Thursday, May 2, 2024

Lũ vây bốn bề, miền Trung rên xiết

Liêu Thái/Người Việt

VIỆT NAM – Trước đây một tháng, không ít người Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Thừa Thiên-Huế lập thành từng đoàn cứu trợ để ra Bắc miền Trung. Hiện tại, lũ vây bốn bề, nước mênh mông nước, sắp tới đây. Gần 100 thủy điện miền Trung trong tình trạng báo động vì thân đập quá yếu, có thể vỡ bất kỳ giờ nào. Riêng Bình Định, có đến 41 đập báo động đỏ. Một con số đầy chết chóc, miền Trung lại rên xiết trước dòng lũ dữ!

Nước, mênh mông nước

Gần năm ngày nay, nước vây bốn bề ở nhiều nơi tại Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Lâm Đồng cũng không thoát được kiếp nạn này. Vì nước đã bao vây khu xóm tôi, nói theo ngôn ngữ báo chí trong nước là nhà tôi, xóm tôi đã bị “nước cô lập,” tôi phải dùng đến máy phát điện, và máy phát cũng còn được vài giọt xăng cuối để tôi ngồi gõ bài viết này.

Đường xá mênh mông nước, tôi không thể đi ra ngoài, giỏi lắm cũng chỉ bơi ghe đi lòng vòng trong xóm. Nhưng cũng chẳng dám bơi một mình mà rủ mấy thanh niên trong xóm cùng mặc áo phao để ngồi ghe, vì con nước chảy xiết chưa từng thấy. Với mức độ thỉnh thoảng mưa to, gió lớn, nước chảy xiết kiểu này, chẳng biết nước còn lên tới đâu!

Tôi gọi điện thoại thăm một người bạn ở Tuy Phước, Bình Định, ông này trả lời: “Nước ngập hai ngày này rồi ông ơi! Giờ còn mấy giọt pin cuối đây, chút tui khóa máy để dành có gì thì gọi khẩn. Tui đang ngồi trên gác, nước ngập nhà tui gần hai mét rồi! Thôi nha, cám ơn ông hỏi thăm. Tình hình ông sao rồi?”

Một phụ nữ đang được chở giúp về nhà vì đường vào nhà chị đã ngập sâu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Một phụ nữ đang được chở giúp về nhà vì đường vào nhà chị đã ngập sâu. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

“Tình hình tui cũng thê thảm, nước vây bốn bề rồi ông ơi! Chúc ông mọi sự an lành!”, tôi nói.

Chờ tôi cúp xong thì ông bạn cúp máy, tôi biết ông để dành pin. Ông bạn này ở gần trục đường tỉnh lộ DT 640, đây là một độc đạo dẫn từ quốc lộ 1A về các xã Phước Lý, Phước Thuận, Phước Sơn và Phước Hòa. Trong trận lụt trước, nó đã bị ngập hơn 2m và bị hư hỏng nặng. Thêm một trận lụt này nữa, chắc là không còn gì. Tự dưng thấy thương nhà văn Cung Tích Biền, ông từng kể với tôi về tình yêu của ông dành cho con đường này, ông gọi nó là con đường tơ lụa xứ võ, vì nó rất đẹp, nó được làm từ thời Pháp, đi ngang qua mộ của cụ Đào Tấn, qua đồi thị, có đoạn dẫn xuống nhà thờ Nước Ngầm, một nhà thờ đẹp nổi tiếng và cũng nổi tiếng có nhiều… ma!

Tiếp tục gọi điện thoại thăm một số bạn bè ở Bình Định, không có điện thoại nào đổ chuông, có chung một câu trả lời tự động: “Thuê bao quí khách đang gọi hiện không liên lạc được, xin quí khách vui lòng gọi lại sau.” Như vậy cũng đồng nghĩa với hoặc là những người bạn khóa máy để dành pin phòng trường hợp khẩn cấp, hoặc là điện thoại hết pin.

Trong khi đó, báo chí trong nước và báo Bình Định loan tin có đến hơn 40 đập thủy điện và đập thủy lợi trong tình trạng báo động đỏ vì chân đập làm cách đây10 năm, đã quá cũ kỹ! (10 năm mà quá cũ kỹ thì có vẻ như chỉ có ở Việt Nam), nó có thể bị vỡ bất kỳ giờ nào, lực lượng hữu trách đang túc trực 24/24 để ứng biến.

Hiện tại, với mức nước ngập nặng như đang thấy, nếu như chuyện vỡ đập xảy ra thì chẳng biết chuyện gì đến với người dân vô tội. Với đà hiện tại, nước đã mênh mông, nếu thêm mưa to, gió lớn và nước tiếp tục lớn thì khó mà nói được!

Vườn sả của nhà này đã bị chìm trong nước lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Vườn sả của nhà này đã bị chìm trong nước lũ. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Quảng Ngãi, Quảng Nam, riết róng

Tiếp tục gọi điện thoại thăm một gia đình mà tôi mới quay phim cách đây vài ngày, sau trận lụt trước, không có tín hiệu đổ chuông, như vậy nghĩa là hoặc khóa máy dành pin, hoặc hết pin. Gia đình này sống gần sông Vệ, trận lụt trước nước lên ngập tới trính, không biết lần này ra sao. Gọi tiếp một người bạn ở thành phố Quảng Ngãi, ông này tên Sơn, là người đã lái ca nô mặc áo phao mang mì tôm ngược lên Nghĩa Hành để cứu trợ bà con vùng lũ ở trận trước.

Nghe điện thoại, ông Sơn trả lời: “Nước lớn và chảy xiết ông ơi! Chắc đợt này cũng không kém đợt trước đâu, mà có khi còn lớn hơn nữa. Đợt trước nó quét qua hư hại nặng, đợt này nó vét thêm một cú nữa thì không còn gì đâu!”

“Mấy ngày nay ông chạy ca nô lên chỗ bà con Nghĩa Hành chưa?”, tôi hỏi.

“Chưa được ông ơi, nước đợt này chảy xiết quá, không dám đi đâu! Để chờ xem khi nào bớt chảy một chút thì tôi mới đi được. Khốn khổ cho dân miền Trung quá ông hỉ! Miếng ngon thì ai đâu hưởng, còn miếng đắng thì chỉ có nhân dân hưởng thôi! Đau thật!”

Câu chuyện còn kéo dài thêm vì máy ông Sơn vẫn đầy pin, chỗ ông chưa bị cúp điện. Nhưng tôi không tiện kể ra đây vì có một số vấn đề nhạy cảm trong sự “bức xúc” của ông. Giờ tôi không gọi điện thoại nữa mà rủ ông bạn trong xóm cùng đi Đại Lộc, ông này có chiếc ca nô bằng vỏ composite.

Rất tiếc là ông bạn vừa mới ở Đại Lộc về, ông nói: “Tui mới ở trên đó về, đi về thì được chứ đi lên không nổi đâu, nước chảy xiết lắm, tui để ga chạy đều, cứ nương theo dòng nước chảy mà về, lúc nào nước chảy có xoáy thì tui cho rồ ga vượt qua. Còn đi lên thì ngược nước không tài nào đi được. Đã có nhà bị sập, có nơi bị đói rồi đó ông. Tui đi chở hàng từ trên đó về, bị kẹt hai xe hàng trên đó. Và có một làng ven sông Vu Gia, đoạn Đại Tân bị nặng lắm, có thể bị trôi nhà, lần này tui nghĩ là không nhẹ!”

Một trang trại bò ở Đại Lộc, Quảng Nam. Mặc dù đã làm gác cho bò, đợt lũ nào, chủ trang trại cũng tổn thất vài con. Hình chụp cuối Tháng Mười Một, 2016. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)
Một trang trại bò ở Đại Lộc, Quảng Nam. Mặc dù đã làm gác cho bò, đợt lũ nào, chủ trang trại cũng tổn thất vài con. Hình chụp cuối Tháng Mười Một, 2016. (Hình: Liêu Thái/Người Việt)

Thôi thì chỉ còn cách bốc điện thoại ra gọi, hỏi thăm một ông thầy giáo ở ngày thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc, ông Hải (tên thầy giáo) nói: “Nước mênh mông, không thể tả được, lụt này lớn quá, có thể là lớn nhất từ trước tới nay rồi. Vì trước đây không có con đường cao tốc từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi nên trên này thoát nước nhanh hơn. Giờ con đường này trở thành đập chắn nước, có cao tới gần 10 mét so với mặt đường cũ nên nó chắn ngang giữa Đại Lộc với Điện Bàn. Mà Điện Bàn, Hội An nông bị ngập như vậy thì ông hình dung được trên Đại Lộc này ngập cỡ nào rồi!”

“Hiện tại nhà anh bị ngập chưa?”, tôi hỏi ông Hải.

“Hiện tại nhà tôi chưa ngập, nếu mà nhà tôi bị ngập thì cả Đại Lộc này chìm trong biển nước, có nơi không thấy nóc nhà đó ông ạ. Vì tôi ở trên chỗ đất cao nhất Đại Lộc và nhà tôi cũng thuộc diện nền nhà cao, chung quanh tôi cũng có người bị ngập rồi. Trận này khó mà đoán được mức độ thiệt hại…”

“Lương thực, thực phẩm có bị tăng giá không ông?”, Tôi hỏi.

“Có chứ, năm nào cũng vậy, nhà buôn tăng giá vừa hay tăng giá nặng trong đợt lụt này là chuyện bình thường. Người dân mình vẫn không thương nhau mấy ông ạ, hễ cứ có thiên tai thì tăng giá. Trong khi đó người ta ở đâu xa lạ, không quen biết thì lại gởi quà cứu trợ, tương thân tương ái, đời chẳng biết nói làm sao cho vừa ông ạ!”

Mời độc giả xem phóng sự: Miền Trung rên xiết sau lũ

Tôi chào tạm biệt ông Hải và cúp máy, câu nói của ông cứ như xát muối vào vết đau vậy. Đau hơn nữa là chưa có năm nào mà đề tài lũ lụt miền Trung khiến tôi viết đi viết lại trong vòng ba tháng mà lúc nào cũng nóng hổi, cùng mới mẻ, thật đáng buồn!

MỚI CẬP NHẬT