Thursday, March 28, 2024

Ấn Ðộ gửi thông điệp riêng qua việc thủ tướng thăm Việt Nam

HÀ NỘI (NV) – Ðó là nhận định của báo chí Ấn Ðộ về chuyến thăm Việt Nam vào ngày 3 tháng 9 của ông Narendra Modi, thủ tướng quốc gia này.

Chuyện ông Modi đến thăm Việt Nam trước khi tới Hàng Châu tham dự Hội Nghị Thượng Ðỉnh G-20 được xem là nhằm khẳng định, Ấn sẽ tiếp tục gia tăng sự hiện diện của mình tại Biển Ðông nói riêng và Ðông Nam Á nói chung.

Theo báo chí Ấn, nhằm củng cố vai trò của mình, Ấn sẽ gia tăng hỗ trợ cả về tài chính lẫn phương tiện cho quân đội Việt Nam, đồng thời gia tăng đầu tư vào lĩnh vực thăm dò-khai thác dầu khí tại Biển Ðông, vốn đã bị Trung Quốc cảnh cáo nhiều lần.

Vài ngày tới, tại Việt Nam, ông Modi sẽ chính thức ký kết hợp đồng cho Việt Nam vay 100 triệu Mỹ kim để mua bốn tuần dương hạm của Ấn. Thủ tướng Ấn cũng sẽ xác định chi tiết việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo sĩ quan, chuyên viên sửa chữa, bảo trì quân cụ. Tờ Economic Times cho biết, trong chiến lược “Hướng về phía Ðông,” Ấn xác định Việt Nam và Singapore là hai đối tác chiến lược hàng đầu. Ấn sẽ tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đặc biệt với hai thành viên này của ASEAN.

Xem thêm video: Chủ tịch nhà nước Việt Nam đề cập căng thẳng Biển Đông

Cần nhắc lại là Ấn và Việt Nam từng thiết lập cơ chế “Ðối thoại an ninh” năm 2003. Ðến 2007 Ấn và Việt Nam thiết lập “quan hệ đối tác chiến lược.” Sang 2009, Ấn và Việt Nam thông qua thỏa thuận “hợp tác quốc phòng.”

Kể từ khi Trung Quốc đưa ra hàng loạt tuyên bố và thực hiện hàng loạt hành động cho thấy, Trung Quốc muốn độc chiếm biển Ðông, quan hệ Ấn-Việt càng thêm khắng khít.

Trung Quốc đã rất nhiều lần khuyến cáo, cảnh báo, chỉ trích Ấn về việc để tập đoàn dầu khí của Ấn (ONGC) duy trì và mở rộng việc thăm dò-khai thác dầu khí tại Biển Ðông.

Hồi tháng 10 năm ngoái, lần đầu tiên, ngoại trưởng Ấn cùng với ngoại trưởng của Hoa Kỳ, Nhật hội đàm rồi phát hành một thông cáo chung, nhấn mạnh về tầm quan trọng của quyền tự do lưu thông cả trên biển lẫn trên không, quyền thực hiện các hoạt động thương mại mà không bị cản trở và khẳng định, đó là lý do cả ba quốc gia này cùng quan tâm đến Biển Ðông.

Theo thông cáo về sự kiện vừa kể thì nhân việc cùng tham dự một khóa họp Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc. Ngoại trưởng của ba quốc gia này đã ngồi lại với nhau để tìm kiếm phương thức gia tăng sự hợp tác giữa ba bên trong việc duy trì an ninh hàng hải ở khu vực Ấn Ðộ-Thái Bình Dương.

Ngoài mối bận tâm về tình hình Biển Ðông, ba ngoại trưởng này tái khẳng định, cả ba quốc gia Ấn, Hoa Kỳ, Nhật sẽ hỗ trợ ASEAN chu toàn vai trò điều hòa cấu trúc chính trị đa phương và an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương. Hoa Kỳ và Ấn đã mời Nhật tham gia Malabar 2015 – cuộc tập trận do Hoa Kỳ và Ấn tổ chức.

Ngay sau đó, Trung Quốc nhấn mạnh rằng các cơ chế hiện có đang vận hành tốt để kiềm chế xung đột tại Biển Ðông và sẽ không cho phép các quốc gia bên ngoài khu vực Ðông Nam Á can thiệp vào vấn đề Biển Ðông.

Trung Quốc đồng thời lặp lại yêu cầu, không quốc gia nào được quyền thăm dò-khai dầu khí tại những khu vực thuộc quyền tài phán của Trung Quốc tại Biển Ðông nếu không được Trung Quốc cho phép.

Ấn là một trong những quốc gia hiếm hoi không màng tới các tuyên bố và chỉ trích cả trực diện lẫn khiếm danh của Trung Quốc. Ấn đã vài lần xác định, việc để cho tập đoàn dầu khí của Ấn (ONGC) tiếp tục thực hiện các hợp đồng thăm dò-khai thác dầu khí với Việt Nam là “lợi ích chiến lược” của Ấn.

Trong khi Hoa Kỳ có kế hoạch chuyển trọng tâm chiến lược sang Châu Á thì Ấn soạn thảo và thực hiện chiến lược “Hướng về phía Ðông” và không giấu diếm việc xem Việt Nam là một đối tác quan trọng trong việc thực hiện chiến lược này. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT