Friday, April 26, 2024

Tính khách quan trong truyện ngắn Nguyễn Ðạt

Du Tử Lê

(Tiếp theo và hết)

Trong số hàng trăm truyện ngắn của Nguyễn Ðạt, có một truyện ngắn, với ông, như một thành tựu đáng kể. Ðó là truyện “Ðại Hồ Cầm.” Trong lần gặp lại nhau, gần đây, Nguyễn nhắc tới “Ðại Hồ Cầm,” với lời khen của cố nhà văn Thanh Tâm Tuyền – – Như một kỷ niệm lớn, trong cuộc trường chinh chữ, nghĩa của Nguyễn. Mới đây, tôi gặp kỷ niệm lớn của Nguyễn, một lần nữa, khi đọc phần trả lời của Nguyễn, trong cuộc phỏng vấn do nhà văn Lý Ðợi thực hiện:

“…Khi Joseph Huỳnh Văn, thi sĩ, người bạn tri âm tri kỷ của tôi chủ trương một tập san văn chương, anh thúc giục tôi viết truyện ngắn, chuyên về truyện ngắn cho tập san, tôi bắt đầu chuyên chú viết truyện ngắn, viết cho mỗi số (cách nhau từ 1 tới 2 tháng). Truyện ngắn ‘Ðại Hồ Cầm’ xuất hiện ở đây. Báo ra được 1 ngày, ông Thanh Tâm Tuyền đọc ngay truyện ngắn của tôi. Từ trường Cao Ðẳng Quốc Phòng, ông gọi điện thoại đến chỗ tôi (Cục Tâm Lý Chiến) nhiều lần trong ngày (vì tôi đi đâu đó ngoài trại), nhắn tôi hết giờ làm việc ra cà phê vỉa hè đường Gia Long. Tôi nghĩ có chuyện gì. Ông cười rất vui: ‘Có chuyện gì đâu, đọc cái truyện ‘Ðại Hồ Cầm’ của cậu tôi thích quá, mới nhắn cậu ra đây’. Và thêm một câu nữa của ông Thanh Tâm Tuyền, người tôi quý trọng nhất trong văn nghệ (và cả trong cuộc sống): ‘Tôi cũng muốn viết một loạt truyện ngắn như thế này’. Cái câu thêm này đã thêm sức cho tôi trong công việc viết văn...” (7)

Không có nhu cầu tìm đọc “Ðại Hồ Cầm”; nhưng trong số 3 tập truyện ngắn Nguyễn Ðạt, có trong tay, tôi chú ý tới truyện “Khởi sự từ điểm X.” (8)

Với tôi, ngay tựa truyện “…điểm X,” là một phiếm chỉ về nơi chốn, đã cho thấy tác giả mở rộng cánh cửa tự do hình dung, cho độc giả. Nó như sự lùi xa tính chủ quan, áp đặt của Nguyễn Ðạt. Ðiều vốn ít thấy nơi dòng chảy văn xuôi trước đây.

Với chủ tâm phiếm chỉ, bước vào chuyện, tác giả cũng không xác định thời gian, bối cảnh, nhân vật… Nguyễn viết:

“Năm của ban nhạc Carpenters (*). Khung cảnh màu xanh. Màu xanh ngây của các thứ lá non đang sẫm đi, dần dần đồng nhất với màu xanh của toàn thể. Chúng dịch chuyển, dàn hàng ngang. Chúng bất động, giống tấm phông cảnh. Xa hơn hết của tấm phông cảnh là dãy núi, thung lũng sương mù.

“Bỗng dưng tôi ở đây. Những người đồng hành, chiếc xe, bây giờ ở đâu tôi không biết. Hiển nhiên ở đâu đó, trong khu vực bị bao vây, như lời bàn tán lúc xe ngưng. Tôi cũng không biết về điều ấy. Dù sao cũng thấy được, khu vực bị bao vây trong thứ bóng tối mỗi lúc thêm dày đặc.”

Câu chuyện diễn biến nhanh, (nhưng không có nút thắt, hoặc ứa hẹn cao trào), dẫn tới cuộc đối thoại giữa nhân vật xưng “tôi” với một thanh niên (có thể là bất cứ ai), hiện ra, như tình cờ của định mệnh hàm hỗn, bí, ngụy:

Anh ta bỏ ngang cuộc hành trình, xuống xe ở thị trấn có nhiều đá tảng, to bằng những ngôi nhà lớn nhỏ, chồng chất lên nhau. Tôi hỏi anh ta: ‘Vậy là những dự tính đã gãy đổ?’ Anh ta cho tôi hiểu hoặc chỉ muốn trấn an tôi: ‘Không sao cả, bạn ạ. Tôi có lý do riêng của tôi, còn bạn vẫn có cái để tin tưởng’. Khi anh ta nói vậy, tôi bắt đầu hoang mang. Nhưng tôi không tìm được lý do ở lại thị trấn có nhiều đá tảng. Ít nhất anh ta đã từng sống ở đây.

“Tôi đứng trơ cục trong bóng tối. Những đốm sáng thảng hoặc phía xa.Tôi phải đi tới một chỗ có người hay chút ánh sáng, xem lại vài thứ mang theo. Tôi vấp vào ai đấy, cùng lúc tôi nghe tiếng kêu đau đớn. Người ấy, tôi chưa nhìn rõ mặt, tiếng nói rất trẻ: ‘Ông đi thứ giầy gì mà cứng vậy?’ Lần này, tôi thấy rõ gương mặt người ấy, một thanh niên.”

Thêm một nhân vật xuất hiện. Tuy Nguyễn cho biết: “…Tôi thấy rõ gương mặt người ấy…” Nhưng, với tôi, nó vẫn chỉ là một thứ hình, bóng, bất định.

Cũng với ghi nhận của riêng tôi, dường như giữa nhân vật và sự vật đã có một tương tranh vị trí chính diện, (dẫu cho đó là vị trí huyễn ảo)? Hoặc, ngay nhân vật xưng “tôi” và, những chiếc bóng khác, trong truyện, cũng chỉ là những hư huyễn, nổi trôi giữa thực và, ảo trong… “thung lũng sương mù”. Vì tác giả (nhà văn) hoàn toàn vắng mặt – – tựa tính khách quan mới là tâm bão của truyện?

Ðọc gần hết nửa truyện, tôi mới thấy chút cảm xúc của nhân vật xưng “tôi,” qua tính từ kép “hoang mang” trong câu:

Khi nghe anh ta nói vậy, tôi bắt đầu hoang mang.”

Và tính từ “kép “hốt hoảng” trong câu:

“Thốt nhiên tôi nhìn thấy mình vẫn đứng trơ cục, chợt hốt hoảng.”

Ðó là lúc nhân vật xưng “tôi” lo ngại cho sức khỏe của người thanh niên mà y vô ý đạp phải, có thể… có vấn đề, khi thỉnh thoảng anh ta lại “hai tay co lại, ôm bụng (…). Không chừng đã đứt vỡ gì đấy trong bụng…”

Tuy nhiên, ở câu văn thứ hai, tác giả không viết “…tôi thấy mình” mà: “…tôi nhìn thấy mình.” Ðộng từ “nhìn” xác định chủ-thể “tôi” (Subject), ở vị trí quan sát, trở thành khách-thể (Object), tức vật bị quan sát – – Cho thấy vai trò khách quan của truyện luôn được Nguyễn tỉnh táo, duy trì ở chính diện.

Vẫn là những thước phim câm, chuyển động nhanh, (dù có đối thoại rời rạc), câu chuyện của Nguyễn phóng tới, không cao trào, không săm soi tâm lý… (để người đọc gặp mình trong đó!); cũng không đối thoại nội tâm có từ thời Frank Kafka (đến nay vẫn còn được nhiều người ưa, chuộng). (9) Mà, Nguyễn Ðạt lại đem vào truyện của ông, một đám đông “không đồng phục,” căn nhà, chiếc túi xách có ít quần áo, cuốn sổ bọc bìa da, người con gái làm thơ tên Khánh Nhạc, cái ống vố, đôi giầy đã đổi, xấp truyền đơn (?),… như những khoảng lặng hư huyễn, trộn-rộn… (10)

Khởi từ sự kiện “đôi giầy đã đổi,” Nguyễn dẫn người đọc tới những liên tưởng mới, chưa từng thấy trong văn xuôi của chúng ta (dù khá buồn):

“…Tôi biết rất ít về cuộc chiến tranh mà anh ta đã tham dự, qua vài dòng chữ trong bức thư anh ta gửi tôi đã lâu: Không có nỗi say mê nào bằng nỗi say mê chiến tranh. Trước mặt là lửa, sau lưng là máu… Tôi hỏi: ‘Có phải nó giống như nỗi say mê của con bò tót, trước tấm khăn chói lọi? Anh ta bảo: ‘Không riêng gì con bò tót. Cả hắn nữa, tay đấu bò. Nhưng một bị thương, và một chết rồi.’”

