Thursday, March 28, 2024

Thủ tướng Việt Nam nhận định về 40000 doanh nghiệp bị phá sản

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Đâu là điểm nghẽn của kinh tế Việt Nam, làm thế nào để đẩy mạnh, phát triển các ngành nghề kinh tế?,” tờ VnExpress hôm 2 Tháng Năm dẫn câu hỏi Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn Đàn Kinh Tế Tư Nhân Việt Nam 2019.

Tờ báo cũng cho biết ông Phúc dẫn chứng về những chiến công hào hùng của dân tộc và lập luận: “Nếu tính tổng nguồn lực, Việt Nam đều thua các đối thủ trong quá khứ nhưng vẫn chiến thắng nhờ nội lực vững mạnh, phát huy điểm mạnh của mình. Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển mạnh, có nhiều cải tiến nhưng vẫn còn tồn tại nhiều rào cản,” theo VnExpress.

Tuy vậy, phát ngôn của ông Phúc được cho là chỉ có giá trị tuyên truyền, vì trong bài tường thuật sự kiện nêu trên, tờ báo dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI): “Các cơ quan nhà nước đã nỗ lực nhưng chưa đủ, đâu đó còn tình trạng tự làm khó doanh nghiệp với hàng xuất cảng, tồn tại những hiện tượng bất hợp lý, độc quyền, hay tiền kiểm hàng xuất cảng. Doanh nghiệp chưa nhận được thông tin đầy đủ, vẫn loay hoay tự tìm hiểu. Còn nhiều câu chuyện khác như cơ sở yếu kém, thủ tục hành chính cải thiện nhưng chuyển biến còn mờ nhạt…”

Ông Huỳnh Thế Du, giám đốc đào tạo khoa Chính Sách Công và Quản Lý, Đại Học Fulbright Việt Nam, bình luận trên trang cá nhân: “Nghe những thông điệp đưa ra tại Diễn Đàn Kinh Tế Tư Nhân Việt Nam 2019; quan sát những thảo luận trên mạng xã hội về giá điện và những vấn đề tương tự mà rất nhiều người có lẽ là có thông tin và đã tiếp cận các kiến thức về kinh tế thị trường đòi hỏi những thứ rất phi thị trường, tôi thấy rằng con đường để có một nền kinh tế thị trường hoạt động lành mạnh và hiệu quả ở Việt Nam còn rất chông gai.”

“Tôi cho rằng rào cản của cái đuôi định hướng XHCN chỉ là ‘con muỗi’. Giả sử ‘cái lá nho’ che các bộ phận mà ai cũng biết trong đó là cái gì được cởi bỏ thì với quán tính và tư duy hiện tại, sự cải thiện hay thay đổi cũng sẽ chẳng đáng là bao. Cái cần cải thiện và thay đổi là nội hàm hay bản chất vấn đề chứ không phải là cái ngoại diện hay vẻ bề ngoài,” theo Facebook Huỳnh Thế Du.

Trong một diễn biến khác, tờ Thanh Niên hôm 2 Tháng Năm dẫn số liệu của Tổng Cục Thống Kê cho biết chỉ tính trong bốn tháng đầu năm 2019, có gần 40,000 doanh nghiệp ở Việt Nam tạm dừng kinh doanh, phá sản.

“Cụ thể, trong số này có 16,984 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19.7% so với cùng kỳ năm trước và 17,265 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.”

Tờ báo không nêu nguyên do khiến hàng vạn doanh nghiệp phải tạm dừng kinh doanh hoặc phá sản nhưng theo một bài trên báo Công Thương hôm 29 Tháng Tư dẫn lời Chuyên Gia Kinh Tế Phạm Chi Lan: “Điều kiện kinh doanh ‘đẻ’ ra nhiều lắm. Năm 1999 có 400 giấy phép con, đề xuất bỏ được 158 cái. Nhưng năm 2018 có đến hơn 6,000 điều kiện kinh doanh. Kể cả một số Bộ được coi là tiên phong thì vẫn chưa làm thực chất. Có những điều kiện được sắp xếp lại. Thậm chí vừa thấy bỏ được một vài điều thì lại thêm vào những điều kiện khác khắt khe hơn.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT