Thursday, April 18, 2024

Tưởng nhớ bạn xưa

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua email: [email protected].

Tố-Nga

Cẩn thận xếp xấp báo Người Việt đặt lên gối nằm, má tôi chậm rãi ra nhà ngoài ngồi uống nước trà. Ở nước Mỹ, với những người già cả như má tôi, thì thứ giải trí duy nhất là đọc các báo Việt ngữ. Kế đến là phim Tàu.

Má tôi theo gia đình anh Hai vượt biên năm 72 tuổi, sau khi sống dưới chế độ Cộng Sản đầy cay chua mặn đắng suốt 8 năm trời. Các anh chị em tôi đều lần lượt bỏ nước ra đi, tôi là người duy nhất trong gia đình còn ở lại vì nhiều lý do. Thứ nhất ở lại để giữ nhà, chẳng may chuyến đi không thành công, người trở về còn có chỗ dung thân để tiếp tục lần kế tiếp. Lý do thứ hai tôi ở lại là để dò tìm tin tức của cậu em út. Em tôi là một sĩ quan Hải Quân, đi tù như mọi người sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm miền Nam sau ba năm tù đày ở Trảng Lớn thì bặt tin luôn, sống chết gia đình không hay biết.

Nhật báo Người Việt má tôi đọc hằng ngày, đọc hết mọi mục. Má tôi không bao giờ khuyến khích tôi đi vượt biên vì bà biết rõ đường đi quá gian nan nguy hiểm. Trong tâm thì nghĩ vậy nhưng bà luôn hy vọng một ngày nào đó những chuyến tàu vượt biên đến được đảo có tôi ở đó, hoặc một ngày nào đó đọc được tin đứa con còn lại gởi vài dòng nhắn tin tìm thân nhân của mình. Cũng như má tôi, tuy không muốn khơi dậy chuyện sống còn của em mình, chúng tôi đều nghĩ em tôi không còn hiện hữu trong cõi đời này nữa. Một vài người bạn được trở về cho hay em tôi đã trốn trại, nhưng không bị bắt đem về xử tội. Có thể thoát chết ở biên giới Việt-Miên.

Tôi may mắn vượt thoát Cộng Sản, đến bến bờ tự do sau má tôi 4 năm.

Cũng như má tôi, những ngày tháng đầu tiên đến Mỹ tiếng Anh tiếng u không biết, giải trí duy nhất cũng là đọc báo Việt ngữ. Má tôi đọc báo Người Việt từ mấy năm nay, đó là người bạn tinh thần, không thể thiếu trong năm tháng còn lại của bà. Mục đầu tiên tôi đọc là mục Cáo Phó. Nhờ đó mình mới biết được số bằng hữu còn lại ai còn ai mất. Một ngày cuối năm, đọc báo tình cờ tôi nhận ra Ngọc Dung trong mục Cáo Phó. Kỷ niệm xưa trở về trong ký ức: Niên học đệ tứ ở một trường trung học tư thục, lớp tôi có thêm một số bạn mới. Chỉ có hai người bạn mới là được chúng tôi để ý nhiều nhất. Thứ nhất là bạn Ngọc Dung từ Ðà Lạt. Bạn là học trò cưng của thầy dạy Pháp Văn. Ngọc Dung nói tiếng Pháp lưu loát vì cô học trường Tây Ðà Lạt chuyển về. Người thứ hai là anh Phạm Việt, là học sinh di cư từ miền Bắc. Tuy là bạn học cùng lớp nhưng anh Việt hơn chúng tôi cỡ ba đến bốn tuổi. Thuở đó hồ sơ bị thất lạc vì chiến tranh, nên tuổi tác đi học trong lớp thường chênh lệch. Anh Việt là trưởng lớp, học giỏi, cởi mở, tuy có nghiêm trang. Anh như là người anh cả trong gia đình, sẵn sàng chỉ dạy khi chúng tôi không hiểu hết bài vở ở lớp. Cuối năm đệ tứ, thi xong trung học đệ nhất cấp, chúng tôi mỗi người mỗi ngã, nam sinh vào Quốc Học, nữ sinh vào Ðồng Khánh, một số theo gia đình chuyển đi xa, một số thi vào trường cao đẳng trung cấp. Một hôm anh Việt nói lời từ giã với các bạn, anh cho biết đã nộp đơn thi vào trường Sĩ Quan, các bạn muốn biết làm sao để liên lạc với anh sau này. Tôi nhớ hôm đó anh Việt có vẻ xúc động, nói “địa chỉ của anh là miền Bắc xa vời.”

Tôi theo địa chỉ ở báo Người Việt đến nhà quàn tìm thăm người bạn quá cố. Ngọc Dung của chúng tôi ở trên bàn thờ, chung quanh đầy hương hoa, Ngọc Dung với mái tóc bạc, đôi mắt hiền hòa, đượm buồn. Một cô gái trạc tuổi con tôi đứng dậy đến chào và giới thiệu là con gái của người quá cố. Tôi vội hỏi: “Cháu có phải là Di-Linh không?” Cô gái ngạc nhiên và gật đầu. Tôi nắm chặt hai tay nước mắt tương trào, làm sao tôi có thể quên được một ngày cách đây gần 50 năm, tôi đang trực ở khu sản khoa thì Ngọc Dung vào sanh. Cô đi một mình với một xách đồ đạc. Ngọc Dung cho tôi hay chồng mình vừa hy sinh trong trận đánh Ðồng-Xoài cách đây bốn tháng. Tôi là người đỡ đẻ cho Ngọc Dung, tôi cũng là người ký tên vào giấy khai sinh của Di-Linh và cũng là người mẹ nuôi của Di-Linh lúc đó.

Trải qua bao năm tháng chúng tôi bặt tin nhau, nay nhờ sự kết nối qua báo Người Việt, Ngọc Dung tuy không còn nữa nhưng tôi sẽ nhớ mãi người bạn xưa qua gia đình của Di-Linh.

Cũng như tôi, từ nay nơi xứ lạ quê người Di-Linh cũng cảm thấy gần gũi mẹ mình hơn qua hình ảnh của tôi, một người bạn xưa của mẹ mình, một người mẹ nuôi chỉ được nhắc nhở, mà chưa bao giờ gặp mặt. (Tố-Nga)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT