Wednesday, April 24, 2024

Hàng ngàn người Hà Tĩnh biểu tình chống Formosa, bị đàn áp

Facebooker Sơn Văn Lê cho hay “công an, an ninh chìm nổi khắp nơi nhằm triệt hạ cuộc biểu tình và những người hoạt động vì môi trường.”

Facebooker Hoàng Bình ước lượng số người ban đầu từ Kỳ Hà, Kỳ Anh đi biểu tình khoảng 2 ngàn đến 3 ngàn người. Sau đó, trên đường đi bộ lên trung tâm thị xã thì “bà con khắp nơi đã tự động gia nhập làm con số đoàn người lên tới khoảng gần mười ngàn người.”

Facebooker Hoàng Bình nói các người đi biểu tình cầm trên tay các biểu ngữ: “TIỀN ÐỀN BÙ CỦA CHÚNG TÔI ÐÃ ÐI VỀ ÐÂU?, YÊU CẦU ÐÓNG CỬA FORMOSA, YÊU CẦU KHỞI TỐ FORMOSA VÀ ÐỒNG BỌN…” Và họ yêu cầu nhà chức trách phải đóng cửa nhà máy Formosa và bắt buộc phải đền bù thiệt hại cho ngư dân.

Theo facebooker Sơn Văn Lê, “Trước áp lực của người dân, chính quyền thị xã Kỳ Anh đã chấp nhận đối thoại với người dân xã Kỳ Hà về việc đền bù thiệt hại, giải quyết thảm họa ô nhiễm môi trường biển do Formosa gây ra.”

Tuy nhiên “chưa biết kết quả cụ thể thế nào cả,” một người dân địa phương cho biết.

Trong những lần biểu tình trước đó, chính quyền thị xã luôn trốn tránh việc đối thoại với dân bằng cách đóng chặt cửa trụ sở làm việc và cho công an bủa vây, đánh đập, cướp loa, băng rôn của người dân Kỳ Hà.

Một người dân đi biểu tình sáng 1 tháng 9, 2016 với tấm biểu ngữ “Chọn nhân dân hay chọn Formosa.” (Hình: FB Nguyễn Anh Tuấn)
Một người dân đi biểu tình sáng 1 tháng 9, 2016 với tấm biểu ngữ “Chọn nhân dân hay chọn Formosa.” (Hình: FB Nguyễn Anh Tuấn)

Sau khi xảy ra sự kiện nhà máy gang thép Formosa (đầu tư trực tiếp của Ðài Loan) tuy mới chỉ chạy thử máy móc, đã thải nhiều loại hóa chất độc hại xuống biển, gồm cả cyanua và phenol hồi đầu tháng 4 2016 vừa qua. Một vùng biển rộng lớn kéo dài hơn 200 km từ Hà Tĩnh xuống tận Thừa Thiên-Huế đã bị đầu độc. Tất cả các loại thủy sản lớn nhỏ bị tiêu diệt và vùng biển này, theo sự ước lượng của giới chuyên viên khoa học sẽ chỉ hy vọng hồi phục từ từ sau nhiều thập niên nữa.

Hàng triệu người từ các gia đình ngư dân đến giới buôn bán, hàng quán dọc theo biển của 4 tỉnh đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống không riêng gì về chuyện miếng ăn hàng ngày. Nhà cầm quyền đã phát người dân một số nơi bị ảnh hưởng nặng mỗi người 15kg gạo/tháng ăn cầm hơi nhưng lại phát gạo mốc không ăn được.

Dân chúng nhiều tỉnh, đặc biệt là từ Nghệ An đến Quảng Bình đã biểu tình rất nhiều lần đòi nhà cầm quyền minh bạch về thảm họa môi trường, chấm dứt hoạt động của công ty Formosa cũng như phải làm sạch biển và bồi thường thỏa đáng cho người dân. Người ta chỉ thấy Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của chế độ tổ chức họp báo nói nước biển đã sạch trở lại để tắm và “nuôi trồng thủy sản.” Tuy nhiên, khi nào tôm cá biển và các loại hải sản khác ăn được thì chưa biết.

Ngày 15 tháng 8, 2016, khoảng hơn 30,000 giáo dân giáo phận Vinh đã biểu tình tuần hành trước khi tham dự thánh lễ đòi nhà cầm quyền Hà Nội đóng cửa nhà máy gang thép Formosa để bảo vệ môi trường sống cho con người.

Xem thêm video: Ông Nguyễn Quang A được đề cử giải Nhân Quyền Hòa Lan

Giáo dân từ các giáo xứ trong giáo phận đã đi nhiều cây số “hành hương về nhà thờ chính tòa Xã Ðoài để tham dự Thánh Lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Quan Thầy Giáo Phận Vinh và cùng hiệp thông cầu nguyện cho môi trường môi sinh, cho ngư dân Miền Trung và cho quê hương đất nước.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT