Monday, April 29, 2024

Họp mặt đồng hương núi Ấn sông Trà Hè 2018

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 22 Tháng Bảy, tại nhà hàng Paracel Seafood trên đường Brookhurst trong thành phố Westminster, đồng hương vùng núi Ấn sông Trà đã có cuộc họp mặt Hè thường niên để trước là hội ngộ đoàn viên, sau là cùng nhau vinh danh các con em trong hội đã đạt được thành quả giáo dục trong niên học vừa qua, đồng thời bầu lại Ban Chấp Hành cho nhiệm kỳ mới.

Ông Trần Đường, hội trưởng và cũng là trưởng ban tổ chức trong bài diễn văn khai mạc cho biết: “Hơn 30 năm qua, chúng ta đã cùng nhau đóng góp ý kiến, công sức và cả tiền bạc để duy trì được sự sinh hoạt của hội cho đến ngày nay. Cuộc họp mặt Hè năm nay chúng ta lại có dịp cùng nhau tuyển chọn một tân ban chấp hành cho nhiệm kỳ tới. Chúng tôi mong cuộc bầu cử này sẽ đem lại cho chúng ta một Ban Chấp Hành mạnh mẽ qui tụ được nhiều người có tinh thần hăng say duy trì và phát triển sự sinh hoạt của hội.

Trong dịp này cựu tỉnh trưởng tỉnh Quảng Ngãi, Đại Tá Lê Bá Khiếu đã lên đóng góp ý kiến. Ông nói: “Hội chúng ta ra đời được ba thập niên. Trong thời gian ấy, nhiều vị hội trưởng đã được đồng hương tín nhiệm nên đã phải ở lại tới 2, 3 nhiệm kỳ. Điều đó chứng tỏ các vị ấy đã đóng góp tích cực vào việc duy trì và phát triển cho hội ngày một tốt đẹp hơn. Nhưng trong thời gian qua, cũng không tránh được một vài xáo trộn, song rất may là trong sự nhường nhịn hiểu biết của mọi người nên tất cả đã qua đi và hội chúng ta vẫn duy trì được tình đoàn kết để cùng nhau phát triển hội vững bền hơn, thích hợp với sinh hoạt của đồng hương Quảng Ngãi.”

Cựu đại tá tỉnh trưởng và ông hội trưởng đều nhấn mạnh đến tinh thần chống Cộng của hội và điều kiện để được đồng hương tín nhiệm vào chức vị hướng dẫn sinh hoạt của hội. Đó là tinh thần phục vụ lợi ích chung và khả năng cũng như điều kiện thời gian phục vụ hội.

Ông Trần Đường chủ tịch Hội Đồng Hương Quảng Ngãi. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Đại diện đến từ Georgia cho chúng tôi biết bà tên là Trần Thị Cảnh, người gốc quận Nghĩa Hành, Quảng Ngãi, sinh trưởng và lớn lên ở Quảng Ngãi, chưa từng đi đâu. Bà kể: “Sau năm 1975, gia đình chúng tôi bị đuổi đi vùng kinh tế mới, tôi phải chấm dứt đời học trò và trở thành một nông dân ngày đêm vất vả với cuộc sống thiếu thốn cực nhọc trăm bề. Nhưng may mắn tôi được gia đình bảo lãnh và qua được Hoa Kỳ để nay hàng năm có được những cuộc gặp gỡ bạn bè xưa ở Mộ Đức, Đức Phổ, Sơn Tịnh, Sa Huỳnh… để được nghe lại tiếng Quảng. Thế này thật là quá tuyệt vời, nào có ai đoán trước được. Nhưng có điều buồn là không biết sang năm còn có gặp lại nhau được nữa không vì lớp chúng tôi nay đều đã trọng tuổi cả rồi.”

Không bi quan như đại diện về từ Georgia, cô Nguyễn Thị Kiệt, một thành viên trong ban Văn Nghệ Quảng Ngãi kể: “Em sanh trưởng ở Quảng Ngãi, học trường Quảng Ngãi Nghĩa Thục, lớn lên lấy chồng người Quảng Ngãi, chưa từng ra khỏi Quảng Ngãi vào trước năm 1975. Sau năm 1975, đời sống quá cơ cực và luôn bị nghi ngờ theo dõi, nhà em đã phải liều vượt biên và may mắn tới được Hoa Kỳ. Và điều may hơn cả là nhà em vẫn không thay lòng đổi dạ mà sốt sắng bảo lãnh cho hai mẹ con em được đoàn tụ với nhau vào năm 1981. Cho đến nay, năm nào vợ chồng con cái chúng em đều đến tham dự bất cứ buổi họp mặt nào của đồng hương Quảng Ngãi để tìm vui chia sẻ cùng bà con mình.”

Kỹ sư Trương Ngãi Vinh, cựu chủ tịch Ban Chấp Hành Cộng Đồng Việt Nam Nam Cali cho biết cũng là người Quảng Ngãi, có mặt tại Mỹ trong chương trình đoàn tụ nhân đạo của chính phủ Hoa Kỳ, tâm sự: “Rời Quảng Ngãi khi còn ít tuổi nên không có nhiều kỷ niệm, nên đó là lý do tôi không bao giờ thiếu vắng trong các buổi hội ngộ của đồng hương vì tôi muốn dự để được biết nhiều hơn về quê hương gốc gác của mình.”

Đặc San Quảng Ngãi qua các năm được ban tổ chức tặng mọi người tham dự. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Một cựu quân nhân không là người Quảng Ngãi nhưng đến với đồng hương Quảng Ngãi bằng một tình thân thiết như người cùng quê, nói: “Sở dĩ tôi thấy thân yêu với đồng hương Quảng Ngãi vì đó là thời gian đầu đời trong quân ngũ phải sống trong một thị xã đìu hiu. Cả thị xã chỉ có vài con đường tráng nhựa như Độc Lập, Quang Trung, Phan Bội Châu… mà chỉ ‘đi dăm phút đã về chốn cũ’. Chính cái đìu hiu của thị xã Quảng Ngãi đã ghi đậm những ngày đầu ở đơn vị khiến tôi cứ nhớ đến mãi. Cho nên họp mặt đồng hương Quảng Ngãi, tôi thường đến tham dự dù nhìn quanh chẳng có ai là quen biết hết.”

Trong suốt cuộc sinh hoạt, ban văn nghệ Quảng Ngãi đã trình bày một chương trình ca nhạc khá là sống động với những ca khúc của một thời chinh chiến từng làm sôi sục bầu máu nóng thanh niên.

Quảng Ngãi tuy là miền đất nghèo nhưng là một vùng đất có hai địa danh là núi Ấn và sông Trà mà vua Tự Đức nhà Nguyễn đã liệt núi Ấn vào hạng danh sơn và sông Trà Khúc vào hạng đại xuyên (sông lớn). Ngoài ra trên núi Ấn còn có mộ nhà yêu nước lừng danh Huỳnh Thúc Kháng.

Ai mê mì Quảng và kẹo gương thì không thể không biết đến Quảng Ngãi.

Quí độc giả muốn liên lạc với hội đồng hương Quảng Ngãi, xin gọi (714) 454-2652, (714) 696-4721.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT