Tuesday, April 23, 2024

Thảm họa ô nhiễm biển miền Trung: Chỉ một người xin ‘khiển trách’

HÀ TĨNH (NV) – Trong cả hệ thống công quyền từ trên xuống dưới của nhà nước CSVN chỉ có một viên chức xin “khiển trách” về trách nhiệm đối với thảm họa ô nhiễm ở vùng biển phía Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Theo ông Phạm Quang Ðệ, chánh thanh tra Sở Nội Vụ tỉnh Hà Tĩnh, sau khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Sở Tài Nguyên-Môi Trường, Sở Công Thương, Phòng Cảnh Sát Môi Trường của công an Hà Tĩnh, Ban Quản Lý khu kinh tế tỉnh và chính quyền thị xã Kỳ Anh, tổ chức kiểm điểm về trách nhiệm đối với thảm họa ô nhiễm ở vùng biển phía Bắc miền Trung, đến nay, chỉ có Sở Tài Nguyên-Môi Trường của tỉnh này thực hiện.

Kết quả là chỉ có ông Ðặng Bá Lục, chi cục trưởng Chi Cục Bảo Vệ Môi Trường tự nhận hình thức kỷ luật ở mức… khiển trách. Tất cả những người còn lại chỉ xác định sẽ… “rút kinh nghiệm.”

Ông Ðệ nói thêm, nhiều người tin rằng, Sở Tài Nguyên-Môi Trường tỉnh Hà Tĩnh phải là một trong những cơ quan đầu tiên chịu trách nhiệm nhưng ông Võ Tá Ðinh, giám đốc sở này chỉ xác định sẽ… “rút kinh nghiệm.” Khi được đề nghị phải kiểm điểm nghiêm túc hơn, ông Ðinh giải thích là vì hai phó giám đốc của sở chưa nhận trách nhiệm nên ông cần thời gian suy nghĩ.

Chánh thanh tra Sở Nội Vụ tỉnh Hà Tĩnh nhận định, kết quả kiểm điểm như thế là chưa thỏa đáng thành ra ông ta đã yêu cầu phải tổ chức kiểm điểm lại.

Cuối tháng 6 vừa qua, chính quyền Việt Nam chính thức xác định thảm họa ô nhiễm ở vùng biển phía Bắc miền Trung hồi đầu tháng 4 là do Formosa xả chất thải vào biển. Ngoài việc làm cá chết trắng biển, hủy diệt môi sinh của toàn bộ vùng biển phía Bắc miền Trung, thảm họa còn đẩy khoảng 100,000 người đến chỗ mất sinh kế và khoảng 180,000 người phụ thuộc lâm vào cảnh khốn cùng vì gia đình không có thu nhập. Không chỉ có ngư nghiệp tê liệt mà thương mại, du lịch, xuất cảng cũng suy sụp vì thảm họa.

Ðáng chú ý là ngoài việc xả chất thải ra biển, Formosa còn thuê chôn chất thải ở nhiều nơi tại tỉnh Hà Tĩnh. Theo một số chuyên gia, do có lẫn độc chất, chất thải của Formosa sẽ lẫn vào đất, ngấm vào mạch nước ngầm, thẩm thấu ra suối, sông và hậu quả không thể lường hết.

Chưa thấy chính quyền tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo kiểm điểm về việc để Formosa chôn chất thải khắp nơi trong khi đây mới đúng là vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của các cơ quan công quyền tại tỉnh này. Còn chỉ buộc các cơ quan công quyền ở tỉnh Hà Tĩnh kiểm điểm trách nhiệm về thảm họa ô nhiễm ở vùng biển phía Bắc miền Trung thì rõ ràng là chưa thỏa đáng vì nó vốn thuộc về chính phủ Việt Nam và các viên chức lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.

Formosa là một tập đoàn đa ngành của Ðài Loan. Sau khi Formosa trình dự án đầu tư xây dựng nhà máy thép tại khu kinh tế Vũng Áng, với tổng vốn đầu tư là 15 tỉ Mỹ kim, chính phủ Việt Nam đã quyết định giao cho tập đoàn này 2,000 hecta đất và 1,200 hecta mặt nước để làm cảng Sơn Dương. Việc chấp thuận dự án của Formosa đã làm 3,000 gia đình bị thu hồi đất, giải tỏa nhà, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sinh kế của khoảng 20,000 người. Chưa kể có 15,000 ngôi mộ bị cải táng, 58 nhà thờ bị dỡ bỏ…

Chính phủ Việt Nam cũng là cấp quyết định dành cho Formosa nhiều ưu đãi: Cho thuê đất 70 năm nhưng từ năm thứ 16 mới phải trả tiền thuê đất. Chỉ tính thuế thu nhập doanh nghiệp khi có thu nhập chịu thuế và tỷ lệ chỉ là 10% thay vì phải 25% như thông lệ. Chưa kể khi có thu nhập chịu thuế còn được miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và trong 9 năm sau đó được giảm 50% tính trên tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp.

Dự án Formosa Hà Tĩnh khởi công vào cuối năm 2012 và ngay sau đó trở thành túi chứa công nhân từ Trung Quốc sang Việt Nam làm việc.

Trong vài năm gần đây, Formosa liên tục đòi thêm nhiều ưu đãi khác. Ví dụ đề nghị cho phép lập “Ðặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng” với Ban Quản Lý “trực thuộc Văn Phòng Chính Phủ.” Ðề nghị thiết lập cơ chế bảo hộ ngành thép. Ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh. Trực tiếp vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn. Miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu… Chưa kể Formosa còn đề nghị “được cắt đất để bán cho khoảng 15,000 nhân viên mà nếu tính cả thân nhân thì khoảng 60,000 người nhằm xây dựng một thị trấn riêng ở Vũng Áng.”

Cần lưu ý rằng, việc cho phép Formosa đầu tư vào Vũng Áng đã từng được cảnh báo là nguy hại cho môi trường, tất cả những ưu đãi dành cho Formosa đã từng bị chỉ trích là bất thường, thậm chí là vi phạm luật pháp Việt Nam (ví dụ chính quyền các tỉnh chỉ có quyền cho thuê đất tối đa là 50 năm nhưng khi chính quyền tỉnh Hà Tĩnh giao đất cho Formosa đến 70 năm, thủ tướng Việt Nam lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn gật đầu) nhưng không có ai cản được sự nâng đỡ mà hệ thống công quyền Việt Nam dành cho Formosa.

Lờ đi trách nhiệm của các viên chức lãnh đạo chính phủ và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thì không thể bắt các viên chức cấp thấp hơn “nghiêm túc” khi… “kiểm điểm.”

*Biển đã sạch?

Cũng liên quan đến thảm họa ô nhiễm vùng biển phía Bắc miền Trung, trong ngày 22 tháng 8, tại “Hội nghị báo cáo kết quả đánh giá hiện trạng môi trường biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế,” ông Trần Hồng Hà, nộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường, long trọng công bố, biển đã sạch, hải sản đã an toàn để ăn và “người dân miền Trung sẽ có cả thép, cả cá và môi trường biển sạch, đẹp, an toàn.” Theo báo chí Việt Nam, sau hội nghị, ông Hà đã xuống biển tắm rồi lên bờ ăn hải sản nhằm thuyết phục dân chúng tin mình.

Tuy nhiên truy xuất gốc tích tấm ảnh mà VNExpress dùng để giới thiệu sự kiện ông Hà tắm biển, ăn hải sản tại Quảng Trị hôm 22 tháng 8 năm 2016, những người sử dụng Internet tại Việt Nam phát giác nó được chụp vào ngày 19 tháng 9 năm 2015.

Vì vậy cần nhắc lại một câu chuyện khác. Hồi đầu tháng 5, hàng loạt viên chức từ trung ương đến địa phương từng thi nhau đến Hà Tĩnh tắm biển và ăn hải sản kèm những tuyên bố biển đã sạch và hải sản đã an toàn để ăn. Tới đầu tháng 7, các chuyên gia thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học-Công Nghệ Việt Nam công bố kết quả khảo sát đáy biển của bốn tỉnh phía Bắc miền Trung để xác định hậu quả thảm họa cá chết. Theo đó vùng biển phía Bắc miền Trung bị ô nhiễm nặng nề tới mức phải 50 năm nữa môi trường biển mới có thể hồi phục.

Việc khảo sát đáy biển bốn tỉnh phía Bắc miền Trung với kết quả như vừa kể được thực hiện từ ngày 4 tháng 5 đến ngày 15 tháng 5. Nó cho thấy, những viên chức kéo nhau xuống biển tắm và ăn hải sản vào lúc đó đã cố tình dối gạt dân chúng. (G.Ð)

MỚI CẬP NHẬT