Monday, April 29, 2024

Tạp chí Sáng Tạo và thơ ‘Tự Do’

Viên Linh/Người Việt

Một sáng Thứ Hai trong Tháng Tám này, một người bạn thơ mang cho tôi mượn những tờ tạp chí đăng những bài thơ tự do sớm nhất ở miền Nam Việt Nam. Trong 15 số báo xuất bản từ Tháng Mười, 1956, tới Tháng Bảy, 1961, người đọc ghi nhận được những điểm sau đây quanh tờ báo ấy.

Sáng Tạo số 1 ra mắt vào Tháng Mười, 1956, 48 trang khuôn khổ 6 ¼ x 9 ½ phân Anh, cộng với bốn trang bìa giấy trắng dày hơn, ngoài bìa đề “Mai Thảo chủ trương biên tập; tạp chí văn nghệ xuất bản hàng tháng, giá 6$00; tòa soạn và trị sự 133 Ký Con, Sài Gòn.”

Báo mỏng, song trình bày giản dị nghiêm chỉnh, tên tuổi và đầu đề các bài viết thu hút được sự chú ý của người đọc, nhất là đó là lần đầu tiên kể từ 1954, Sài Gòn có một tờ tạp chí đã in tên tác giả ra bìa mà tên tác giả in bằng chữ đậm và lớn hơn là nhan đề các bài báo của họ.

Số ra mắt, dưới tên tờ tạp chí nằm choán hết bề ngang cái bìa, trên một băng mực đen bề cao cỡ 7 cm đến 8 cm, có dòng chữ chìm đọc thấy “Trong số này: Mai Thảo: Sài Gòn thủ đô văn hóa Việt Nam; Nguyên Sa: Kiến thức rộng và chuyên môn; Lê Văn Siêu: Quán cháo lú; Mặc Đỗ: Công việc dịch văn; Lê Thương: Nguyên lý âm nhạc trong căn bản ngôn ngữ; Vũ Khắc Khoan: Sân khấu và vấn đề xây dựng con người; Thái Tuấn: Một vài nhận xét về nghệ thuật hội họa; Nguyễn Sỹ Tế: Quan niệm nhận thức Nguyễn Du.”

Với trang bìa như thế, “người nào việc nấy,” người ta thấy người đứng ra chủ trương tờ báo đã biết rõ người và việc, những tác giả có bài trong số ra mắt là những người có thẩm quyền về đề tài mà họ viết.

Lúc ấy Mặc Đỗ, Vũ Khắc Khoan hai nhà văn nổi tiếng trong nhóm Quan Điểm từ Hà Nội, và Lê Thương nhạc sĩ tác giả ba bản Hòn Vọng Phu I, II, III với cái nhan đề gây tò mò suy nghĩ: “Nguyên lý âm nhạc trong căn bản ngôn ngữ.”

Trang bìa sau quảng cáo tiềm năng của Sáng Tạo: “Tạp chí văn nghệ Sáng Tạo sẽ trình bày trong những số tới, phần biên khảo của các tác giả Lê Văn Siêu, Lê Thương, Mặc Đỗ, Nguyên Sa, Mai Thảo, Phạm Duy, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Hữu Ba (giáo sư cổ nhạc),” “cùng với nhiều tiếng nói nghệ thuật của những người văn nghệ đang góp phần vào cuộc xây dựng văn hóa mới.”

Tên tờ báo dùng chữ sê-rif (chữ có chân) (3) khổ rất lớn (sau được biết do họa sĩ Duy Thanh chọn), cho thấy người chủ trương tờ báo vốn có một thẩm mỹ quan hằng quen thuộc với thế giới ấn phẩm Âu Mỹ.

Hai chữ Sáng Tạo để trắng lộ màu giấy bìa, chặn ngang trên đầu cái bìa bằng một băng mực đen đậm. Suốt vài chục số báo kế tiếp hai chữ Sáng Tạo không hề thay đổi, chỉ trừ “số đặc biệt Xuân Mậu Tuất – số 17,” rồi tới số 25 cho tới số 31 dùng lại mẫu bìa của số 17 cho tới khi đóng cửa vĩnh viễn.

Tới số 2, bìa báo in nền mực đỏ, chia làm bốn lãnh vực: biên khảo, sáng tác, thơ tự do, và phê bình văn nghệ. “Thơ tự do” là ba chữ in rõ ngoài bìa, thơ của ba người: Trần Thanh Hiệp, Nguyên Sa, Quách Thoại. Mục phê bình văn nghệ đặc biệt đề cập ba nghệ sĩ nước ngoài: Hemingway, Camus và Picasso.

Sáng Tạo số 3, Tháng Mười Hai, 1956, đã lên mức 56 trang, bìa không in nền màu vàng hay màu đỏ như hai số đầu, mà nền giấy thô sơ mộc mạc. Dù thế người đọc cảm thấy tờ báo dày hơn, nhờ ở số bài vở nhiều hơn: tên tác giả và tên bài ở cùng một dòng, không còn được hai dòng như trước.

Chữ nghĩa vì ít chỗ nên các dòng chữ gần nhau hơn, sát hơn, con chữ cũng thu hẹp lại bề ngang, ngó chật hơn và chặt hơn, nhìn như là phong phú hơn.

Và quả có thế, người ta thấy ít ra là có 15 tác giả có mặt, tên tác giả in nhỏ đi một chút song vẫn ở thân chữ mập (bold), nên vẫn nổi lên, từ trên xuống dưới.

Biên khảo có Lê Văn Siêu, Đào Sỹ Chu, Lê Thương, sáng tác văn xuôi có Mai Thảo, Duy Thanh, “thơ tự do” – vẫn là ba chữ của tờ báo in ngoài bìa – có Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền; phê bình văn học có Nguyễn Sỹ Tế, Nguyên Sa (tuy đề tài còn ở trong giới hạn chương trình trung học về các tác giả cận đại như Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương), và thêm mục sinh hoạt nghệ thuật đọc sách xem tranh có loan tin nhận định sơ lược của Hàm Thạch về tập thơ đầu tay “Tôi Không Còn Cô Độc” của Thanh Tâm Tuyền, Trần Lê Nguyễn điểm vở kịch của đồng nghiệp kịch tác gia Vi Huyền Đắc, Nguyên Sa đọc sách triết đông Trang Tử Tinh Hoa của Nguyễn Duy Cần và Trường Giang (không rõ là ai) viết về hội nghị quốc tế về thơ tại Bruxelles trong Tháng Chín vừa đó, cho thấy có tới 200 thi sĩ toàn cầu đã tới thủ đô nước Bỉ để dự đại hội quần anh về thi ca hấp dẫn nhường nào.

Với ba số báo xuất hiện trong ba tháng chót của năm 1956 hình như Sáng Tạo là tờ tạp chí sớm nhất của miền Nam, Bách Khoa chỉ có mặt vào năm sau, 1957; các tờ Hiện Đại xuất hiện Tháng Tư, 1960, Thế Kỷ Hai Mươi vào Tháng Mười Hai, 1960.

Mai Thảo đã đi sớm hơn nhiều người trong ngành tạp chí văn nghệ, và Sáng Tạo là tờ tạp chí đầu tiên cổ võ cho thơ tự do ở miền Nam. Để ghi dấu sự việc này, tôi chọn một bài thơ tự do đăng trong số Sáng Tạo đầu tiên có đăng thơ (là số 2), và đó là bài sau đây:

Tự Do

Ta là người ta vẫn tự do
Người con gái ta yêu vẫn là hoàng hậu
Giao (Dao) cứa cổ vẫn mở đường cho máu chảy

Ta là người ta vẫn tự do
Sáng ngày mai vẫn là trời sáng
Bàn tay nắm bàn tay là bàn tay nắm chặt
Ngọn cờ chỉ buộc vẫn ngọn cờ bay

Ta là người ta vẫn là ta
Ta là người ta vẫn tự do
Ta đã tan trong nụ cười huynh đệ.
Nguyên Sa (Sáng Tạo số 2, Tháng Mười Một, 1956)

Mời độc giả xem phóng sự “Họa sĩ ViVi – Người tô điểm ký ức tuổi thơ”

MỚI CẬP NHẬT