Thursday, April 25, 2024

Chế trực thăng và giấc mơ ‘bay’ của ông ‘Hai Lúa’ ở Bình Dương

Nhật Bình/Người Việt

BÌNH DƯƠNG (NV) – Hôm 13 tháng 9 năm 2016, mạng xã hội lan truyền đoạn video  quay cảnh ông Bùi Hiển, nhà ở thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương, đang lái chiếc trực thăng do ông tự chế trên một cánh đồng cỏ xanh rộng lớn. Lập tức video này được cộng đồng mạng quan tâm và nhiều người tâm đắc khen ngợi sự sáng tạo của ông “Hai Lúa” này.

Để tìm hiểu rõ hơn về chiếc máy bay này, phóng viên Người Việt đã xuống thăm nhà ông Bùi Hiển nằm trên quốc lộ 13, xã An Thạnh, Huyện Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một để nghe ông nói về “đứa con tinh thần” của mình.

Đón chúng tôi là một người đàn ông cao ráo, khuôn mặt vui vẻ hớn hở. Chìa bàn tay ra bắt, cùng với giọng nói đầy tự hào: “Nhà báo xuống tìm hiểu về chiếc Dream (tên máy bay) của tôi hả?”, vừa nói ông vừa chỉ vào garage, nơi ông đang cất giữ chiếc máy bay.

Ông Nguyễn Bùi Hiển là một kỹ sư cơ khí, năm nay được 62 tuổi, hiện nay ông là chủ garage  ô-tô  Bùi Hiển, nơi chuyên sửa chữa các loại ô-tô . Tận dụng khu nhà garage rộng lớn, ông vừa làm nơi sửa chữa xe hơi cho khách và kiêm luôn xưởng “sản xuất” máy bay.

Giấc mơ bay

Rồi ông dẫn chúng tôi vào xưởng. Đập vào mắt chúng tôi là chiếc máy bay trực thăng rất đẹp. Ông đặt tên cho nó là “Giấc Mơ” ghi tên ở phần dưới buông lái. Trên thân đuôi phía sau, ông không quên ghi “thương hiệu” của mình là Bùi Hiển.

Ông cho biết: “Chiếc này là chiếc thứ hai tôi chế tạo, với chiều dài 7.4m, cao 2.4m, chiều dài cánh quạt chính là 6.6m, và chiều dài cánh quạt sau là 1.1m. Động cơ được nhập từ Mỹ (sản xuất tại Nhật, sử dụng cho xe đua công thức F1). Khung và cánh quạt được chế tạo bằng inox  cao cấp, kính chắn gió chịu lực.”

Hệ thống máy móc của máy bay. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Hệ thống máy móc của máy bay. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Nhiên liệu được sử dụng cho trực thăng là xăng A92 . Vận tốc tối đa khi bay đạt 200km/giờ, trần bay dưới 500m và tầm hoạt động liên tục trong 2 giờ khoảng 400km . Trọng lượng của trực thăng lúc không tải là 340kg , trọng lượng cất cánh tối đa là 500kg. Được trang bị kèm theo bình chữa cháy, kim đồng hồ xác định độ cao, tốc độ bay.

“Mặc dầu nó chưa được hoàn thiện lắm, như chưa có hệ thống đèn chiếu sáng để có thể bay đêm. Nhưng về cơ bản thì nó cũng tốt lắm rồi. Nó có thể bay treo (đứng yên một chỗ -> chỗ  trên không trung) rất ổn định, so với chiếc máy bay đầu tiên tôi chế tạo vào năm 2012 thì chiếc này tốt hơn nhiều,” ông Hiển nói.

Nói về ý tưởng làm máy bay, ông cho biết, “Tôi rất đam mê máy bay. Trước đây tôi hay mua máy bay mô hình loại nhỏ, có điều khiển từ xa về bay thử. Sau khi bay thành thạo thì tôi thấy rằng máy bay trò chơi này, tuy nhỏ, nhưng bay rất ổn định và đạt độ cao khá tốt.”

“Sau đó tôi mở chiếc máy bay đó ra, nghiên cứu từng chi tiết, dù là nhỏ nhất tôi cũng để ý. Dựa trên cơ sở đó tôi bắt đầu chế tạo chiếc máy bay đầu tiên bằng động cơ là cái máy cưa của Nhật. Nhưng nó vẫn bay thành công. Rồi tôi tiếp tục lên mạng, nghiên cứu các tài liệu nói về máy bay và từ giữa năm 2014, tôi bắt đầu chế tạo chiếc máy bay Giấc Mơ này,” ông Hiển tự hào kể lại.

Nói về video  được ông loan truyền trên mạng, ông cho biết, “Thật ra tôi tập bay 6 tháng nay rồi. Ngày nào tôi cũng bay vào buổi sáng ở tại xưởng của mình. Lần thử nghiệm bay thành công vừa rồi được tôi thực hiện vào 3 ngày trước tại một bãi đất trống, vắng người. Để đảm bảo an toàn, tôi không cho người ngoài và báo chí tham dự mà cùng vài người thân tín để nhờ họ quay clip lại.”

“Trong video  thì tôi chỉ bay ở độ cao 2m  và chỉ bay với tốc độ 40-50km /h. Mặc dầu khả năng bay của chiếc Giấc Mơ này cao hơn nhiều. Nó bay rất êm và ngon lắm, chỉ cần kéo ga là nó bay lên cao hơn rất nhiều,” ông Hiền cười tươi.

Mong muốn giúp nền nông nghiệp nước nhà

“Nói thật với chú, từ ngày tôi mang Giấc Mơ ra cất cánh. Tôi hoàn toàn tự tin là nó có thể bay được, vì khi chế tạo, một tay tôi làm nên tôi hiểu hết các thông số kỹ thuật. Bởi vậy mà khi ‘nó’ cất cánh rời khỏi mặt đất, tôi sung sướng lắm.”

“Khi theo đuổi niềm đam mê này, tôi đã tốn rất nhiều thời gian lẫn tiền bạc. Bởi vậy giá trị của chiếc máy bay này đối với tôi là vô giá. Tôi chỉ lo lắng là bây giờ làm sao xin giấy phép để mình có thể được lái đứa ‘con’ tinh thần này một cách tự do nhất,” ông Hiển thổ lộ.

Ông nói thêm: “Tôi đã từng bị chính quyền địa phương lập biên bản, nhắc nhở không được bay nếu chưa xin phép. Và khi di chuyển chiếc máy bay ra khỏi garage  của nhà mình thì phải báo chính quyền biết. Nhưng vì quá đam mê nên tôi cũng bay ‘lén’ mấy lần.”

“Tôi sẽ xin phép và đưa máy bay bay thử nghiệm để thỏa mãn ước mơ của mình, ước muốn của tôi là sử dụng máy bay để phục vụ nhu cầu trong cuộc sống như rải phân bón phục vụ trồng trọt, khảo sát hay cứu nạn bão lũ,” ông Hiển nói.

Ông Hiển thắt dây an toàn bên trong cabin máy bay. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Ông Hiển thắt dây an toàn bên trong cabin máy bay. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Nói về tên gọi “Giấc Mơ” cho chiếc máy bay này, ông Hiển bày tỏ, “Giấc mơ của tôi bây giờ đã tạm trở thành hiện thực rồi, nhưng tôi còn muốn làm được nhiều hơn như thế. Tôi dự định sẽ lắp thêm hệ thống chiếc đĩa điều khiển và cánh máy bay từ nước ngoài nhập về mới được. Hiện nay linh kiện để mua được những thiết bị như thế này là rất khó.”

“Hiện nay thì cơ quan chức năng vẫn chưa có lệnh cấm bay. Nên tôi vẫn đang xúc tiến liên lạc với một số cơ quan để xin cấp giấy phép bay, nhưng vấn đề là giấy phép sẽ chỉ cho bay trong một ngày giờ cụ thể nào đó. Và tôi phải tích lũy đủ giờ bay thử trước đã. Bởi vậy tôi vẫn bay ‘lén’ và tự tin về sản phẩm của mình,” ông Hiển nói.

Trước đây, vào năm 2007 ở tỉnh Tây Ninh cũng đã có ông nông dân “Hai Lúa” Trần Quốc Hải, đã chế tạo chiếc may bay và cho bay thử, nhưng sau đó ông bị chính quyền địa phương cho tịch thu vì “chưa đủ tiêu chuẩn bay.”

Nói về việc xin phép để bay, ông Hiển bùi ngùi, “Tôi nghĩ là chính quyền họ lo cho sự an toàn tính mạng của tôi, cũng như những người dân xung quanh. Tuy nhiên tôi nghĩ cách tốt nhất là chính quyền nên lắng nghe tiếng nói của người dân như tôi. Vì nói về tính mạng, thì tôi phải quý tính mạng tôi hơn ai hết. Tôi cũng sợ chết lắm chứ? Chỉ vì tôi hoàn toàn tin tưởng vào việc mình làm nên mới dám ngồi lên máy bay và bay thôi.”

“Tôi chưa từng có ý nghĩ sẽ đem chiếc may bay này bay lưu thông chở khách. Tôi chỉ mong muốn giúp ích gì đó cho nền nông nghiệp nước nhà. Bởi vậy tôi mong muốn chính quyền hãy lắng nghe và ủng hộ tôi trong thời gian tới. Để tôi có thể hoàn thành giấc mơ bay của mình.”

MỚI CẬP NHẬT