Thursday, March 28, 2024

Người Việt 9 nút!

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Lý Giang Thành

Viết tâm tình của mình với người nào đó như tâm tình với người mình yêu thương, với bạn bè, với vợ hay chồng, với con cái hình như dễ ăn dễ nói hơn là tâm tình về một tờ báo đọc hàng ngày mà mình chưa một lần nào được nói chuyện với ban biên tập hay được cộng tác với tờ báo đó.

Như vậy tâm tình cùng báo Người Việt có thể suy diễn ra là tình cảm của mình, của người đọc hay của người tỵ nạn mà được đọc báo Người Việt, tờ báo viết bằng tiếng Việt, tờ báo đã từng vượt qua được những khó khăn kể từ năm 1978 cho tới ngày hôm nay, phát triển không ngừng và sống vững mạnh cho tới ngày hôm nay.

Tôi biết đọc nhật báo ở Việt Nam từ năm tôi học lớp Ðệ Thất, Ðệ Lục trường Trung Học Hà Tiên. Quê tôi bé nhỏ nhưng xinh xắn, với biển cả, với núi rừng, với nhiều ngôi cổ tự và với những con người rất hiền hòa và chân thật. Một miền đất xa xôi như vậy mà mỗi ngày vẫn có một số nhật báo và tạp chí được một chuyến xe đò hay còn gọi là xe thơ Liên Trung, chuyên chở báo chí phát hành sàng sớm từ Sài Gòn về Hà Tiên, cho người dân ở đây có báo để đọc vào khoảng 2 hay 3 giờ chiều cùng ngày.

Hồi đó khoảng năm 1956, ông nội tôi hay đọc báo Tiếng Chuông và báo Buổi Sáng. Lúc còn nhỏ tôi không thích đọc tin tức hay thời sự chính trị, tôi chỉ mê đọc tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài, truyện tình ái lăng nhăng càng lâm ly càng thích thú. Lớn lên tôi đọc Tiếng Dồi, Ðuốc Nhà Nam của ký giả lão thành Trần Tấn Quốc, người sáng lập huy chương vàng giải Thanh Tâm hàng năm dành cho các nghệ sĩ cải lương tài sắc vẹn toàn. Tôi theo dõi về những bài viết về kịch nghệ cải lương, những bài phân tách và phê bình những vở tuồng nổi tiếng cũng như đào kép của các đoàn hát lớn như Thanh Minh Thanh Nga, của Dạ Lý Hương, của Hương Mùa Thu…

Vận nước nổi trôi, tôi cũng như bao nhiêu người Việt phải ra đi như những đàn chim bay khắp phương trời. Những năm đầu của cuộc đời tị nạn, tôi rất bi quan và nghĩ là những bài báo kỷ niệm một thời xa xưa mình yêu thích, thí dụ như những bài viết về cải lương miền Nam sẽ không còn ai đó đủ trình độ hiểu biết để nhắc đến hay viết đến nữa, mất hết rồi!

Nhưng rồi một ngày đẹp trời lại đến, một người bạn đã cho tôi địa chỉ báo Người Việt Online trên mạng và bảo tôi: đọc Người Việt đi, khá lắm, không phải báo chợ đâu!

Thật vậy, nhờ Người Việt, tôi được đọc lại những bài viết về ca kịch cải lương miền Nam. Tôi mến một nhà văn Ngành Mai còn giữ được nhiều tài liệu quý giá về nghệ thuật sân khấu cải lương, và thường nhắc nhở lại những vở tuồng nổi tiếng một thời như tuồng Tuyệt Tình Ca, Nửa Ðời Hương Phấn, Con Gái Chị Hằng…

Ðọc Người Việt Online hàng ngày, tôi thấy phấn khởi hơn, vui vui pha chút u buồn vì có những bài viết liên quan đến những chuyện ngày xưa ở quê nhà, những kỷ niệm không bao giờ quên được. Trên 40 năm lưu lạc quê người, đa số chúng ta luôn để tâm mình về một góc phố ngày xưa hay một hình ảnh thân yêu nào đó ở quê nhà. Báo Người Việt đã làm sống lại, đã khỏi dậy lên những tâm tình của trăm ngàn độc giả Việt Nam tỵ nạn khắp năm Châu.

Tôi sống ở một tỉnh nhỏ, vùng Bắc Cali, không có chợ Việt Nam, không có cộng đồng người Việt, có vài quán phở và chỉ có một quán phở biếu không cho khách hàng những tờ tuần báo chuyên quảng cáo như báo Mõ, Thời Báo… Tôi không có may mắn cầm được báo Người Việt trên tay như các bạn ở Nam Cali, nhưng qua báo Người Việt Online, Người Việt TV đã làm cho tôi có một niềm tin và niềm tự hào cho những người xa xứ. Tôi thích xem những cuộc phỏng vấn của Ðỗ Dzũng, của Ðinh Quang Anh Thái hay cô Ngọc Lan với các nhà báo, nhà văn lão thành, những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm như Ngô Nhân Dụng, Nguyễn Xuân Nghĩa…

Thấy cái gì hay thì nói hay, tôi không sợ người ta cho mình là “nâng bi,” là phù thịnh.

Nhớ lại cách đây mấy năm, hồi tôi còn mài đũng quần làm việc trả nợ áo cơm, lúc rỗi rảnh, tôi hay lướt nhẹ một vòng Người Việt Online trên máy điện toán, để xem sơ qua trong ngày có tin gì mới mẻ hay bài viết gì hấp dẫn cần học hỏi thêm. Ðọc hối hả, đọc thật nhanh để còn tiếp tục việc làm thường ngày của mình. Nhiều bài của Người Việt rất bổ ích cho tất cả mọi người, đặc biệt cho quý bô lão sáu bảy bó trở lên, thí dụ bài “Viết Cách Ði Bộ Cho Có Hiệu Quả,” trên báo hồi năm 2005 của cô Yến Tuyết. Tôi thấy hay quá, bèn in ra và bắt đầu tranh thủ thời gian để có thì giờ đi bộ sau giờ cơm trưa, chỉ cần đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày và đi bộ thêm mỗi cuối tuần trước khi nhâm nhi ly cà phê sáng. Kết quả thật bất ngờ, sau sáu bảy tháng, tôi cảm thấy khỏe khoắn hơn, yêu đời hơn và một trong những cái bệnh ba cao, một thấp (tức là cao mỡ, cao máu, cao đường và thấp khớp) của tôi từ từ hạ nhiệt. Tôi mừng quá và tự khen mình là biết chịu khó, là may mắn, là nhờ đọc báo… Người Việt và kể từ đó ông bác sĩ gia đình của tôi bớt hăm he bắt tôi phải uống thuốc!

“Nhập gia tùy tục,” sống trên đất nước văn minh này, nếu bảo người đọc cho biết “tâm tình của đọc giả cùng Người Việt qua 40 năm” tức là người đọc nghĩ gì về tờ báo này: hay, dở, hay cũng thường thường thôi? Chúng ta thử làm một màn “survey” giống như các công ty thương mại Mỹ thường gởi cho khách hàng cái thang điểm được đánh số từ số 1 cho tới số 10, khách hàng đánh số càng cao, càng tốt và khách hàng còn viết lên ý kiến tại sao họ thích hay không thích sản phẩm của công ty, cần phải thay đổi như thế nào để sản phẩm hoàn hảo hơn và được ưa chuộng hơn.

Căn cứ vào thang điểm nói trên, tôi dành cho báo Người Việt số 9, hay là 9 nút, một con số tuyệt vời vì báo Người Việt được độc giả ưa thích và là tiếng nói trung thực của người Việt tự do hải ngoại, được người Việt Nam cả trong và ngoài nước đọc hàng ngày. Tôi không dám cho Người Việt số 10 dù số 10 là số cao nhất, hoàn hảo nhất nhưng vì có người cho rằng số 10 là số bù, không hên nên tôi đành bỏ qua số đó vậy!

“Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,” nhắc đến con số Bốn Mươi Năm Người Việt mà không nhắc đến cố ký giả Ðỗ Ngọc Yến là một thiếu sót rất lớn. Tôi nhớ đến người sáng lập tờ tuần báo Người Việt từ năm 1978 rồi sáu, bảy năm sau tờ tuần báo trở thành tờ nhật báo. Những năm đầu, cố ký giả Ðỗ Ngọc Yến đã phải tự mình lái xe chuyên chở báo, phân phát báo, in báo…

Qua 40 năm, một đoạn đường thật dài, từ những bước đầu khó khăn, trở ngại để rồi tờ báo càng ngày càng phát triển không ngừng về mọi mặt với một trang web đồ sộ, bài vở phong phú với nhiều tiết mục độc đáo, tin tức nhanh chóng; báo Người Việt xứng đáng là một món ăn tinh thần cho tất cả người Việt Nam chúng ta.

Thành thật chúc mừng 40 năm báo Người Việt. (Lý Giang Thành)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT