Monday, April 29, 2024

Elvis Phương và ban nhạc Shotguns

Du Tử Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Năm 19 tuổi, nhạc sĩ Ngọc Chánh bị gọi động viên Thủ Đức. Tuy nhiên, tác giả “Bao Giờ Biết Tương Tư” không thuận hợp với đời binh nghiệp, cho nên một ngày trước khi phải nhập ngũ, ông được Bộ Công Dân Vụ tuyển dụng vào Ban Văn Nghệ của bộ này. Vì vậy, ông được hoãn dịch.

Tuy nhiên, sau ít tháng phục vụ thì ông rời Ban Văn Nghệ Công Dân Vụ. Nhạc sĩ Ngọc Chánh nhận làm trưởng ban nhạc cho phòng trà ca nhạc Hồ Tắm Cộng Hòa, ở đường Lê Văn Duyệt cũ. Tại đây, do sự giới thiệu, gửi gắm của một người bạn tên Tư, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã nhận lời tuyển dụng một thiếu nữ tham gia ban nhạc của ông. Đó là ca sĩ Minh Hiếu.

Thời gian đó, gia đình ca sĩ Minh Hiếu còn ở Bình Long. Cô lên Sài Gòn, ở nhà người quen để học may… “Tuy nhiên chỉ vài tháng sau, Minh Hiếu đã thuộc thêm rất nhiều ca khúc mới và nổi tiếng ngay chỉ trong vòng nửa năm thôi,” nhạc sĩ Ngọc Chánh nhấn mạnh.

Do nổi tiếng quá nhanh, như con chim sớm đủ lông cánh, với sự thuộc lòng hàng chục tình ca nổi tiếng nhất của nền tân nhạc Việt Nam thời đó, nữ ca sĩ Minh Hiếu lập tức được nhiều khiêu vũ trường mời cộng tác.

Một trong những phòng trà ca nhạc mà ca sĩ Minh Hiếu nhận lời cộng tác là khiêu vũ trường Mỹ Phụng. Nhưng cũng chính tại nơi này, những người yêu tiếng hát Minh Hiếu suýt vĩnh viễn mất đi giọng ca và nhan sắc đặc biệt đó.

Nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh kể, ngay từ những ngày đầu, được ông tuyển dụng năm 1961 ở phòng trà Hồ Tắm Cộng Hòa, có lẽ vì nhan sắc lộng lẫy trẻ thơ của Minh Hiếu đã khiến nhiều người trong nam giới, mang bệnh… tương tư.  Một trong những vị “nam nhi” này là đại úy trẻ tuổi, tên Bằng (dư luận đồn đãi ông là con nuôi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm).

Chỉ là một trong hàng chục người theo đuổi mơ ước, xin Minh Hiếu cho… “bàn tay” nhưng Đại Úy Bằng kiên trì và “nổi trội” hơn cả. Khi Minh Hiếu về hát ở khiêu vũ trường Mỹ Phụng, gần bến sông Bạch Đằng, Sài Gòn, tất nhiên, Đại Úy Bằng cũng là một trong những “cây si” có mặt ngay tự buổi đầu ở nơi chốn mới này.

Tác giả ca khúc “Bao Giờ Biết Tương Tư” kể, không biết Đại Úy Bằng tỏ bày tình yêu si mê của ông dành cho Minh Hiếu ở mức độ nào mà, một đêm, trong giờ trình diễn của mình, nữ ca sĩ Minh Hiếu đã cắn lưỡi tự tử. Cô được ban giám đốc vũ trường Văn Phụng, đưa gấp vào nhà thương. May mắn thoát chết…

Vẫn theo nhạc sĩ Ngọc Chánh thì sau scandal này, Đại Úy Bằng đã không còn là “thảm kịch” đeo đẳng ca sĩ Minh Hiếu nữa.

Trong tinh thần sống lại một thời tận hiến tài năng, tâm trí của mình, cho nền tân nhạc miền Nam Việt Nam, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhớ rằng năm 1968, chính quyền Sài Gòn ra lệnh đóng cửa tất cả các phòng trà, khiêu vũ trường… Chính vì thế mà số ca, nhạc sĩ yêu nghề, đã phải chọn giải pháp trình diễn tại những Club Mỹ, phục vụ cho số binh sĩ Hoa Kỳ thời đó, có mặt tại miền Nam.

Ở tình cảnh bất ngờ, ngoài ý muốn này, nhạc sĩ Ngọc Chánh đã chọn quy tụ một số ca nhạc sĩ trẻ như Elvis Phương, Pat Lam (thường được gọi là Pat Lâm), Ngọc Mỹ, Hoàng Liêm… thành hình ban nhạc lấy tên Mỹ là Shotguns, để cùng một số ban nhạc Việt khác, trình diễn cho các Club Mỹ…

Đầu năm 1989, người trưởng ban nhạc Shotguns thấy rằng đã đến lúc phải quay trở lại với nhạc Việt, ông bèn lấy ý kiến của một số cộng tác viên nòng cốt của ông ở ban nhạc Shotguns. Trong số những người thân tín nhất, được nhạc sĩ Ngọc Chánh thăm dò, có ca sĩ Elvis Phương và nữ ca sĩ Ngọc Mỹ. Đó cũng là hai cộng tác viên cật ruột đầu tiên của trung tâm băng nhạc Shotguns. Nhưng tình trạng thực tế phải nói là không đơn giản!

Về Elvis Phương, tác giả ca khúc nổi tiếng “Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang” cho biết: “Tiếng hát cũng như kỹ thuật trình diễn của Elvis gần như hoàn hảo. Không ai có thể kiếm ra lỗi, để chê bai… Nhưng ngặt thay, Elvis lại không hát được nhạc Việt, ngoài nhạc Pháp và Mỹ. Lý do, từ nhỏ Elvis Phương đã sớm theo học trường Pháp.” (1)

Khởi thủy khi tìm về nhạc Việt, Elvis Phương chỉ biết một bài duy nhất là ca khúc “Mộng Dưới Hoa,” thơ Đinh Hùng, nhạc Phạm Đình Chương!

Trước khi cho ra đời trung tâm băng nhạc Shotguns, nhạc sĩ Nguyễn Ngọc Chánh thấy không thể thiếu tiếng hát Elvis Phương… Để xóa đi trở ngại này, ông đã nhờ nhạc sĩ Hoàng Liêm (một thành viên trong ban nhạc Shotguns), bỏ thì giờ và công sức kèm cho Elvis Phương hát nhạc Việt… (2)

Còn ca sĩ Ngọc Mỹ là một trong những tiếng hát hàng đầu của nền tân nhạc Việt, thuở đó. Nhưng: “Rất tiếc, không lâu sau khi trở về với nhạc Việt, Ngọc Mỹ đã theo chồng về Mỹ. Cô bỏ hát, cho đến ngày hôm nay,” nhạc sĩ Ngọc Chánh nói.

Dù là người rất cẩn trọng từ chuyện lớn, tới chuyện nhỏ, làm việc gì cũng bàn bạc với anh chị em đồng chí hướng, nhưng sự ra đời của trung tâm băng nhạc Shotguns đã bất ngờ gặp phải trở ngại rất lớn: Làm sao phát hành? Mà trong thời gian say sưa với dự tính, tất cả mọi người đều không nghĩ tới!

Thuở mới trình làng, trung tâm băng nhạc Shotguns, vốn là một trung tâm “vô danh,” so với những trung tâm băng nhạc khác như Asia của nhóm Lê Minh Bằng (3) hay hãng đĩa Sóng Nhạc của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (4)…

Khi đã lỡ leo lên lưng cọp, đối đầu với thực tế, nhạc sĩ Ngọc Chánh mới ngỡ ngàng vì không biết làm cách nào để có thể gửi băng đi các tỉnh miền Nam cũng như miền Trung!

Cuối cùng, con chim đầu đàn của trung tâm Shotguns nhớ tới một số người quen ở cơ sở phát hành báo Nam Cường. Ông liền tìm tới và được cơ sở này nhận giúp, bằng cách gửi kèm băng nhạc Shotguns theo chuyến gửi sách, báo đi các đại lý.

Tuy nhiên, sau khi giải quyết được khâu phát hành, thì Shotguns lại đụng phải một rào cản tâm lý cũng bất ngờ, mạnh mẽ không kém. Đó là sự tẩy chay, quay lưng của khán giả tại các tỉnh: Các tỉnh đồng loạt không chấp nhận ca khúc “Một Trăm Phần Trăm Em Ơi,” sáng tác của Ngọc Sơn-Tuấn Hải trong trong băng nhạc Shotguns #1. Các đại lý đã gửi trả về cho Shotguns tất cả số băng nhạc nhận được… (5)

Tới hôm nay, nhìn lại, những người sản xuất băng nhạc thời đó, vẫn không thể có được một kết luận rõ ràng, dứt khoát về câu hỏi tại sao ca khúc kể trên lại đưa tới bước khởi đầu thất bại nặng nề cho Shotguns? Khi nội dung của ca khúc, chỉ có tính cách giải trí, mua vui một cách dễ dãi mà thôi: “Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm/ Một trăm em ơi chiều nay một trăm phần trăm/ Người yêu anh ơi giờ đây lại cấm trại rồi/ Nào đâu nàng biết tâm tư người lính/ Lòng anh nao nao mỗi khi ta hẹn nhau/ với em tâm tình/ Xin em nhớ cho rằng lính hay đa tình/ nhưng mãi mãi vẫn yêu chỉ yêu một người/ một người mà thôi và yêu trọn đời…” (Du Tử Lê)


Chú thích:

(1) Đầu thập niên, 1990, khi gặp lại nữ danh ca Thái Thanh ở Orange County, chúng tôi hỏi bà, theo đánh giá của bà thì trong số những ca sĩ lớp sau của Sài Gòn thuở trước 1975, bà có “chấm” được ai không? Người nữ danh ca được mệnh danh là “Tiếng Hát Vượt Thời Gian,” không ngập ngừng, trả lời ngay rằng, theo đánh giá chung của toàn Ban Thăng Long thì bên nam giới, Thăng Long “chấm” Elvis Phương và, nữ giới lớp sau, Thăng Long chọn Carol Kim.

(2) Nhạc sĩ Ngọc Chánh cho biết, thời trước Tháng Tư, 1975, ở Sài Gòn, nhạc sĩ Hoàng Liêm là một trong những người chơi guitar hay nhất. Vì họ Hoàng chỉ chơi trong ban nhạc mà, không sáng tác ca khúc, nên ngoài giới hầu như rất ít biết tên tuổi ông.

(3) Lê Minh Bằng là tên tắt, ghép lại của ba nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng.

(4) Thời đó, hãng đĩa Sóng Nhạc nghiêng về cổ nhạc nhiều hơn tân nhạc. Nhưng thị trường của Sóng Nhạc rất lớn. Nhất là ở các tỉnh miền Nam.

(5) Tới hôm nay, tự điển bách khoa toàn thư Wikipedia-mở, vẫn còn ghi theo chú thích của một số trang nhà hay bloger rằng, đó là sáng tác của Vũ Chương! Ngoài ra giai đoạn cuối thập niên 1980, vì chưa có hiện tượng Mai Lệ Huyền, nên ca khúc “Một Trăm Phần Trăm Em Ơi,” do một mình Hùng Cường đơn ca, nhạc sĩ Ngọc Chánh nhấn mạnh.

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Giải quyết vấn đề của các em bằng sự đồng thuận”(Phần 2)

MỚI CẬP NHẬT