Sunday, May 5, 2024

Thuyết phục tư nhân đầu tư là thách thức lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam

Đó là nhận định của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (DEPOCEN) trong Báo cáo về Kinh tế Việt Nam 2017.

Trong bối cảnh ngân sách thiếu hụt, đầu tư ngoại quốc suy giảm, không còn được hưởng ưu đãi khi vay ODA, vốn của khu vực tư nhân sẽ trở thành hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam.

Tuy Quốc hội Việt Nam đề ra mục tiêu tăng trưởng GDP cho năm nay là 6,7%, giữ lạm phát ở mức 4% nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, mức độ tăng trưởng GDP của kinh tế Việt Nam trong năm nay chỉ có thể đạt tỉ lệ 6,3% và lạm phát có thể lên tới 4,5% vì nhiều lý do: Giá cả trên thị trường thế giới gia tăng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới lỏng chính sách tiền tệ, giá thực phẩm tại Việt Nam tăng do ảnh hưởng của thiên tai,…

DEPOCEN khuyến cáo chính phủ Việt Nam không nên chạy theo mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội Việt Nam đã đề ra. Thay vào đó nên dành ưu tiên cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn. Thuyết phục khu vực tư nhân gia tăng đầu tư được nhấn mạnh là “vô cùng cần thiết”.

Tháng trước, khi được hỏi về viễn cảnh của kinh tế Việt Nam, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam từng nhận định, năm năm qua đã khó song năm năm tới còn khó hơn!

Trong một cuộc trao đổi với tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ông Thiên nhấn mạnh, phải thay đổi cách nhìn về phát triển, không nên bận tâm đến tỷ lệ tăng trưởng GDP là bao nhiêu phần trăm nữa mà phải dồn sức tái cơ cấu nền kinh tế, gia tăng nội lực để có thể đứng vững khi hội nhập càng lúc càng sâu, càng rộng.

Ông Thiên không đồng tình với ý tưởng tái cơ cấu nền kinh tế để “tháo gỡ khó khăn” vì chỉ “tháo gỡ” thì không giải quyết được vấn đề. Thực chất của tái cơ cấu nền kinh tế là thay đổi mô hình tăng trưởng thành ra nếu chỉ “tháo gỡ khó khăn” sẽ chẳng làm được gì.

Ông Thiên nêu thắc mắc, tại sao chương trình, kế hoạch nào cũng chỉ đề cập đến “tháo gỡ” mà không minh định là phải “thay đổi”.

Ông Thiên lập lại hai vấn nạn mà rất nhiều chuyên gia đã khuyến cáo.

Vấn nạn thứ nhất là tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long. Nước ngọt giảm dần, nước biển càng ngày càng lấn sâu vào đất liền có thể phá vỡ toàn bộ cấu trúc ở đồng bằng sông Cửu Long. Đó không phải là thiên tai đơn thuần mà là vấn nạn càng ngày càng lớn. Vấn nạn này tác động đến cả kinh tế lẫn xã hội. Ông Thiên lưu ý, ở miền Bắc hay miền Trung, đói khổ đến đâu thì người ta cũng ráng chịu để trụ lại nhưng ở miền Nam, đói khổ có thể sẽ khiến cả làng bỏ xứ… Do vậy, tác động của biến đổi khí hậu đến đồng bằng sông Cửu Long đòi phải suy tính về điều kiện, cách thức phát triển của cả một khu vực lâu nay vốn rất trù phú.

Vấn nạn thứ hai là qui mô doanh nghiệp Việt Nam càng ngày cảng nhỏ và yếu. Năm ngoái, có khoảng 110.000 doanh nghiệp ra đời nhưng lại có 64.000 doanh nghiệp phá sản. Tại Việt Nam, hiện có 70% doanh nghiệp vận hành theo dạng gia đình, mục tiêu chỉ nhằm kiếm sống chứ không phải làm giàu. Lẽ ra khi qui mô càng nhỏ – ông Thiên ví von là “li ti như cám” – thì doanh nghiệp phải liên kết với nhau theo chuỗi để mạnh dần nhưng ông Thiên than rằng “doanh nghiệp của chúng ta thì không”.

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam liên tục lập đi lập lại rằng, “nếu không lựa chọn một phương thức phát triển khác”, Việt Nam sẽ tiếp tục thụt lùi. (G.Đ)

Mời độc giả xem phóng sự: Triển lãm hoa lan ở Little Saigon

MỚI CẬP NHẬT