Friday, April 26, 2024

Nhà tranh đấu Trần Thị Nga bị kết án 9 năm tù

HÀ NAM, Việt Nam (NV) – Bà Trần Thị Nga, một phụ nữ vận động dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam bị kết án 9 năm tù và 5 năm quản chế trong phiên tòa sơ thẩm ở tỉnh Hà Nam hôm Thứ Ba, 25 Tháng Bảy.

Cũng như các phiên tòa xử án chính trị khác, tuy là phiên xử “công khai” nhưng chồng và hai con nhỏ của bà Trần Thị Nga cùng hơn một chục bằng hữu không được vào dự khán. Hàng trăm công an thường phục và sắc phục, cảnh sát cơ động cùng dân phòng được rải chung quanh tòa án, ngăn cản người dân tới gần.

Bà Trần Thị Nga, 40 tuổi, bị một bản án rất nặng theo Khoản 1 Điều 88 Bộ Luật Hình Sự “Tuyên truyền chống nhà nước…” Bản án này chỉ sau một tháng chính quyền Khánh Hòa kết án 10 năm tù blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, 38 tuổi, và cũng cùng bị áp đặt theo một tội danh.

Bà Nga vốn là một người dân oan khiếu kiện, đòi hỏi công bằng vì bị công ty xuất khẩu lao động của nhà cầm quyền cướp tiền của bà khi đi lao động tại Đài Loan, sau trở thành người đấu tranh cho công bằng xã hội, bày tỏ lòng yêu nước qua các cuộc biểu tình, vận động dân chủ. Bà là thành viên điều hành của Hội Phụ Nữ Nhân Quyền Việt Nam và một số hội đoàn xã hội dân sự khác.

Bà bị công an thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, tịch thu xe gắn máy và hành hung rất nhiều lần, nhà thường xuyên bị công an theo dõi. Thậm chí ngày 25 Tháng Năm, 2015, công an thường phục đã dùng gậy sắt đánh gãy chân tay bà ngay trên đường phố. Dù vậy, bà vẫn can đảm tham dự các cuộc biểu tình tại nhiều nơi ở Việt Nam và dùng Internet để phát biểu ý kiến và thông tin.

Hình ảnh bà Nga cho con bú sữa khi chân tay bị công an lấy gậy sắt đánh gãy được phổ biến trên mạng từng gây phẫn nộ một chế độ tự nhận là “của dân, do dân và vì dân,” là “đầy tớ nhân dân” mà cư xử với nhân dân như thế.

Bà Trần Thị Nga (thứ hai, phải) bị công an tỉnh Hà Nam công bố lệnh bắt tạm giam và khám xét nơi ở ngày 21 Tháng Giêng, 2017. (Hình: hanam.gov.vn)

Bản cáo trạng của viện kiểm sát tỉnh Hà Nam cáo buộc bà Trần Thị Nga “Trong khoảng thời gian từ Tháng Chín, 2014, đến Tháng Giêng, 2017, Trần Thị Nga đã trực tiếp lập các tài khoản blog, Facebook cá nhân ‘Thuy Nga,’ ‘Tran Thi Nga’ và trang YouTube ‘trần thúy nga,’ đã làm ra, tàng trữ 13 video clip có nội dung tuyên truyền, xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, tuyên truyền những luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin, bịa đặt và sử dụng trang mạng xã hội để đăng tải các video clip nhằm truyền bá những tư tưởng phản động, xuyên tạc đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, gây hoang mang trong nhân dân, phá hoại khối đoàn kết toàn dân; gieo rắc sự nghi ngờ, bất mãn với chính quyền nhằm chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.”

Thêm nữa, cáo trạng còn cáo buộc bà “viết, dán nhiều biểu ngữ có nội dung bôi nhọ các đồng chí lãnh đạo đảng, nhà nước, lực lượng công an, tẩy chay bầu cử Quốc Hội khóa XIV và bầu cử Hội Đồng Nhân Dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.”

Luật Sư Hà Huy Sơn, một trong bốn luật sư biện hộ cho bà Nga tại phiên tòa sơ thẩm, bác bỏ các cáo buộc của nhà cầm quyền và ông nói những cáo buộc đó được tạo dựng trái với những quy định của Luật Tố Tụng Hình Sự nên không có giá trị. Nói với hãng thông tấn AFP, Luật Sư Sơn cho là bản án mà bà Nga phải chịu đựng “đã được chuẩn bị từ trước.”

Bản án nặng nề áp đặt lên đầu bà Trần Thị Nga, một phụ nữ có hai con nhỏ, tiếp nối theo bản án 10 năm tù của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, như những chứng cứ xác định chính quyền Việt Nam ngày càng mạnh tay hơn với các người đòi hỏi nhân quyền, tự do thông tin và ngay cả đòi hỏi bảo vệ môi trường, bày tỏ lòng yêu nước mà không theo lệnh của nhà cầm quyền.

Chỉ từ Tháng Giêng đầu năm 2017 đến nay, ngoài bà Trần Thị Nga, chính quyền Việt Nam ít nhất đã tống giam thêm sáu người khác. Tất cả bị vu cho các tội từ “Tuyên truyền chống nhà nước…” theo Điều 88, hay “Âm mưu lật đổ…” theo Điều 79, hoặc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…” theo Điều 258. Những điều luật này đều bị các chính phủ Tây phương cũng như các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế lên án là đi ngược lại Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị mà chính quyền Việt Nam đã đặt bút ký cam kết tuân thủ.

Người bị bắt mới nhất là ông Lê Đình Lượng, 52 tuổi, có trang Facebook cá nhân “Lỗ Ngọc” bị bắt chỉ một ngày trước phiên xử sơ thẩm bà Trần Thị Nga. Ông bị bắt ở thị trấn Hoàng Mai, Nghệ An, và bị vu cho tội “âm mưu lật đổ.” (TN)

Hải quân Indonesia chối không bắn ngư dân Việt Nam

MỚI CẬP NHẬT