Tuesday, April 30, 2024

Trở về chốn xưa

Viên Linh/Người Việt

Hằng năm mỗi mùa Giáng Sinh tôi đều từ miền Tây bay về đoàn tụ với các con nơi miền Đông Hoa Kỳ, mấy bố con dắt nhau đi thăm những cảnh cũ, những nơi đã từng đến cả chục lần, đi thăm những công viên xưa, những nhà sách lớn vùng Georgetown, một hai lần trở lại các ngôi trường học khi chúng còn niên thiếu ở hạt Arlington hay Fairfax.

Có lần đi xuống bờ sông Potomac, Maryland, bước trên bãi đá lởm chởm, nhặt mấy miếng đá dẹt như mảnh sành lấy thế ném cho nó trượt nhảy nhiều lần trên mặt nước mà vui. Nhớ khi em gái út còn bé, anh Long bế em trên tay đi trên phố, ra vào các tiệm ăn ở vùng thủ đô, thế mà bây giờ Y Vi đã có gia đình con cái, là tác giả đã thiết kế một công viên xinh đẹp ở Queens, ngoại ô New York.

Ở Virginia một hôm tôi thấy tuyết trở lại sau cả chục năm xa miền lạnh giá. Nhìn tuyết không vui cũng không buồn, nhưng tôi sẽ ở lại với tuyết, dù không thân thiết riêng tư. Thiên nhiên thân thuộc của tôi là mưa hay nắng.

Mây nổi đầu non nước dưới ghềnh
Trôi hoài chảy mãi đến vô tăm
Hành vân lưu thủy mang mang động
Phiêu dạt vô cùng lãng đãng quanh.
(Thơ Viên Linh)

Từ Tháng Tám, 1975, Virginia là mảnh đất đầu tiên tôi chọn để định cư, tới nay đó là quê hương tôi, đó thật sự là quê hương con gái út của tôi, vì cháu được sinh ra tại tiểu bang này, sáu năm khi gia đình tôi rời Sài Gòn đến định cư tại Arlington, lãnh thổ Virginia chỉ cách địa phận thủ đô Hoa Kỳ bằng cây cầu Francis Key, gọi tắt là cầu Key. Ông Key là tác giả bản quốc ca của Hiệp Chúng Quốc Hoa Kỳ. Từ ngôi nhà đầu tiên này chúng tôi chỉ mất khoảng 15 phút là đã bước chân vào thủ đô nước Mỹ, qua cây cầu đó.

Còn nhớ những ngày trăn trở chọn nơi định cư trong khi còn ở trong trại tị nạn. Năm 1975, vào Tháng Ba, trong một phiên họp nội các mở rộng, đọc báo thấy tường thuật Tổng Thống Gerald Ford ra lệnh thành lập ngay bốn trung tâm đón nhận người tị nạn Đông Dương trên đất Mỹ. Có thể có cả các trạm chuyển tiếp ở Guam, hay các nơi khác. Những trung tâm lớn sau đó mọc lên ở Indiantown Gap, Pennsylvania, Illinois, hình như Florida? và California.

Bất chợt gia đình Thanh Nam Túy Hồng rời trại sớm nhất, đi New Jersey. Rồi đến lượt tôi. Trong khi ghi rõ nơi muốn tới là California, nhưng gia đình tôi lại lên chiếc xe buýt chở chúng tôi ra phi trường, song chiếc máy bay không bay về miền Tây cao bồi mà bay về thủ đô Hoa Thịnh Đốn, bỏ chúng tôi xuống đó. Tới đây tôi hiểu được, tôi cũng có khai nơi chọn ao ước của mình là Washington, D.C.

Ngay lúc đầu, ban thiện nguyện có người tò mò nhìn hẳn vào mắt tôi, hỏi tôi vì sao lại xin định cư ở thủ đô, tôi trả lời ngay: “Tôi nghe nói ở Mỹ có hai thư viện lớn có nhiều sách vở tài liệu về Việt Nam nhất là Thư Viện Quốc Hội và Thư Viện Đại Học Cornell ở New York; là người làm báo viết văn, tôi xin về gần một hai nơi đó.” Đã xin và đã được, chúng tôi rời trại Indiantown Gap tới nhà thờ đường số 9 East, và Tháng Tám, 1975, được đưa về một ngôi nhà ở đường số 4 hạt Arlington.

Cuối tháng đọc Newsweek thấy Ford Foundation loan tin sẽ phát ra Học Bổng Đông Dương cuối cùng với trên 200,000 còn lại, tôi nộp đơn kịp ngày 31 Tháng Mười, 1975, với sự nhuận sắc của ông Robert Carruth, và là một trong 18 người được nhận trong hơn 400 đơn xin.

Luận án của tôi nhan đề còn nhớ là “Văn Xuôi Miền Nam Việt Nam 1954-1975.” Nhà thờ Tin Lành ở Đông Washington, DC, đã giới thiệu tôi như thành viên bảo trợ mới nhất. Do bản thảo luận án này, Giáo Sư Trần Quốc Vượng khi từ Hà Nội sang tu nghiệp một tháng ở Boston đã đọc được, và chúng tôi gặp nhau ở California, uống với nhau một chai Beaujolai, nhận nhau là dân Nam Hà “ăn sóng nói gió,” sợ ai có sợ mà nói thì cứ nói.

Ngày lễ Vu Lan ma độ sinh
Người lo cõi chết trần gian bỏ
Giữa đời chồng chất bao oan ức
Thương Thúy Kiều hay Đạm Tiên

Đi đúng sẽ thấy đường về
Không đi sẽ thấy nặng nề bước chân
Đi rồi sẽ hết phân vân
Đường ngang ngõ dọc chẳng lầm được ai

Có em tựa có mưa chiều
Bõ công mây kéo cánh diều bay quanh
Có em mới có tình anh
Bõ công tưới nước vin cành cây khô

Chúng ta châm biếm nhiều rồi
Giờ đây hãy giúp tô bồi văn phong
Mất gà còn chửi du dương
Nữa là mất cả con đường Bắc Nam

Ngàn năm ta chống ngoại xâm
Đặng nay tấp nập Chiêu Quân cứu Hồ
Co chân gìn giữ cơ đồ
Dang tay dâng cả sông hồ trước sau

Một chân vừa bước xuống thuyền
Sao dung mạo đã mấy miền cách xa
Phương Đông nay đã ta bà
Chân mây góc biển đâu là quê hương? (Viên Linh)

Mời độc giả xem phóng sự Việt Nam “Những tiểu mộ vô danh”

MỚI CẬP NHẬT