Friday, April 19, 2024

Mỹ âm thầm dàn xếp giảm căng thẳng vụ ‘đường lưỡi bò’

HÀ NỘI (NV) – Mỹ đang âm thầm dùng kênh ngoại giao để vận động các nước ASEAN không phản ứng mạnh sau bản phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế The Hague bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Ðông.

Một viên chức chính phủ Hoa Kỳ giấu tên cho biết như trên hôm Thứ Tư, 13 tháng 7, 2016.

“Cái chúng ta muốn là làm giảm bớt những căng thẳng này xuống để các vấn đề được dàn xếp hợp lý thay vì đối phó theo cảm tính.”

Viên chức giấu tên nói trên cho hay về các thông điệp ngoại giao riêng tư được Hoa Kỳ chuyển tới các nước tranh chấp chủ quyền ở khu vực Biển Ðông.

Hãng thông tấn Reuters thuật lại tin trên cho hay, một số thông điệp được gửi qua các tòa đại sứ Hoa Kỳ ở hải ngoại và các sứ bộ ngoại giao nước ngoài tại Washington DC. Một số thông điệp được chuyển đi trực tiếp từ Ngoại Trưởng John Kerry, Bộ Trưởng Quốc Phòng Ash Carter và một số viên chức cao cấp khác.

“Ðây là lời kêu gọi chung nên bình tĩnh, không phải là nhắm thúc giục khu vực hành động chống Trung Quốc, mà có thể được hiểu lầm là Mỹ cầm đầu một liên minh kềm chế Bắc Kinh.” Viên chức chính phủ giấu tên nói thêm.

Nỗ lực làm giảm căng thẳng của Mỹ đã gặp trở ngại khi Ðài Loan đã gửi một chiến hạm đến đảo Ba Bình ở Trường Sa với lời nhắn của bà Tổng Thống Thái Anh Văn với các thủy thủ rằng nhiệm vụ của họ là bảo vệ lãnh hải của Ðài Loan.

Cùng lúc với tin Mỹ muốn làm trung gian dàn xếp xuống thang căng thẳng chủ quyền Biển Ðông thì Trung Quốc cho hai máy bay quân sự đáp xuống hai đảo nhân tạo ở Trường Sa, một hành động được Hoa Kỳ coi như khiêu khích, làm gia tăng căng thẳng chứ không phải giúp xuống thang.

Báo chí tuyên truyền chính thống của Trung Quốc vẫn theo nhau bình luận chửi bới, phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài quốc tế và đe dọa nước này cương quyết đáp trả nước nào giám thách đố chủ quyền (ăn cướp) của họ trên Biển Ðông.

Tòa Án Trọng Tài quốc tế tại The Hague hôm Thứ Ba, 12 tháng 7, 2016 ra phán quyết nói Trung Quốc không có “quyền lịch sử” đối với khu vực mà họ tuyên bố theo 9 đoạn nối lại thành hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80% Biển Ðông, bao gồm luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam luôn luôn tuyên bố chủ quyền “với các bằng chứng lịch sử và thực tế không thể tranh cãi.”

Bản phán quyết cũng nói Ðài Loan không có chủ quyền với đảo Ba Bình (Itu Aba), đảo lớn nhất tại quần đảo Trường Sa. Ðài Loan hiện chiếm giữ đảo Ba Bình, xây dựng cả phi trường và cảng biển nhưng Tòa Trọng Tài coi đó chỉ là một “tảng đá” như định nghĩa pháp lý những đảo hoang nhỏ bé không thích hợp cho con người sinh sống.

Các viên chức chính phủ Mỹ cho hay họ hy vọng sáng kiến ngoại giao của Washington có thể dễ thành công hơn đối với Indonesia, một nước dự tính đưa hàng trăm ngư dân tới quần đảo Natuna phía nam Biển Ðông mà họ tuyên bố chủ quyền.

Truyền thông quốc tế cũng cho hay khi tàu đánh cá của Philippines tiến đến khu vực bãi cạn Scarborough đã bị tàu hải cảnh và tàu chiến của Trung Quốc xua đuổi.

Bộ Trưởng Quốc Phòng Philippines Delfin Lorenzana cho hay trước khi có phán quyết, ông đã nói chuyện với Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Carter.

Ông này thuật lại cho biết ông Carter nói Trung Quốc đã bảo đảm với Mỹ là sẽ kềm chế và chính phủ Mỹ cũng bảo đảm kềm chế như thế. Ông Carter cũng đã yêu cầu và được Philippines cam kết kềm chế.

Trong khi đó, Bắc Kinh cho Ngoại Trưởng Vương Nghị lập lại lời kêu gọi đối thoại song phương với Manila vì cho rằng đến lúc nên đưa vấn đề quay lại đúng con đường phải đi (theo ý đồ Bắc Kinh) sau cái “trò hề” kiện tụng.

Tân Hoa Xã hôm Thứ Năm cho hay Tổng Thống Philippines Rodrigo Duterte có ý muốn cử ông Fidel Ramos, một cựu tổng thống nước này, làm đặc sứ tới Bắc Kinh đàm phán chuyện Biển Ðông.

Cuối tháng 7 này sẽ có một phiên họp cấp ngoại trưởng của ASEAN tại Lào. Ngoại Trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng sẽ dự trù đến tham dự cuộc họp ở đây giữa ASEAN với các đối tác khu vực. (TN)

MỚI CẬP NHẬT