Thursday, March 28, 2024

Người Quảng Bình sau cơn lũ dữ

Nhật Bình/Người Việt

QUẢNG BÌNH (NV) – Trận lũ lịch sử tạm thời đã đi qua, nhưng hàng ngàn gia đình người dân ở những vùng bị ngập lụt thuộc các xã của Huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn như thiếu lương thực, áo quần, sách vở cho con em tới trường và đặc biệt là khan hiếm nguồn nước sạch, thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Đã nghèo còn gặp eo

Cách phi trường Đồng Hới khoảng 45 km đi theo quốc lộ 1A về hướng Bắc là ngã 3 Ba Đồn, rẽ vào tay trái đi theo con đường quốc lộ 12A khoảng 15 km là khu vực tâm lũ.

Chúng tôi lên với bà con vùng lũ khi nước đã rút hoàn toàn. Nhìn cảnh vật xung quanh có vẻ như rất bình thường, không thấy thiệt hại là bao. Nhưng khi vào thăm từng gia đình bà con nghèo ở đây chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt.

Đến với làng Vĩnh Phước và Cồn Sẽ, thuộc xã Quảng Lộc. Nơi có nhiều gia đình phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn lũ. Thấy có người từ xa đến, anh Nguyễn Thành, người ở đội 3, Vĩnh Phước vội chạy ra đón.

Niềm vui của các cụ già khi nhận tiền của đoàn cứu trợ. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Niềm vui của các cụ già khi nhận tiền của đoàn cứu trợ. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

Thân người gầy gòm, khuôn mặt khắc khổ hiện lên trên đôi mắt thâm đen vì thức suốt mấy ngày qua, một tay anh bế con gái mình, một tay anh chỉ về căn nhà cũ nát và nói: “Nhà tôi đó, lúc lũ tới nước ngập lút mái. May mắn lắm tôi mới đưa được vợ và hai con chạy qua nhà hàng xóm để ở nhờ. Đồ đạc trong nhà ướt hết.”

Nói đồ đạc cho có văn vẻ, chứ thật ra trong nhà anh chỉ có cái quạt và chiếc bàn gỗ gọi là “tiện nghi.” “Điều tôi buồn là sách vở áo quần của 2 đứa nhỏ đều ướt, rách nát hết. Mai mốt không biết lấy gì cho các cháu đến trường được đây?”

Cầm tờ tiền 500 ngàn (khoảng $25) trên tay, anh Thành vội cảm ơn đoàn cứu trợ và tình nguyện làm “hướng dẫn viên” cho chúng tôi đi vào sâu bên trong ngôi làng. “Còn nhiều nhà khổ lắm các chú à,” anh Thành nói.

Đi dọc con đường làng nhỏ, nhìn cảnh vật xung quang còn rất hoang tàn, nhiều vết tích như bùn đất, bèo dạt, rác rưới nằm vất vưởng trên mái nhà của người dân.

Bà Hoàng Thị Nhơn, 85 tuổi, nhà ở đội 2, Quảng Lộc cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ đến già, đã 85 tuổi rồi mà chưa chứng kiến trận lũ nào nước lên nhanh như thế. Chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, từ khi nước bắt đầu vào nhà cho đến khi cao hơn 2 m, ngập gần hết cả nhà, chỉ chừa lại cái mái là chưa ngập mà thôi.”

“Gia tài” của gia đình bà Vân khi chung tôi đến chỉ là ba thùng mì tôm của các đoàn cứu trợ cho trước đó. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
“Gia tài” của gia đình bà Vân khi chung tôi đến chỉ là ba thùng mì tôm của các đoàn cứu trợ cho trước đó. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Con người thì còn biết mà tránh, nhưng con vật như trâu bò, gà vịt thì rất dễ bị nước cuốn trôi. Nhà tôi đã mất hết cả đàn vịt và 2 con trâu, chỉ vì nước về quá nhanh không cách gì cứu được,” bà Nhơn giàn giụa trong nước mắt.

Quan sát trong làng, chúng tôi nhận thấy hầu hết nhà dân ở đây đều xây kiểu “tấp lô” lên, không quét vôi hay sơn phết gì hết. Mặc dầu không còn cảnh nhà tranh vách đất vì theo lời ông Lâm, 73 tuổi: “Thời tiết ở đây khá khắc nghiệt, có nghèo lắm thì họ cũng phải vay mượn để xây nhà, vì nhà tranh vách đất thì không cách gì ở được, chỉ cần một cơn mưa lớn cũng đủ để nó sập các bức tường rồi.”

Chính quyền không biết lo cho dân

Đó là lời của ông Trần Khánh Thuần, 45 tuổi, nhà ở Cồn Sẽ cho chúng tôi biết. Khi được hỏi “có biết nguyên nhân vì sao nước về quá nhanh làm bà con trở tay không kịp?”

Ông Thuần phẫn nộ, quát lớn: “Mấy thằng lãnh đạo nó xả lũ, đã xả nước mà không thông báo cho chúng tôi chuẩn bị trước. Mới đầu, tôi cứ nghĩ là lượng nước mưa quá nhiều, nhưng sau đó đọc thông tin trên mạng mới biết là chính quyền đã xã lũ, với lượng nước quá lớn.”

“Khi nước về, chúng tôi trở tay không kịp, gà vịt trôi đi hết. Còn người thì chỉ kịp leo lên tra nhà, bám mái. Nhà nào cao ráo thì cũng ngập lút đầu người (khoảng 1.7 m), còn nhà nào thấp thì lút mái,” ông Thuần cho biết thêm.

Ở bên đội 2 Cồn Sẽ, xã Quảng Minh, nước vẫn xấp mạn đường đất. Ông Nguyễn Bốn, 58 tuổi, chân vẫn còn run lập cập sau mấy ngày trên gác tránh nạn. Nhà có bốn đứa con thì ba đứa đi làm phụ hồ trong Nam. Vợ ông thì bệnh tật triền miên, nên đời sống kinh tế cứ thế mà quạnh hiu.

“Cũng may là mấy hôm nay, có nhiều đoàn cứu trợ về, người giúp một ít thì còn có lương thực mà ăn, không thì dân chúng tôi cũng không biết làm sao để vượt qua cơn hoạn nạn này,” ông Bốn nói.

Vợ chồng ông Bốn vừa phơi xong rơm, chuẩn bị cho việc dùng để trồng hành tỏi. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)
Vợ chồng ông Bốn vừa phơi xong rơm, chuẩn bị cho việc dùng để trồng hành tỏi. (Hình: Nhật Bình/Người Việt)

“Lo quá chú ơi, bây giờ không biết lấy đâu ra sách vở cho con em đến trường”, bà Nguyễn Thị Vấn, người dân Cồn Sẽ lo lắng. Nỗi lo của bà Vấn cũng là nỗi lo chung của người dân vùng lũ. Trong một tuần qua, người dân nơi đây chỉ biết sống nhờ vào những gói mì tôm, nước uống của những chuyến hàng cứu trợ.

“Tôi hi vọng sắp tới, sẽ có đoàn cứu trợ cho sách vở, áo quần để con em chúng tôi có thể đến trường. Đời chúng tôi đã nghèo, vì không có chữ. Nhưng đời các cháu thì phải được học, vì chỉ có học chúng nó mới thoát nghèo được thôi chú à!”, bà Vấn nói trong nước mắt.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay của người dân vùng bị lũ là nguồn nước sạch để tắm rửa. Người dân ở đây hàng ngày chỉ được khoảng 1 bình nước (20 lít), để sinh hoạt cho cả ngày. Điều này rất dễ xảy ra dịch bệnh về tay chân miệng.

Mời độc giả xem video: Quảng Bình tang thương khi cơn lũ đi qua

“Chính quyền đã hứa sẽ đưa thuốc để làm sạch nguồn nước giếng cho bà con có nguồn nước để sinh hoạt. Tôi hi vọng là họ sẽ làm nhanh, để người dân chúng tôi sớm ổn định lại cuộc sống,” bà Vấn bày tỏ mong muốn thiết thực nhất của mình.

MỚI CẬP NHẬT