Thursday, April 25, 2024

Mỹ muốn ‘sâu sắc thêm quan hệ toàn diện’ với Việt Nam

Tư Ngộ/Người Việt

HÀ NỘI (NV) – Nhân dịp nhà cầm quyền CSVN tổ chức kỷ niệm ngày Lễ Quốc Khánh 2-9, ngoại trưởng Mỹ gửi tới một thông điệp nói rằng Washington muốn “làm sâu sắc hơn” mối quan hệ giữa hai nước.

“Chúng tôi mong đợi tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ toàn diện và ngày càng mang tính chiến lược với Việt Nam nhằm thúc đẩy lợi ích chung trong việc xây dựng và duy trì một trật tự dựa trên luật pháp, không chỉ ở Châu Á-Thái Bình Dương mà trên khắp thế giới.”

Một số báo tại Việt Nam phổ biến lời chức mừng “quốc khánh” của Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry qua bản dịch của Tòa Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam trong đó có những lời lẽ vừa kể.

Lời chúc quốc khánh là thông lệ ngoại giao với ít lời ca ngợi để lấy lòng là chuyện bình thường. Nhưng năm nay, lời chúc của ông Kerry gợi cho người ta sự chú ý nhiều hơn trong cái bối cảnh CSVN loay hoay đu dây giữa hai thái cực tư bản của Mỹ và độc tài Cộng Sản Trung Quốc mà Hà Nội vẫn còn đang núp bóng để tồn tại.

Càng ngày tham vọng bá quyền bành trướng của Trung Quốc lộ ra rõ hơn trong việc tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Ðông. Mỹ, với sức mạnh quân sự của mình, đối diện trực tiếp với Bắc Kinh bằng những hành động cụ thể. Trong khi đó, Hà Nội chỉ dám cho Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối suông. Nhiều khi lời phát biểu chỉ bâng quơ, ám chỉ chứ không chỉ đích danh Trung Quốc.

Mỹ dùng tất cả các cơ hội để lên tiếng hậu thuẫn cho các nước ASEAN, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, tìm cách ngăn chặn Trung Quốc dựa vào sức mạnh của nước khổng lồ lấn tới. Nhưng Hà Nội còn đang ôm “16 chữ vàng” và “4 tốt,” chỉ xúi ngầm cho nước khác hành động để minh hưởng lây.

Khi xảy ra biến cố Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ HD 981 tới phía Nam quần đảo Hoàng Sa đầu tháng 5 năm 2014, nhiều đảng viên đảng CSVN đã kêu gọi chế độ “thoát Trung” nhưng không thấy có gì nhúc nhích.

Trước đó, vào tháng 7 năm 2014, có 61 đảng viên kỳ cựu mà nhiều người từng nắm những vị trí quan trọng trong chế độ, đã kêu gọi đảng CSVN thoát khỏi tình trạng lệ thuộc nghiêm trọng về mọi mặt vào Trung Quốc. Nhất là họ kêu gọi “từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ, trọng tâm là chuyển đổi thể chế chính trị từ toàn trị sang dân chủ một cách kiên quyết nhưng ôn hòa.”

Các lời kêu gọi được đưa ra vì, trong một lần phát biểu hồi năm 2013, chính ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng cũng kêu rằng, “Ðến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa.”

Xem thêm video: Tổng thống Mỹ công du Châu Á

Nhiều lời bình luận về lời phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng giống như người dẫn đầu gần 100 triệu người bịt mắt, chống gậy đi về phía trước, một tương lai không hề có “thiên đường cộng sản.” Bởi vậy, 4 chữ tắt “XHCN” được diễn nghĩa bằng nhiều nhóm từ khác nhau như “xì hơi có ngày,” “xuống hố cả nước,” “xuống hàng chó ngựa,” “xạo hết chỗ nói,” “xâm hại con người”…

Người ta chỉ thấy guồng máy công quyền của chế độ độc tài đảng trị tại Hà Nội cực kỳ tham nhũng. Nhân dân có ai kêu gọi nhân quyền, dân chủ thi đàn áp thẳng tay.

Khi lên cầm quyền từ tháng 6, 2016, tân tổng thống của Phippines Rodrigo Duterte đã có những hành động với dấu hiệu muốn điều đình tay đôi với Bắc Kinh về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Ðông. Ông này có chính sách đối ngoại khác với người tiền nhiệm từng cho Mỹ quay lại một số căn cứ đã từng sử dụng ở thế kỷ trước.

Lời kêu gọi của Ngoại Trưởng Kerry muốn “làm sâu sắc hơn” mối quan hệ toàn diện với Việt Nam có phải là một tín hiệu mới vào lúc này? (TN)

MỚI CẬP NHẬT