Thursday, April 25, 2024

Từ Vũ Thư Hiên, tới Chekhov

Du Tử Lê/Người Việt

Trước Tháng Tư, 1975, ở miền Nam Việt Nam, việc xuất bản một tác phẩm, thí dụ một tập thơ, hay truyện, là một việc không đơn giản, nếu không muốn nói là rất nhiêu khê cho những ai không ở trong nghề – từ việc xin giấy phép xuất bản, tìm nhà in. Nhờ ai đó, trình bày bìa, thuê sắp chữ (bằng tay)… Sau đó, tìm nhà in.

In xong, mang một số sách tượng trưng, theo quy định, trở lại Bộ Thông Tin, gọi là nộp bản. Mục đích, để cơ quan hữu trách có thể kiểm soát xem giữa bản thảo đã nộp trước đấy cho Bộ Thông Tin và bản in ra, không có gì sai biệt? Sau đấy, tác giả phải lo tới công việc tìm nhà phát hành, nhờ họ gửi sách đi khắp nơi. Trên thực tế, không phải tác phẩm nào in ra, cũng được các nhà phát hành nhận phát hành. Trở ngại này, cũng góp phần vào việc giới hạn số lượng sách được xuất bản.

Tuy nhiên, khi người Việt tới định cư tại Hoa Kỳ, được hưởng những ưu đãi của xứ sở này dành cho lãnh vực thông tin, văn hóa… Nên nhà văn, nhà thơ, các nhà nghiên cứu, biên khảo của chúng ta, bất cứ ai cũng có thể tự in sách của mình một cách dễ dàng. Với thời gian, sự kiện này được ghi nhận là lạm phát. Riêng tại miền Nam California đã từng diễn ra cảnh một nhà thơ hay nhà văn có tác phẩm mới, mang ra quán cà phê, gặp ai cũng “ưu ái,” “ân cần” tặng cho một hoặc hai cuốn sách làm kỷ niệm. Nhiều người dở khóc, dở cười vì từ chối thì thiếu tế nhị mà, mang về thì chỉ thêm rác nhà.

Ở trường hợp này, có người phải chọn giải pháp “vô tình bỏ quên” cuốn sách “được tặng,” ở bàn cà phê; để sau đấy, người phụ trách việc dọn dẹp sẽ vứt bỏ vào thùng rác.

Đây không phải là nguyên nhân chính đưa tới sự co cụm, lãnh vực xuất bản sách ở hải ngoại. Nhưng tính vàng thau lẫn lộn, dẫn tới sự rẻ rúng vừa kể – phần nào, cũng đã ảnh hưởng thị trường sách vở. Không ít người đọc đã tỏ ra mất tin tưởng, thất vọng trước hiện tượng này. Trong quá khứ, những nhà xuất bản, nhà sách chủ trương cung cấp những món ăn tinh thần chọn lọc cho người đọc, đã phải lần lượt đóng cửa! Như nhà sách và, xuất bản Văn Nghệ của ông Võ Thắng Tiết. Nhà sách và, xuất bản Văn Khoa của Giáo Sư Đỗ Đình Tuân…

Trong vòng một thập niên trở lại đây, không biết có phải nhận thấy thị trường sách vở dù bị co cụm, thì ở mạch ngầm, nó vẫn là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu của số người đọc thầm lặng; và, bởi thế, công ty nhật báo Người Việt, đã cắt cử một bộ phận chuyên trách việc thực hiện, ấn hành những tác phẩm giá trị; dù kén độc giả.

Nhưng, thật bất ngờ, khi thực tế lại cho thấy điều ngược lại: Rất nhiều tác phẩm những tưởng “nhức đầu,” khó nuốt như “Đứng Vững Ngàn Năm” của Ngô Nhân Dụng; “Đèn Cù” của Trần Đình Đĩnh, “Lời Ai Điếu” của Lê Phú Khải… Và gần nhất là “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” lại là những tác phẩm có số bán kỷ lục trong thời buổi văn chương bị coi là “mạt vận” này.

“Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” một tuyển tập như những bức tranh xã hội chìm, khuất, được nhiều người chờ đợi. Trong số những độc giả thầm lặng chờ đợi đó, có tôi.

***

Tôi chỉ đọc, biết Vũ Thư Hiên vào khoảng cuối thập niên 1997, khi được ông Võ Thắng Tiết, tặng cho cuốn “Đêm Giữa Ban Ngày.” Hồi ký chính trị của một người không làm chính trị Vũ Thư Hiên. Chủ nhân nhà xuất bản và cũng là nhà sách Văn Nghệ, nhắc tôi, nên đọc và nếu có thể, giới thiệu rộng rãi cho độc giả Việt Nam. Thời gian đó, tôi còn phụ trách bản tin Văn Học Nghệ Thuật hằng tuần cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA).

Tôi nhớ, rất bất ngờ với tôi, khi tôi bị cuốn vào cuốn hồi ký với số trang dày hơn 800 trang. Tôi đọc say mê, liên tục ngày, đêm.

Là người dốt nát về phương diện chính trị, tôi không biết gì về những dữ kiện (đúng/sai), được họ Vũ ghi lại trong “Đêm Giữa Ban Ngày,” điểm tôi chú ý nhất trong hồi ký đó, là tính lạc quan, (đôi chỗ châm biến), nhưng không hận thù, không sắt máu, không đằng đằng sát khí, nhất định đòi phải tiêu diệt tới tên Cộng Sản cuối cùng. Mặc dù, họ chính là những người đã ra lệnh bỏ tù không xét xử, tác giả cũng như thân phụ của tác giả (một người có công lớn với chế độ Cộng Sản ngay khi còn phôi thai). Chi tiết này, với tôi, cho thấy đó là phong cách mang tính nhân văn cao của họ Vũ.

Từ “đường dẫn” “Đêm Giữa Ban Ngày” tôi tìm đọc tập truyện “Miền Thơ Ấu” – một tác phẩm đẹp, lấp lánh nhiều hạt sương thi ca, viết về tuổi thơ của họ Vũ – một tuổi thơ nhìn từ một xóm đạo nhỏ bé, gần như bị lãng quên ở miền Bắc; được tác giả ghi lại với nhiều tập quán dân gian cổ truyền, phản ảnh phần nào nền văn hóa nông thôn Việt Nam, thời hậu bán thế kỷ 20.

Với bệ phóng “Đêm Giữa Ban Ngày,” “Miền Thơ Ấu,” rồi “Hoa Hồng Vàng” (dịch năm 1960, từ tiếng Nga của nhà văn Paustovsky), “Trắng Trên Đen” dịch từ nguyên bản tiếng Nga của Gonzalez-Gallego, năm 2005, hoặc tập truyện ngắn “Chuyện Ở Tỉnh Lỵ” do Việt Tide xuất bản năm 2003.

Tôi cũng tìm và, đọc được một số truyện ngắn rải rác khác của Vũ Thư Hiên; như các truyện “Nấm Mồ,” “Hoa Cúc Dại,” “Lời Xưng Tội Lúc Nửa Đêm,” “Khai Bút” hay “Ác Mộng”… Tất cả những truyện ngắn hay tự sự kể này của họ Vũ, đều có trong “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” và cũng là những truyện ngắn khiến tôi cay mắt khi đọc tới dòng chữ cuối.

Tôi không biết có phải vì lý do bệnh hoạn hoặc, vì tuổi già, ở tôi đã bắt đầu những “ló dạng bất tường!” Thí dụ, từ hồi nào giờ, tôi đã sớm bị một câu thơ của Nguyễn Khuyến trong bài ông khóc Dương Khuê: “Tuổi già hạt lệ như sương” ám ảnh. Vậy mà, cớ gì, tôi lại rất dễ chảy nước mắt, khi đọc truyện ngắn Vũ Thư Hiên?

