Thursday, April 25, 2024

S.T.T.D. Tưởng Năng Tiến: Những cánh bèo trôi ở Geyleng

“Nhìn tổng quát có bao giờ đất nước được như thế này không?”
(Tổng Bí Thư Ðảng CSVN Nguyễn Phú Trọng)

“Những Mảnh Ðời Lang Bạt Ở Bình Dương” là tựa của một bài phóng sự, đọc được qua RFA, do nhóm phóng viên tường trình Từ Việt Nam thực hiện:

“Họ là những người tứ xứ lang bạt về Bình Dương để kiếm sống. Có người làm thuê đủ các công việc để kiếm cơm độ nhật, có người đi buôn rau hành dạo, trái cây dạo, cũng có người đạp con ngựa sắt cũ kỹ rong ruổi khắp thị thành, ngoại ô để mua ve chai, đồng nát… Cuộc sống của họ khó khăn, bấp bênh, không có ngày mai. Và họ cũng chẳng biết bám víu vào đâu ngoài chút sức tàn lực kiệt lúc tuổi già… Chuyến đi của chúng tôi gặp từ người nghèo này sang người khốn khổ khác, một hành trình dài toàn những mảnh đời lang bạt, không tấc đất cắm dùi và gặp nhiều tai bay vạ gió. Và tất cả câu chuyện của họ đều có liên quan đến chính sách quản lý nhà nước từ nhà đất cho đến giải tỏa, đền bù cũng như thuế và chính sách trợ giúp người nghèo đầy tính bất minh.”

Có lẽ vì không phải là ký giả, phóng viên, nhà văn hay nhà báo gì ráo trọi (giới người thường chỉ nhìn thấy mặt trái của cuộc đời) nên chuyến đi của tôi lần này – xem ra – lạc quan và vui vẻ hơn nhiều. Ở Geyleng tôi cũng gặp những người Việt không tấc đất cắm dùi, những mảnh đời lang bạt, những kẻ cũng “bị cơ chế nhà nước đẩy đi từ khốn khổ này sang khốn khổ khác” nhưng (cuối cùng) họ đã tìm ra sinh lộ – dù chưa biết là chuyện mưu sinh (rồi ra) sẽ kéo dài được bao lâu?

Geyleng là một con lộ dài, cắt ngang bởi vài chục con hẻm lớn, ở Singapore. Nó được mệnh danh là Phố Ðèn Ðỏ Quốc Tế, với hàng ngàn người hành nghề bán dâm thuộc nhiều quốc tịch khác nhau. Riêng hai con hẻm 20 và 21 (Lorong 20 & 21) hiện nay thì gần như là giang sơn của những cô gái Việt.

Ðúng như cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết nhận xét: “Con gái Việt Nam đẹp lắm!” Họ tươi tắn và xinh xắn nếu không hơn thì cũng chả hề kém các bạn đồng nghiệp Thái, Phi, Tầu, Nhật, Ðại Hàn… đang biệt cư ở những con hẻm khác. Các cháu không chỉ là một “món hàng” mới lạ đối với người ngoại quốc mà giá cả, xem ra, cũng nhẹ nhàng hơn.

Ở Geyleng (chắc) không ai ngủ. Ðường phố tấp nập ngày đêm. Giữa đám người đang chen chúc hưởng thụ hay mưu sinh trong những quán ăn lộ thiên, rực rỡ ánh đèn nơi khu phố đèn đỏ này, tôi chợt nhận ra những người phụ nữ Việt Nam (qua những chiếc áo bà ba sờn cũ) đang đi loanh quanh chào mời thực khách mua giấy chùi miệng.

Họ chào hàng bằng tay, bằng ánh mắt van nài, cùng với nụ cười rất hiền lành và hơi buồn bã. Tôi không giấu được sự ngạc nhiên:

-Chị người Việt Nam phải hông?

-Chú cũng người Việt luôn sao?

-Dạ.

-Chèn ơi, vậy mà tui tưởng người Sing. Chú mua giùm mấy tệp khăn giấy này nha. Có một đô la thôi hà.

-Ðược chớ mà chị ngồi chơi nói chuyện chút xíu cho vui đi. Gấp gáp khỉ gì. Chị dùng chi tui kêu luôn?

-Chú cho uống được rồi, tui mỏi chân và khát nước quá. Ði từ hồi bốn giờ chiều tới giờ đó.

-Vậy thì ăn luôn đi.

-Dạ, cũng được.

-Rồi mấy giờ chị mới về nhà? Gần sáng tới nơi rồi.

-Phải đi tới cỡ tám giờ mới đủ sở hụi.

-Sở hụi gì cà? Chị bán mấy cái tệp giấy này có vốn liếng gì bao nhiêu đâu, không bán nay thì mai chớ hư hỏng lỗ lã gì mà sợ.

-Tui mua một bịch 20 tệp giá $5, bán hết cả bịch thì lời được 15 đồng.

-Mỗi ngày chị bán mấy bịch?

-Cũng còn tùy. Bữa nào khỏe, chịu khó đi, chịu khó mời thì được ba bịch, còn không thì hai. Có bữa hên bán một bịch thôi cũng đủ tiền rồi.

-Sao kỳ vậy?

-Nhiều người khách họ chỉ lấy một tệp giấy thôi, lấy cho mình thấy đỡ kỳ vậy mà nhưng cho tới năm sáu đô la lận. Họ cũng thường cho ăn luôn nữa. Nhiều người tử tế và vui vẻ lắm nhưng ngặt là mình không biết tiếng nên cúi đầu ăn thôi, chớ có biết nói chuyện gì đâu.

Tôi tính nhẩm một đô la của Singpore tương đương với 80 xu của Mỹ nên suy ra là bà đồng hương này cũng kiếm được từ $30 đến $50 mỗi ngày.

-Như vậy bữa nào hên là chị về sớm, ngủ khỏe re há?

-Ý đâu có được chú. Ngày hên cũng phải ráng đi để bù ngày xui chớ. Với lại tui ở “ghép” với bà Ba. Phải để bà ấy ngủ cho đủ giấc. Khi nào tui về chui vô ngủ là đến phiên bà đi bán. Ghép như vậy mà một ngày cũng phải trả $12 tiền nhà lận đó.

Tôi chưa kịp hiểu sự khác biệt giữa chuyện “ghép phòng” và “ghép giường” nhưng chưa kịp hỏi kỹ thì đã có thêm người nhập cuộc:

-Út à, ngồi chơi mảy. Chú này là “người mình” chớ không phải Sing đâu nha.

-Vậy hả. Con chào chú.

-Chú chào em, ngồi nghỉ chút đi. Ăn gì chú kêu luôn nha.

-Dạ, con thích ăn cháo cá.

Người mới đến trẻ hơn nhiều (chắc mới ngoài 40) trông cũng tươm tất hơn hẳn dù trên người vẫn chỉ mong manh có mỗi chiếc áo bà ba và cái quần đen quê mùa giản dị, như cách phục sức thường thấy ở những phụ nữ Việt Nam ở quê nhà. Chỉ vài phút sau, lại thêm một “người mình” nữa hồn nhiên ngồi vào bàn góp chuyện:

-Chèn ơi, ở đây gần tháng rồi tui mới thấy có chú là người Việt ở thành phố qua chơi đó nha. Còn toàn là tụi nhỏ làm gái, với đám bà già tụi tui không hà.

-Không phải ở thành phố đâu. Ông là Việt kiều ở tuốt luốt bên Mỹ lận.

-Ủy Trời, xa dữ thần vậy sao?

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 24 tháng 3 năm 2017

Tha hương ngộ cố tri. Câu chuyện của chúng tôi dù rất lan man nhưng đều nổ giòn như bắp. Tôi không có gì để nói nhiều nên chỉ ngồi nghe, và được nghe về một phương cách mưu sinh của đồng bào mình nơi đất lạ.

Bán giấy chùi miệng là một nghề tương đối mới mẻ của người Việt ở Singapore. (Cũng có người bán vé số nhưng rất ít vì ai cũng ngại phải “ngậm” những tấm vé không bán kịp trước giờ xổ). Dù thời hạn cho phép “du lịch” chỉ trong vòng một tháng, mỗi một chuyến đi – sau khi trừ chi phí máy bay và ăn ở – trung bình một người chịu khó đi bán không ngừng (chừng 12 tiếng mỗi ngày) có thể để dành được từ $800 đến $1,000. Một năm nếu đi được vài lần thì mang về được $3,000 hoặc $4,000.

Ðây là một số tiền lớn lao ngoài sự ước mơ của rất nhiều người dân Việt. So với dịch vụ xuất khẩu lao động rất nhiêu khê, tốn kém, phải cầm cố nhà cửa, và bị lường gạt đều đều thì “thương vụ” bán giấy chùi miệng (rất lương thiện này) quả một là phát kiến “thần tình” khi mà nước Việt không còn đủ chỗ chen chân cho những người bị đẩy đến bước đường cùng, mỗi lúc một đông.

Tạp chí Forbes liệt Singapore vào hàng quốc gia giầu có thứ ba trên thế giới (the third richest country in the world). Người dân ở đảo quốc này không ai phải đi bán hàng rong hoặc đi xin ăn. Họ không chỉ giầu có, hào phóng mà còn vô cùng cởi mở nữa. Họ chấp nhận đến bốn thứ ngôn ngữ chính thức khác nhau: tiếng Anh, tiếng Mã, tiếng Hoa, và tiếng Tamil.

Thực khách ở Singapore không ai cần đến giấy chùi miệng nhưng họ vẫn sẵn sàng chia sẻ vài đồng tiền lẻ với những kẻ không may ở nước láng giềng, qua một hình thức mua bán (tương đối) lịch sự và tế nhị. Thiệt là một vùng đất láng giềng bao dung, và trù phú, nơi lý tưởng cho những mảnh đời cùng quẫn và lang bạt đến tự Việt Nam.

Khi còn tại chức, ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố: “Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc…” Người kế vị, ông Trương Tấn Sang, cũng phát biểu gần tương tự: “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”

Trong số những “cường quốc” và “bạn bè quốc tế ngưỡng mộ” này (hẳn) không có người dân ở Singapore đâu. Xin mọi người cứ yên tâm, và đừng ai cảm thấy bị tự ái (vặt) làm chi.

Theo lời một vị lãnh đạo cao cấp khác, (đương kim Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng) thì chuyện “xây dựng chủ nghĩa xã hội còn lâu dài lắm.” Nghĩa là sẽ còn nhiều thế hệ con dân Việt Nam đến Geyleng để bán thân, hay bán giấy – nếu họ vẫn còn có thể tiếp tục mở rộng vòng tay chào đón chúng ta.

Kính chúc các chị, các em, các cháu luôn buôn may và bán đắt.

MỚI CẬP NHẬT