Và, trước đấy là thơ Khánh Nhạc (nhân vật vắng mặt), trong cuốn sổ tay bìa da:

“Nàng viết nắn nót trong đó những dòng thơ cho tôi… Anh như người lính trở về không nguồn cội…”

Tôi không biết thư cũ của đàn ông đổi giầy cho nhân vật xưng “tôi” hay, thơ của Khánh Nhạc (hoặc cả hai?) đã thay thế đôi giầy cho nhân vật xưng “tôi,” chân đất “… đi ngược lại khu vực bị bao vây, như người ta nói…” – – Khi “tôi” được trả tự do, sau một ngày bị giữ “trong chiếc thùng sắt lớn”; vì xấp truyền đơn…

Rồi, bất ngờ, Nguyễn đã chấm dứt truyện của mình bằng câu:

“…Tôi sẽ gặp lại cả tấm phông cảnh”…

Cùng với sự vắng mặt của tập quán nhà-văn-như-một-Thượng-đế, trong khá nhiều truyện ngắn không có chuyện của Nguyễn Ðạt, tôi nghĩ, độc giả có thể muốn hỏi:

“Chuyện gì đây?” Hay, “Cái gì vậy?”

Tôi nghĩ, nếu có cơ hội gặp tác giả, chúng ta cũng không nên dành cho ông ta câu hỏi đó. Mà, hãy dành cho chính mình!?!

Bởi, theo tôi, đó chính là chân dung văn chương của Nguyễn Ðạt vậy. (11)

(Calif., Tháng Mười 2016)



Chú thích:

(7) Trích Lý Ðợi: “Nguyễn Ðạt: 60 năm chưa trở về nẻo hiểm.” Nguồn: Trang mạng Tiền Vệ. (Wikipedia-Mở).

(*) Năm 1972, năm ban nhạc Carpenters xuất hiện và lừng lẫy. (Chú thích trong nguyên bản).

(8) “Khởi sự từ điểm X”, in trong “Kỷ Niệm Dã Quỳ và Những Truyện Ngắn Khác,” của Nguyễn Ðạt; do nhà xuất bản Trẻ, ấn hành tại Saigon, 2016.

(9) “Franz Kafka sinh ngày 3 tháng 7 năm 1883, mất ngày 3 tháng 6 năm 1924; là một nhà văn lớn viết truyện ngắn và tiểu thuyết bằng tiếng Ðức, được giới phê bình xem như một trong những tác giả có ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 (…) Albert Camus và Jean-Paul Sartre là hai trong số những nhà văn chịu ảnh hưởng bởi tác phẩm của Kafka; tính từ ‘kiểu Kafka’ (tiếng Anh: kafkaesque) đi vào nhiều ngôn ngữ Âu châu để mô tả những hoàn cảnh siêu thực như trong truyện của ông.” (Theo Wikipedia-Mở).

Tưởng cũng nên nói thêm, nhà văn Haruki Murakami, nổi tiếng trên thế giới hiện nay, cũng cho thấy nhiều truyện ông viết “kiểu Kafka”. Như “Kafka on The Shore” hay “The Wind-Up Bird Chronicle,” v.v…

(10) Tôi cố tình dùng hai chữ “trộn-rộn” với ý “trộn lẫn” và “rộn rã,” thay vì “trộn-lẫn.”

(11) Nhà thơ/nhà văn Nguyễn Ðạt, sinh năm 1945 tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ông học tiểu học tại Hà Nội và Ðà Lạt; trung học và đại học tại Saigon; đã xuất bản nhiều tuyển tập thơ, truyện ngắn. Ðịa chỉ email: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT