Thursday, March 28, 2024

Chính quyền khẳng định sẽ phá bỏ chùa Liên Trì ở Sài Gòn

SÀI GÒN (NV) – Song song với việc đem “Quyết định cưỡng chế, thu hồi đất” dán trước chùa Liên Trì, chính quyền còn yêu cầu thân nhân mang di ảnh và hũ chứa tro – cốt những người đã khuất ra khỏi chùa.

Chùa Liên Trì, tọa lạc tại Thủ Thiêm, thuộc địa phận quận 2, thành phố Sài Gòn là một trong rất ít ngôi chùa nằm bên ngoài Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (tổ chức Phật Giáo là thành viên của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam – một tập hợp chính trị do đảng CSVN lãnh đạo).

Trụ trì chùa Liên Trì là Hòa Thượng Thích Không Tánh, thành viên của Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất (tổ chức Phật Giáo bị chính quyền Việt Nam xếp vào loại bất hợp pháp). Năm 1995, Hòa Thượng Thích Không Tánh từng bị đưa ra tòa, bị phạt năm năm tù vì cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước.”

Chùa Liên Trì là một trong ba cơ sở tôn giáo bị chính quyền Việt Nam xếp vào diện phải giải tỏa trắng để thu hồi đất xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. Hai cơ sở tôn giáo còn lại, chung số phận với chùa Liên Trì là nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm của Công Giáo Việt Nam. Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm không đơn tuần là cơ sở tôn giáo mà còn là di tích văn hóa vì cả hai đều đã tồn tại hơn 150 năm.

Không chỉ có Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Tổng Giáo Phận Sài Gòn của Công Giáo Việt Nam phản đối việc phá bỏ chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam (bao gồm đại diện Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo) từng nhiều lần kêu gọi mọi người góp sức ngăn chặn hủy diệt các cơ sở tôn giáo lâu đời ở Thủ Thiêm. Phật tử và giáo dân cùng phản đối kịch liệt.

Cũng vì vậy, kế hoạch phá bỏ chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm liên tục bị đình hoãn.

Đáng lưu ý là tháng 11 năm 2014, khoa đô thị của đại học Khoa Học Xã Hội-Nhân Văn Sài Gòn công bố kết quả một cuộc khảo sát về khu đô thị Phú Mỹ Hưng (diện tích 750 héc ta ở phía Nam Sài Gòn, do công ty liên doanh Phú Mỹ Hưng, với 70% là vốn của Đài Loan đầu tư). Theo đó, tuy hiện đại và được xem là mẫu mực nhưng kết quả khảo sát cho thấy, khu đô thị Phú Mỹ Hưng không phù hợp với sinh hoạt của người Việt vì thiếu những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo và dịch vụ bình dân, khiến không gian, môi trường sống trở thành “lạnh lẽo, thiếu ấm áp.”

Lúc đó, ông Nguyễn Minh Hòa, trưởng khoa đô thị thuộc đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn Sài Gòn, người đứng đầu cuộc khảo sát, nhận định, khiếm khuyết nghiêm trọng của khu đô thị mẫu mực như Phú Mỹ Hưng là “thiếu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và dịch vụ bình dân” nên “chỉ phù hợp với người ngoại quốc.” Cũng vì vậy, “Chỉ nên phát triển một vài khu đô thị như Phú Mỹ Hưng chứ không nên phát triển rộng khắp.”

Dẫu kết quả cuộc khảo sát vừa kể chỉ ra rằng, việc thiếu các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng là một khiếm khuyết mà người Việt không thể chấp nhận ở những “đô thị hiện đại” nhưng chính quyền Việt Nam không thèm bận tâm. Chùa Liên Trì, nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm vẫn nằm trong kế hoạch phải phá bỏ để thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm. Phản kháng việc phá bỏ các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng để xây dựng khu đô thỉ Thủ Thiêm vẫn bị quy chụp là do “các thế lực thù địch, phản động lôi kéo, kích động.”

Kế hoạch phá bỏ chùa Liên Trì để “thu hồi đất” được xác định là sẽ thực hiện trong khoảng thời gian từ 8 tháng 7 đến 20 tháng 7.

Hòa Thượng Thích Không Tánh bảo rằng, chính quyền Việt Nam đã hứa hẹn sẽ bồi thường 9.7 tỷ nhưng ông không đồng ý vì đây không phải là chuyện có thể mua bán hay đổi chác, chùa là nơi để phụng sự Phật tử trong khu vực. (G.Đ)

MỚI CẬP NHẬT