Thursday, April 25, 2024

Báo Người Việt: Nhịp cầu quá khứ, hiện tại và tương lai

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Trần Tuệ Quân

Thấm thoát đã 40 năm trôi qua từ khi nhà báo Đỗ Ngọc Yến cùng các thân hữu và cộng sự của ông đã đứng ra đóng góp tâm huyết, công sức và tài chánh để thành lập báo Người Việt với mục đích phục vụ cũng như đáp ứng các nhu cầu thông tin và giải trí của một cộng đồng người Việt tị nạn đang hình thành tại Quận Cam. Đó không phải là một chuyện dễ làm và những bước khởi đầu đầy khó khăn đó đã xây dựng một nền tảng vững chắc cho đến ngày hôm nay. Nhân dịp báo Người Việt kỷ niệm 40 năm thành lập, tôi xin gởi lời chúc mừng và tri ân đến toàn soạn và các nhân viên của quý báo. Cũng nhân dịp này xin được gởi đến quý báo và quý độc giả một vài kỷ niệm của tôi về báo Người Việt những năm qua.

***

Gia đình tôi sang Mỹ vào đầu thập niên 1990. Cũng như nhiều gia đình khác định cư tại trung tâm Little Saigon và các vùng lân cận, nhật báo Người Việt đã đồng hành với chúng tôi ngay từ những bước đầu trong quá trình hội nhập vào đời sống ở nước Mỹ. Tuy vốn liến tiếng Anh của chúng tôi còn ít ỏi nhưng cái tò mò và nhu cầu tìm hiểu về cuộc sống trong xã hội mới của chúng tôi thì khá nhiều. Báo Người Việt đã đáp ứng một số các nhu cầu đó qua các mục tin tức, bình luận, văn hóa, quảng cáo, cáo phó, phân ưu, rao vặt,… Vì sống khoảng 20-30 phút cách trung tâm Little Saigon nên chúng tôi không được đọc báo hàng ngày mà đọc theo chu kỳ… đi chợ. Cứ mỗi lần đi chợ là mỗi lần chúng tôi rinh về một tuần báo người Việt. Chúng tôi thường mua báo trực tiếp ở chợ, hoặc từ các thùng bán báo được đặt ở các trung tâm thương mại hay trước tòa soạn Người Việt. Cũng có lúc chúng tôi mua báo từ các ông bà cụ đẩy các chồng báo trong xe đẩy của siêu thị nào đó hoặc ngồi bán báo trên các lề đường của các khu thương mại.

Vội vàng đọc báo giấy. (Hình minh họa: Tracy Nguyễn/Người Việt)

Báo mua về thường được truyền tay theo thứ tự từ lớn đến bé trong gia đình tôi. Mỗi thành viên trong gia đình tôi thư giãn với các tờ báo theo một cách riêng. Ông tôi thì hay ngồi trong phòng với tờ báo lúc để trên mặt bàn, lúc cầm trên tay. Ông có thói quen đeo mắt kính và dùng thêm kính lúp để đọc báo trong khi uống cà phê buổi sáng. Bà tôi bị lẫn nên không đọc báo được, nhưng hay thích mân mê các tờ báo trên tay. Thỉnh thoảng Bà lại dời tờ báo Ông tôi đang đọc dở dang sang một nơi khác làm Ông tôi nổi cáu. Bố tôi thích đọc báo vào buổi tối trong khi uống ly trà nóng hoặc nhâm nhi một món thức ăn vặt gì đó. Mẹ tôi tìm đến các tờ báo sau khi mọi việc nội trợ đã hoàn tất. Chị em tôi thì quen nằm dài trên sàn nhà đọc báo sau khi đi làm xong bài tập ở trường. Báo đọc xong thì được lưu lại trong ngăn kéo đựng giấy báo cũ để một ngày nào đó có dịp làm nghĩa vụ lót bàn trước khi bị vứt vào thùng rác.

Khi học lên đại học, tôi lại có dịp tiếp cận báo Người Việt qua một khía cạnh khác. Vì thông thạo tiếng Việt nên tôi có dịp giúp một vài vị giáo sư và các nhà nghiên cứu quốc tế tại Đại học UC Irvine tìm đọc các sách vở và tài liệu viết bằng tiếng Việt liên quan đến cộng đồng người Việt hải ngoại. Chính công việc nghiên cứu này đã dẫn tôi đến các số báo Người Việt cũ được lưu trữ tại Đại học UCI qua dạng microfilm. Có dịp đọc hàng trăm tờ báo cũ từ các thập niên 80 và 90 trên microfilm cho tôi một ghi nhận mới về báo Người Việt. Nếu trước đó, tôi đọc báo Người Việt để theo dõi tin tức hiện tại trong đời sống hằng ngày thì công việc nghiên cứu qua báo Người Việt lại mở ra cho tôi một cánh cửa khá thú vị để nhìn vào quá khứ của cộng đồng Người Việt tị nạn tại Quận Cam. Những lần ngồi đối diện màn ảnh và tay nhấn nút cho máy đọc microfilm đẩy các trang báo chụp lại trên phim chạy để tìm kiếm các thông tin cần thiết, tôi cảm thấy thích thú vô cùng vì có cảm giác như thời gian bay vụt qua hoặc đi chậm lại trên đầu ngón tay. Có lần, nhờ báo Người Việt cũ mà tôi có thể giúp một nhà nghiên cứu người Nhật thu thập các quảng cáo của các dịch vụ gởi quà và chuyển tiền về Việt Nam trong thập niên 80 để cô ấy có thêm tài liệu cho đề tài nghiên cứu về tầm quan trọng của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với xã hội Việt Nam qua việc gởi tiền và quà về cho thân nhân.

Những kinh nghiệm giúp người khác nghiên cứu và các lớp học ở UCI đã gieo cho tôi một đam mê tìm hiểu về kinh nghiệm lịch sử, xã hội và văn hóa của các cộng đồng di dân gốc Á Châu tại Mỹ. Theo cơ duyên, tôi chuyển sang miền đông bắc của nước Mỹ để tiếp tục con đường học vấn. Tuy không còn ở Quận Cam mười mấy năm nay, tôi vẫn tiếp tục đọc báo qua Người Việt Online. Nhờ vậy mà tôi vẫn cập nhật được các tin tức liên quan đến Việt Nam và các cộng đồng người Việt ở nhiều nơi, đặc biệt là ở Quận Cam. Bây giờ tôi không còn nằm dài trên đất để đọc báo như lúc tôi còn ở tuổi vị thành niên. Như Mẹ tôi ngày trước, tôi nay đọc báo hàng đêm ở bàn ăn sau khi các con tôi đã đi ngủ và mọi chuyện cần làm trong ngày đã xong.

Báo online, cập nhật rất nhanh. (Hình minh họa: Tracy Nguyễn/Người Việt)

Trong lúc tôi xa nhà, các thành viên trong gia đình tôi vẫn tiếp tục đọc báo Người Việt theo sở thích riêng. Khi có thời giờ Bố Mẹ tôi có dịp tham gia các buổi hội thảo hoặc các cuộc triễn lãm được tổ chức tại phòng sinh hoạt Báo Người Việt. Có một vài lần Bố tôi chở Ông tôi đến phòng sinh hoạt Báo Người Việt để xem các trận World Cup. Đó là những kỷ niệm đẹp cho gia đình chúng tôi.

Trong những năm gần đây, Ông tôi, Bà tôi và Mẹ tôi lần lược qua đời. Báo Người Việt và Người Việt Online đã giúp gia đình tôi đưa tin buồn đến thân bằng quyến thuộc gần xa cũng như đã chuyển đến cho gia đình chúng tôi những lời chia buồn của những người thân quen qua các mục cáo phó và phân ưu. Có thể nói, không những báo Người Việt đã đồng hành với gia đình chúng tôi trong quá trình hội nhập vào xã hội Mỹ mà còn tiếp tục gắn bó với chúng tôi trong những năm qua. Vì vậy mà báo Người Việt có một sự hiện diện khá đặc biệt trong ký ức tập thể của gia đình tôi.

Đối với tôi, từ góc nhìn cá nhân và từ góc nhìn nghiên cứu, báo Người Việt là một nhịp cầu nối liền quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi mong sao các con tôi sẽ có đủ khả năng tiếng Việt để có thể đọc được báo. Tôi cũng mong sao các thế hệ sau sẽ tìm đến các tờ báo cũ để tìm hiểu thêm về đời sống hằng ngày của những người đi trước.

Xin gởi lời cảm ơn đến những ai đã và đang làm việc trước và sau hậu trường để có được các tờ báo đầy sinh động với các bài viết hay và trung thực để phục vụ nhu cầu đọc báo và tìm hiểu của người Việt Nam ở hải ngoại cũng như trong nước. Mến chúc báo Người Việt và Người Việt Online có một tương lai đầy thành công và tươi sáng. (Trần Tuệ Quân)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT