Friday, April 26, 2024

Cúm gia cầm H7N9 từ Trung Quốc lại đe dọa người dân Việt

HÀ NỘI (NV) – Cục Y Tế Dự Phòng, cơ quan chịu trách nhiệm phòng chống dịch bệnh của Bộ Y Tế Việt Nam vừa cảnh báo, nguy cơ virus H7N9 từ Trung Quốc xâm nhập vào Việt Nam hiện rất lớn!

H7N9 là một trong những chủng virus gây ra dịch cúm gia cầm và có khả năng lây sang người. Người ta mới nhận biết sự hiện diện của H7N9 cách nay khoảng bốn năm sau khi chủng virus này bùng phát thành dịch ở Trung Quốc.

Nếu tính từ Tháng Ba năm 2013 (thời điểm phát giác chủng virus H7N9) đến hết năm 2015, tại Trung Quốc đã có 684 người nhiễm virus H7N9 và 271 người trong số đó đã thiệt mạng. Ðó cũng là lý do H7N9 gây lo ngại trên toàn thế giới.

Trong bốn năm vừa qua, Trung Quốc vẫn không thể dập được các đợt dịch cúm gia cầm do H7N9 gây ra. Ðáng chú ý là từ tháng trước đến nay, H7N9 lại có dấu hiệu bùng phát mạnh mẽ, chỉ trong vòng một tháng tại Trung Quốc đã có ít nhất 83 người nhiễm H7N9 và 30 người trong số này thiệt mạng.

Cho đến nay, dẫu chưa tìm thấy sự hiện diện của H7N9 trên gia cầm cũng như người tại Việt Nam nhưng các viên chức hữu trách của ngành y tế Việt Nam tỏ ra hết sức lo ngại về sự xâm nhập của H7N9.

Theo các giới chức, rất khó có thể ngăn chặn H7N9 khi không thể chặn đứng buôn lậu gia cầm qua biên giới cũng như không thể tổ chức kiểm soát, ngăn ngừa mầm bệnh đối với những người qua lại khu vực biên giới Trung Quốc và Việt Nam.

Bất kể dịch cúm gia cầm do các chủng virus như: H5N2, H5N3, H7N9, H9, N5N8 liên tục bùng phát ở Trung Quốc, gia cầm và các sản phẩm gia cầm từ Trung Quốc vẫn ồ ạt tràn vào Việt Nam và gây ra hết đợt dịch này tới đợt dịch khác.

Hồi Tháng Tám năm 2014, lần đầu tiên, Việt Nam tìm thấy sự hiện diện của virus H5N6 trên một đàn gà được nuôi tại huyện Tràng Ðịnh, tỉnh Lạng Sơn và một đàn vịt được nuôi tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Kết quả xét nghiệm sau đó cho thấy, virus H5N6 trên đàn gà ở Lạng Sơn và đàn vịt ở Hà Tĩnh, có sự tương đồng tới 99% với chủng virus H5N6 lây sang người và làm một người tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc thiệt mạng hồi Tháng Tư năm 2014.

30 người chết, 47 người bị thương trong ngày cuối nghỉ Tết tại Việt Nam

Những cảnh báo của Bộ Y Tế, những đề nghị của Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam đối với các lực lượng như: biên phòng, công an, quản lý thị trường, thú y, siết chặt hoạt động kiểm soát việc vận chuyển, mua bán gia cầm, tịch thu, tiêu hủy tất cả gia cầm và sản phẩm gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm dịch, những lời kêu gọi dân chúng “chỉ sử dụng những sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng” để bảo vệ chính họ và tiếp sức hạn chế hoạt động buôn lậu gia cầm,… đều không hiệu quả.

Hoạt động buôn lậu cả gia cầm, gia súc qua biên giới Trung Quốc-Việt Nam vẫn tiếp diễn như chuyện tất nhiên, không thể khác, dẫu cho theo sau đó là những đợt dịch, không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho kinh tế Việt Nam, khiến nông dân khánh kiệt mà còn làm tổn thất nhân mạng. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT