Wednesday, April 24, 2024

Mua ‘đồ gỗ xưa’ dưới chân cầu chữ Y, Sài Gòn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Trước thời Cộng Sản nắm quyền cả Việt Nam, khoảng 2/3 diện tích đất nước được rừng phủ kín, nhu cầu dùng đồ gỗ vốn là thị hiếu chính của hầu hết người Việt. Nhưng chỉ vài chục năm sau 1975, gỗ và các tài nguyên rừng rơi vào tay các cán bộ tham nhũng và các đại gia đỏ ăn theo chế độ đã đến lúc cạn kiệt, hoang tàn.

Vậy nên, người Sài Gòn ngày nay, trừ các đại gia đỏ có nhu cầu trang trí vila, biệt thự bằng các loại đồ gỗ quí có giá từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng thì phần lớn các gia đình chọn cho mình bàn, kệ, tủ giường… là các vật liệu mới hay gỗ ván ép hoặc gỗ thông tạp.

Nhiều người Sài Gòn có mức sống trung lưu và cả người bình dân vẫn còn nhớ tiếc các đồ gỗ quí của gia đình họ đã mang đi bán rẻ, bán ve chai trong thời cộng sản bao cấp đói khổ.

Hôm chúng tôi đến một trong những xóm bán đồ gỗ xưa nổi tiếng của Sài Gòn dưới chân cầu chữ Y, đường Trần Xuân Soạn, cả xóm với hơn chục nhà mua bán đồ gỗ xưa mới thấy hết sự phồn thịnh của nghề tái chế, mua bán các món đồ gỗ này.

Gặp ông D, đang đi tìm mua lại cái trường kỷ, loại thường thấy ở các gia đình có nhà nhỏ hẹp. Ông D, vừa ngắm nghía mấy bộ trường kỷ vừa trò chuyện. Ông nói: “Cái trường kỷ kéo ra thành đi văng này hồi xưa nhà tôi có một bộ bằng gõ đỏ tốt lắm. Lúc khổ bán như cho không, bây giờ rớ vô họ đòi năm, sáu triệu, thứ làm bằng gỗ tàm tạm cũng ba triệu bạc.”

Một bà cũng đang đi tìm mua kệ thờ nói: “Biết là đắt, bởi tìm đâu ra rừng mà còn gỗ tốt với thợ giỏi mà làm được đồ thế này.”

Thật ra mà nói, đồ gỗ của các nhà quyền quí xưa như tủ thờ, kệ thờ, salon, bộ ngựa, bàn ăn… nếu được khắc chạm, cẩn xà cừ, có khi giá lên đến hàng trăm triệu.

Nhưng giới mua bán đồ gỗ xưa ngày nay không còn chú trọng săn tìm các loại đồ gỗ quí nữa, vì như họ cho biết hàng quí đã cạn do dân dân Đài Loan, Trung Quốc và cả dân nhà giàu mới ở miền Bắc vô thu gom nhiều năm trước. Đồ gỗ xưa còn lại chỉ là vật dụng bình thường.

Chúng tôi theo chân một người thanh niên đi tìm mua đồ gỗ cũ của dân Sài Gòn về mở quán cà phê. Dân buôn đồ gỗ cũ biết anh có nhu cầu nên vây quanh anh giới thiệu hàng.

Các kho chứa đồ bên trong xóm đồ gỗ cũ dưới dạ cầu chữ Y. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Các kho chứa đồ bên trong xóm đồ gỗ cũ dưới dạ cầu chữ Y. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Anh hỏi, “Có ghế đẩu hông?” Họ lập tức ra giá. Ai đời một cái ghế đẩu bằng gỗ tạp, lung lơ như răng sữa con nít sắp rụng, loại để mấy ông ở dưới quê ngồi co chân uống trà, uống rượu lại có giá từ một trăm đến hai trăm ngàn.

Chúng tôi nói nhỏ với anh: “Ba cái đồ này hồi trước cho còn không lấy, ai ngờ lại có giá dữ vậy.” Anh cười cười trả lời tôi, “Chưa đâu anh, em mới mua mấy cái tủ thấp, có hộc để đựng tiền của mấy bà bán cá ngày xưa cả ba trăm ngàn.”

Tôi hỏi, “Tuổi cậu còn trẻ, sao biết loại tủ mà mấy bà bán cá, bán rau ngồi chồm hổm.” Anh nói, “Ông họa sĩ thiết kế vẽ như vậy, rồi biểu em đi mua về làm quán, vừa rẽ mà lại vừa có phong cách Sài Gòn xưa. Mà em cũng thấy đúng là đồ xưa, đồ nào nhìn cũng có duyên hết.”

Không hề quá đáng khi cho rằng các đồ cũ Sài Gòn xưa, dù là đồ bằng bất cứ vật liệu gì trong mắt các họa sĩ thiết kế trẻ cũng trở thành một thứ chất liệu mỹ thuật thiết kế độc đáo và đậm bản sắc văn hóa miền Nam Việt Nam. Các loại ghế chân bằng sắt của tiệm nước, xe hủ tíu, các bộ salon thùng, tủ sách, tủ ly… của các nhà cư xá luôn là hàng được săn tìm để đưa về các quán cà phê, nhà hàng, nhằm tạo làm chi tiết hình thành các không gian hoài niệm Sài Gòn cho các thực khách và du khách nước ngoài.

Sự phục sinh các vật dụng bằng gỗ và các loại đồ dùng xưa khác mang phong cách mỹ thuật và văn hóa tiêu dùng của người Sài Gòn đang là một trào lưu đáng trân trọng.

Rời xóm đồ gỗ cũ chúng tôi cũng thấy tiếc nuối các món đồ gỗ xưa của gia đình bị bán đi. Ngồi cà phê với người bạn trẻ đi tìm mua đồ gỗ xưa về làm quán, anh nói, “Cỡ tuổi tụi cháu đi mua đồ cũ về làm quán không phải muốn hoài cổ đâu nghen chú. Chẳng qua là nhờ cái đẹp của đời trước mà ngày nay không còn tìm thấy để tạo phong cách. Đời bây giờ vô quán sang hay hèn đều chán chết như nhau cả chú à!”

Chúng tôi không bất ngờ với điều người bạn trẻ này nói, mà chỉ nghĩ. Rồi đây các nơi bán đồ cũ, đồ kỷ vật của dân Sài Gòn như xóm đồ gỗ này cũng cạn kiệt nguồn hàng, thì thử hỏi các thứ đồ dùng và vật dụng tạp nham mà hầu hết nhập từ Trung Cộng làm sao có giá trị mỹ thuật, nghệ thuật để làm một điểm tựa về văn hóa dân tộc cho thế hệ sau.

MỚI CẬP NHẬT