Friday, April 26, 2024

Ông ‘Khói Sóng’

Du Tử Lê

Tôi không có nhiều kỷ niệm với nhà văn Như Phong. Nhưng, đó là người tôi hâm mộ từ thời còn học trung học ở Saigon.

Những tháng, năm cuối thập niên 1950, hầu như không buổi sáng nào, tôi không nôn nả tìm đọc cho bằng được nhật báo Tự Do. Những ngày không tìm được tờ Tự Do, tôi bấm bụng mua tờ báo này, trích từ số tiền ít ỏi kiếm được bởi công việc kèm trẻ tư gia.

Thời gian đó, tin tức, hình ảnh có trên tờ Tự Do, không phải là lý do để tôi say mê tờ báo ấy. Mà, bởi vì nơi trang hai và, trang ba, cố định ở phần dưới cùng trang báo, là hai trường thiên tiểu thuyết. Trang hai, là trường thiên “Tỵ Bái” của nhà văn Nguyễn Hoạt tức Hiếu Chân. Trang ba là “Khói Sóng” ký tên Lý Thắng. (Lý Thắng chứ không phải Như Phong/Lê Văn Tiến).

Hôm nay, nếu tôi nhớ không lầm thì tác giả “Khói Sóng” cho in chữ nghiêng, ngay dưới tựa đề tiểu thuyết, hai câu thơ:

“Quê hương khuất bóng hoàng hôn

Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.”

Sau, tôi mới biết đó là hai câu thơ cuối cùng trong bản dịch bài “Hoàng Hạc Lâu” của Tản Ðà.

Người đầu tiên cho tôi biết Lý Thắng, một bút hiệu khác của Như Phong/Lê Văn Tiến, là chủ nhiệm báo Tự Do, Phạm Việt Tuyền. Khi tôi nói với ông, tôi là “độc giả trung thành” của Lý Thắng. (Tuy đã biết rõ tên tác giả, nhưng tôi vẫn thích gọi là ông “Khói Sóng.” Cách gọi này, cho tôi cảm tưởng, tôi gần ông hơn).

Nhà văn Mai Thảo, người thứ hai giới thiệu tôi với… ông “Khói Sóng,” vài năm sau cuộc đảo chánh 1 tháng 11, 1963.

Nhớ đó là một buổi trưa, tôi ghé lại tòa soạn tạp chí Văn, lấy báo và nhận tiền nhuận bút. Tình cờ gặp Mai Thảo. Ông bảo tôi, nếu rảnh thì ra Givral uống café với ông. Tôi đề nghị chở ông bằng chiếc vespa cũ của mình… Ông từ chối và, bước lên chiếc cyclo dường đã chờ ông từ trước. Tôi đậu xe ở đường Lê Thánh Tôn, bên hông café La Pagode, thả bộ tới Givral. Khi bước vào, nơi chiếc bàn sát cửa kính bên tay phải, trông vào đường Tự Do, nhìn xéo qua tòa nhà Quốc Hội, tôi thấy một số nhà báo ngồi sẵn. Mai Thảo dừng lại chiếc bàn này, giới thiệu tôi với những người hiện diện. Trong số những tên tuổi tôi được giới thiệu hôm đó, ngoài ông Cao Dao/Huỳnh Văn Phẩm (nổi tiếng ở lãnh vực phê bình hội họa?), còn có ông “Khói Sóng.” Mai Thảo nói:

“Ðây là anh Như Phong/Lê Văn Tiến…”

Ðó là lần đầu tiên, tôi được gặp và bắt tay ông. Ngay trong gặp gỡ đầu tiên ấy, tôi những muốn nói, tôi hâm mộ trường thiên “Khói Sóng” của ông, từ nhiều năm trước. Vì bên cạnh ông, có nhiều người, tôi thấy, nên kiềm chế niềm vui của mình!

Lúc đã ngồi trên chiếc ghế cao nơi quay rượu, Mai Thảo cho tôi biết thêm, đại ý: Như Phong là em kết nghĩa với cố nhà văn Hoàng Ðạo, nhóm Tự Lực Văn Ðoàn. Ðồng thời, ông cũng là nhà báo, làm chính trị, giao du rất rộng và, có uy tín với số ký giả ngoại quốc…

Tôi nói, tôi thấy ông ta rất thư sinh, giống một nhà văn hơn là một người làm chính trị.

Mai Thảo, nheo mắt, cười cười:

“Thấy vậy thôi. Ðó là một tay chọc trời khuất nước đấy!”

Qua khung kính lớn, chạy suốt hai mặt đường của Givral, khi thoáng thấy nữ danh ca T.T. “người bạn đặc biệt” của Mai Thảo, tôi rời quầy rượu, bước tới bàn của ông “Khói Sóng” – – Lúc đó, chỉ còn mình ông và, dường như ông đang đọc tờ L’ Express. Rất lịch sự, ông gấp lại tờ báo, chỉ ghế, mời tôi ngồi.

Lần này, tôi nói ngay với ông rằng, tôi là một trong những người trẻ, hâm mộ trường thiên “Khói Sóng.” Và, ngập ngừng hỏi ông, tại sao ông ký tên Lý Thắng, mà không phải Như Phong/Lê Văn Tiến?

Ông nhìn tôi, như thăm dò, trước khi đáp, đại ý, với cái tên lạ hoắc, Lý Thắng, ông nghĩ sẽ tránh được cho tờ báo những khó khăn, dòm ngó từ phía chính quyền, cũng như các khuynh hướng chính trị khác, vì tính nhậy cảm của nội dung truyện. Trước khi xin phép ông trở lại sở làm, tôi nói, tôi cũng khâm phục ông trong bao nhiêu năm theo dõi “Khói Sóng” cũng như “Tỵ Bái,” chưa một lần nào tôi thấy tòa soạn phải “cáo lỗi” vì lý do tác giả ngã bệnh thình lình hay, công tác xa không kịp gửi bài về.

Ông cười bằng cả đôi mắt tinh anh, thoáng chút giễu cợt:

“Vì tôi không thuộc loại đó!”

Và, thật bất ngờ, khi ông hỏi, tại sao tôi lại thích “Khói Sóng”?

Tôi nói “bất ngờ” vì tôi không chờ đợi một câu hỏi như thế. Tôi lúng túng trả lời:

“Tôi cũng không biết tại sao nữa!!!”

Có dễ cảm được sự lúng túng, rất đỗi thành thật của tôi, nên chính ông, sau đó, đã gỡ rối cho tôi. Ông nói, ông hiểu. Vì:

“Khi ta yêu một tác phẩm văn chương, đôi khi cũng giống như yêu một người phụ nữ. Rất khó để có thể giải thích một cách minh bạch được…”

Sau chia tay, tôi tiếc, tại sao tôi không cho ông “Khói Sóng” biết, tôi yêu trường thiên đó, vì những nhân vật trong truyện có được một cuộc sống lý tưởng, đầy bất trắc, gian lao, tận hiến cuộc đời cho tổ quốc… Ðiều tôi không làm được!

Tính đến khi biến cố 30 tháng 4, 1975, tôi không có thêm dịp nào được trò chuyện với ông “Khói Sóng.” Mặc dù nhiều lần đi ngang qua Givral, nhìn vào chiếc bàn sát khung kính trông vào đường Tự Do, thỉnh thoảng tôi lại thấy ông ngồi với bằng hữu của ông. Ðôi khi bên cạnh ông là một vài nhà báo ngoại quốc (?).

Ở quê người, giữa thập niên 1990, qua hối thúc của bạn tôi, Trương Trọng Trác, tôi di chuyển về thành phố Houston, Texas, để nhận sự giúp đỡ, điều trị bệnh Thyroid của Bác Sĩ Hồ Tấn Phước, đồng môn CVA, lớp trước. Nửa chừng, vì lý do tình cảm, tôi phải “đào thoát” khỏi Houston, bay về Virginia, “tỵ nạn” ở nhà cựu trung tá TQLC, Nguyễn Văn Phán…

Thoạt đầu, tôi gần như không ra khỏi nhà dù ngày hay đêm. Sau một thời gian, thấy “mặt trận miền Tây” coi bộ “vẫn yên tĩnh”; để bớt cuồng chân, thỉnh thoảng, buổi chiều, tôi lại mượn xe của bạn, lái ra Phở Xe Lửa, trong khu Falls Church, của Toàn “Bò”, một bạn học thời niên thiếu.

Một buổi tối, ra về trước khi tiệm phở đóng cửa, trong khu parking mênh mông, vắng ngắt, tôi thấy một người đàn ông cao, gầy, lưng đeo chiếc ba lô nhỏ, thả bộ dưới những ngọn đèn và, hàng cây cypress thấp, ở những quãng cách không đều. Bóng ông, cũng không đều, thấp, cao hắt xuống mặt đường, những im lặng, thẫm. Như khắc, vạch từng vệt nhẫn nhục trên nền xi măng lạnh… Lái xe lại gần, tôi ngạc nhiên, hạnh phúc nhận ra ông “Khói Sóng.” Tôi dừng xe, bước xuống, nói, tôi muốn được đưa ông về.

Cũng phải nhiều giây sau, ông mới nhận ra tôi.

Trên đường đi, tôi hỏi thăm ông về những tháng, năm tù đày triền miên của ông. Ông kể, thản nhiên, như chuyện của một người nào khác, không phải ông.

Gần tới nhà ông, tôi nhắc lại buổi gặp gỡ lần đầu, giữa Saigon. Tôi nói, hôm nay, tôi mới có dịp cảm ơn ông, đã gỡ rối cho tôi, trước câu hỏi của ông, về lý do tôi say mê “Khói Sóng?” Tôi cũng kể, ngày đó, tôi ân hận là đã không nói ra cảm nhận của mình suốt bao nhiêu năm đọc “Khói Sóng”…

Vẫn với nụ cười bằng cả đôi mắt tinh anh và, thoáng chút giễu cợt, ông bảo:

“Khi người ta hiểu được tại sao mình yêu người nào đó, thì tình yêu sẽ bị giảm đi ít nhiều…”

Tôi đáp:

“Hoặc trái lại?”

“Có thể!” Ông nói.

Tôi thêm:

“Tôi ước ao trong đời mình, một lần được đọc lại ‘Khói Sóng’, nơi đất khách.”

Giọng ông trùng xuống. Ông bảo:

“Khó lắm!”

Nhưng rồi ông tiếp ngay, đầy tin tưởng:

“Tuy nhiên…”

Hai chữ “tuy nhiên” của ông, làm tôi liên tưởng tới những bài viết về ông, tôi được đọc. Hầu hết cho thấy, “lạc quan” tựa ngọn hải đăng chưa bao giờ ngưng rọi suốt hành trình nồng nàn tình yêu đất nước của ông.

Rồi, khi ông khuất sau cánh cửa gỗ lớn, tôi thấy, dường ông không chỉ đem theo hai chữ “tuy nhiên” mạnh mẽ mà, trong mắt, trong chiếc ba lô nhỏ của ông, còn có biết bao đời…“Khói Sóng.” Những đời sống bất tử (trong đó có ông), cả khi họ và ông, không còn nữa!!

(Calif. Tháng Bảy 2016)

MỚI CẬP NHẬT