Thế giới truyện ngắn Vũ Thư Hiên, qua “Tuyển Tập Truyện Ngắn Vũ Thư Hiên” với tôi, là cả một giai đoạn lịch sử cận và hiện đại, được vẽ lại (bằng chữ) của một văn tài mà, không ít người đã so sánh ông với nhà văn Chekhov (1).

Có dễ vì ngoài số lượng truyện ngắn phong phú có được, hai ông còn gặp nhau ở đặc điểm: Không một khía cạnh xã hội nào bị bỏ quên. Từ thân phận người dân ở đáy cùng xã hội, tới những bi kịch chiến tranh (nhìn từ các góc khuất)… tới những “bạo chúa” của thời đại mới…

Riêng với Vũ Thư Hiện, còn cho người đọc ông, những chuyện kể ngậm ngùi, xúc động về cảnh đời thực của những văn nghệ sĩ thế hệ trước, hoặc cùng thời với ông, như Văn Cao, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Phạm Tăng, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Khải, Nguyễn Sáng… (2)

(Còn tiếp)

———–

Chú thích:

(1) Theo tư liệu của trang mang Wikipedia-Mở thì, Chekhov sinh ngày 29 Tháng Giêng 1860, tại thị trấn Taganrog, miền Nam nước Nga, nơi cha ông làm chủ một cửa hiệu tạp hóa nhỏ. Năm 1879, ông theo học ngành y tại Đại Học Quốc Gia Moskva. Ở đây, ông bắt đầu vẽ biếm họa cho một số tạp chí hài để hỗ trợ gia đình. Sau khi tốt nghiệp năm 1884, Chekhov hành nghề y nhưng vẫn tiếp tục sáng tác. Đến năm 1887, văn tài của ông đã được chấp nhận rộng rãi, và việc sáng tác không cho phép ông dành nhiều thì giờ cho y khoa nữa.

Thời kỳ từ 1886 đến 1888 là giai đoạn Chekhov chuyển tiếp từ thể loại truyện ngắn khôi hài dưới 1,000 chữ qua những truyện ngắn dài hơn, có chủ đề nghiêm túc hơn và văn phong chững chạc hơn. Những truyện ngắn trong thập niên 1890 đem lại một cái nhìn rộng lớn về xã hội nước Nga cuối thế kỷ 19, miêu tả sự chính xác về xã hội của cuộc đời những nông dân, trí thức, tư thương, giáo sĩ, phụ nữ và trẻ em trong những bối cảnh có tính phổ cập và bất biến với thời gian.

Chekhov bị bệnh lao, và năm 1897 ông phải dời đến cư ngụ ở vùng ấm áp Yalta, nằm kề Biển Đen. Năm 1901, ông kết hôn với nữ diễn viên Olga Leonardovna Knipper. Thời gian này, sức khỏe của ông đi xuống dần. Ông qua đời năm 1904 ở khu nghỉ mát Badenweiler tại Đức trong khi đang tìm cách chữa trị…

Chekhov được xem như là người đã nâng thể loại truyện ngắn lên một tầm cao mới trong nền văn học Nga, và dần dần trong nền văn học của thế giới (…)

Về mặt nghệ thuật truyện ngắn của Chekhov có chiều sâu tâm lý rất lớn, lột tả rất xác thực các tinh tế nội tâm đặc trưng của các tầng lớp người Nga thế kỷ 19 nhất là thành phần thị dân, trí thức trung lưu và thợ thuyền trong các thành phố đang hình thành của nước Nga, nên có thể nói Chekhov là nhà văn của tầng lớp thành thị Nga. Ngôn ngữ của truyện ngắn Chekhov rất tinh tế đã nâng tiếng Nga, lên tầm hiện đại và làm giàu rất nhiều cho loại ngôn ngữ này. Ông là nhà văn đã để lại ảnh hưởng rất lớn lên văn học và văn hóa Nga cũng như trong văn học thế giới.

(2) Cũng là nhà văn, nhưng xin đừng lầm với Nguyễn Quang Sáng (1932-2014) mà, bằng hữu ông, thường gọi ông một cách thân mật là “Sáng Lùn.”

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 23 tháng 6 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT