Friday, April 19, 2024

Nhà máy giấy $150 triệu bỏ hoang ‘dính’ con trai Võ Văn Kiệt

LONG AN (NV) – Bộ Tài Chính CSVN bảo lãnh cho một công ty chuyên xây dựng công trình giao thông vay 3,000 tỷ đồng (khoảng $150 triệu) làm nhà máy giấy. Sau 10 năm phải bỏ hoang vì không thể sản xuất được do “công nghệ không phù hợp.”

Ngày 4 tháng 7, 2016, nói với báo điện tử Dân Việt, ông Nguyễn Xuân Hồng, phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An xác nhận, Nhà máy bột giấy Phương Nam đầu tư với tổng vốn 3,000 tỷ đồng đến nay vẫn chưa được thanh lý và toàn bộ vùng nguyên liệu đay đã bị xóa sổ vì hơn 10 năm nay, nhà máy này không hề hoạt động.

Ông Lê Văn Hoàng, giám đốc Sở Nông Nghiệp tỉnh Long An khẳng định: “Cả tỉnh Long An không còn cây đay nào. Vùng nguyên liệu đay đã bị xóa sổ.”

Theo hồ sơ, nhà máy bột giấy này do công ty Phát Triển Công Nghiệp và Vận Tải (Tracodi), do ông Phan Thanh Nam, con trai ông cựu Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, làm tổng giám đốc, làm chủ đầu tư với tổng vốn ban đầu 1,487 tỷ đồng do Bộ Tài Chính bảo lãnh.

Ðến tháng 11 năm 2007, Tracodi điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án lên 2,286 tỷ đồng, nhưng dự án vẫn chưa thể hoàn tất đầu tư. Cùng lúc Tracodi ký hợp đồng mua nguyên liệu của người dân 2 huyện Thạch Hóa và Mộc Hóa được hơn 10,600 tấn đay tươi và hơn 655 tấn đay sợi.

Cảm thấy bất ổn, vào tháng 6, 2009, thủ tướng ký quyết định chuyển dự án nhà máy bột giấy Phương Nam từ Tracodi sang Tổng Công Ty Giấy Việt Nam (Vinapaco), và tăng vốn lên thành 3,000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử, cả hệ thống luôn bị tắc nghẽn, chu trình chặt mảnh đay đã không đạt phẩm chất theo yêu cầu. Vì tắc ngay khâu đầu tiên, nên toàn bộ dây chuyền đã không thể tiếp tục chạy thử được.

Vinapaco đã mời chuyên gia nước ngoài sang và các chuyên gia trong lĩnh vực cơ khí và công nghiệp giấy Việt Nam tham gia “nghiên cứu sửa chữa.” Cả Viện Công Nghệ Giấy và xenluylo cũng đã tổ chức nghiên cứu thay thế nguyên liệu sản xuất từ đay sang gỗ cứng. Thế nhưng, tất cả các kết quả đều khẳng định không có khả năng khắc phục và không có hiệu quả về mặt kinh tế và không khả thi.

Nhà máy sửa chữa nhiều lần nhưng không thể sản xuất được giấy thành phẩm. Lưu kho đến năm 2011, hơn 11,000 tấn đay mục nát, hư hỏng. Ðến lúc này buộc ông Hồng phải thừa nhận, “Công nghệ không phù hợp nên có sửa chữa hay cải tiến thì cũng không được.” (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT