Monday, April 29, 2024

Hoạt động của Hội Nạng Gỗ tại Pháp

Huy Phương/Người Việt (thực hiện)

Hiện nay trên thế giới tự do, trong những cộng đồng tỵ nạn, đồng bào, sau khi cuộc sống ổn định, đã ngồi lại với nhau, lập nên những nhóm bạn hay tổ chức, nhằm giúp đỡ những thương binh VNCH, đang sống cuộc đời cơ cực, khốn cùng ở quê nhà. Không kể đến Hội H.O. Cứu Trợ TPB-QP/ VNCH là một tổ chức lớn, với sự hợp tác của Trung Tâm Asia và đài truyền hình SBTN, đã tổ chức 10 kỳ Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH thành công rực rỡ, mỗi kỳ số thu vào xấp xỉ $1 triệu, còn lại nhiều tổ chức tuy không có tầm vóc lớn, nhưng cũng góp một bàn tay để hỗ trợ thương binh. Phải nói trên thế giới, ở đâu có cộng đồng người Việt tỵ nạn Cộng Sản là ở đó có sự hiện diện của các tổ chức cứu trợ thương binh VNCH.

Một trong những tổ chức đó là Hội Bạn Thương Binh VNCH, hoạt động từ 27 năm nay, được gọi tắt là “Hội Nạng Gỗ,” ra đời tại Pháp với mong muốn giúp đỡ phần nào cuộc sống bất hạnh của những người đã hy sinh một phần thân thể cho tổ quốc. Ông Nguyễn Quang Hạnh, một cựu quân nhân VNCH, một người tù tập trung, sau khi định cư tại Pháp, đã không quên anh em chiến hữu, lập ra tổ chức này. Mục tiêu hàng đầu của hội là giúp đỡ các gia đình thương binh, sau đó có dịp giúp đỡ thêm cho những hoàn cảnh của những đồng bào, và cuối cùng hội cũng bắt tay tham gia vào việc trùng tu một số ngôi mộ vô danh, bị xiêu lạc trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.

Chúng tôi đã được dịp phỏng vấn ông Nguyễn Quang Hạnh, để biết rõ hơn về quá trình hoạt động của hội.

***

Huy Phương (NV): Xin chào anh, xin anh vui lòng cho biết qua sơ lược vài dòng tiểu sử của anh.

Nguyễn Quang Hạnh: Là một quân nhân, với 15 năm trong các đơn vị tác chiến, ngày 28 Tháng Tư, 1975, trong trận đánh cuối cùng, tôi bị Cộng Sản bắt làm tù binh. Sau tám năm tù “cải tạo,” tôi được về nhà, đến năm 1985 đến tỵ nạn tại Pháp cho đến nay.

NV: Anh và nhóm anh thành lập Hội Nạng Gỗ lúc nào?

Nguyễn Quang Hạnh: Sau bốn năm đến Pháp, vất vả để hội nhập vào đời sống xứ người, mãi đến năm 1989, cuộc sống của tôi được ổn định, tôi bắt đầu có ý định phải tìm cách giúp đỡ những anh em cùng đơn vị bị tàn phế đang còn ở quê nhà. Lúc đầu là công việc giúp đỡ cho anh em trong đơn vị, có tính cách gia đình, cho những người tôi biết trước khi ra đi, hay biết qua bạn bè. Sau một thời gian, tôi tìm cách phát triển hội, bằng cách mời một số anh em cựu quân nhân tại Pháp, cùng quan điểm, đứng đơn xin phép chính phủ để thành lập hội.

Hội có tên “Association d’Aide aux victimes de guerre du Vietnam.” Ngoài ra, tại hải ngoại, hội còn có tên “Hội Bạn Thương Binh VNCH” hay gọi tắt là Hội Nạng Gỗ.

Mục đích của hội là làm cho dư luận biết và chú ý đến cuộc sống thiếu thốn và thống khổ tại quê nhà của thương binh VNCH bị lãng quên và sống bên lề xã hội. Vận động các tổ chức, đoàn thể và các nhà hảo tâm giúp đỡ họ, là trung gian giữa người giúp và người được giúp.

NV: Thưa anh, trong 27 năm, Hội Nạng Gỗ đã làm được những gì giúp cho thương binh, tử sĩ và những kẻ nghèo khó?

Nguyễn Quang Hạnh: Sau 27 năm, hội chúng tôi đã giúp được 47,254 hồ sơ, chia ra như sau, 22,474 thương binh được giúp từ 50 đến 100 euro, 475 thương phế binh được tặng xe lăn tay và 40 euro, 241 thương phế binh được tặng xe lắc tay và 40 euro, 1,745 cô nhi quả phụ được tặng 50 euro, 11,595 cụ già neo đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật, được tặng quà gồm quần áo, gạo, đường, mì gói, dầu ăn (mỗi phần trị giá 20 euro), 5,618 trẻ mồ côi, trẻ em nghèo được tặng quà vào dịp Tết Nguyên Ðán, gồm bánh kẹo, đồ chơi, dụng cụ học tập, mỗi phần trị giá 15 euro, 1,342 suất học bổng cấp 1, mỗi phần 60 euro, 902 suất học bổng cấp 2, mỗi phần 80 euro, 560 suất học bổng cấp 3, mỗi phần 100 euro, và 28 suất học bổng đại học y khoa, mỗi phần 300 euro.

NV: Sự giúp đỡ này, hội trực tiếp mang về cho thương binh VNCH ở Việt Nam hay gởi qua trung gian?

Nguyễn Quang Hạnh: Quan niệm của chúng tôi là đồng tiền “nhân nghĩa” của ân nhân rất quan trọng, muốn tạo được uy tín và tin cậy, thì phải trao tận tay người thụ hưởng và đầy đủ chứng từ. Do đó chúng tôi có nhiều cách gởi.

Gởi qua các dịch vụ chuyển tiền hợp pháp, giấy hồi báo có chữ ký nhận. Hội nhờ các thầy, ni cô, ở các chùa hoặc các soeur ở các nhà thờ tổ chức tặng quà. Người đại diện của hội tại Việt Nam đến tận nơi trao quà và chụp hình thương binh. Ngoài ra, các thành viên của hội, nếu có dịp về Việt Nam sẽ đi thăm hỏi và trao quà tận tay.

Tiện đây tôi cũng xin nói thêm về sự hưởng ứng của đồng bào hải ngoại. Một trong những tổ chức đã liên tục giúp hội trong suốt 13 năm qua là Hội La Vang tại thành phố Nijmegen, Hòa Lan. Ông Nguyễn Thanh Sơn, gia trưởng một gia đình 11 người con và cũng là hội trưởng La Vang, cho biết, bác Trần Văn Ninh, một nhân sĩ lớn tuổi ở Nijmegen, có đến thăm và bác có đưa tờ báo Nạng Gỗ. Các cháu ở nhà xem thấy những hình ảnh trong trang báo, các cháu rất xúc động và muốn đóng góp phần nào cho các thương binh VNCH. Từ đó các cháu xin giáo xứ ở đây, mỗi Chủ Nhật đầu tháng cho các cháu bán chả giò để gây quỹ. Sau năm năm, Gia Ðình Tình Thương La Vang trở thành Hội Bạn Tình Thương La Vang với thêm sự đóng góp của những người Hòa Lan giàu lòng nhân đạo.

Vì tiền thu được trong chuyện bán chả giò quá khiêm nhường, mỗi tháng chỉ được từ 100 đến 200 euro, hội đồng giáo xứ cho thành lập Hội Bạn Tình Thương La Vang, với sự hưởng ứng nhiệt tình của những ân nhân người Hòa Lan, hàng tháng ai cũng giúp từ 10 đến 20 euro, bởi thế, số tiền đó mới được tăng lên và vào những dịp lễ như Phục Sinh, Giáng Sinh, và Tết. Rồi Hội La Vang chuyển tiền sang Hội Nạng Gỗ bên Pháp để hội tùy nghi giúp đỡ cho thương binh.

Tôi cũng xin nói thêm, bà Nguyễn Huệ Khanh ở Westminster, California, Hoa Kỳ, và nhiều ân nhân ở Nam California đã giúp cho hội, nhất là trong thời gian hội tham gia vào việc trùng tu các ngôi mộ trong Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa.

NV: Thưa anh, hội bắt tay vào việc trùng tu lại các ngôi mộ từ khi nào?

Nguyễn Quang Hạnh: Cá nhân tôi rất “nặng tình” với nghĩa trang, vì những ngày cuối Tháng Tư, 1975, tôi thường đưa anh em trong đơn vị tử trận vào đây để mai táng. Sau khi tù “cải tạo” về, tôi thường vào nghĩa trang để thắp nhang cho anh em tử sĩ (vì nhà tôi ở Thủ Ðức). Năm 2003, lần đầu tiên tôi về thăm quê và vào nghĩa trang, thời gian này, nghĩa trang do bộ đội Cộng Sản quản lý, tôi nhận thấy có những đàn bò ăn cỏ và một vài ba nhóm người ngồi dưới gốc cây với cuốc xẻng, hỏi ra, họ là người ngồi chờ để thân nhân thuê đắp lại mộ. Năm 2007, nghĩa trang được bàn giao cho huyện Dĩ An quản lý thành một nghĩa trang dân sự, kể từ đó mọi người được vào lễ bái và sửa sang mộ phần tử sĩ. Hội chúng tôi chính thức xây mộ cũng từ thời điểm này.

NV: Về việc giúp thương binh cũng như trùng tu mộ các tử sĩ VNCH trong nghĩa trang, anh có gặp khó khăn gì không?

Nguyễn Quang Hạnh: Về việc giúp thương binh thì những năm khởi đầu, lúc đó việc liên lạc trong và ngoài nước còn rất khó khăn, công việc từ thiện, là điều cấm kỵ và nhạy cảm. Chúng tôi làm việc này như đi giữa hai làn đạn.

Về việc tu sửa mộ tại nghĩa trang, những năm đầu họ cho rào nghĩa trang thành một khu quân sự, cấm người lai vãng. Sau ngày gọi là “mở cửa” thì người vào thắp nhang lễ bái được dễ dàng và cũng được trùng tu mộ phần, nhưng không có tính cách qui mô theo quy định. Trước khi vào nghĩa trang phải để lại giấy tùy thân tại cổng gác, nếu xây, sửa mộ thì phải làm đơn xin phép, có giấy phép mới được làm.Tính đến nay chúng tôi đã làm được 2,932 ngôi mộ được dọn cỏ, bồi lấp đất, dựng lại bia gãy đổ (phần này được thực hiện trong thời gian đầu), 2,050 ngôi mộ được xây mới, trong đó có 800 ngôi mộ được các nhà hảo tâm ở Hoa Kỳ ủng hộ tài chánh, phần này do bà Nguyễn Huệ Khanh đại diện hội tiếp nhận. Mỗi ngôi mộ phí tổn xây là 1.3 triệu đồng, có chứng từ ký hợp đồng với ban xây dựng của nghĩa trang. Sau mỗi đợt xây mộ xong, chúng tôi mua hoa quả, nhang đèn để làm lễ hoàn tất. Mỗi đợt xây mộ xong, hội chúng tôi đều tường trình chi tiết và đưa hình ảnh trong đặc san Nạng Gỗ.

NV: Hiện nay, hội còn gây quỹ hay có lời kêu gọi nào với đồng bào hải ngoại không?

Nguyễn Quang Hạnh: Anh Huy Phương cho phép tôi có vài lời thưa với đồng bào! Cuộc chiến nào cũng để lại những đau thương và mất mát to lớn cho người dân nói chung và người lính nói riêng, cuộc chiến để bảo vệ miền Nam đã đi qua 41 năm nhưng nỗi đau còn đó, người thương phế binh VNCH đang sống trong đói khổ lầm than, bị xã hội lãng quên. Mộ phần của những người lính “thua trận” thì bị di dời hoặc bỏ hoang phế, không người săn sóc. còn lại bao nhiêu tử sĩ VNCH? Khó mà biết được. Nỗi đau còn đó!

Người Việt tự hào có 4000 năm văn hiến, đạo làm người không cho phép chúng ta thờ ơ trước nỗi đau chung. Bổn phận trách nhiệm và văn hóa, chúng ta phải đền ơn đáp nghĩa đối với những người lính đã hy sinh. Mỗi năm có biết bao ngàn người Việt ở khắp mọi nơi về thăm quê hương, xin hãy dành chút thời gian gặp anh em thương binh. Họ sẽ ôm lấy quý vị và họ sẽ khóc, không phải vì đói khổ, mà khóc vì thiếu thốn tình người, họ muốn tâm sự và chia sẻ nỗi đau thân phận.

Xin quý vị đến Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa và thắp một nén nhang trên ngôi mộ tử sĩ vô danh thôi cũng đủ. Xin một lần đến đây, đứng trước hơn 10,000 ngôi mộ quanh hiu để thấy hồn nước vẫn còn đó. Họ nằm đó dưới nấm mồ hoang phế, sụp đổ, hoang tàn, chắc quý vị không thể nào cầm được nước mắt. Họ nằm chờ người thân, chờ đồng đội, chờ đồng bào, họ nằm đó để giữ lại mảnh đất lịch sử của tự do.

Ðã đến lúc chúng ta phải có hành động cụ thể, tránh tranh luận phải trái vô ích, bây giờ người thương binh cần có viên thuốc giảm đau, chén cơm đỡ đói. Tử sĩ cần có nấm mồ là ngôi nhà che mưa che nắng. Chúng tôi mong mọi người tiếp tay xây mộ tử sĩ, hơn 10,000 ngôi mộ phải xây, không phải là nhiều so với số người tỵ nạn ở hải ngoại. Nay tình hình thuận lợi, mọi người được vào nghĩa trang để xây mộ, nếu vì một lý do nào được không làm được, quý vị có thể nhờ hội làm thay. Hồn thiêng tử sĩ mong chờ chúng ta.

Mọi chi tiết, xin liên lạc với hội tại địa chỉ: 5 Rue Eugène Delacroix, 95500 Gonesse, France; hoặc qua email: [email protected], hoặc bà Nguyễn Huệ Khanh (714) 839-7758 (Hoa Kỳ), Bác Sĩ Nguyễn Quang Hiệp (450) 466-2548 (Canada).

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT