Friday, April 26, 2024

Ghi chép theo ngày tháng

Viên Linh

1-Mấy ngày nay các cơ quan truyền thông Hoa Kỳ nhắc nhiều đến những cuộc ám sát chính trị tiếp tục xảy ra tại nước Nga, sự việc này khiến trang VHNT hôm nay nhắc lại dưới đây chuyện đã xảy ra năm 1994, khi một nhà báo nổi tiếng của Nga bị bắn chết trên đường phố thủ đô của nước ông.

Hôm 1 Tháng Hai, 1994, nhà văn, chủ bút và nhà xuất bản Sergei Dubov ở Moscow bị bắn chết khi ông vừa từ nhà bước ra xe để đi làm. Trong khoảng sáu năm tính từ lúc tình hình nước Nga đổi mới, ông Dubov xuất bản tờ tuần báo New Times (Thời Mới), tờ báo đã gặt hái thành công lớn lao, được in thành năm ấn bản qua năm ngôn ngữ khác nhau, nhờ đó ông đã cho xuất bản thêm nhiều tờ khác. Khi viên đạn bắn lén từ phía sau kết liễu cuộc đời vị chủ báo tài ba, ông Sergei Dubov đã để lại 12 tờ báo đủ loại. Thế lực nào đã giết nhà báo tên tuổi giữa đường phố Moscow?

Ðược biết ba tuần lễ trước đó, một tổ chức tội ác ở thủ đô Nga đòi ông Dubov phải nộp $800,000. Không phải chỉ có thế, bà Rita, vợ nạn nhân cho biết, tổ chức kia còn áp lực đòi chồng bà phải ký nhượng lại cho họ nhiều thứ khác. Ðó là tổ chức nào? Theo David Gurevich, tác giả cuốn “Từ Lenin tới Lennon,” không tổ chức tội ác nào tồn tại được nếu không có gốc rễ từ cấp cao nhất trong hệ thống cầm quyền nhất là trong ngành công an, cảnh sát. Vẫn theo tác giả trên, theo nguồn tin từ Bộ Nội Vụ Nga, từ khi nước Nga đổi mới, có viên chức như thế trong nhà cầm quyền đã đặt cọc $2.9 triệu để mua một tòa lâu đài ở ngoại ô thành phố Philadelphia ở Hoa Kỳ, và nhiều mệnh phụ Nga đi mua sắm ở Tiffany là nơi người ta vứt tiền qua cửa sổ. Tính tới cái chết của ông Sergei Dubov, ông là nhà kinh doanh thứ 94 và lớn nhất bị giết trong sáu năm trước đó ở Nga, tính tới lúc đó, Tháng Hai, 1994.

Vài năm cuối thế kỷ 20, nước Nga vừa ra khỏi chế độ sắt máu của Cộng Sản, vô số chuyện được thu nhặt lại, vô số chuyện mới đang xảy ra, đó là lúc có một tác phẩm vừa xuất hiện được dư luận chú ý, đó là bản dịch cuốn “Một thời góp nhặt sỏi đá,” (A Time to Gather Stones) của tác giả Vladimir Soloukhin, một nhà văn đảng viên; người dịch là Valerie Nollan. Cuốn sách nói về vẻ đẹp đã chết của nước Nga. Ông kết tội đảng ông đã làm cho đất nước mình bị cô lập và trở nên xấu xí (Cummunism has left the country desolate and ugly, trong bài điểm sách của Harlow Robinson đăng trên tờ New York Times).

Bài điểm sách có vài điểm nói rằng tác giả Soloukhin tuy can đảm nhìn nhận truyền thống Nga đã bị hủy hoại thê thảm sau những năm đó, song không phải chỉ có ông bày tỏ sự cảm nhận đó. Người ta cũng thường bày tỏ cảm nghĩ sau khi Cộng Sản sụp đổ, nhưng kết tội thẳng thừng vẫn là chuyện còn phải chờ đợi.

2-Ðã lâu rồi người viết bài này còn nhớ có một câu phương ngữ ở quê hương: “Tháng Ba bà già chết rét.” Câu ấy không biết phát sinh từ bao giờ, và không biết nguyên do tại sao, hay chỉ nói về một vùng thời tiết quá lạnh, lạnh chết người? Nhưng trên một khoảng vài chục năm, do tình cờ thôi, người viết cũng lại ghi nhận, Tháng Ba chúng ta thấy có nhiều văn nghệ sĩ ra đi hơn là một vài tháng khác.

Sau đây là những sự mất mát ấy, mất mát của Tháng Ba, từ gần tới xa:

-Tháng Ba, 2016: Nhà thơ Hoài Khanh tác giả tập Dâng Rừng mất tại Biên Hòa.

-Tháng Ba, 2016: Nhà biên luận Nguyễn Ngọc Bích mất trên trời, khi máy bay chưa đáp xuống Philippines.

-Tháng Ba, 2014: Ký giả Vũ Ánh, nguyên chủ bút báo Viễn Ðông và báo Người Việt, mất ở Little Saigon.

-Tháng Ba, 2011: Triết gia Phạm Công Thiện mất tại Long Beach.

-Tháng Ba, 2010: Nhà thơ Hữu Loan, tác giả Màu Tím Hoa Sim, mất tại Nga Sơn, Thanh Hóa. Thi sĩ từng được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Khởi Hành năm 2009.

-Tháng Ba, 2009: Nhạc sĩ nhạc trẻ Trường Kỳ trong phong trào Hippy ở Việt Nam trước 1975 mất ở Hoa Kỳ.

-Tháng Ba, 2008: Nhạc sĩ Anh Việt (Ðại Tá Trần Văn Trọng, chủ tịch Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Ðội), mất tại San Jose.

-Tháng Ba, 2006: Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mất ở Minnesota.

-Tháng Ba, 2004: Nhà văn Lê Xuyên, tác giả Chú Tư Cầu, mất tại Sài Gòn.

-Tháng Ba, 2003: Nhà báo Nghiêm Xuân Thiện, nguyên chủ nhiệm nhật báo Thời Luận trước 1975 ở Sài Gòn, mất ở Ðức.

-Tháng Ba, 2003: Họa sĩ CHÓE. (Viết hoa, vì hầu như các họa sĩ vẽ biếm họa Việt Nam và quốc tế đều ký tên một chữ, và viết chữ hoa), mất ở Virginia.

-Tháng Ba, 2000: Học giả Ðỗ Trọng Huề (người soạn cuốn Việt Nam Ca Trù Biên Khảo cùng thân phụ là Ðỗ Bằng Ðoàn) mất ở Hoa Kỳ.

-Tháng Ba, 1999: Nhà thơ Kim Y Phạm Lệ Oanh, dịch giả bộ ba tập Liêu Trai Chí Dị, tức cụ bà Trương Cam Khải, mất ở Virginia.

-Tháng Ba, 1998: Nhà giáo Bảo Vân Bùi Văn Bảo (Chỉ sợ đàn con quên Việt Ngữ), mất ở Little Saigon sau thời gian dài sống ở Canada.

-Tháng Ba, 1997: Linh mục triết gia Kim Ðịnh, tác giả Việt Lý Tố Nguyên, Triết Lý Cái Ðình, mất ở San Jose.

-Tháng Ba, 1997: Nhà văn Mặc Thu, tác giả Bão Biển, mất ở Sài Gòn.

-Tháng Ba, 1996: Nhà làm phim Nguyễn Bá Thế từ trần.

-Tháng Ba, 1991: Ký giả Nguyễn Ang Ca mất ở Bruselles, Bỉ.

-Tháng Ba, 1987: Nhà văn Bình Nguyên Lộc mất ở San Jose.

-Tháng Ba, 1986: Nhà văn Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, trong nhóm Tự Do, chết trong khám Chí Hòa.

(Các trích dẫn từ cuốn Lịch Sách Chân Dung Nhà Văn Việt Nam, tác giả Viên Linh, 450 trang, phát hành vào tháng tới).

Chúng tôi chỉ trích dẫn riêng về Tháng Ba mà thôi.

MỚI CẬP NHẬT