -Ông Cống hỏi.

-Nãy giờ tôi nói quá rõ rồi, sao anh còn lằng nhằng hỏi tới hỏi lui vậy? -Tôi nói.

-Giấy tờ của chị gồm có những thứ gì? -Ông Cống hỏi.

-Anh về hỏi bọn ăn cướp đó, không cần phải hỏi tôi. -Tôi nói.

-Vậy tôi làm cái biên bản ghi lời khai, tài sản gồm những thứ gì chị khai vô đó rồi ký tên vô?

-Tôi không khai gì hết, trả thì tôi nhận, không trả thì thôi, không phải lằng nhằng nhiều. -Tôi nói.

Thấy không thuyết phục được tôi viết đơn hay làm bất cứ biên bản gì khác, ông Cống chuyển đề tài:

-Tôi không hiểu sao chị cứ phải đòi hỏi quyền con người, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí. Tôi biết chị là người giỏi nghiệp vụ, nếu muốn chị vẫn có thể có một vị trí tốt trong xã hội. Chế độ chúng ta vẫn đang có quyền con người đấy thôi. Người ta đã xây dựng nhà tình thương cho người nghèo, xây dựng bệnh viện, trường học, cầu đường, có chương trình xóa đói giảm nghèo hàng năm. Liên hiệp quốc đã công nhận những vấn đề này rồi mà.”

Lập luận này cũ mèm, bao nhiêu năm nay nó cứ nhai nhải trên các báo, đài của chúng nó, đọc mòn hết cả mõm, nghe mò hết lỗ tai hơn chục năm rồi. Tôi lập tức “phản công” liền:

-Anh nuôi con gà, con heo anh có cho nó ăn uống đầy đủ không? Có lo chuồng trại cho nó ở sạch sẽ tử tế không? Có chăm sóc y tế cho nó không? Có chứ gì! Những điều anh vừa nói chỉ mới giải quyết phần “con” thôi, chưa phải là phần “người.” Con người khác con vật ở chỗ có suy nghĩ riêng, có tư tưởng riêng, có tình cảm riêng, có ngôn ngữ riêng. Đã là con người thì phải có quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu chính kiến, tự do ngôn luận, tự do báo chí. Con người có phải cái máy cassette đâu mà cứ nhấn nút play là phát y chang như nhau, lần nào cũng bao nhiêu câu đó, nói mỗi một ý đã ghi âm sẵn. Tôi biết những điều tôi nói, tôi viết không làm hài lòng đảng cộng sản của anh, nhưng tôi vẫn làm vì đó là quyền con người của tôi, nếu tôi không làm thì tôi có khác gì con vật. Anh có công nhận là tôi nói đúng không? Anh mà không có các quyền tự do cơ bản đó thì anh có khác gì con vật đang được nuôi trong chuồng.

Ông Trần Văn Cống nói:

-Tôi cũng biết vậy. Nhưng giờ tôi cũng đã lớn tuổi rồi. Tôi khó mà quay lại được. Chị cũng biết rõ trong lực lượng có nhiều người hiểu điều đó, nhưng vì gia đình, vì vợ con, đã trót lên thuyền rồi cho dù đang bão tố cũng phải đi tới thôi.

Tôi nhếch mép cười khẩy, nói với ông ta:

-Vậy tại sao anh còn giương buồm lên trong cơn sóng dữ? Anh hạ buồm đi, đó mới là cách cư xử khôn ngoan của một con người biết suy nghĩ.

Ông ta đứng lên từ giã tôi, không nói gì thêm.

(Còn tiếp)

MỚI CẬP NHẬT