Wednesday, April 24, 2024

Vĩnh biệt Dương Nghiễm Mậu

II– Bắt đầu từ số này, Khởi Hành số 74, tháng 10, 1970, Sài Gòn, khởi đăng loạt bài Mỗi Tuần Một Khuôn Mặt Văn Chương: bài đầu: Viên Linh Viết Về Dương Nghiễm Mậu

Mười bốn tác phẩm trong tám năm, phần lớn là truyện ngắn, Dương Nghiễm Mậu là một tác giả bị ám ảnh bởi những biến động xã hội có tầm lịch sử – người viết về những tan nát của va chạm mâu thuẫn, những xô đẩy của các động lực đối nghịch (kẻ bạo động thất bại phải trao gửi hoài bão nơi bút mực) nhưng là kẻ bạo động cô đơn trong đêm tối, nhìn thấy trước máu sẽ đổ vô ích… Biến động, ở đó phải có Dương Nghiễm Mậu, hiện diện bằng cách này hay cách khác. Trẻ tuổi, trước những biến động đó anh vùng vẫy, gào thét, thúc đẩy, nguyền rủa hay kết tội. Trên bề mặt của các biến động đang đẩy đưa đang tiến tới, có Dương Nghiễm Mậu. Chính những nơi đó là bối cảnh cho nhà văn trẻ tuổi này. “Hường ơi! Người ta đã đếm hết những sợi tóc trên đầu chúng ta chưa? Mắt em còn mở lớn cho em soi thấy khuôn mặt anh và khuôn mặt ấy vừa gẫy vụn.”

Ðấy là dòng cuối cùng trong truyện ngắn “Tiếng Ðộng Trên Da Thú” trong tập Cũng Ðành. Vỡ vụn, đó là nhan sắc của Mậu. Vỡ vụn như những mảnh gương, bộ mặt sau chiếc kính gọng đồi mồi tự tin nhưng lại lẩn tránh đám đông. Mái tóc anh cắt ngắn, hầu như không bao giờ chải bóng, nước da xám, cái cười nghe như là đồng lõa như là chế nhạo khiến Dương Nghiễm Mậu lúc đó ở thật gần người đối diện nhưng sau đó là khuất mặt là xa lạ và mất hút.

Mười bốn tác phẩm đã được in khi tôi viết những dòng này, nhiều cuốn đã bán hết kể từ Cũng Ðành (Văn Nghệ xuất bản, 1963; Quê Người (Văn Xã, 1970); vẫn tiếng nói liên miên, vẫn lời kể bất tận, nhưng trầm lặng hơn theo với thời gian, sự hiện diện của anh trong tác phẩm sôi nổi nồng nàn và tâm huyết nhiệt tình (lẫn hoài nghi thường trực) đã khiến anh được độc giả của tuần báo Nghệ Thuật năm 1966 chọn là “nhà văn số 1 của tuổi trẻ” lúc ấy, và còn đến mấy năm sau.

Vừa viết văn vừa in tác phẩm, Dương Nghiễm Mậu hiện diện tràn đầy trong sinh hoạt văn chương náo động như những tiếng gào thét như một người không ngừng hy vọng và trộn lẫn chán chường. Cái chán chường của tác giả “Cũng Ðành” là cái chán chường chấp nhận “địa ngục có thật,” cái xấu đầy rẫy nhưng không phải để ôm lấy nó và rút vào một góc kín của kẻ chịu trận bị khuất phục hay đào thoát, mà phải lên tiếng để phấn đấu. Tra xét nội dung những tác phẩm của Mậu có thể nói đó là một “hồ sơ Việt Nam” những năm 19…, chẳng hạn 1960, 1970.

Nhân vật trong các tác phẩm điển hình của Dương Nghiễm Mậu cục cằn, ưa lý thuyết, độc thoại một mình trong đêm tối hay trong một hoạt cảnh xã hội bi hài. Ðó là những nhân vật đàn ông, những kẻ bị kẹt trong chiến tranh, sau sự sụp đổ thất bại của thế hệ trước. Còn các nhân vật đàn bà thường là hình bóng chịu đựng (gia đình) như trong tác phẩm “Ðêm Tóc Rối” – còn là một điển hình cho một sa đọa bị khinh miệt. Trong Ðêm Tóc Rối, Mậu trích hai câu thơ của tôi, không còn nhớ là ở bài nào:

Ở đây sầu đã tan tành
Người đi chưa đủ về quanh chiếu ngồi.
(Viên Linh)

Nhân vật của Mậu cũng thường phát biểu những thái độ chính trị – như tác giả. Anh là một trong những nhà văn luôn luôn bày tỏ lập trường chính trị, trực tiếp hay gián tiếp, hiện thực hơn là tượng trưng, có thể coi anh là một nhà văn xã hội, và cực hữu. Những ngày đầu ở Hà Nội tôi thấy anh làm thơ, ngược lại tôi viết văn, nhưng chưa bao giờ tôi nhìn thấy ở anh một tâm hồn lãng mạn, chưa bao giờ.

III– Còn nhớ một năm, đó là mùa Hạ, phượng vỹ đỏ rực con đường tôi đạp xe tới nơi họp mặt. Ve sầu kêu ran trên đầu, trong nắng vàng, bầu trời trong vắt, mây trắng như bông. Hà Nội đó, kinh thành của ước mơ, ước mơ xa khuất. Văn chương, nhất là văn chương trong buổi thiếu thời, giúp ta đôi cánh thần diệu để bay xa muôn trùng, tới cõi biếc của mơ mòng, tới toàn mỹ của mơ mộng. Tưởng như chữ nghĩa giúp cho ta gạn lọc hết tục lụy nặng nề, tưởng như thơ văn là ở cõi thiên thai. Ðâu có hay năm tháng trôi qua, vần điệu tìm vào hiên vắng, sách vở lặng lẽ bờ tường, trong lúc ta mù mịt trong ngoài khung cửa, lãng đãng ngõ xưa chuyện cũ. Như đó là năm 1953, chúng tôi “gặp nhau” qua một thùng thư ở phố Hàng Than, cái hộp thư gắn gần khung cửa lớn của một hiệu tạp hóa bán đủ thứ lặt vặt, nhớ như là số 46 phố Hàng Than, “tòa soạn” tờ báo của chúng tôi, nơi bắt những đường dây để rồi một ngày cuối tuần theo giờ hẹn, chúng tôi gặp nhau trong sân Tòa Án Hà Nội. Ở đó thấy “thi sĩ” Hương Việt Hương, tên thật Phí-Ích-Nghiễm, cải danh Dương Nghiễm Mậu khi vào Sài Gòn, ở đó thấy nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu, ở đó có thi sĩ Trường Giang, ở đó tôi “văn sĩ” viết truyện xã hội tội ác phất phơ mái tóc xuống xe đạp bước vào. Báo trong nhà là Chim Xanh, báo thiên hạ là Cải Tạo, Giác Ngộ, Sinh Lực, Tiếng Dân, Tia Sáng,… Rồi có buổi họp trên đồi Yên Thái, rồi có viếng thăm bên hồ Thiền Cuông Bảy Mẫu lúc tôi ngã bệnh phải nghỉ học cả tuần… Còn nhớ kém Nghiễm 2 tuổi, học dưới hai lớp, nhưng tôi đệ thất Chu Văn An còn Nghiễm trường tư Dũng Lạc Văn Lang gì đó.

Còn nhớ dù sao chính khoảng thời gian đó thành hình dưới chân tấm thảm đỏ rực rỡ, tấm thảm thần biết bay như trong chuyện Ngàn Lẻ Một Ðêm, nó nâng cánh bay lên, và khi hạ xuống chúng tôi đã gặp lại nhau ở Sài gòn. Lần gặp sau là gần mười năm của lần thứ nhất. Lúc đó khoảng 59, 60 Ðàm Trường Viễn Kiến của nhà văn Nguyễn Ðức Quỳnh đang hồi cực thịnh, chúng tôi gặp nhau trong tờ Sân Khấu của kịch sĩ Lê Văn Vũ Bắc Tiến, tờ bán tuần san Sống của Hội Nạn Nhân Cộng Sản với ông Ngô Trọng Hiếu, Sáng Tạo của Mai Thảo, Thế Kỷ Hai Mươi của giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch và Văn Nghệ của Ðoàn Tường Lý Hoàng Phong. Văn Nghệ ra vào đầu 1961, chỉ cách mấy tờ văn học kia từ vài tháng đến nửa năm, nhưng lạ thay, khoảng cách biệt “có thật” xem ra là nửa thế hệ, hay cả chục năm. Khi Văn Nghệ xuất hiện, chúng tôi “già nhất” có Dương Nghiễm Mậu: 1936-1961= 25 tuổi. Ðó là vài nét về chuyện thời trai trẻ. (Bổ sung, ghi chú 3 tháng 8, 2016)

MỚI CẬP NHẬT