Thursday, March 28, 2024

Mỹ khuyên Trung Quốc tránh leo thang căng thẳng Biển Đông

WASHINGTON (NV) – Bà Susan Rice, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ, sẽ thúc giục Bắc Kinh tránh leo thang căng thẳng trên Biển Đông khi bà đến thủ đô Trung Quốc vào đầu tuần tới.

Theo tin hãng thông tấn Reuters và một số nguồn thông tin khác, bà Susan Rice lên đường ngày Thứ Bảy, 23 tháng 7, 2016, để bắt đầu thăm viếng Trung Quốc 4 ngày. Bà là viên chức chính phủ Obama cao cấp nhất đến nước này với nhiệm vụ thảo luận để giữ cho tình hình tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông đừng đi quá tầm kiểm soát.

Dù vậy, trong cuộc phỏng vấn của hãng thông tấn Reuters, bà vẫn cả quyết rằng các lực lượng của Hoa Kỳ vẫn sẽ tiếp tục, bay qua, chạy tàu qua hay nói chung là vẫn sẽ hoạt động ở tất cả các vùng biển, vùng trời nào của Biển Đông mà luật lệ quốc tế cho phép cho dù Trung Quốc bắn tiếng đe dọa những hành động tuần tiễu ấy có thể sẽ dẫn đến “thảm họa.”

Theo Reuters, nhiệm kỳ của Tổng Thống Barack Obama chỉ còn không tới nửa năm, nhưng ông cử cố vấn an ninh sang Bắc Kinh là để cố gắng giữ cho êm xuôi mối quan hệ nhiều mặt giữa hai đại cường kinh tế của thế giới, mà theo bà Rice thì là “mối quan hệ có nhiều hệ quả nhất,” sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế phủ nhận tuyên bố đường chủ quyền “Lưỡi Bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Ngày Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016, Tòa Trọng Tài Quốc Tế tại The Hague phán quyết rằng Trung Quốc không có “chủ quyền lịch sử” trên Biển Đông mà họ ngang ngược vẽ 9 vạch trên bản đồ kéo lại giống hình lưỡi bò rồi tuyên bố chủ quyền “không thể tranh cãi.”

Một số lãnh tụ, tướng lãnh Trung Quốc còn tuyên bố rằng họ có chủ quyền Biển Đông “từ thời cổ xưa” nhưng theo định nghĩa của Công Ước Quốc Tế về Luật Biển thì chỉ có thể được xác định chủ quyền lãnh thổ ở những vùng biên giới, đất nào có người sinh sống. Các đảo nhỏ hoặc các bãi đá ngầm trên Biển Đông rất nhỏ, chỉ có cỏ dại, cây dại, không có nước và vốn chỉ là những vùng hoang dại, không ai có thể sống.

“Tôi có nói chuyện với các người đồng cấp của Trung Quốc một hai tuần lễ gần đây. Chúng tôi hiểu quan điểm của nhau rất rõ.” Bà Rice nói với Reuters trong cuộc phỏng vấn về thông điệp gì bà mang tới Bắc Kinh. “Chúng tôi thúc giục tất cả các bên tranh chấp cần phải kiềm chế.”

Chuyến đi Trung Quốc của bà Rice, gồm cả thăm viếng Bắc Kinh và Thượng Hải, trùng hợp với chuyến đi của ngoại trưởng John Kerry đến Lào Quốc và Philippines, các nơi ông sẽ bảo đảm với các đối tác Á Châu về những cam kết của Hoa Kỳ.

Vào dịp có phán quyết của Tòa Trọng Tài Quốc Tế, Hoa Kỳ đã âm thầm thuyết phục các nước tranh chấp Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia đừng hành động vội vã lợi dụng phán quyết.

Theo Reuters, cách thức Hoa Thịnh Đốn hành động thế nào sau khi có phán quyết sẽ là dịp để người ta trắc nghiệm xem Mỹ có phải là đối tác hay đồng minh đáng tin cậy hay không ở khu vực suốt bao năm qua sau Thế Chiến Thứ Hai có vấn đề nghiêm trọng về an ninh. Hiện các nước nhỏ ở khu vực đang đối phó khó khăn với chính sách bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.

Ngay sau khi phán quyết được công bố, Bắc Kinh phản ứng dữ dội, lập lại những lời tuyên bố cũ, không công nhận phiên tòa cũng như coi phán quyết là “vô giá trị” và không có khả năng thi hành. Mấy ngày trước phán quyết, Bắc Kinh đưa ba hạm đội đến tập trận gần quần đảo Hoàng Sa để đe dọa Việt Nam và trong tuần này thì đưa máy bay tuần tiễu trên Biển Đông, gồm cả máy bay ném bom, chiến đấu cơ, cho máy bay quân sự đáp xuống hai đảo nhân tạo mà họ bồi đắp ở Trường Sa.

Mới đây, báo chí Trung Quốc cho hay họ sẽ gia tăng số lượng các chuyến du lịch đến các đảo và bãi đá ngầm đang chiếm giữ, từng cướp của Việt Nam trước đây. Bắc Kinh là kẻ cướp nhưng luôn luôn la lối rằng Mỹ là nước gây rối, tạo căng thẳng trên Biển Đông.

Theo hãng tin Reuters, khi đến Bắc Kinh, bà Susan Rice sẽ gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, thảo luận nhiều vấn đề từ Biển Đông đến Bắc Hàn, kinh tế và cả nhân quyền. Bà cũng sẽ lập một khung sườn cho cuộc thảo luận của Tổng Thống Obama với Tập Cận Bình khi hai người cùng tham dự Thượng Đỉnh G20 vào tháng 9 tới đây.

Tuy nhiên vấn đề Biển Đông nổi cộm trong chuyến đi Bắc Kinh của bà Rice mà bà cho rằng hai bên phải “cẩn thận thảo luận để kiểm soát các bất đồng.” (TN)

MỚI CẬP NHẬT